[Podcast] Vai trò quản trị công ty đến chất lượng báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại thông qua mức độ công bố thông tin về công cụ tài chính

9 Tháng Chín, 2024

Từ khóa: công cụ tài chính, công bố thông tin, quản trị công ty, IFRS7, chất lượng báo cáo tài chính.

Chất lượng báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại phụ thuộc vào mức độ công bố thông tin về công cụ tài chính. Ở Việt Nam chưa ban hành chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính và chưa có nghiên cứu thực nghiệm về việc công bố thông tin liên quan của các ngân hàng thương mại. Với nghiên cứu này, tác giả Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã tập trung vào đo lường mức độ công bố công cụ tài chính của các ngân hàng tại Việt Nam so với chuẩn mực quốc tế theo báo cáo tài chính số 7 (IFRS 7) và xem xét ảnh hưởng của quản trị công ty đến mức độ công bố này.

Công cụ tài chính và mức độ công bố thông tin theo báo cáo tài chính số 7 (IFRS 7)

Công cụ tài chính (Financial instrument) là hợp đồng (hợp đồng tài chính) làm tăng tài sản tài chính của một bên và tăng nợ phải trả tài chính hoặc công cụ vốn chủ sở hữu của bên khác. Hay nói cách khác, công cụ tài chính (CCTC) là hợp đồng, trong đó các bên cùng thỏa thuận trực tiếp hoặc được quy định bởi người phát hành về phương thức trao đổi các luồng tiền hay công cụ tài chính khác trong tương lai. Giá trị của công cụ tài chính phụ thuộc vào cam kết thanh toán của người phát hành, tính thanh khoản của tài sản cơ sở cũng như các yếu tố thị trường.

Hiện nay, trên thế giới có đến 3 chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) về công cụ tài chính như: IAS 32 – Công cụ tài chính: Trình bày; Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) số 7 – Công cụ tài chính: Thuyết minh; Chuẩn mực mới IFRS 9 – Công cụ tài chính. Trong bài nghiên cứu này, tác giả sử dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) số 7 để đo lường mức độ công bố công cụ tài chính của các ngân hàng tại Việt Nam so với chuẩn mực quốc tế và xem xét ảnh hưởng của quản trị công ty đến mức độ công bố thông tin.

IFRS 7 – Công bố công cụ tài chính yêu cầu công bố đầy đủ thông tin về công cụ tài chính để người sử dụng báo cáo tài chính đánh giá được:  

(i) Tầm quan trọng của công cụ tài chính đối với tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của đơn vị; 

(ii) Bản chất và quy mô rủi ro phát sinh từ công cụ tài chính tác động đến đơn vị trong kỳ  kinh doanh và vào ngày lập báo cáo, cùng với cách thức quản trị rủi ro của đơn vị. 

Thêm vào đó, Basel II (Hiệp ước Basel) yêu cầu các ngân hàng phải công khai thông tin về cơ  cấu vốn, mức độ đầy đủ vốn, mức độ nhạy cảm của ngân hàng với rủi ro tín dụng, rủi ro thị  trường, rủi ro hoạt động và thông tin về quy trình đánh giá của ngân hàng với từng loại rủi  ro này. 

Vai trò của công cụ tài chính tại các Ngân hàng thương mại

Ngân hàng thương mại (NHTM) đóng vai trò quan trọng trong thị trường tài chính, các hoạt động ngân hàng chủ yếu gắn với việc tạo lập và sử dụng các công cụ tài chính. Các CCTC chủ yếu của ngân hàng bao gồm:

Tài sản tài chính từ hoạt động tín dụng ngân hàng

Hoạt động tín dụng của NHTM được thực hiện dưới các hình thức khác nhau, như: cho vay, chiết khấu thương phiếu, cho thuê tài chính, bảo lãnh và bao thanh toán…và tạo ra các tài sản tài chính như cho vay khách hàng (bao gồm cả mua trái phiếu của bên phát hành mà trái phiếu này không giao dịch trên thị trường thứ cấp).

Tài sản tài chính là chứng khoán phi phái sinh

Kinh doanh chứng khoán là hoạt động mang lại thu nhập cho ngân hàng trong ngắn hạn từ chênh lệch giá, trong khi đó các khoản đầu tư chứng khoán giúp ngân hàng hưởng lãi từ các công cụ nợ hay hưởng cổ tức của bên phát hành từ công cụ vốn.

Vốn chủ sở hữu và nợ phải trả tài chính

Hoạt động huy động vốn tạo ra nguồn vốn cho ngân hàng thương mại thông qua phát hành các công cụ tài chính là công cụ vốn (như cổ phiếu), công cụ nợ (phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi), tiền vay của NHNN hay các tổ chức tín dụng khác, tiền gửi và tiền gửi tiết kiệm của khách hàng…

Các công cụ phái sinh là tài sản tài chính hay nợ tài chính

NHTM có thể phát hành hay đầu tư các công cụ tài chính phái sinh căn bản như công cụ phái sinh tiền tệ, phái sinh lãi suất, phái sinh tín dụng có đối tượng cơ sở lần lượt là tỷ giá hối đoái, lãi suất, xếp hạng tín nhiệm… Khi ngân hàng phát hành hay nắm giữ, tùy thuộc vào xu hướng thay đổi của đối tượng cơ sở, các công cụ tài chính phái sinh có thể là nợ phải trả tài chính hay tài sản tài chính của ngân hàng.

Tóm lại, công cụ tài chính trong NHTM rất đa dạng, gắn liền với hoạt động kinh doanh cũng như giúp phòng ngừa rủi ro cho ngân hàng. Chính vì thế, công cụ tài chính giữ vị trí quan trọng đối với kết quả kinh doanh của NHTM. Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ tài chính luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến tính ổn định của các ngân hàng. Do đặc điểm của công cụ tài chính dẫn đến các chính sách kế toán, đo lường và trình bày trên BCTC đòi hỏi có sự xét đoán và ước tính. Các chính sách kế toán về công cụ tài chính phụ thuộc vào mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại. Vì vậy yêu cầu về công bố công cụ tài chính càng đòi hỏi khắt khe hơn nhằm đưa ra những thông tin minh bạch cho người sử dụng BCTC.

Yêu cầu công bố thông tin về công cụ tài chính trên BCTC của Ngân hàng thương mại

Công bố thông tin là việc đưa ra các thông tin liên quan đến một công ty, các thông tin này có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của nhà đầu tư. Cho nên, việc công bố thông tin trên BCTC có ảnh hưởng quan trọng tới chất lượng thông tin BCTC, từ đó ảnh hưởng đến người sử dụng hay nói cách khác là các nhà đầu tư – người đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh vào đơn vị.

Đối với ngành tài chính, đặc biệt là các ngân hàng thương mại thì việc công bố thông tin kết hợp với chất lượng công bố thông tin góp phần làm nên sự minh bạch thông tin của BCTC. Ở góc độ quản lý, thông lệ quốc tế về ngân hàng (Basel II) và Ngân hàng Trung Ương của các quốc gia luôn đặt ra các yêu cầu khác nhau đối với công bố thông tin trên BCTC. Điều này nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tránh các rủi ro làm đổ vỡ hệ thống ngân hàng. Ở góc độ vi mô, việc công bố thông tin là rất quan trọng bởi nó giúp các ngân hàng dễ dàng tiếp cận với các nguồn tài chính trên thị trường, giảm chi phí huy động vốn, qua đó mở rộng thị phần, tăng khả năng cạnh tranh. Chính vì lý do đó, chất lượng công bố thông tin của hệ thống ngân hàng Việt Nam còn thấp so với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là so với một số nước áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS). NHNN Việt Nam cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn trình bày BCTC đối với các tổ chức tín dụng trong đó có ngân hàng thương mại như quyết định 16/2007/QĐ-NHNN ban hành Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng, thông tư 210/2009/TT-BTC về hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày BCTC và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính,… nhưng vẫn chỉ mang tính chất hướng dẫn nên vẫn có nhiều hạn chế so với các nước áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế.

Bên cạnh đó, cơ chế quản trị công ty cũng nhận được sự quan tâm lớn trong các nghiên cứu kế toán và được xem là động lực chính để áp dụng IFRS. Lý thuyết ủy nhiệm cho rằng cấu trúc quản trị công ty có mối quan hệ với thực hành báo cáo tài chính, đặc biệt là mức độ công bố thông tin. Cấu trúc này được thể hiện thông qua quy mô hội đồng, thành viên độc lập, thời gian tham gia hội đồng, vai trò kép, tỷ lệ sở hữu và ủy ban kiểm toán.

Kết quả thực tế công bố công cụ tài chính của các ngân hàng Việt Nam

Kết quả đo lường mức độ thực hành công bố CCTC theo quy định của các NHTM Việt Nam, giai đoạn 2010-2022 như sau: Mức độ công bố trung bình đạt 46%, trong đó quan sát có công bố cáo nhất đạt 82%, thấp nhất 6%. Hai nội dung lớn cần công bố là tầm quan trọng của CCTCrủi ro gắn với CCTC có mức độ công bố khác nhau. Trong đó, về tầm quan trọng của CCTC, mức công bố trên 52%, về rủi ro và phòng ngừa rủi ro có mức độ thực hành thấp hơn, là 44%. Công bố về tầm quan trọng của CCTC đối với kết quả kinh doanh đạt 83% – mức độ công bố cao nhất. Nội dung công bố thấp nhất là phòng ngừa rủi ro, trung bình đạt 7% so với yêu cầu cần công bố.

Cũng trong giai đoạn 2010-2022, trung bình quy mô tài sản hệ thống NHTM Việt Nam tăng bình quân 15%/năm. Mức độ thực hành công bố CCTC theo yêu cầu trung bình 64 mục thông tin, đơn vị công bố nhiều nhất 96 mục thông tin, thấp nhất 8 mục thông tin. Quy mô Hội đồng quản trị trung bình có 8 thành viên, cao nhất là 15 thành viên, thấp nhất 4 thành viên. Trong đó, số thành viên độc lập cao nhất là 3, có đơn vị quan sát cho thấy trong hội đồng quản trị không có thành viên nào là thành viên độc lập. Có các ngân hàng có sở hữu bởi cổ đông nước ngoài, có ngân hàng không có. Trong đó sở hữu nước ngoài cao nhất là 30%. Về vai trò kép, có 16% đơn vị quan sát có Tổng Giám đốc cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị, còn lại phần lớn 86% đảm bảo tính độc lập giữa hai vai trò này. Trung bình có 4 thành viên thuộc ủy ban kiểm toán, trong đó cao nhất là 7 thành viên và thấp nhất là 2 thành viên.

Hàm ý nghiên cứu của công cụ tài chính về mức độ công bố thông tin đến các ngân hàng tại Việt Nam

Khi hệ thống kế toán Việt Nam chưa xây dựng chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính, nghiên cứu đo lường sự hòa hợp giữa quy định của Việt Nam với IFRS 7 không chỉ đóng góp cho lý thuyết hài hòa quốc tế về quy định mà còn góp phần thúc đẩy xây dựng các chuẩn mực này. Hơn nữa, nghiên cứu bổ sung bằng chứng về vai trò giải thích của yếu tố quản trị công ty trong bối cảnh quốc gia chưa xây dựng chuẩn mực về công bố công cụ tài chính.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu gợi ý cho các nhà lập quy và quản trị ngân hàng trong lĩnh vực công bố về công cụ tài chính. Trước hết, để góp phần tăng cường tính hữu ích của thông tin mà các ngân hàng công bố, Việt Nam cần khẩn trương xây dựng chuẩn mực kế toán liên quan. Với các ngân hàng thương mại ngoài việc cần xây dựng cơ chế quản trị công ty mạnh, nên chú trọng hơn về việc cần có các chuyên gia về lĩnh vực này trong cơ cấu hội đồng quản trị và ủy ban kiểm toán nhằm tằng cường giám sát lập báo cáo tài chính tốt hơn.

Qua đó, để các ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin hữu ích hơn, trước hết cần thiết ban hành chuẩn mực về công cụ tài chính. Ngoài ra, các ngân hàng cần có các chuyên gia về lĩnh vực này trong cơ cấu hội đồng quản trị và ủy ban kiểm toán nhằm tằng cường giám sát lập BCTC tốt hơn.

Xem toàn bộ bài nghiên cứu Vai trò của quản trị công ty đến chất lượng báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại được đo lường thông qua mức độ công bố thông tin về công cụ tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế TẠI ĐÂY.

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Thu Hiền – Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem bản tin UEH Research Insights tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Giọng đọc: Ngọc Quí

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021