[Research Contribution] Tác động của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: Nghiên cứu trường hợp Đồng bằng Sông Cửu Long

12 Tháng Năm, 2025

Từ khoá: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, FDI, Đồng bằng sông Cửu Long, Thu hút đầu tư, Môi trường kinh doanh

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) không chỉ là công cụ đánh giá hiệu quả quản lý kinh tế của các địa phương, mà còn là yếu tố quyết định trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong bối cảnh chuyển dịch dòng vốn toàn cầu và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng môi trường đầu tư, PCI ngày càng khẳng định vai trò chiến lược của mình trong phát triển kinh tế địa phương. Nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc UEH Mekong, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về tác động của PCI đối với FDI tại Đồng bằng sông Cửu Long, qua đó đưa ra các giải pháp chiến lược nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực.

Bg 1499x600

Đồng bằng Sông Cửu Long và bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút FDI bền vững

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam, đóng vai trò chiến lược đặc biệt trong nền kinh tế – xã hội của cả nước. Vùng đất này không chỉ nổi bật với ngành nông nghiệp mà còn là một trong những khu vực có tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2013-2023, dữ liệu từ FiinPro cho thấy sự phân hóa rõ rệt trong dòng vốn FDI giữa các địa phương: một số tỉnh như Long An, Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh ghi nhận lượng vốn đầu tư lớn, trong khi nhiều tỉnh khác lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận dòng vốn quốc tế. Đặc biệt, giai đoạn 2020–2021, tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến tình hình thu hút FDI trở nên thiếu ổn định, làm lộ rõ hạn chế trong tính bền vững của môi trường đầu tư vùng.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu tối ưu hóa môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trở thành yếu tố then chốt. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), với vai trò là chỉ báo đánh giá chất lượng điều hành kinh tế và mức độ thuận lợi trong đầu tư kinh doanh, đang ngày càng trở thành công cụ chiến lược giúp các địa phương định vị lại vị thế, thu hút hiệu quả hơn dòng vốn FDI, và góp phần thúc đẩy phát triển vùng theo hướng bền vững.

Phương pháp nghiên cứu: Tiếp cận định lượng với dữ liệu bảng và mô hình kinh tế lượng hiện đại

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu thứ cấp dưới dạng dữ liệu bảng được thu thập trong giai đoạn 2013–2023. Các nguồn dữ liệu bao gồm: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố; dữ liệu về đầu tư trực tiếp nước ngoài từ nền tảng FiinPro; và dữ liệu dân số từ Tổng cục Thống kê Việt Nam.

PCI là một chỉ số tổng hợp phản ánh chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của các địa phương, được cấu thành từ 10 chỉ số thành phần như: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý – an toàn thông tin. Mỗi chỉ số được chuẩn hóa theo thang điểm 10, trong đó có sự điều chỉnh về phương pháp tính vào các năm 2013 và 2017.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp hồi quy dữ liệu bảng để phân tích tác động của các yếu tố PCI đến đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cụ thể, nghiên cứu áp dụng các mô hình hồi quy gộp (Pooled OLS), hiệu ứng cố định (FEM) và hiệu ứng ngẫu nhiên (REM) để kiểm định mối quan hệ này. Việc lựa chọn mô hình phù hợp được thực hiện thông qua kiểm định Hausman. Đồng thời, để đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của kết quả, nhóm tác giả tiến hành kiểm tra các vấn đề kỹ thuật thường gặp trong mô hình dữ liệu bảng như đa cộng tuyến (thông qua kiểm định VIF), phương sai thay đổi (kiểm định Wald và Breusch–Pagan) và hiện tượng tự tương quan.

Ngoài ra, nhằm phản ánh tính trễ trong tác động của môi trường kinh doanh đến quyết định đầu tư, nghiên cứu đưa vào mô hình các biến độc lập với độ trễ từ 1 đến 3 kỳ. Điều này giúp chúng ta đánh giá được tác động của các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh trong quá khứ đối với quyết định đầu tư hiện tại.

Kết quả nghiên cứu và ý nghĩa thực tiễn

Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa các chỉ số thành phần trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2013–2023. Cụ thể, các yếu tố như gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí giao dịch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực và môi trường pháp lý được xác định là những nhân tố có ảnh hưởng tích cực và đáng kể đến dòng vốn FDI. Các chỉ số này không chỉ tác động trực tiếp đến quyết định đầu tư mà còn góp phần hình thành một môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch và thuận lợi, qua đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển dài hạn của khu vực.

Trong đó, chỉ số gia nhập thị trường nổi bật như một yếu tố then chốt. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp, và minh bạch hóa các quy định đã giúp nâng cao mức độ hấp dẫn của địa phương đối với nhà đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận đất đai – với sự ổn định trong quyền sử dụng và tính rõ ràng trong quy hoạch – được đánh giá là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp mạnh dạn triển khai các dự án đầu tư dài hạn. Tính linh hoạt và năng lực điều hành của chính quyền địa phương, thể hiện qua khả năng cải cách trong lĩnh vực giảm chi phí thời gian, tăng cường dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch và phát triển nguồn nhân lực, đã có những tác động tích cực đến dòng vốn FDI đổ vào khu vực.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự thiếu ổn định trong hệ thống pháp lý và các thủ tục hành chính vẫn là những rào cản đáng kể, ảnh hưởng đến tính bền vững trong thu hút đầu tư. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì và liên tục cải thiện năng lực quản trị địa phương, không chỉ dừng lại ở các cải cách kỹ thuật mà còn cần một tầm nhìn chiến lược nhằm thiết lập môi trường đầu tư ổn định, dự đoán được, và định hướng dài hạn.

Hàm ý chính sách

Từ những kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã đề xuất một số hàm ý chính sách quan trọng nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long:

Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: Các tỉnh cần tiếp tục cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian và giảm chi phí gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp. Giảm bớt các quy trình rườm rà, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI dễ dàng tiếp cận và hoạt động hiệu quả hơn.

Thứ hai, giảm thiểu chi phí không chính thức và nâng cao tính minh bạch trong quản lý nhà nước: Chính quyền các tỉnh cần nỗ lực giảm thiểu các chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải trả trong quá trình hoạt động. Điều này sẽ giúp tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tăng cường sự hấp dẫn của khu vực đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra tăng cường tính minh bạch trong công tác quản lý và thông tin về các chính sách đầu tư sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và đưa ra quyết định đầu tư chính xác hơn.

Thứ ba, tăng cường đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực: Xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn và của các doanh nghiệp FDI. Các chính sách đào tạo lao động cần được đẩy mạnh để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đổi mới công nghệ.

Cuối cùng, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp: Chính quyền cần tăng cường cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm xúc tiến thương mại, hỗ trợ pháp lý, và phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

Nhìn chung, việc cải thiện các yếu tố trong chỉ số PCI không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các tỉnh thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn đóng góp vào việc thu hút dòng vốn FDI ổn định, bền vững. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng, tạo việc làm và nâng cao đời sống người dân. Các giải pháp từ nghiên cứu này có thể giúp các nhà hoạch định chính sách tại ĐBSCL xây dựng các chiến lược phát triển phù hợp, góp phần tăng cường hiệu quả thu hút đầu tư, tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững cho khu vực.

Xem toàn bộ bài nghiên cứu:Tác động của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: Nghiên cứu trường hợp Đồng bằng Sông Cửu Long TẠI ĐÂY

Nhóm tác giả: ThS. Trần Thị Thùy Dung, ThS. Dương Nguyễn Thanh Phương – Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là bài viết nằm trong chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng với thông điệp “For a More Sustainable Mekong – Vì một Đồng bằng sông Cửu Long bền vững”, thuộc chương trình “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng” do UEH thực hiện. UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem bản tin UEH Research Insights tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Tuyển sinh – Truyền thông UEH Mekong, Ban Truyền thông và Phát triển đối tác UEH

Giọng đọc: Thanh Kiều

Chân Trang (1)

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021