NGÂN HÀNG BẮT TAY FINTECH (phần 1): Hợp tác Ngân hàng – Fintech trong điều kiện ổn định tài chính toàn diện.

30 Tháng Chín, 2021

Xu hướng hợp tác của Ngân hàng – Fintech tại Việt Nam đang ngày càng trở nên sôi động. Cùng với đó, thách thức về sự bảo mật và mức độ an toàn của ngân hàng trong cuộc “bắt tay” này được đề cao hơn bao giờ hết. Vậy, khi nào cán cân ấy sẽ cân bằng cho việc hợp tác đôi bên, và trách nhiệm của người trong cuộc là gì? Hãy cùng đón đọc 3 phần “Ngân hàng bắt tay Fintech” để giải mã những câu hỏi cấp thiết này!

Ngân hàng và Fintech thực trạng phối hợp tại Việt Nam

Bàn về vai trò của Fintech trong mối quan hệ hợp tác Ngân hàng – Fintech, Ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước đánh giá, xu hướng hợp tác này là “Không có Fintech thì Mobile Banking của các ngân hàng sẽ không thể phát triển như ngày hôm nay và nhờ đến với Fintech, các ngân hàng có cả một hệ sinh thái số”. Các ngân hàng đã từng trang bị dự án Mobile Banking cách đây khoảng 10 năm nhưng một số đã phải dừng lại vì chi phí đầu tư quá lớn. Và khi bắt đầu có sự hợp tác giữa Ngân hàng và Fintech thì Mobile Banking và Internet Banking trở nên tất yếu và phổ biến hơn.

Mô hình hợp tác Ngân hàng – Fintech 

Ngân hàng và Fintech ngày càng có nhiều cú bắt tay chặt chẽ hơn để gia tăng trải nghiệp dịch vụ cho người dùng trong nhiều lĩnh vực từ giao dịch tài chính đến thanh toán số. 

Theo khảo sát của Viện Chiến lược Ngân hàng năm 2019, 84% lãnh đạo ngân hàng cho biết mong muốn hợp tác với các Fintech để cùng phát triển dựa trên thế mạnh sẵn có của mỗi bên. Đồng thời, các quy trình nghiệp vụ tín dụng như xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản… cũng có thể chia sẻ cho Fintech. Chính vì Fintech tạo ra những thay đổi mang tính bản lề đối với hoạt động tài chính, nên gần như chắc chắn các tổ chức tài chính không sử dụng Fintech sẽ trở nên lạc hậu và mất dần khả năng cạnh tranh.

Xu hướng hợp tác của ngân hàng – Fintech tại Việt Nam ngày càng trở nên sôi động. Phần lớn các dự án đầu tư của ngân hàng vào các công ty Fintech khởi nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Một trong những khoản đầu tư trong nước đáng chú ý như VPBank vào FE Credit. VIB vào công ty Fintech Weezi cho ra mắt sản phẩm MyVIB Keyboard, một ứng dụng chuyển tiền qua mạng xã hội. Techcombank đã kết hợp với Fintech Fastacash giới thiệu tính năng F@st Mobile, phương thức chuyển tiền nhanh chóng qua Facebook và Google+. Vietcombank hợp tác với M_Service trong thanh toán chuyển tiền. VietinBank hợp tác với Opportunity Network (ON) cung cấp nền tảng kết nối doanh nghiệp với trên 15.000 doanh nghiệp ở 113 quốc gia, tạo ra cơ hội mở rộng thị trường hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã phát triển ngân hàng số dựa trên sự hợp tác với đối tác chiến lược Viettel, một trong những công ty tài chính viễn thông lớn trong nước tạo ra công nghệ cho phép người dùng thực hiện giao dịch ngay trong ứng dụng Messenger của Facebook.

Ngoài ra, cũng có trường hợp công ty Fintech mua lại công ty con của ngân hàng. Điển hình là công ty Lotte Card thuộc tập đoàn Lotte Hàn Quốc, đã thực hiện thương vụ thâu tóm công ty Techcom Finance, công ty con của Techcombank Việt Nam, nhằm mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng ở Việt Nam.

Quan điểm của Ngân hàng nhà nước đối với phát triển Fintech và ổn định tài chính quốc gia

Thị trường Fintech Việt Nam có giá trị 9 tỷ USD vào năm 2020 và đang tiếp tục bùng nổ

Về quan điểm riêng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, việc ổn định hệ thống tài chính giúp ổn định giá cả và đảm bảo kinh tế phát triển bền vững. Hệ thống tài chính ổn định cũng tạo nên một môi trường lý tưởng cho nhà đầu tư và người gửi tiền, tăng hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian tài chính, giúp thị trường tài chính thực hiện tốt chức năng, cải thiện việc phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế, giảm đi các cú sốc và rủi ro hệ thống. Ngân hàng nhà nước (NHNN) đánh giá tính ổn định của hệ thống ngân hàng, cho đến năm 2019, các Ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn liên tục củng cố năng lực tài chính cũng như tăng quy mô hoạt động. Thanh khoản của hệ thống được đảm bảo ổn định, những tình trạng gây bất ổn đến sự an toàn của toàn hệ thống như nợ xấu, sở hữu chéo đã được xử lý giảm còn ở mức rất thấp.

Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước trong khu vực, xét về quy mô và năng lực tài chính thì NHTM Việt Nam vẫn còn nhỏ, mức độ lành mạnh tài chính của một ngân hàng còn hạn chế. Nhìn chung, mức độ an toàn, ổn định của hệ thống NHTM nói riêng và tổ chức tín dụng nói chung chưa bằng các nước trong khu vực; dễ bị tổn thương trước những tác động bất ngờ từ bên ngoài.

Đánh giá về rủi ro của hệ thống thanh toán, theo quan điểm NHNN, trong bối cảnh hệ thống thanh toán của Việt Nam được thúc đẩy kết nối với thế giới, các nguy cơ rủi ro đối với hệ thống thanh toán của Việt Nam luôn tiềm ẩn như rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và đặc biệt là rủi ro tấn công công nghệ. Xét riêng về nguy cơ an ninh mạng, Việt Nam hiện đứng thứ 06 theo xếp hạng thế giới về nguy cơ rủi ro tấn công từ chối dịch vụ và đứng thứ 03 về rủi ro mạng máy tính. Theo đó, khi Việt Nam càng hội nhập, hệ thống thanh toán xuyên biên giới càng rộng thì nguy cơ rủi ro càng cao và chịu tác động của thị trường toàn cầu càng lớn.

Trước nguy cơ đó, NHNN đã thực hiện các biện pháp để quản lý và phòng ngừa những tác động xấu của những nguy cơ này đến hệ thống thanh toán quốc gia như: cài đặt phần mềm theo dõi và khai thác dữ liệu giao dịch của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS), giám sát hệ thống ATM/POS, quản lý chặt chẽ hệ thống thanh toán ngoại tệ, giao dịch chứng khoán, tham gia chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) của Ngân hàng Thế giới để xác định những điểm yếu của hệ thống thanh toán, qua đó, có những công tác tích cực để cải thiện. NHNN cũng tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử như ví điện tử, thể hiện qua việc ban hành Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán tại Việt Nam giai đoạn 2014 – 2020 (theo Quyết định số 1490/QĐ-NHNN ngày 29/7/2014).

Nhìn chung, từ quan điểm của NHNN, so với các nước trên thế giới, hệ thống thanh toán của Việt Nam hiện nay được quản lý và kiểm soát khá tốt, đảm bảo an toàn, thể hiện qua số lượng và tỷ lệ sự cố gian lận thấp. Hơn nữa, đến cuối năm 2020, tỷ lệ thanh toán thẻ tại Việt Nam cũng chỉ mới bằng 1/3 so với tỷ lệ trung bình của thế giới.

Liên quan đến vấn đề tài chính toàn diện, đây là một vấn đề được Chính phủ quan tâm và thúc đẩy. Tỷ lệ khách hàng, nhất là các khách hàng lẻ như khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Việc thúc đẩy tài chính toàn diện còn rất khó khăn do cơ sở hạ tầng chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, NHNN đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển tài chính toàn diện như: Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định số 2545/QĐ-TTg-2016) và vẫn đang được thực hiện cho giai đoạn năm 2016-2020; Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020 đã phê duyệt từ năm 2011; Chỉ thị 22/CT-TTg-2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam; Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Quyết định số 149/QĐ-TTg/2020 của Thủ tướng đã phê duyệt “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu lớn nhất là: các sản phẩm, dịch vụ tài chính được cung cấp đến mọi người dân và các tổ chức kinh tế, phi kinh tế một cách an toàn, tiện lợi, đáp ứng nhu cầu, chi phí hợp lý và phù hợp với quy định pháp luật.

Như vậy, sự ổn định của hệ thống ngân hàng vẫn còn là một điểm yếu trong công tác đảm bảo ổn định tài chính của Việt Nam. Một số điểm nhấn trong những đề xuất giải pháp của các chuyên gia trong ngành đối với vấn đề tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính là lợi dụng thế mạnh của Fintech để đẩy mạnh tài chính toàn diện, công nghệ hóa hoạt động tài chính, ngân hàng theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường an ninh, bảo mật đối với hoạt động thanh toán.

Xem đầy đủ bài nghiên cứu “Ngân hàng 4.0: Phối hợp Ngân hàng – Fintech trong điều kiện ổn định tài chính Quốc gia”, chi tiết xem tại đây.

Nhóm tác giả: TS. Hoàng Hải Yến, TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung, ThS. Nguyễn Thị Thùy Dương (ĐH Kinh tế TP HCM) & ThS. Vũ Bích Ngọc, ThS. Trần Hoàng Trúc Linh (ĐH Mở TP HCM).

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH, trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem số 03 “Ngân hàng bắt tay Fintech (phần 2): Ngân hàng – Fintech chọn đối tác bắt tay theo tiêu chí nào?”.

Tin, ảnh: Nhóm tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông.

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021