[Podcast] Mức độ hài hòa thực tế của Kế toán Việt Nam với các nước trong khu vực – Nghiên cứu đối với nhóm tài sản

28 Tháng Tám, 2024

Từ khóa: Hài hòa kế toán, hài hòa thực tế, kế toán quốc tế, ASEAN

Sự hài hòa kế toán khu vực là phương tiện chính để đạt được sự thống nhất các nước thành viên như một thị trường chung duy nhất. Đây là quá trình tất yếu trong bối cảnh quốc tế hóa hoạt động đầu tư, thương mại và tài chính đang diễn ra ngày càng sâu rộng hiện nay. Với sự cấp thiết này, tác giả của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã triển khai nghiên cứu chủ đề “Mức độ hài hòa thực tế của Kế toán Việt Nam với các nước trong khu vực – Nghiên cứu đối với nhóm tài sản”.

Toàn cầu hóa quá trình kinh doanhtự do di chuyển vốn đã dẫn đến nhu cầu khả năng so sánh được báo cáo tài chính của các công ty ngày càng tăng cao. Khả năng so sánh được cao nhất giữa các báo cáo tài chính là khi tất cả các công ty xử lý một vấn đề kế toán cùng áp dụng một phương pháp giống nhau. 

Hài hòa kế toán quốc tế là quá trình tất yếu trong bối cảnh quốc tế hóa hoạt động đầu tư, thương mại và tài chính đang diễn ra ngày càng sâu rộng hiện nay. Để đạt được mục tiêu hài hòa thực tế, trước hết các quy định kế toán giữa các quốc gia cần thống nhất và quá trình để đạt được sự thống nhất này chính là quá trình hài hòa. Quá trình này bao gồm cả hài hòa về chuẩn mựchài hòa về thực tế. Quá trình hài hòa báo cáo tài chính gắn với việc áp dụng thống nhất các chuẩn mực kế toán, nhưng các khác biệt trong thi hành các chuẩn mực này ảnh hưởng đến tính so sánh được của các báo cáo tài chính trên thực tế. Sự hài hòa trên thực tế bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó sự hài hòa về quy định là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Cho tới nay, nhiều tổ chức quốc gia và quốc tế (như Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế – IASC, Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Tài chính – FASB, Ủy ban châu Âu – EC) cũng như các Chính phủ đã và đang nỗ lực để ngày càng gia tăng mức độ hài hòa báo cáo tài chính ở mức độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Môi trường ảnh hưởng đến kế toán, do đó sự thay đổi của các quy định và thông lệ kế toán của các quốc gia dẫn đến sự đa dạng trong kế toán. Sự hài hòa các thông lệ kế toán giữa các quốc gia giúp cải thiện khả năng so sánh của báo cáo tài chính. Sự hài hòa kế toán khu vực là một phương tiện chính để đạt được sự thống nhất các nước thành viên như một thị trường chung duy nhất. Hội nhập kinh tế của các quốc gia trong cùng khu vực địa lý có vai trò ngày càng tăng trong việc củng cố tăng trưởng kinh tế bền vững của họ. Các liên minh đã nhấn mạnh vào sự hài hòa của các chính sách tài chính, kinh doanh và tài chính. Khi đó lượng hàng hóa, dịch vụ và dòng vốn xuyên biên giới trong cộng đồng kinh tế khu vực ngày càng tăng. Chẳng hạn như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – đại diện cho một nhóm kinh tế mới nổi quan trọng, đầy tiềm năng trong thương mại thế giới; Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cho phép dòng chảy tự do về hàng hóa, dịch vụ, vốn, đầu tư và con người giữa các quốc gia thành viên bằng cách ban hành các chính sách hỗ trợ chuyển vốn và giảm thuế quan trong ASEAN.

Trước xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế và hội nhập sâu rộng về mọi lĩnh vực thì kế toán cũng không ngoại lệ. Để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và yêu cầu hội nhập với thông lệ kế toán quốc tế, ngày 23/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 633/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược kế toán, kiểm toán Việt Nam đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh yêu cầu hội nhập ở mức độ cao giữa hệ thống kế toán Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới. Bên cạnh những động thái tích cực từ Chính phủ, các nhà nghiên cứu cũng đã bắt đầu quan tâm đến chủ đề này trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây. Tuy nhiên các nghiên cứu này chỉ tập trung vào đo lường mức độ hài hòa của chuẩn mực kế toán Việt Nam với IAS/IFRS. 

Các nước trong khu vực ASEAN có môi trường khác nhau về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. ASEAN phải thúc đẩy tính nhất quán trong thực hành kế toán, nhằm tạo điều kiện cho người sử dụng báo cáo tài chính hiểu và so sánh báo cáo tài chính giữa các quốc gia. Ở Việt Nam, hầu như các nghiên cứu về chủ đề này chỉ tập trung vào đo lường mức độ hài hòa của quy định kế toán Việt Nam với chuẩn mực kế toán quốc tế, chưa có nghiên cứu tại Việt Nam thực hiện đo lường mức độ hài hòa về thực tế. Do vậy, chủ đề nghiên cứu này cần phải được triển khai hướng đến không chỉ đo lường mức độ hài hòa thực tiễn tại các doanh nghiệp Việt Nam mà còn mở rộng đo lường mức độ hài hòa thực hành kế toán giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để mang lại góc nhìn đa chiều hơn về hài hòa kế toán. 

Mục tiêu chính mà nghiên cứu hướng đến đo lường mức độ hài hòa trong thực tiễn kế toán tài sản phi tài chính giữa các doanh nghiệp ở Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đối tượng nghiên cứu là mức độ hài hòa trong thực tiễn kế toán tài sản phi tài chính giữa các doanh nghiệp, thể hiện qua việc lựa chọn chính sách kế toán liên quan đến tài sản phi tài chính: hàng tồn kho, tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình, bất động sản đầu tư của các công ty trong khối ASEAN. Mẫu khảo sát được lấy từ 150 báo cáo thường niên của các công ty niêm yết tại 5 quốc gia tiêu biểu khu vực Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. 30 công ty phi tài chính niêm yết có vốn hóa hàng đầu thị trường được chọn từ mỗi sàn giao dịch chứng khoán của các quốc gia này. Thông qua việc thu thập dữ liệu từ báo cáo thường niên các công ty niêm yết các năm 2021-2022, nghiên cứu đo lường mức độ hài hòa trong thực hành kế toán tại các doanh nghiệp trong khu vực.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có mức độ hài hòa kế toán cao giữa các công ty niêm yết ở năm quốc gia ASEAN trong việc lựa chọn phương pháp đo lường, khấu hao tài sản cố định và đo lường hàng tồn kho. Còn việc lựa chọn chính sách tính giá hàng tồn kho và kế toán bất động sản đầu tư có mức độ hài hòa vừa phải và tồn tại sự khác biệt đáng kể giữa các doanh nghiệp trong 5 quốc gia này.

Đối với các công ty niêm yết ở Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, việc đạt được sự hài hòa khu vực cao trong thực hành kế toán tài sản cố định và đo lường hàng tồn kho là do hầu hết các công ty đều sử dụng cùng một phương pháp đo lường kế toán. Đứng ở góc độ quan điểm người sử dụng thông tin, mức độ hài hòa cao về thực hành kế toán giữa các quốc gia sẽ cải thiện khả năng so sánh của báo cáo tài chính, báo cáo tài chính trở nên hữu ích hơn. Các nước ASEAN phải thúc đẩy tính nhất quán trong thực hành kế toán. Nhờ đó các nhà đầu tư có thể hiểu thông tin kế toán để đưa ra quyết định đầu tư và tài chính xuyên biên giới một cách sáng suốt. Để mang lại điều này đòi hỏi phải trước hết phải đạt được hài hòa chuẩn mực ở một mức độ nhất định. Bên cạnh đó, điều tiên quyết là cơ chế tài chính và chính sách vĩ mô của các quốc gia trong khu vực cần có sự thống nhất chung, tạo cơ sở vừa để các doanh nghiệp có thể vận dụng các mô hình đo lường một cách phù hợp và hiệu quả, vừa mang lại thông tin hữu ích cho các bên liên liên quan.

Những năm gần đây, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IAS/IFRS hoặc tiến hành điều chỉnh các quy định kế toán của mình cho phù hợp hơn, tiệm cận với thông lệ kế toán quốc tế. Các thay đổi quy định về kế toán thường được kỳ vọng khiến thay đổi được thực hành, vì hài hòa về quy định được xem là định hướng quan trọng cho hài hòa về thực hành. Thêm vào đó, hài hòa hóa kế toán khu vực có thể xem là một bước đệm hướng tới sự hài hòa quốc tế, bởi các yếu tố môi trường có tính đồng nhất cao hơn trong ranh giới khu vực. Nếu đạt được sự hài hòa trong khu vực thì việc hòa hợp quốc tế sẽ dễ dàng thực hiện hơn nhiều. Theo các nghiên cứu trước xác định đã có mức độ hài hòa cao về mặt pháp lý trong việc công bố thông tin kế toán của các doanh nghiệp khu vực ASEAN hướng tới chuẩn mực kế toán quốc tế. Tuy nhiên, nghiên cứu này đã chỉ ra vẫn tồn tại sự khác biệt đáng kể về đo lường thông tin tài sản phi tài chính trên thực tế do sự khác biệt về môi trường quốc gia. Vì thế, yếu tố môi trường rõ ràng ảnh hưởng đến việc áp dụng các phương pháp kế toán ở các quốc gia khu vực Đông Nam Á. 

Từ thực tế kế toán bất động sản đầu tư ở các doanh nghiệp trong mẫu khảo sát, có thể thấy sự khác biệt về quy định và thông lệ kế toán ở mỗi quốc gia có thể dẫn đến sự khác biệt trong báo cáo tài chính. Ở Malaysia và Việt Nam, mặc dù có mức độ hài hòa kế toán quốc gia cao, tuy nhiên điều này cần phải xem xét nguyên nhân ẩn chứa đằng sau thực tế này, bởi doanh nghiệp chưa có cơ sở để xác định giá trị bất động sản đầu tư một cách đáng tin cậy nên buộc phải đo lường theo mô hình giá gốc. Nhưng hệ lụy của vấn đề này chính là tính hữu ích của thông tin cho các đối tượng sử dụng bị giảm sút do giá trị thông tin được công bố xa rời thị trường. Do đó, để thông tin hữu ích hơn, các nước trong khu vực cần tạo hành lang pháp lý để các thị trường – trong đó có thị trường bất động sản – hoạt động một cách minh bạch; đồng thời giảm thiểu sự khác biệt về quy định trong chuẩn mực kế toán quốc gia (như Việt Nam hiện nay chưa cho phép đo lường bất động sản đầu tư sau ghi nhận ban đầu theo giá trị hợp lý) để thúc đẩy quá trình hài hòa chuẩn mực theo hướng tiệm cận dần và áp dụng IAS/IFRS, từ đó làm cơ sở tiến tới hài hòa thực tiễn. 

Xem toàn bộ bài nghiên cứu Mức độ hài hòa thực tế của Kế toán Việt Nam với các nước trong khu vực – Nghiên cứu đối với nhóm tài sản tại website UEH.

Tác giả: TS. Trần Thị Thanh Hải – Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem bản tin UEH Research Insights tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Giọng đọc: Thanh Kiều

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021