[Podcast] Phát triển khu vực doanh nghiệp Vùng kinh tế Đông Nam Bộ theo chủ trương Đại hội XIII của Đảng

14 Tháng Mười Một, 2023

Vùng Đông Nam Bộ nước ta bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước. Những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của vùng giai đoạn 2015 – 2020 luôn có sự đóng góp rất lớn từ khu vực doanh nghiệp. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ, trong đó có khu vực doanh nghiệp, Đại hội XIII của Đảng đã ban hành chủ trương và Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ. Bài viết của tác giả Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đề xuất một số giải pháp phát triển khu vực doanh nghiệp Đông Nam Bộ theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Khu vực doanh nghiệp trong phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ, giai đoạn 2015 – 2020

Khu vực doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ luôn giữ vị trí dẫn đầu của cả nước, đặc biệt từ khi các chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp được thể chế hóa thành các Luật, như: Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp (năm 2005, 2014, 2020)… đã tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ có những bước tăng trưởng vượt bậc về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và khu vực doanh nghiệp đang hoạt động trong vùng ngày càng có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Những đóng góp của khu vực doanh nghiệp được thể hiện ở những nội dung sau:

Thứ nhất, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và đang hoạt động tại vùng Đông Nam Bộ luôn lớn nhất so với các vùng kinh tế khác của cả nước.

Năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ là 55.850 doanh nghiệp, trong khi đó vùng đồng bằng sông Hồng là 39.723 doanh nghiệp, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 5.532 doanh nghiệp, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 18.626 doanh nghiệp, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 10.360 doanh nghiệp, vùng Tây Nguyên chỉ với 4.849 doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2016 – 2020, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong vùng luôn có xu hướng tăng nhanh, kể cả năm 2020, khi Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Bình quân giai đoạn 2016 – 2020, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong vùng Đông Nam Bộ là 54.230 doanh nghiệp, chiếm 42,28% số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước; vùng đồng bằng sông Hồng đứng ở vị trí thứ hai nhưng chỉ với 38.393 doanh nghiệp, chiếm 29,93% số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước.

Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ luôn duy trì cao hơn khá nhiều so với vùng đồng bằng sông Hồng và chiếm khoảng 1/3 số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước. Năm 2020, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong vùng Đông Nam Bộ là 334.934 doanh nghiệp, vùng đồng bằng sông Hồng là 253.425 doanh nghiệp, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 34.271 doanh nghiệp, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 107.158 doanh nghiệp, vùng đồng bằng sông Cửu Long là 59.452 doanh nghiệp và vùng Tây Nguyên chỉ với 22.298 doanh nghiệp. Bình quân trong giai đoạn 2017 – 2020, số doanh nghiệp đang hoạt động trong vùng Đông Nam Bộ là 301.530 doanh nghiệp, chiếm 41,03% số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước; vùng đồng bằng sông Hồng đứng vị trí thứ hai với 230.378 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 31,35%; ít nhất là vùng Tây Nguyển với 19.524 doanh nghiệp, chiếm 2,66% số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước.

Thứ hai, khu vực doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ có đóng góp rất lớn trong giải quyết vấn đề lao động và việc làm của vùng.

Năm 2020, tổng số lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh của vùng Đông Nam Bộ là 5.381.342 lao động so với vùng đồng bằng sông Hồng đứng thứ hai với 4.881.600 lao động, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 936.092 lao động, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 1.674.396 lao động, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 1.196.946 lao động và vùng Tây Nguyên chỉ với 226.028 lao động. Bình quân giai đoạn 2015 – 2020, tổng số lao động tại các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ chiếm 37,14% số việc làm được tạo ra của cả nước.

Mặt khác, trong giai đoạn 2016 – 2020, khi so sánh tổng số việc làm được tạo ra giữa khu vực doanh nghiệp với các khu vực kinh tế khác trong vùng Đông Nam Bộ thì tổng số việc làm được tạo ra bởi khu vực doanh nghiệp đang hoạt động trong vùng luôn chiếm trên 50% số việc làm của toàn vùng. Năm 2016, tổng số lao động của toàn vùng là 9.514 nghìn lao động thì trong khu vực doanh nghiệp đã là 5.304 nghìn lao động, chiếm 55,57% lao động của toàn vùng; năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn ra ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của khu vực doanh nghiệp trong vùng nhưng số lao động trong khu vực doanh nghiệp vẫn chiếm 53,37% số lao động của toàn vùng.

Năm 2020, khi xảy ra đại dịch Covid-19, khu vực doanh nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ có bị ảnh hưởng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số việc làm được tạo ra bởi khu vực doanh nghiệp có xu hướng giảm. Tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng nhìn chung trong giai đoạn 2016 – 2020, số việc làm được tạo ra bởi khu vực doanh nghiệp trong vùng này vẫn chiếm tỷ trọng bình quân là 54,47% số việc làm được tạo ra trong toàn vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Như vậy, khu vực doanh nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân trong vùng và cả nước, góp phần tạo nên sự ổn định tình hình kinh tế – xã hội của cả vùng.

Thứ ba, số doanh nghiệp có quy mô lớn về vốn và lao động vùng Đông Nam Bộ luôn chiếm tỉ lệ lớn của cả nước.

Về quy mô vốn, số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh với quy mô vốn từ 50 tỷ đồng trở lên của vùng Đông Nam Bộ là 23.079 doanh nghiệp, chiếm 39,95% doanh nghiệp của cả nước; vùng đồng bằng sông Hồng là 20.543 doanh nghiệp, chiếm 35,56%; vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 2.951 doanh nghiệp, chiếm 5,11%; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 5.836 doanh nghiệp, chiếm 10,10%; vùng đồng bằng sông Cửu Long là 4.066 doanh nghiệp, chiếm 7,04% và vùng Tây Nguyên là 1.167 doanh nghiệp, chiếm 2,02%.

Về quy mô lao động, số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh với quy mô lao động trên 200 người của vùng Đông Nam Bộ là 3.658 doanh nghiệp, chiếm 38,31% doanh nghiệp của cả nước; vùng đồng bằng sông Hồng là 3.204 doanh nghiệp, chiếm 33,55%; vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 586 doanh nghiệp, chiếm 6,14%; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 1.045 doanh nghiệp, chiếm 10,94%; vùng đồng bằng sông Cửu Long là 806 doanh nghiệp, chiếm 8,44% và vùng Tây Nguyên là 144 doanh nghiệp, chiếm 1,51%.

Thứ tư, doanh nghiệp vùng Đồng Nam Bộ thu hút nguồn vốn tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh luôn đứng tốp đầu cả nước.

Vốn sản xuất kinh doanh bình quân trong giai đoạn 2016 – 2020 của khu vực doanh nghiệp đang hoạt động trong vùng Đông Nam Bộ là 10.120.505 tỷ đồng, chiếm 29,94% nguồn vốn được huy động của khu vực doanh nghiệp cả nước; vùng đồng bằng sông Hồng là 10.786.668 tỷ đồng, chiếm 31,91%; vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 1.073.559 tỷ đồng, chiếm 3,18%; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 2.380.186 tỷ đồng, chiếm 7,04%; vùng đồng bằng sông Cửu Long là 1.383.506 tỷ đồng, chiếm 4,09% và vùng Tây Nguyên là 364.409 tỷ đồng, chiếm 1,08%. Qua các số liệu so sánh khu vực doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ chỉ xếp sau vùng đồng bằng sông Hồng về thu hút nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh với tỷ lệ không đáng kể (2%). Đây là những tiền đề rất quan trọng để khu vực doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ bứt phá trong thực hiện chủ trương của Đảng.

Tiếp tục phát triển khu vực doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ theo chủ trương Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07-10-2022 của Bộ Chính trị

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trong cả nước, Đại hội XIII của Đảng (1-2021) chủ trương: “xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Khai thác tốt hơn các thế mạnh của các vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực… Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng và bố trí nguồn lực nhằm phát huy lợi thế vùng… Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng đủ mạnh…”.

Đối với vùng kinh tế Đông Nam Bộ, Đại hội XIII của Đảng xác định: “là vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao”, nên Đại hội đã chủ trương phát triển vùng kinh tế Đông Nam Bộ bằng việc “tập trung phát triển mạnh khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số; sản xuất các thiết bị điện, điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo; tài chính ngân hàng, bất động sản…”.

Cụ thể hóa chủ trương Đại hội XIII của Đảng, ngày 07-10-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW “về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết chủ trương: Xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế. Phát triển nhanh, bền vững, hài hoà giữa các tiểu vùng, các địa phương trong vùng; các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nâng cao sức khoẻ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng. Phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hoá, tinh thần tự lực, tự cường của “Miền Đông gian lao mà anh dũng” trong xây dựng và phát triển vùng. Phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, mở rộng đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (1-2021) về phát triển vùng kinh tế Đông Nam Bộ và Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị, các cấp, các ngành cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần nhanh chóng thể chế hóa chủ trương của Đảng thành các chính sách, quy định, cơ chế cụ thể như: Hoàn thiện quy hoạch tổng thể vùng theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh việc thực hiện thí điểm phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, quy hoạch, đất đai, môi trường và tổ chức bộ máy, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực ngoài nhà nước nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng; thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế; dành phần thích đáng ngân sách nhà nước cùng với huy động nguồn vốn ngoài ngân sách tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan trọng, trọng điểm, có sức lan toả, làm nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Đẩy mạnh khai thác quỹ đất hình thành từ hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông để tái đầu tư phát triển.

Thứ hai, cấp ủy và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, đô thị thông minh. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, cạnh tranh vượt trội, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả và tính khả thi của các chính sách hỗ trợ về vốn, cơ chế đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ không ngừng đổi mới sáng tạo trong việc tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao sức cạnh tranh và tham gia hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị trong và ngoài vùng, đồng thời từng bước tham gia vào chuỗi giá trị trong và ngoài nước.

Ban hành cơ chế tạo điều kiện mở rộng liên kết đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế quốc tế tiếp tục gia tăng việc đầu tư của họ vào phát triển mạnh giáo dục – đào tạo trong vùng, đặc biệt là tăng cường việc ứng dụng khoa học – công nghệ trong gia tăng việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho sự phát triển của khu vực doanh nghiệp trong vùng.

Thứ ba, hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động trong vùng Đông Nam Bộ, xây dựng chiến lược phát triển, từng bước nâng cao năng suất lao động bằng việc chú trọng tăng trưởng dựa vào tri thức, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng các công nghệ hiện đại, giải pháp kinh doanh dựa trên số hóa; sử dụng các công nghệ tích hợp để đơn giản hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian sản xuất, giúp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nâng cao năng lực và kỹ năng quản lý hiệu quả, sáng tạo, kịp thời nắm bắt những nhu cầu thay đổi của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; ứng dụng những công nghệ, phần mềm trong hoạt động quản lý nhằm rút ngắn thời gian, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đang hoạt động trong vùng cần tăng cường hợp tác để tận dụng hết năng lực hợp tác để không đầu tư chồng chéo, ổn định sản xuất. Phát triển hợp tác theo mô hình cụm, nhóm doanh nghiệp có ngành nghề chung hoặc ngành nghề bổ trợ cho nhau nhằm phát triển liên kết giữa các doanh nghiệp, tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng và tăng cường năng lực cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể liên kết hợp tác với nhau, giúp đỡ lẫn nhau bằng cách thực hiện cam kết ưu tiên sử dụng dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm của nhau; hàng hóa làm ra của doanh nghiệp này có thể là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp kia, tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời chú trọng liên kết đào tạo với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển.

Có thể khẳng định, chủ trương của Đại hội XIII của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ là hướng đi đúng đắn để phát huy hết các lợi thế của các vùng kinh tế, trong đó có khu vực doanh nghiệp. Nhờ đó đã tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ.

Tác giả: NCS, ThS. Hoàng Xuân Sơn – Khoa Lý luận chính trị, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #98 tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Giọng đọc: Ngọc Quí

 

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021