[Research Contribution] Khảo sát các mô hình học sâu trong bài toán dự đoán giá bất động sản

24 Tháng Ba, 2025

Từ khóa: Học sâu, dự đoán giá bất động sản, AI, CNN, LSTM, GRU

Bất động sản không chỉ là một lĩnh vực đầu tư hấp dẫn mà còn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Dự đoán giá bất động sản giúp tối ưu hóa giao dịch, nhưng do chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố phi tuyến, các mô hình thống kê truyền thống thường gặp hạn chế. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là học sâu (Deep learning), đã mở ra cơ hội mới nhờ khả năng nhận diện và học hỏi từ các mối quan hệ phức tạp, nâng cao độ chính xác của dự đoán. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả thuộc UEH Mekong, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã đánh giá tính khả thi của việc ứng dụng mô hình học sâu vào bài toán dự đoán giá bất động sản.

Bg 1499x600

Bối cảnh nghiên cứu

Thị trường bất động sản là trụ cột quan trọng của nền kinh tế, ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động tài chính và quy hoạch đô thị. Dự đoán giá bất động sản không chỉ hỗ trợ người mua, người bán mà còn cung cấp cơ sở dữ liệu quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách, góp phần tối ưu hóa chiến lược phát triển đô thị và kinh tế. Một dự báo chính xác có thể tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của quốc gia.

Tại Việt Nam, định giá đất – một phần quan trọng của thị trường bất động sản, hiện được thực hiện theo bốn phương pháp quy định trong Nghị định 12/2024/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 44/2014/NĐ-CP, và được giữ nguyên trong Luật Đất đai 2024 (Khoản 5, Điều 158). Các phương pháp này bao gồm: so sánh, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất. Tuy nhiên, chúng vẫn tồn tại những hạn chế liên quan đến yêu cầu dữ liệu đầu vào, tính cập nhật kịp thời và độ tin cậy của dữ liệu. Đồng thời, phương pháp tính toán còn khá đơn giản, làm giảm độ chính xác của kết quả định giá.

Bên cạnh đó, dự đoán giá bất động sản là một bài toán phức tạp do sự tác động của nhiều yếu tố đa chiều như: tình hình kinh tế – xã hội, vị trí, môi trường, đặc điểm xây dựng, thương hiệu,… Đặc biệt, mối quan hệ giữa giá bất động sản và các yếu tố này thường mang mối quan hệ phi tuyến tính, khiến các phương pháp truyền thống gặp nhiều thách thức trong việc đưa ra dự báo chính xác.

Các mô hình tiên tiến trong học sâu

DNN (Deep Neural Network) là một dạng mạng nơ-ron nhân tạo có nhiều lớp ẩn, giúp máy tính học và nhận diện các mẫu dữ liệu phức tạp. Nhờ khả năng mô hình hóa quan hệ phi tuyến, DNN được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: nhận dạng hình ảnh, xử lý giọng nói và dự đoán xu hướng.

CNN (Convolutional Neural Network) là một biến thể của DNN, được thiết kế chuyên biệt để xử lý dữ liệu có cấu trúc không gian, đặc biệt là hình ảnh. CNN có khả năng tự động trích xuất các đặc trưng quan trọng từ dữ liệu thông qua các lớp tích chập, giúp nhận diện vật thể hiệu quả. Ngoài xử lý ảnh, CNN cũng được mở rộng để ứng dụng trong âm thanh, chuỗi thời gian và các bài toán nhận dạng mẫu phức tạp khác.

RNN (Recurrent Neural Network) là một loại mạng nơ-ron được thiết kế để xử lý dữ liệu có tính tuần tự, như văn bản hoặc chuỗi thời gian. RNN có khả năng “ghi nhớ” thông tin từ các bước trước để dự đoán bước tiếp theo, giúp mô hình hóa mối quan hệ theo thời gian. Tuy nhiên, khi khoảng cách giữa các thông tin quan trọng quá xa, RNN thường gặp vấn đề về mất dần ký ức dài hạn. Để khắc phục, các biến thể như LSTM và GRU đã được phát triển.

LSTM (Long Short-Term Memory) là một phiên bản cải tiến của RNN, giúp ghi nhớ thông tin quan trọng trong thời gian dài hơn. Nhờ cơ chế cổng điều khiển, LSTM có thể chọn lọc dữ liệu cần lưu giữ hoặc loại bỏ, giúp nâng cao hiệu suất trong các bài toán như: dịch ngôn ngữ, phân tích chuỗi thời gian và mô hình hóa văn bản. Tuy nhiên, LSTM có cấu trúc phức tạp, làm tăng thời gian tính toán và yêu cầu tài nguyên lớn, vì thế GRU được tạo ra để đơn giản hoá LSTM.

GRU (Gated Recurrent Unit) là một biến thể tối ưu của LSTM, với cấu trúc đơn giản hơn nhưng vẫn đảm bảo khả năng xử lý dữ liệu tuần tự hiệu quả. GRU giúp giảm số lượng tham số, tăng tốc độ huấn luyện và hoạt động tốt trên nhiều bài toán xử lý chuỗi, đặc biệt khi dữ liệu không quá dài hoặc yêu cầu mô hình gọn nhẹ hơn so với LSTM.

Mỗi loại mô hình trên đều có những ưu, nhược điểm riêng và được lựa chọn tùy theo đặc thù của bài toán cần giải quyết.

Học sâu (Deep learning) trong bài toán dự đoán giá bất động sản

Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đã thúc đẩy học sâu (Deep Learning) phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, trở thành một trong những kỹ thuật học máy mạnh mẽ nhất. Với cơ chế học qua nhiều lớp (layers) liên kết chặt chẽ, học sâu có khả năng khám phá hiệu quả các đặc trưng ẩn và mối quan hệ phi tuyến phức tạp trong dữ liệu. Đặc biệt, phương pháp này cho phép khai thác bộ dữ liệu đa dạng, dễ dàng cập nhật mô hình khi có dữ liệu mới, giúp nâng cao độ chính xác trong dự đoán.

Hiện nay, học sâu đã được ứng dụng rộng rãi trong các nghiên cứu dự đoán giá bất động sản thông qua nhiều mô hình tiên tiến như: Deep Neural Network (DNN), Convolutional Neural Network (CNN), Recurrent Neural Network (RNN), Hybrid Models,… Các mô hình này có thể xử lý nhiều loại dữ liệu khác nhau, trong đó, dữ liệu từ website và Map API là nguồn thông tin phổ biến trong các nghiên cứu quốc tế.

Tại Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của Internet đã tạo ra tác động đáng kể đến nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản. Các nền tảng giao dịch bất động sản trực tuyến ngày càng thu hút lượng lớn người dùng, đồng thời, dữ liệu kinh tế và bản đồ số (Map API) cũng dần được cập nhật và hỗ trợ rộng rãi hơn. Những điều kiện này mở ra cơ hội lớn để ứng dụng hoặc phát triển các mô hình học sâu phù hợp với đặc thù thị trường Việt Nam, giúp nâng cao độ chính xác trong dự đoán giá và hỗ trợ công tác định giá bất động sản. Việc ứng dụng các mô hình này không chỉ bổ sung mà còn có tiềm năng thay thế các phương pháp định giá truyền thống được quy định trong pháp luật, góp phần hiện đại hóa lĩnh vực bất động sản trong thời đại số.

Ưu điểm và hạn chế của học sâu ứng dụng trong dự đoán giá bất động sản

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các mô hình học sâu có khả năng xử lý đa dạng biến đầu vào, giúp mở rộng phạm vi dự đoán giá bất động sản. Không chỉ giới hạn ở dữ liệu dạng bảng chứa các thông tin như: diện tích, số phòng ngủ, số phòng tắm hay các chỉ số kinh tế, các mô hình còn có thể khai thác các dạng dữ liệu phức tạp hơn, bao gồm: Dữ liệu dạng lưới (hình ảnh bất động sản, giúp đánh giá trực quan về thiết kế, chất lượng xây dựng)Dữ liệu tuần tự (văn bản đánh giá, mô tả chi tiết bất động sản, thể hiện những yếu tố khó định lượng như trải nghiệm người dùng hay giá trị tiện ích xung quanh).

Ngoài ra, các mô hình được đánh giá thông qua nhiều chỉ số như: Root Mean Squared Log Error (RMSLE), Mean Absolute Error (MAE), Mean Absolute Percentage Error (MAPE)… giúp đảm bảo sự linh hoạt trong thiết kế và sử dụng dữ liệu. Nhờ đó, các kiến trúc mới hay đặc trưng dữ liệu khác biệt đều có thể được chấp nhận nếu chúng cải thiện độ chính xác của mô hình. Đặc biệt, khả năng tự học từ dữ liệu thông qua quá trình đào tạo giúp các mô hình thích ứng tốt với sự thay đổi của thị trường. Bằng cách cập nhật dữ liệu mới, các mô hình có thể tự động điều chỉnh và nâng cao hiệu suất dự đoán mà không cần can thiệp thủ công quá nhiều.

Tuy nhiên, việc ứng dụng học sâu vào dự đoán giá bất động sản cũng gặp không ít thách thức, đặc biệt là về chất lượng và số lượng dữ liệu. Một trong những vấn đề đáng lưu ý là nguồn dữ liệu từ các website bất động sản, tuy phổ biến nhưng lại thiếu kiểm chứng, có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy và chính xác của mô hình.

Bên cạnh đó, tính đa chiều trong dữ liệu với nhiều yếu tố tác động như: vị trí, diện tích, số phòng, tiện nghi, xu hướng thị trường, nếu không được xử lý đúng cách, có thể dẫn đến hiện tượng quá khớp (Overfitting), khiến mô hình hoạt động tốt trên tập dữ liệu huấn luyện nhưng kém hiệu quả khi áp dụng vào thực tế. Ngoài ra, yêu cầu tính toán cao và sự tập trung quá mức vào độ chính xác, đôi khi khiến các nghiên cứu bỏ qua tính ứng dụng thực tế, cũng là những hạn chế cần cân nhắc khi triển khai mô hình dự đoán giá bất động sản.

Một số giải pháp từ nghiên cứu

* Kết hợp dữ liệu có cấu trúc và phi cấu trúc để nâng cao độ chính xác

Quá trình tổ chức dữ liệu huấn luyện có thể chia thành hai nhóm chính: Dữ liệu có cấu trúc sẽ bao gồm các thông tin kỹ thuật như: diện tích, số phòng, tiện ích, lịch sử giao dịch, xu hướng giá cả, giúp mô hình có cơ sở định lượng vững chắc. Dữ liệu phi cấu trúc bao gồm: hình ảnh, văn bản mô tả, đánh giá người dùng, tin tức liên quan, cung cấp góc nhìn trực quan và phản ánh nhận định chủ quan của thị trường.

Việc kết hợp cả hai loại dữ liệu này không chỉ cải thiện độ chính xác của mô hình mà còn giúp khai thác tốt hơn mối quan hệ giữa yếu tố kỹ thuật và cảm nhận thị giác – một khía cạnh quan trọng trong định giá bất động sản.

* Xây dựng cơ sở dữ liệu bất động sản dùng chung tại Việt Nam

Để tăng tính minh bạch và hỗ trợ phân tích thị trường, cần phát triển một cơ sở dữ liệu bất động sản dùng chung. Cơ sở dữ liệu này nên bao gồm: Thông tin cơ bản về bất động sản (vị trí, diện tích, tiện ích,…); Lịch sử giao dịch và xu hướng giá theo thời gian; Dữ liệu phi cấu trúc: Hình ảnh, đánh giá người dùng, tin tức liên quan.

Hệ thống dữ liệu minh bạch không chỉ hỗ trợ các giao dịch bất động sản mà còn cung cấp nguồn dữ liệu phong phú và đáng tin cậy cho nghiên cứu học sâu, giúp cải thiện hiệu quả dự đoán.

* Tiêu chuẩn hóa phương pháp đánh giá mô hình

Việc đánh giá mô hình cần đảm bảo tính nhất quán và khả năng so sánh giữa các phương pháp dự đoán. Các chỉ số như: Mean Absolute Error (MAE), Mean Absolute Percentage Error (MAPE), Root Mean Squared Error (RMSE) cần được tiêu chuẩn hóa để thiết lập ngưỡng tối thiểu cho độ chính xác. Điều này giúp các tổ chức và doanh nghiệp lựa chọn mô hình phù hợp trước khi triển khai thực tế, tránh trường hợp áp dụng những mô hình có sai số quá lớn.

* Giải pháp tối ưu hóa mô hình để tăng tính khả thi

Do học sâu yêu cầu năng lực tính toán cao, một số giải pháp có thể giảm tải mà vẫn đảm bảo hiệu quả gồm: Phát triển các mô hình học sâu nhẹ (Lightweight Deep Learning Models) để giảm dung lượng và thời gian huấn luyện; Áp dụng mô hình lai (Hybrid Models), kết hợp giữa các phương pháp truyền thống và học sâu nhằm tận dụng ưu điểm của cả hai; Sử dụng kỹ thuật giản lược mô hình (Model Pruning, Weight Quantization), giúp tối ưu hóa cấu trúc mạng, giảm số lượng trọng số và chỉ giữ lại các đặc trưng quan trọng.

Những giải pháp này không chỉ giúp cải thiện hiệu suất mô hình mà còn giảm thời gian phản hồi, tăng tính khả thi khi triển khai vào hệ thống dự đoán giá bất động sản theo thời gian thực.

Chính vì thế, việc ứng dụng học sâu trong dự đoán giá bất động sản không chỉ mở ra cơ hội nâng cao độ chính xác mà còn góp phần hiện đại hóa quy trình định giá, hỗ trợ thị trường hoạt động minh bạch và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để phát huy tối đa tiềm năng của công nghệ này, cần có sự kết hợp giữa nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật và xây dựng cơ sở dữ liệu đáng tin cậy. Đồng thời, việc hoàn thiện khung pháp lý và thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc ứng dụng công nghệ vào thực tiễn, góp phần phát triển thị trường bất động sản bền vững trong tương lai.

Xem toàn bộ bài nghiên cứu Khảo sát các mô hình học sâu trong bài toán dự đoán giá bất động sản TẠI ĐÂY.

Nhóm tác giả: ThS. Trần Sơn Nam, ThS. Lê Thành Trung, ThS. Nguyễn Đình Thi, ThS. Phạm Thế Vinh – Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là bài viết nằm trong chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng với thông điệp “For a More Sustainable Mekong – Vì một Đồng bằng sông Cửu Long bền vững”, thuộc chương trình “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng” do UEH thực hiện. UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem bản tin UEH Research Insights tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Tuyển sinh – Truyền thông UEH Mekong, Ban Truyền thông và Phát triển đối tác UEH

Giọng đọc: Thanh Kiều

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021