[Research Contribution] Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường trong việc giáo dục ý thức giữ gìn môi trường cho sinh viên hướng tới Đại học Xanh

7 Tháng Năm, 2025

Từ khóa: Bảo vệ môi trường, đại học xanh, tư tưởng Hồ Chí Minh, sinh viên UEH.

Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường là việc làm thật sự cần thiết và cần được chú trọng trong bối cảnh hiện nay. Trong rất nhiều bài nói, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường, những luận điểm đó có ý nghĩa lý luận và thực tiễn vô cùng quan trọng. Trên cơ sở kết hợp các phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, nhóm tác giả thuộc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) muốn làm rõ nhận thức của sinh viên UEH về tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc bảo vệ môi trường, cũng như nhận thức, hành động của sinh viên về việc bảo vệ môi trường hướng tới xây dựng đại học xanh. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường vào việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên, hướng tới xây dựng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thành đại học xanh theo định hướng phát triển bền vững mà Đảng đã đề ra.

Thumb Lớn Thương Hiệu Học Thuật Mới (4)

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đưa đất nước trở thành nước phát triển. Quá trình này khiến nước ta đối mặt với nhiều thách thức về môi trường như: ô nhiễm môi trường, suy thoái đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu… Để đối phó với những thách thức này, nhiều chủ trương và chính sách về bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành. Tuy nhiên, để xây dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng cho đất nước, việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm và ứng phó với biến đổi khí hậu phải được coi là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Nhằm đẩy mạnh ý thức BVMT, UNESCO (2021) đã kêu gọi đưa giáo dục môi trường trở thành một thành phần cốt lõi trong chương trình giảng dạy ở tất cả các quốc gia vào năm 2025. Trong đó, Tổng giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay cho rằng: “Giáo dục phải chuẩn bị cho người học hiểu được cuộc khủng hoảng hiện tại và định hình tương lai. Để cứu hành tinh của chúng ta, chúng ta phải thay đổi cách chúng ta sống, sản xuất, tiêu thụ và tương tác với thiên nhiên. Việc tích hợp giáo dục phát triển bền vững (PTBV) vào tất cả các chương trình học phải trở thành nền tảng, ở mọi nơi”.

Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) được thành lập năm 1976, là một trong các đại học trọng điểm quốc gia, một trong những trung tâm đào tạo hàng đầu về kinh tế, quản trị kinh doanh ở khu vực phía Nam cũng như cả nước. Trong quá trình quốc tế hóa và tái cấu trúc trở thành Đại học Đa ngành và Bền vững, UEH đã đặt ra mục tiêu xây dựng đại học xanh (ĐHX) bền vững với nhiều hoạt động thiết thực. Điều đó đã làm chuyển biến nhận thức của sinh viên (SV) trong việc BVMT. 

Tuy nhiên, để thúc đẩy sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, việc nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về BVMT vào việc giáo dục ý thức BVMT cho SV là hết sức cần thiết. Việc làm này sẽ góp phần nâng cao ý thức giữ gìn môi trường sống cho thế hệ trẻ, trong đó có SV UEH. Ngoài ra, góp phần vào việc tạo ra những tiền đề, giúp Việt Nam vượt qua những thách thức về môi trường trong giai đoạn hiện nay để hướng tới mục tiêu PTBV. Bên cạnh phân tích các quan điểm của Hồ Chí Minh về BVMT, coi đó là nền tảng cho các hành động tích cực của SV đối với môi trường, nghiên cứu này còn kiến nghị một số giải pháp nhằm giáo dục ý thức BVMT cho SV UEH, nó cũng có thể áp dụng cho SV trong các trường đại học khác, nhằm hướng tới hướng đến xây dựng các ĐHX, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Nghiên cứu được tiến hành bằng cách sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Các phương pháp nghiên cứu định tính như: lịch sử, logic, so sánh đối chiếu, tổng hợp, phân tích… được sử dụng nhằm phân tích, đánh giá các quan điểm của Hồ Chí Minh về BVMT và ảnh hưởng của các quan điểm ấy đối với ý thức, thái độ BVMT của SV, qua đó đưa ra các kết luận khoa học có giá trị tham khảo cho vấn đề nghiên cứu.  

Quan điểm của Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường sinh thái

Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của BVMT, coi việc BVMT và khai thác tài nguyên hợp lý là cơ sở, tiền đề quan trọng để đáp ứng nhu cầu tồn tại, phát triển của con người và xã hội. Do đó, đối với Người, song hành với việc bảo vệ Tổ quốc thì BVMT cũng là một trong những mục đích vô cùng quan trọng. Bởi vì, khi môi trường được bảo vệ, cuộc sống của nhân dân cũng sẽ được bảo vệ bền vững. Người đã đưa những quan điểm của mình về BVMT vào trong những bài viết, câu chuyện, phong trào để truyền tải tới cán bộ, nhân dân.

Để BVMT, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến việc trồng cây, trồng rừng. Người coi việc trồng cây, trồng rừng là việc hết sức cần thiết và rất quan trọng. Thực tiễn đất nước ta, nhiều vùng luôn phải đối phó với thiên tai, lũ lụt, nên ngay khi hòa bình lập lại, Người đã phát động nhiều phong trào về trồng cây và bảo vệ rừng, trong đó, có “Tết trồng cây”. Người căn dặn, trồng cây phải biến thành phong trào, cần được tiến hành thường xuyên. Mục đích là để phong cảnh ngày càng tươi đẹp, góp phần làm cho khí hậu ôn hòa hơn, giúp hạn chế việc xói mòn, hạn chế thiệt hại khi có thiên tai, lũ lụt. Người nói: “Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Để làm gương cho nhân dân, Bác cùng các đồng chí trong Đảng cũng đã tận lực trồng cây, trồng rừng. Bác khẳng định việc trồng cây, gây rừng là việc “tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều… Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Cho đến lúc ra đi, di nguyện của Bác vẫn căn dặn chúng ta thường xuyên trồng cây, gây rừng, bảo vệ thiên nhiên. Người viết trong Di chúc: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”

Hồ Chí Minh cho rằng, mối quan hệ mật thiết giữa thiên nhiên với con người và sự tương tác giữa con người với nó là cơ sở, là tiền đề để thực hiện “dân giàu, nước mạnh”. Người cho rằng khai thác tài nguyên hợp lý đi đôi với bảo vệ tài nguyên, BVMT “sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta…”. Bởi vì “rừng quý như vàng”, có giá trị vô cùng to lớn, chúng ta cần khai thác rừng để phát triển kinh tế – xã hội, đi đôi với trồng rừng thay thế và bảo tồn rừng nhằm phát huy bền vững lợi thế to lớn của nó. Đặc biệt, trong bối cảnh “Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy, thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ”. Hàm ý của Người nhấn mạnh ý nghĩa căn bản của trách nhiệm ích nước, lợi dân trên mọi khía cạnh, từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến môi trường. Các nguồn tài nguyên rừng quý giá khác bao gồm cây ăn quả, cây lấy củi và cây công nghiệp cũng hết sức quan trọng. Người nói: “Cây ăn quả, cây làm củi, cây công nghiệp cũng là nguồn lợi to lớn. Cũng nên ra sức trồng cây để chống gió cát, bảo vệ ruộng, chống xói mòn”. Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, muốn BVMT sống, chúng ta cần trồng rừng, gìn giữ và bảo vệ thiên nhiên. Muốn làm được như vậy, chúng ta cần tích cực thúc đẩy giáo dục, tuyên truyền cho ý thức cho mọi người. Người cho rằng: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích của trăm năm nên trồng người”. Như vậy, trồng cây, gây rừng để không chỉ góp phần gìn giữ BVMT sống mà còn thúc đẩy việc phát triển đời sống kinh tế xã hội của con người, mang lại nhiều giá trị trong cuộc sống về cả khía cạnh sức khỏe thể chất và tinh thần.

Bên cạnh khuyến khích trồng cây, gây rừng, Hồ Chí Minh đã thường xuyên cảnh báo việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách quá mức và vô trách nhiệm, có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực và tác hại vô cùng to lớn, bởi lẽ nó chắc chắn sẽ gây ra hủy hoại môi trường sống không chỉ cho con người chúng ta mà còn là môi trường cho hàng ngàn loài sinh vật khác. Việc tàn phá rừng đã trực tiếp tác động tiêu cực nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất và khí hậu. Chính vì vậy, Người đưa ra những đề xuất cần đặc biệt chú ý đến việc bảo tồn rừng: “phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng. Nếu rừng kiệt thì không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lụt lội và hạn hán”. Hồ Chí Minh coi lũ lụt, hạn hán là những địch thủ nguy hiểm, không kém gì giặc ngoại xâm mà nhân dân ta phải hết sức chiến đấu và bảo vệ. Người khẳng định: “Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói ‘thuỷ, hoả, đạo, tặc’. Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt cũng như chống giặc ngoại xâm”. Đối với hạn hán, Người căn dặn: “Để chống hạn, nông dân thi đua đào giếng, khơi mương, cày bừa sớm; khi hạn hán xảy ra, cố gắng tưới nước cho đất. Để ứng phó với lũ lụt, bà con thi đua đắp, sửa, giữ đê điều, giữ rừng xanh tốt”. Những trận lũ lụt, hạn hán trong thời gian qua đã cho thấy tầm nhìn vượt thời đại của Bác về BVMT, đặc biệt là việc trồng rừng và bảo vệ rừng. 

Cùng với việc BVMT sinh thái, Hồ Chí Minh cũng dành sự quan tâm đến việc BVMT sống của nhân dân. Người đã đưa “vệ sinh phòng bệnh” vào nội dung của phong trào thi đua yêu nước. Và cũng chính Người đã khởi xướng phong trào “Vệ sinh yêu nước”, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tạo thành những phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Mục đích của nó là để tạo dựng một môi trường sống trong sạch, lành mạnh, khoa học, không những duy trì sự tồn tại của mình mà còn thúc đẩy sự phát triển của toàn thể xã hội và thế giới loài người. Đối với Người, sức khỏe của nhân dân luôn phải được đưa lên hàng đầu. Người luôn căn dặn nhân dân phải dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chớ uống nhiều nước lã, phải luôn “giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, ở sạch thì sức mới khỏe, sức càng khỏe thì lao động càng tốt”. Như vậy, có thể thấy Bác rất quan tâm tới nhân dân, thể hiện tính nhân văn vô cùng to lớn. Trong tư tưởng của Người, BVMT chính là bảo vệ cuộc sống của bản thân người dân. Người dân muốn có cuộc sống khỏe mạnh, ít bệnh tật thì phải ra sức BVMT, bởi nước chúng ta ăn, khí chúng ta thở đó là môi trường và môi trường đó có trong sạch hay không là do ý thức của mỗi con người. Trong thời kỳ chiến tranh, do sự ảnh hưởng của yếu tố bom mìn, đất nước ta bị ô nhiễm nghiêm trọng. Người đã tố cáo Mỹ đã dùng máy bay B52 ném bom trải thảm trên đất nước ta, Người cũng lên án các nước đế quốc thử bom nguyên tử, hạt nhân trên biển làm ô nhiễm vùng biển nói riêng và môi trường sống của nhân loại nói chung.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về BVMT chính là “lá cờ đầu” soi lối cho nhân dân ta cùng chung tay, góp sức dựng xây một đời sống xã hội “dân giàu, nước mạnh”, phát triển nhanh và bền vững. Đối với thế hệ trẻ, trong đó SV lực lượng nòng cốt, đi đầu trong vấn đề BVMT thì tư tưởng của Hồ Chí Minh về BVMT giữ vị trí trọng yếu, định hướng cho họ trong tiến trình BVMT của đất nước. Do đó, việc lồng ghép những ý nghĩa thực tiễn và giá trị cốt lõi của nó vào học phần tư tưởng Hồ Chí Minh và các học phần có liên quan để giáo dục về ý thức BVMT cho SV là việc cần phải làm ngay.

Các hoạt động hướng tới xây dựng đại học xanh

Khái niệm đại học xanh mặc dù xuất hiện vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, nhưng đến nay còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Theo Tuyên bố Talloires, ĐHX được hiểu là mô hình giáo dục hướng đến sự PTBV, kết hợp hài hòa giữa việc đào tạo, nghiên cứu và hoạt động cộng đồng hướng tới BVMT và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Vũ Thành Trung (2012) cho rằng, ĐHX cần hội tụ được các tiêu chí: Có chương trình giáo dục, đào tạo xanh, trong đó quan điểm về PTBV phải trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt các môn học, hình thức hoạt động, sinh hoạt, quá trình đào tạo. Triết lý đào tạo, công tác giảng dạy, học tập phải gắn liền với mục tiêu PTBV; Có cơ sở vật chất, không gian xanh, sạch với các công trình được xây dựng theo nguyên lý “kiến trúc xanh”, tận dụng hiệu quả năng lượng ánh sáng mặt trời, gió, nước mưa và ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, tiết kiệm tối đa điện năng, xây dựng, hiện đại hóa các phương pháp xử lý môi trường, tái sinh chất thải; Xây dựng được mối quan hệ “xanh” giữa con người với thiên nhiên và môi trường sống xung quanh. Việc điều hành và quản lý phải trên quan điểm PTBV mà trung tâm là hội đồng ĐHX nhằm xây dựng một phong cách làm việc, giao tiếp, sinh hoạt thấm đậm ý thức văn hóa “xanh”. Tham gia tích cực vào việc PTBV trong cộng đồng như: khuyến khích phát triển hệ thống di chuyển xanh, áp dụng các tiêu chuẩn hạ tầng cơ sở xanh ngoài ranh giới của trường…”. 

Trong những năm gần đây, các trường đại học ở Việt Nam cũng đã tích cực trong việc xây dựng ĐHX nhằm hướng tới PTBV, trong đó có Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh – UEH. Tháng 11/2021, UEH xây dựng và triển khai chiến lược trở thành Đại học Đa ngành và Bền vững giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2030. Để thực hiện chiến lược này, dự án ĐHX – Green Campus đã ra đời với trụ cột là vận hành nghiên cứu, phát triển và triển khai các phương án phân loại rác, xây dựng khuôn viên xanh, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng trong và ngoài UEH. Ngoài ra, UEH cũng đã ra mắt nhiều hoạt động thực tế nhằm nâng cao nhận thức về BVMT cho SV, tiêu biểu là chương trình “UEH Green Campus 2023 – Green Life Day, Thế Giới Sạch, Tâm Hồn Xanh”. Đây là cơ hội tốt để SV tiếp xúc với kiến thức về quản lý rác thải và quy trình phân loại chúng. SV không chỉ được khuyến khích hành động từ việc thảo luận về việc phân loại rác và bỏ rác đúng thùng, mà còn được tham gia vào các hoạt động sáng tạo và giải trí sau những giờ học căng thẳng. Sự thú vị của sự kiện này còn nằm ở việc SV có thể trải nghiệm các sản phẩm thiên nhiên và tận hưởng không gian một cách thực tế hơn về việc BVMT. Ngoài ra, dự án “UEH Zero Waste Campus – Đại học UEH không rác thải” cũng đã được tổ chức, đánh dấu sự hợp tác hiệu quả giữa UEH và Liên minh không rác Việt Nam (VZWA). Đây là dự án tiên phong tại Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam, thể hiện sự quyết tâm, tầm nhìn xa hơn trong việc giải quyết vấn đề rác thải của lãnh đạo UEH. “UEH Zero Waste Campus” đã nêu ra một loạt các giải pháp sáng tạo, nhấn mạnh vào mô hình 3R (Giảm – Tái sử dụng – Tái chế) để phân loại và xử lý rác thải. Dự án này còn chú trọng vào việc áp dụng công nghệ trong giáo dục và truyền thông, tập trung vào người sử dụng để họ thấy rõ hơn về lợi ích của dự án và khích lệ sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn. Không những thế, dự án còn đóng góp vào việc truyền cảm hứng, thay đổi tư duy và hành vi của thế hệ trẻ, mở ra một tương lai xanh hơn cho môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, UEH còn ban hành Quy định về việc thực hành ĐHX tại tất cả các cơ sở, đưa học phần PTBV vào giảng dạy từ năm 2024. Những nỗ lực của UEH không chỉ giới hạn ở việc tạo ra nhận thức về môi trường cho SV, mà còn đi xa hơn bằng việc thực hiện các dự án thực tế, giúp SV áp dụng kiến thức, thay đổi hành vi trong việc BVMT, thúc đẩy tư duy xanh, hành động xanh trong môi trường giáo dục.

Sự hiểu biết của sinh viên UEH đối với tư tưởng Hồ Chí Minh về BVMT và trách nhiệm trong việc BVMT tại trường học  

Dữ liệu khảo sát từ 320 SV cho thấy, đa phần đã biết đến tư tưởng Hồ Chí Minh trong chương trình chính khóa. Đây là tiền đề tốt cho việc lồng ghép vấn đề BVMT vào môn học này để giáo dục cho SV. Kết quả khảo sát cũng cho thấy có tới 62% SV cho rằng, trách nhiệm BVMT thuộc về cả SV và người lao công, nhưng cũng có tới 29% SV không nhận thức được trách nhiệm của mình khi cho rằng đó là việc của lao công. Số lượng SV hiểu và rất am hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc BVMT chỉ chiếm 18%, trong khi đó số SV không hiểu và hiểu không rõ chiếm tới 40%. Điều đó cho thấy việc tiếp cận với tư tưởng Hồ Chí Minh về BVMT và ý thức trách nhiệm về BVMT của SV UEH có sự liên hệ và cần phải cải thiện. 

Biểu đồ 1 và 2: Mức độ hiểu biết của SV về các quan điểm BVMT của Hồ Chí Minh và đối tượng có trách nhiệm trong việc BVMT tại trường đại học

Picture2

Nguồn: Nhóm tác giả tự tổng hợp

Do đó, chúng ta cần phải tập trung nâng cao hiểu biết về quan điểm BVMT của Hồ Chí Minh, thúc đẩy việc học tập được tấm gương, tư tưởng của Hồ Chí Minh về BVMT, giúp SV hiểu rõ hơn về trách nhiệm và vai trò của mình trong việc duy trì môi trường bền vững. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, SV hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên với độ tin cậy rất cao; SV có cái nhìn đúng đắn về các vấn đề môi trường quốc gia; SV có thái độ đúng đắn và rất tích cực với vấn đề môi trường, đặc biệt là với việc tái chế và sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường; SV có nhận thức và thái độ tốt, nhưng hành vi thực tế trong việc BVMT vẫn còn hạn chế. Kết quả này chỉ ra rằng, dù SV đã có những nhận thức và quan điểm tích cực về môi trường, nhưng vẫn cần có các biện pháp khuyến khích mạnh mẽ hơn để thúc đẩy hành động thực tiễn, góp phần BVMT một cách hiệu quả hơn trong tương lai. Ngoài ra, các SV tham gia nghiên cứu nhận thức tốt vai trò, trách nhiệm của mình về BVMT, đặc biệt là trong các vấn đề quốc gia và cộng đồng. Tuy nhiên, có sự không nhất quán giữa nhận thức và hành vi thực tế. Do đó, vẫn cần nhiều nỗ lực để chuyển hóa nhận thức thành hành động, đảm bảo các hành vi BVMT được thực hiện một cách thực tế và bền vững hơn. 

SV nhận thức được hành động của họ có ảnh hưởng đến môi trường, những SV có ý thức rõ ràng và hành động thực tế về BVMT hay những SV có thái độ tích cực đối với việc tái chế và tái sử dụng chất thải thường có thái độ tích cực hơn đối với BVMT. Tuy nhiên, sự hiểu biết của SV về vấn đề môi trường chưa đủ sâu hoặc chưa được chuyển hóa thành hành động cụ thể để ảnh hưởng đến thái độ của họ, họ có thể cảm thấy những vấn đề môi trường quốc gia quá xa vời và ngoài tầm kiểm soát, đồng thời có cảm giác lạc quan hay hoài nghi về hiệu quả của các giải pháp BVMT hiện tại. Do đó, cần thiết phải tăng cường giáo dục, nhằm nâng cao hiểu biết về môi trường, nâng cao ý thức TNCN trong việc thúc đẩy nhận thức và hành động BVMT.

Sinh viên UEH hành động vì môi trường, hướng đến đại học xanh

Từ dữ liệu khảo sát cho thấy, hầu hết SV UEH đều biết phải làm gì để giữ một môi trường ĐHX, bền vững (biểu đồ bên trái). Từ đây có thể nhìn được SV cũng biết được tầm quan trọng của truyền thông và giáo dục trong BVMT. Đây là một yếu tố khá thuận lợi cho việc đưa quan điểm của Hồ Chí Minh về BVMT vào giáo dục cho SV, người học. Bên cạnh đó, việc tiết kiệm năng lượng, tận dụng những nguồn nguyên liệu sạch cũng như tạo ra những hành động giữ gìn và bảo vệ các khu vực xanh cũng được SV biết tới và nhận thức được tầm quan trọng của nó. Chứng tỏ, ý thức về BVMT cũng dần gia tăng trong cộng đồng SV UEH.

Biểu đồ 3 và 4: Những việc SV phải làm (trái) đã, đang và sẽ làm (phải) để chung tay giữ gìn môi trường, góp phần xây dựng ĐHX

Picture1

Nguồn: Nhóm tác giả tự tổng hợp

Dựa trên số liệu thu được từ khảo sát về hành động của SV UEH để xây dựng một ĐHX bền vững ở biểu đồ bên phải, ta có thể thấy các việc làm được đưa ra chiếm tỷ trọng khá cao, chênh lệch giữa các ý không nhiều, cho thấy đây đều là những việc cần thiết và nên làm để có thể xây dựng ĐHX và bền vững. Việc tích cực thực hiện lối sống xanh như tái chế và TSD chiếm 81.3% thể hiện thái độ nghiêm túc và quan tâm đến việc duy trì môi trường sống lành mạnh của SV UEH. Sự ủng hộ với tỉ lệ 79.1% về sử dụng sản phẩm thiên nhiên có tính ứng dụng cao và sản phẩm dễ phân hủy, ít gây tổn hại là biểu hiện rõ ràng về việc tạo ra môi trường sống sạch sẽ và bền vững, cho thấy nhận thức của SV UEH về việc hạn chế sử dụng các sản phẩm có thể gây hại cho môi trường khá cao. Một dấu hiệu tích cực về vấn đề ô nhiễm môi trường là có 77.8% SV được khảo sát đã sẵn sàng thay đổi thói quen đi lại cá nhân của họ để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường. Hoạt động tham gia thiện nguyện vì môi trường cũng là một kết quả đáng chú ý và tích cực. Điều này cho thấy, phần lớn SV được khảo sát đã nhận thức về đúng về tầm quan trọng và sẵn sàng cống hiến thời gian, công sức của bản thân để tham gia vào các hoạt động nhằm cải thiện môi trường xung quanh. Nhìn chung, kết quả khảo sát cho thấy đa phần SV UEH có một tinh thần tích cực, một nhận thức cao về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường ĐHX và bền vững. Tuy nhiên, để duy trì, thúc đẩy và lan tỏa những hành động này ngày càng mạnh mẽ cũng cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía lãnh đạo Đại học, các phòng, ban chức năng, các cơ quan quản lý trường học cũng như tất cả thành viên trong cộng đồng SV UEH.

Các giải pháp vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về BVMT để nâng cao ý thức BVMT cho sinh viên UEH

Nhằm nâng cao hơn nữa thái độ BVMT cho SV UEH, nhóm tác giả đã đưa ra một số đề xuất sau: 

Thứ nhất, Bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, Khoa Lý luận chính trị (UEH) cần tăng cường việc nghiên cứu nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về BVMT và lồng ghép nội dung này vào quá trình giảng dạy các học phần do Bộ môn và Khoa đảm nhận. 

Thứ hai, lãnh đạo UEH và các trường thành viên, các phòng, ban chức năng, cần: (1) Khuyến khích và tạo điều kiện cho SV tham gia các hoạt động thực tiễn về BVMT như: trồng cây xanh, thu gom rác thải, tiết kiệm năng lượng, sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường… bên trong cũng như bên ngoài khuôn viên trường; (2) Tạo ra một môi trường học tập và làm việc xanh – bền vững cho SV, cán bộ giảng viên bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn xanh trong thiết kế, xây dựng và quản lý các công trình hạ tầng của đơn vị như: sử dụng năng lượng tái tạo, tận dụng ánh sáng tự nhiên, lắp đặt các thiết bị tiết kiệm nước…; (3) Tổ chức các cuộc thi liên quan đến BVMT, lồng ghép yếu tố BVMT trong các cuộc thi, các phong trào Đoàn, Hội, câu lạc bộ đội nhóm…; (4) Hợp tác với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để phổ biến, triển khai các chương trình, dự án, sáng kiến BVMT trong khu vực và quốc gia, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của UEH đối với cộng đồng và xã hội.

Thứ ba, các cơ quan giáo dục, quản lý môi trường và truyền thông cần đẩy mạnh hợp tác để phát triển, tổ chức các chương trình tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn BVMT như: (i) Xây dựng các biển báo, pano, áp phích về môi trường một cách sáng tạo, ấn tượng và trưng bày tại những điểm dễ thấy để tạo sự nhận thức rõ ràng về vấn đề này; (ii) Lồng ghép môi trường vào các hoạt động văn nghệ, thể thao, triển lãm, hội thi sẽ giúp lan tỏa thông điệp BVMT một cách hiệu quả hơn trong cộng đồng SV; (iii) Khuyến khích SV tham gia tích cực vào các hoạt động BVMT, bằng cách tham gia trồng cây, phủ xanh các khu vực trống trên địa bàn, tham gia vào việc mở rộng diện tích rừng, bảo vệ các khu vực đầu nguồn, tham gia vào việc bảo tồn các khu vực thiên nhiên đặc biệt và thực hiện các quy định về vệ sinh công cộng; (iv) Đẩy mạnh việc hình thành, phát triển và củng cố ý thức môi trường cho tất cả SV tại các trường đại học, rèn luyện cho SV các kỹ năng sống thân thiện với môi trường như: phân loại rác, tiết kiệm năng lượng và nước… để đảm bảo tính bền vững của công tác giáo dục BVMT. Những việc làm trên sẽ nâng cao nhận thức của SV về BVMT, từ đó thúc đẩy họ thực hiện những hành động cụ thể hơn để BVMT trong tương lai như: sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm, hiệu quả và hạn chế tác động tiêu cực đối với môi trường sống, giúp hình thành thói quen và thái độ đúng đắn hơn trong việc BVMT hàng ngày.

Thứ tư, bản thân mỗi SV cần phải: Tự trau dồi cho mình những kiến thức về môi trường, tham gia tích cực, chủ động và hiệu quả hơn nữa vào các hoạt động BVMT trong và ngoài trường; Thể hiện ý thức trách nhiệm của bản thân trong việc BVMT từ những hành động nhỏ nhất, qua đó lan tỏa tình yêu môi trường, ý thức BVMT để hướng tới một không gian ĐHX hơn, góp phần PTBV đất nước theo định hướng của Đảng đã đề ra.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh chứa đựng những giá trị về tình yêu thiên nhiên, tôn trọng môi trường sống, quan tâm đến tương lai của toàn xã hội, cũng như đời sống con người. Tư tưởng này không chỉ là nguồn cảm hứng quý báu mà còn là nền tảng triết lý cho việc xây dựng một cộng đồng học thuật xanh và bền vững, không những với riêng UEH, mà còn trong toàn thể các trường đại học cũng như trường học ở các cấp học khác. Do đó, đưa những quan điểm của Hồ Chí Minh vào giáo dục ý thức BVMT cho sinh viên và toàn bộ người học là rất cần thiết, là một hướng đi đúng đắn. Sự kết hợp giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và các vấn đề môi trường đang diễn ra hiện nay đã làm cho ý thức BVMT của sinh viên UEH được củng cố. Không những vậy, ý thức BVMT của sinh viên cũng có ảnh hưởng quan trọng đến việc xây dựng một đại học xanh và bền vững. Vì vậy, việc giáo dục cho SV về ý thức BVMT không chỉ giúp họ thực hiện các hành động BVMT hàng ngày, mà còn tạo nền tảng cho sự tương tác tích cực giữa họ và môi trường xung quanh, lan tỏa những thông điệp có sức ảnh hưởng đến cộng đồng, từ đó góp phần xây dựng một đại học xanh, một tương lai xanh và bền vững. 

Xem toàn bộ bài nghiên cứu Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường trong việc giáo dục ý thức giữ gìn môi trường cho sinh viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới Đại học xanh TẠI ĐÂY.

Nhóm tác giả: Đỗ Minh Tứ, Nguyễn Tiến Đạt, Trần Ngọc Bảo Ngân, Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc – Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem bản tin UEH Research Insights tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Ban Truyền thông và Phát triển đối tác UEH

Giọng đọc: Thanh Kiều

Chân Trang (1)

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021