[Podcast] Tác Động Của Chuyển Đổi Số Trong Phát Triển Đô Thị: Cơ Hội Và Thách Thức Cho Việt Nam (Phần 2) – Chuyển Đổi Số Thành Công Trên Thế Giới và Những Đề Xuất Cho Việt Nam

26 Tháng Mười Một, 2021

Chiến lược chuyển đổi quốc gia và khu vực – Phát triển thành phố bền vững

Để thực hiện, đo lường và phát triển quá trình chuyển đổi số, rất nhiều tổ chức trên thế giới như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ủy ban châu Âu, Economist Intelligence Unit (EIU), GSMAssociation đã đưa ra các chính sách, chương trình chung cho nhiều quốc gia như Khung tích hợp chính sách chuyển đổi số, Khung thực hiện chiến lược chuyển đổi số cho các thành phố và vùng Châu Âu, Chương trình chuyển đổi số của châu Âu, Chỉ số kinh tế số và xã hội số Châu Âu, chỉ số chuyển đổi số châu Á, chương trình đánh giá xã hội số một số quốc gia Châu Á, bên cạnh các chương trình của mỗi quốc gia.

Ở giai đoạn mới bắt đầu, hầu hết các chính sách và chương trình chuyển đổi số của châu Âu đều tập trung nhiều vào khía cạnh kinh tế như tăng cường khả năng cạnh tranh, hiện đại hóa ngành công nghiệp nhằm đảm bảo tính bền vững trong sản xuất v.v… Tại Châu Á, các chương trình số hóa tại các quốc gia như Nhật Bản và Malaysia cũng gắn liền với lĩnh vực kinh tế và tầm nhìn theo chủ nghĩa kinh tế (Anchordoguy, 2015; Athique, 2019).

Sau một quá trình thực hiện, châu Âu cũng đã có sự thay đổi tích cực trong đo lường hiệu quả của chuyển đổi số, đó là sử dụng thêm chỉ số Xã hội số bên cạnh chỉ số Kinh tế số (DESI) (Russo, 2020). Tại Châu Á –Thái Bình Dương, yếu tố xã hội cũng dần được quan tâm trong chuyển đổi số khi GSMAssociation (2020) đã thực hiện nghiên cứu tại 11 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương (Úc, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Malaysia, Pakistan, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam) cho thấy có những tiến bộ đáng kể về mặt xã hội, hướng các quốc gia đến tương lai phát triển xã hội số.

Các nghiên cứu ước tính lợi ích môi trường hoặc tiềm năng giảm thiểu (abatement potential) đã cho thấy chuyển đổi số có thể gián tiếp làm giảm 20% phát thải khí nhà kính, tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn carbon thấp (low-carbon circular economy)  (DigitalEurope, 2019). Nhận thấy mối tương tác giữa chuyển đổi số và môi trường chưa được quan tâm đúng mức trong những năm trước đây, Hội đồng Châu Âu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét và giải quyết thỏa đáng các cơ hội và thách thức của chuyển đổi số đối với môi trường, khí hậu và bảo vệ thiên nhiên thông qua các công cụ-chính sách, góp phần tạo nên sự tiếp cận chuyển đổi số bền vững tại Châu Âu (Liu et al., 2019). Sự ra đời của chương trình Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal) cuối năm 2019 là một minh chứng cho tầm nhìn của Ủy ban Châu Âu về bảo vệ môi trường trong quá trình chuyển đổi số, hướng tới phát triển bền vững (Claeys et al., 2019; Haines and Scheelbeek, 2020). Tại một số nước Châu Á và Châu Phi (Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Kenya, Rwanda, Nam Phi, Nigeria), các chính sách liên quan đến chuyển đổi số đã phần nào nhận thức được tác động của chuyển đổi số đến môi trường (Kunkel et al., 2020).

Chuyển đổi số thành công của một số thành phố trên thế giới

Các thành phố được đánh giá thành công trong chuyển đổi số trên thế giới đều có một chiến lược phát triển thông minh tập trung để (1) giải quyết vấn đề tồn tại tại thành phố của mình hoặc (2) thoả mãn hơn nữa nhu cầu của người dân để hướng tới phát triển thành phố bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư. Các chiến lược chuyển đổi số chỉ có một hoặc hai mục tiêu được xác định rất rõ ràng và cụ thể với các cách thức thực hiện theo các khung phát triển chuyển đổi số của các tổ chức hoặc của quốc gia. Khi tập trung thực hiện một hai mục tiêu này, các lĩnh vực khác cũng được phát triển để góp phần hoàn thiện và thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số toàn diện và trên mọi lĩnh vực. Một lý do thành công nữa của các chiến lược chuyển đổi số, đó là việc xây dựng, phát triển và thực hiện luôn là sự hợp tác của rất nhiều bên liên quan như đại diện chính quyền nhà nước, các công ty/ doanh nghiệp và các trường đại học/ viện nghiên cứu.

Thành phố Sofia (Bulgaria)

Chính quyền đã lựa chọn một vấn đề là “các công ty phần mềm địa phương bị định vị ở vị trí rất thấp” để giải quyết trong chiến lược chuyển đổi số. Mục tiêu của chiến lược là nâng cao chất lượng các sản phẩm CNTT thông qua phát triển các sản phẩm kỹ thuật số và dịch vụ điện tử để đáp ứng nhu cầu của các công ty và tổ chức địa phương. Có 2 lý do chính dẫn tới quyết định lựa chọn phát triển này là vì (1) nhân lực làm việc trong ngành CNTT ở Sofia chủ yếu là gia công phần mềm cho các công ty nước ngoài mặc dù Sofia đứng đầu Châu Âu là một thành phố gia công phần mềm và đứng thứ ba Châu Âu về số lượng công ty khởi nghiệp trong năm 2014, (2) sản phẩm và dịch vụ CNTT nội địa tại Sofia không phát triển, tụt hậu so với các lĩnh vực khác trong việc ứng dụng các dịch vụ số.

Hệ thống siêu máy tính được lắp đặt trong khu công nghệ Sofia – lớn nhất ở Đông Âu

Để giải quyết vấn đề và thực hiện mục tiêu đã đề ra, chính quyền Sofia quyết định xây dựng chiến lược cực kỳ thông minh là tập trung vào phát triển công nghiệp CNTT cho địa phương và hệ sinh thái đô thị nhằm giải quyết lỗ hổng giữa thị trường kỹ thuật số cũng như định hướng xuất khẩu và thị trường kỹ thuật số địa phương. Chiến lược được thực hiện theo khung đề xuất của Ủy Ban Châu Âu, với sự cộng tác của các bên liên quan đến từ khu vực tư và công ở Sofia. Để thực hiện chiến lược chuyển đổi số này thành công, Sofia đã xây dựng một nền tảng tích hợp gồm các bên liên quan như đại diện của chính quyền địa phương, trường đại học/viện nghiên cứu, bộ phận phụ trách ngân sách/tài chính, các công ty và các đơn vị công ích cùng trao đổi và xây dựng và thực hiện chỉ số trưởng thành kỹ thuật số (digital maturity) và phát triển dịch vụ số trong ba lĩnh vực chính: chính quyền, dịch vụ công ích và giao thông. Về giáo dục, các kỹ năng số như lập trình phần mềm và phân tích dữ liệu số được tập trung đào tạo. Bên cạnh đó, việc tạo lập các nguồn dữ liệu mở cũng dần được triển khai thực hiện.

Thành phố Granada (Tây Ban Nha)

Tại Granada (Tây Ban Nha), chính quyền lại lựa chọn thỏa mãn nhu cầu nâng cao sức khoẻ của người dân là yếu tố nòng cốt để tập trung thực hiện trong chiến lược chuyển đổi số. Với lợi thế trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe ở tầm cỡ khu vực và quốc tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, thành phố Granada đã xác định giáo dục sẽ là thanh công cụ đóng góp mạnh mẽ vào sự tiến bộ và phát triển của tất cả các lĩnh vực của thành phố trong quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, thành phố cũng xác định một vài vấn đề nội tại như ít bộ dữ liệu mở và dùng chung dẫn tới việc sử dụng thực tế của các doanh nghiệp và người dân rất hạn chế, sự hợp tác giữa các đơn vị rất kém.

Chiến lược chuyển đổi số của thành phố Granada cũng được xây dựng và thực hiện theo khung hướng dẫn của Ủy Ban Châu Âu. Để tăng cường các điểm mạnh của mình, chính quyền hỗ trợ Công viên Công nghệ Y Tế tập trung vào nghiên cứu lĩnh vực sức khỏe bằng việc mở rộng các viện nghiên cứu – nơi chuyển đổi kiến ​​thức, đặc biệt chú trọng ngành dược phẩm, khoa học sức khỏe, chăm sóc sức khỏe và thực phẩm, biến Công viên Công nghệ Y Tế thành nơi đầu tiên chuyên về chăm sóc sức khỏe ở Tây Ban Nha. Các viện nghiên cứu tích hợp giảng dạy, nghiên cứu, chăm sóc bệnh nhân và phát triển kinh doanh cho y tế và y sinh. Đồng thời, các hệ thống, nền tảng và dịch vụ tiên tiến để ứng dụng CNTT được phát triển bởi các công ty. Thành phố cũng khuyến khích phát triển nguồn dữ liệu mở nhằm mang lại lợi ích cho người dân và các hoạt động nghiên cứu. Để gia tăng tính hợp tác giữa các công ty, thành phố thúc đẩy các công ty cùng thực hiện chuyển đổi số, các công ty chưa số hóa được hỗ trợ bởi các đơn vị liên quan. Sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu hoạt động và các bước thực hiện chiến lược chuyển đổi số của thành phố đều được xây dựng trên một nền tảng tích hợp gồm các bên liên quan là đại diện chính quyền thành phố, ngành công nghiệp/công ty và các trường đại học/ viện nghiên cứu.

Singapore

Ngoài các thành phố Châu Âu, Châu Á cũng chứng kiến sự thành công trong quá trình chuyển đổi số. Singapore được xem như một minh chứng rõ nét nhất. Tại Châu Á, Singapore là một trong những thành phố khai thác một cách thông minh cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra để tăng tốc phát triển và chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế (Chua, 2012). Singapore lựa chọn tập trung giải quyết các vấn đề về dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Số hóa dịch vụ công được thực hiện bắt đầu từ 1960 với mục tiêu cung cấp dịch vụ công tiện lợi và tiết kiệm chi phí (Hanna and Knight, 2011); đến năm 2000, có đến 90% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến; 10 năm sau đó Singapore cung cấp dịch vụ công tích hợp; và vào 2014, chính phủ Singapore đưa ra sáng kiến xây dựng quốc gia thông minh với ba trụ cột chính là kinh tế số, chính phủ số và xã hội số (P.M Hung 2021). Có thể nói quá trình chuyển đổi số của Singapore diễn ra khá sớm so với nhiều thành phố khác trên thế giới và rất thành công. Với chủ trương lấy người dân làm trung tâm, chính phủ Singapore đã xây dựng 11 hành trình dịch vụ một cửa với những tiện ích thiết yếu cho cư dân từ việc làm giấy khai sinh cho trẻ nhỏ đến khai báo y tế cho người lớn tuổi. Những dịch vụ này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và thay đổi nhận thức của người dân. Đặc biệt, người dân tham gia hầu hết các khâu làm nên sản phẩm và dịch vụ số với quy trình 5 bước chặt chẽ: Khảo sát và lấy ý kiến người dân; thử nghiệm từ việc sử dụng của người dân; đánh giá khiếm khuyết; thiết kế lại và hoàn thiện việc số hóa dịch vụ (Nhan, 2020). Khi có định hướng phát triển thành phố thông minh, chính phủ Singapore cũng đã tập trung hết nguồn lực để tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp bằng cách thực hiện hàng loạt các chương trình hỗ trợ chính sách, chi phí và nâng cao tri thức cho cộng đồng khởi nghiệp như chương trình “Chief Technology Officer (CTO) -as-a-Service” (giám đốc công nghệ dạng dịch vụ), “Digital Leaders Program” (Lãnh đạo số), “Open Innovative Platform” (Nền tảng sáng tạo mở) (Ngoc, 2020).

Singapore – một trong những thành phố khai thác một cách thông minh cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra để tăng tốc phát triển và chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế.

Phân tích bối cảnh Việt Nam: cơ hội và thách thức

Ở ba cuộc CMCN trước, Việt Nam không có cơ hội để chủ động phát triển, mà là kế thừa để xây dựng phát triển đất nước. Với cuộc CMCN 4.0 và công cuộc chuyển đổi số chính là một thời cơ tốt để Việt Nam chủ động vươn mình phát triển vượt bậc. Việt Nam cũng được xếp là một trong những quốc gia đi đầu ban hành chương trình, chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia. Bắt đầu từ năm 2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 với yêu cầu cấp bách là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (Bộ Chính trị, 2019). Tháng 6/2020, chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 được ban hành, bao gồm ba trụ cột chính: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số (Thủ tướng Chính phủ, 2020). Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu và học hỏi từ chương trình của nhiều quốc gia trên thế giới như Singapore, Thái Lan, Anh, Úc, Đan Mạch, Estonia, Israel, Uruguay, v.v… (Bộ Thông tin và Truyền thông, 2020). Sau đó, bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số được tham khảo cũng được ban hành nhằm theo dõi, đánh giá kết quả chuyển đổi số hàng năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với sự tham khảo từ nhiều bộ chỉ số trên thế giới, đơn cử như chỉ số chuyển đổi Châu Á, chỉ số kinh tế số và xã hội số Châu Âu (DESI), khung chính sách hợp nhất chuyển đổi số của OECD, v.v… (Bộ Thông tin và Truyền thông, 2020). Có thể thấy xu hướng chương trình chuyển đổi số của Việt Nam cũng theo xu hướng phát triển trên thế giới đã phân tích ở trên, là tập trung nhiều vào khía cạnh kinh tế và khía cạnh xã hội, không đưa khía cạnh môi trường vào là một nhóm yếu tố cần nhấn mạnh và phát triển trong chiến lược và chương trình. Một điều đáng ghi nhận là Việt Nam cũng đưa ra một bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số để theo dõi, đánh giá kết quả chuyển đổi số hàng năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Bộ Thông tin và Truyền thông, 2020). Có thể nói điều này cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về quá trình chuyển đổi số, mong muốn đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Sau hơn một năm thực hiện, chương trình chuyển đổi số quốc gia đạt được một số kết quả đáng ghi nhận thông qua ba tiêu chí đề cập ở trên: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Nhưng kết quả nhiều nhất được ghi nhận ở khía cạnh kinh tế số nơi mà các doanh nghiệp đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện. Nền kinh tế số Việt Nam tăng dần qua các năm và có những thay đổi lớn tác động tích cực đến đời sống cư dân đô thị. Năm 2020, thương mại điện tử cả nước tăng 46%, vận tải và thực phẩm tăng 50%, phương tiện truyền thông trực tuyến tăng 18%, nhưng du lịch trực tuyến giảm 28% (do tác động của đại dịch Covid-19) (Google and Temasek, 2020). Chính phủ điện tử đang được xây dựng với mục tiêu tạo tiền đề để phát triển chính phủ số và tác động đến kinh tế số, xã hội số. Chỉ số dịch vụ công trực tuyến và chỉ số cơ sở hạ tầng viễn thông Việt Nam đều tăng cao so với những năm trước, trong khi chỉ số nguồn nhân lực cho chính phủ điện tử tăng không đáng kể và hiện đang thấp hơn mức trung bình của thế giới (United Nation (2020). Đối với khía cạnh xã hội số, yếu tố tỉ lệ sử dụng internet được sử dụng để đo lường mức độ hiệu quả và  lường được cân nhắc là một yếu tố nền tảng để hình thành xã hội số trong tương lai, với tỷ lệ là 70,3%, cao hơn trung bình chung một số khu vực và thế giới (WeAreSocial and Hootsuite (2021). So với quý 4 năm 2020, giá trị giao dịch thương mại điện tử trong giai đoạn quý 1 năm 2021 tăng 5,5 lần, thanh toán QR Code tăng 55%, qua ví điện tử tăng 51% và giao dịch qua điện thoại di động tăng 50% (VisaNet, 2021).

Tuy nhiên vào thời điểm hiện nay, chủ trương chuyển đổi số tập trung phát triển kinh tế số sẽ được tập trung thực hiện trên cả nước (định hướng từ Đại hội Đảng XIII), cho thấy Việt Nam cũng đang đi theo đúng xu hướng chuyển đổi số của các nước châu Á như phân tích ở phần trên. Kinh tế số (vốn hoạt động trên nền tảng công nghệ số) được tin rằng có thể đưa đất nước trở thành nước có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025;  trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030; và là nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 (Nguyễn, 2021).

Với một số kết quả đạt được bước đầu trong thực hiện chiến lược số quốc gia, nhiều thành phố và địa phương cũng có kết quả đáng ghi nhận như 27 thành phố và địa phương trực thuộc đã có chương trình, kế hoạch, mục tiêu và nhiệm vụ chuyển đổi số tính đến thời điểm này (2021). Một số thành phố trực thuộc như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng … và các địa phương đã có các mục tiêu tổng quát và xây dựng hoặc bắt đầu xây dựng chiến lược hoặc chương trình chuyển đối số cho địa phương mình, có những địa phương thì dừng ở mức “làm theo” chiến lược quốc gia. Nhìn chung, các mục tiêu tổng quát của các địa phương đưa ra trong chương trình chuyển đổi số khá nhiều, chung chung và dàn trải trên tất cả các lĩnh vực và hoạt động của địa phương đó. Hầu hết các địa phương không nêu bật đặc trưng riêng và nhiệm vụ thực hiện liên quan để phát triển cho mỗi một thành phố. Điều này khá là khó khăn trong quá trình thực hiện khi nguồn lực của mỗi địa phương còn thiếu và yếu. Đồng thời, sự liên kết với trường đại học và viện nghiên cứu rất ít khi được đề cập.

Các đề xuất để quá trình chuyển đổi số hiệu quả trong phát triển đô thị

Nhìn từ các yếu tố thành công trong chương trình chuyển đổi số của các thành phố trên thế giới trong phát triển đô thị, nếu các thành phố, địa phương của Việt Nam có thể kế thừa, điều chỉnh và áp dụng vào trong xây dựng chiến lược và chương trình chuyển đổi số tại địa phương mình ngay từ đầu thì sẽ tiết kiệm được thời gian và hiệu quả hơn. Các thành phố của Việt Nam hiện nay đều có những ưu thế như dân số trẻ, chính trị ổn định và chính quyền ủng hộ; và một số những điểm yếu còn tồn tại có thể kể đến như thiếu đặc trưng phát triển đô thị, chưa có sự hợp tác mạnh mẽ giữa các thành phần xã hội, đơn vị liên quan, đầu tư dàn trải, cơ sở hạ tầng còn yếu, kém kết nối, cơ cấu năng lực hạn chế. Tuy nhiên đi vào mỗi một thành phố, địa phương sẽ những điểm mạnh/yếu khác nhau tác động đến quá trình chuyển đổi số.

Bài báo này không đi sâu vào đề xuất từng giải pháp để thực hiện chi tiết, mà đề xuất các giải pháp nền tảng, “bước đầu” trước khi đặt mục tiêu, xác định chiến lược, xây dựng và thực hiện chương trình chuyển đổi số thật sự hợp lý và thật sự “thông minh”, bao gồm:

Thứ nhất, kết hợp hài hòa các chương trình, định hướng phát triển quốc gia, hướng tới phát triển bền vững. Có thể thấy, chuyển đổi số ở Việt Nam có sự học hỏi từ chương trình của các quốc gia khác và các chỉ số đo lường trên thế giới. Định hướng chương trình chuyển đổi số của nước ta hoàn toàn giống với xu hướng trong giai đoạn đầu của Châu Âu và Châu Á: tập trung vào kinh tế, xã hội chỉ là yếu tố người sử dụng nên được cân nhắc đến, chưa cụ thể hóa mối quan tâm đến môi trường. Về sau, Ủy ban Châu Âu đã có nhiều thay đổi và quy định hỗ trợ liên quan đến môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững, các nước châu Á hiện nay vẫn chưa đề cập tới. Do đó, Việt Nam cần phải cân nhắc đến điều này. Thực tế tại Việt Nam, như đã đề cập, chiến lược phát triển quốc gia về tăng trưởng xanh đã được ban hành từ 2012. Một số thành phố, địa phương đã đưa yếu tố đảm bảo môi trường, tăng trưởng xanh vào mục tiêu chuyển đổi số. Tuy nhiên, các mục tiêu này chưa được chuyển đổi thành các nhiệm vụ cụ thể trong kế hoạch thực hiện. Các nhiệm vụ này cần có sự liên đới giữa chiến lược chuyển đổi số và tăng trưởng xanh quốc gia để tạo sự thống nhất, thực hiện hiệu quả.

Thứ hai, cần hiểu đúng vai trò của thành phố thông minh trong chuyển đổi số. Phát triển thành phố thông minh là một tiêu chí thực hiện trong chương trình chuyển đổi số ở nước ta cùng với các yếu tố khác. Trong khi đó về cơ bản các yếu tố này (kinh tế, môi trường…) đều là những cấu thành ở bên trong một thành phố. Thành phố thông minh vốn là một mô hình trong đó các công nghệ hiện đại được ứng dụng để giải quyết các vấn đề thực tế của đô thị bằng nguồn lực có thể huy động được để hướng tới phát triển bền vững và chất lượng cuộc sống. Từ đây có thể hiểu rằng, thành phố thông minh là một hành trình đi và thực hiện, không phải là một đích đến. Việc đưa thành phố thông minh trở thành một tiêu chí trong chuyển đổi số có thể gây ra sự nhầm lẫn, ảnh hưởng đến kết quả của chương trình chuyển đổi số. Do đó, cần hiểu đúng nghĩa và đầy đủ vai trò của thành phố thông minh, mối quan hệ tương quan giữa thành phố thông minh và chuyển đổi số. Hơn nữa, để phát triển thành phố thông minh, đặc trưng hoặc những vấn đề của đô thị cần được xác nhận và cụ thể hóa, trong khi các yếu tố này chưa được thể hiện rõ rệt ở hầu hết các thành phố, địa phương.

Thứ ba, mỗi địa phương nên có chiến lược và chương trình cụ thể với một hoặc hai mục tiêu rõ ràng, có thời gian và lộ trình để thực hiện triệt để mục tiêu này. Mục tiêu thực hiện chuyển đổi số cần tập trung vào (1) giải quyết vấn đề hiện tại của đô thị hoặc (2) thỏa mãn nhu cầu phát triển của địa phương. Từ đây, các đặc trưng của địa phương sẽ được đúc kết và phát triển. Để đưa ra mục tiêu cụ thể, điểm mạnh và điểm yếu của địa phương phải được xem xét để có những bước thực hiện rõ ràng, hợp lý và hiệu quả. Bên cạnh đó, lĩnh vực ưu tiên phát triển cần được tập trung vào một hướng cụ thể, dựa trên mục tiêu đã đề ra, từ đó các khía cạnh khác của đô thị sẽ được tích hợp phát triển theo. Để hiện thực hóa điều này, lãnh đạo địa phương phải có một tầm nhìn sâu rộng để đề ra đường hướng và từ đó dẫn dắt chỉ đạo thực hiện chương trình một cách hiệu quả.

Thứ tư, hợp tác và phân chia trách nhiệm một cách hiệu quả. Thực hiện chuyển đổi số là một chặng đường dài với nhiều chương trình kèm theo. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, các chương trình phải được thực hiện với sự góp sức của tất cả các thành phần trong xã hội: chính quyền địa phương, doanh nghiệp, trường đại học/viện nghiên cứu và cộng đồng. Sự đồng lòng này với những ý kiến khách quan từ nhiều phía sẽ hình thành nên những giải pháp tích hợp, linh hoạt, bền vững và phù hợp mỹ quan với kết cấu đô thị, từ đó mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Thứ năm, xác định một cách đầy đủ vai trò của trường đại học/viện nghiên cứu giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số được hiệu quả và hợp lý. Trong một nghiên cứu trước đây, Trịnh Tú Anh et al. (2020) đã đề xuất vai trò của trường đại học/viện nghiên cứu trong chuyển đổi số nền kinh tế, hướng đến phát triển đô thị thông minh, cụ thể như sau:

Không thể bàn cãi vai trò của trường đại học/viện nghiên cứu trong việc giáo dục – đào tạo trong ngắn và dài hạn để tạo ra nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn nghề nghiệp và cả các kỹ năng số cần thiết để chủ động đối phó với những thay đổi của nhu cầu nhân lực trong thời đại số. Ngoài ra, trường đại học/viện nghiên cứu còn có các vai trò khác trong quá trình chuyển đổi số, bao gồm:

Trường đại học/viện nghiên cứu có thể hợp tác với các bên liên quan với tư cách là một đơn vị chuyên môn để thực hiện hợp tác nghiên cứu ứng dụng nhiều hơn nữa nhằm giải quyết vấn đề của đô thị, thay vì chỉ dừng lại ở một vài đại diện cá nhân chuyên gia trực thuộc trường. Việc xây dựng các mô hình phòng thí nghiệm mô phỏng (simulation lab) và phòng thí nghiệm sống (living lab) tại trường đại học/viện nghiên cứu (như những quốc gia phát triển) cần được xem xét vì đây là nơi giúp các nhà hoạch định và quyết định chính sách đưa ra quyết định một cách chính xác và giảm thiểu những rủi ro cho quá trình chuyển đổi số.

Phòng thí nghiệm mô phỏng tại UEH

Trong chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu lớn cần được thực hiện trong nhiều lĩnh vực (như giao thông, chính phủ điện tử, y tế) và kết nối dữ liệu giữa các lĩnh vực với nhau để tạo nên tổng thể dữ liệu quốc gia là thực sự cần thiết. Khi đó, trường đại học và viện nghiên cứu có thể là nơi lưu trữ, tích hợp, khai thác và sử dụng kho dữ liệu quốc gia, phục vụ cho nghiên cứu phát triển (R&D) và cung cấp thông tin cho các nhà chức trách ra quyết định.

Ngoài ra, trường đại học/viện nghiên cứu với các giáo sư đầu ngành cần đóng vai trò dẫn dắt, đào tạo và thay đổi nhận thức cho các bên liên quan ở các lĩnh vực mới trong thời đại số.

Để thực hiện thành công và hiệu quả chuyển đổi số, trường đại học/viện nghiên cứu là cơ sở giáo dục và không vì các mục đích thương mại, có thể đóng vai trò kết nối các thế hệ (học sinh, sinh viên, học viên cao học, cựu học viên,…) và các bên liên quan tạo ra một nền tảng tích hợp cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và thực hiện dự án.

 

Bài nghiên cứu nằm trong Book series “KINH TẾ VIỆT NAM TRÊN CON ĐƯỜNG CHUYỂN ĐỔI SỐ”. Xem đầy đủ bài nghiên cứu “Tác động của chuyển đổi số trong phát triển đô thị: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam” của nhóm tác giả tại đây

Nhóm Tác giả: TS. Trịnh Tú Anh, ThS. Phạm Nguyễn Hoài, ThS. Trần Thị Quỳnh Mai, Viện Đô thị Thông minh và Quản Lý (ISCM), Trường Công nghệ và Thiết kế UEH.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH. Trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #16 Cuộc Cách Mạng Trong Kinh Tế Học Thực Nghiệm.

Tin, ảnh: Nhóm tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông.

Giọng đọc: ThS. Phạm Nguyễn Hoài – Viện ISCM.

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021