[Podcast] Xây Dựng Chuỗi Liên Kết Sản Xuất – Tiêu Thụ Nông Sản Thực Phẩm Theo Hướng Bảo Đảm An Toàn Thực Phẩm Giữa TP.HCM Và Các Tỉnh Thành Vùng Kinh Tế Trọng Điểm Phía Nam (Phần 1): Hiện Trạng Tổ Chức Sản Xuất Thực Phẩm Đạt Chuẩn An Toàn

2 Tháng Mười, 2023

TP.HCM và các đô thị lớn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) là thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm chủ yếu của các tỉnh/thành Nam Bộ và nhất là các tỉnh/thành vùng KTTĐPN. Vì vậy, việc liên kết nội vùng giữa các tỉnh, thành về sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho hàng chục triệu cư dân và thế hệ tương lai. Từ hiện trạng tổ chức sản xuất thực phẩm đạt chuẩn an toàn và các vấn đề khó khăn, tồn đọng tại địa phương, tác giả đã tiến hành nghiên cứu và phân tích đề xuất các chính sách quản lý, giải pháp gia tăng lượng cung và nguồn cung bình ổn thị trường ở các tỉnh thành vùng KTTĐPN.

Phần 1 bài viết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về hiện trạng tổ chức sản xuất thực phẩm đạt chuẩn an toàn. 

Bối cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Trong nhiều năm qua, TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước đóng góp lớn vào GDP và ngân sách quốc gia với hơn 14 triệu cư dân đã cố gắng xây dựng hệ thống bán lẻ, hệ thống các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm đầu mối, các chợ đầu mối, xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm,… nhằm phát triển hệ thống thương mại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và cải thiện quản lý an toàn thực phẩm (ATTP). Vai trò của các hệ thống phân phối hiện đại và các chợ đầu mối là không thể thiếu được trong kết nối giữa nơi sản xuất – cung ứng và nơi tiêu thụ. Ở TP.HCM và các tỉnh, các hệ thống phân phối hiện đại đang phát triển mạnh mẽ và phần nào bảo đảm được các quy định về ATTP. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 70% nông sản thực phẩm được phân phối theo kênh thương mại truyền thống là các chợ dân sinh không được kiểm soát chặt chẽ về ATTP.

TP.HCM và các đô thị lớn trong vùng là thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm chủ yếu của các tỉnh/thành Nam bộ và nhất là các tỉnh/thành vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì vậy liên kết nội vùng giữa các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm bảo đảm ATTP là hết sức bức thiết để bảo vệ sức khỏe cho hàng chục triệu cư dân và thế hệ tương lai. Hiện nay, sự liên kết ở cấp độ vùng cho cung ứng và thương mại thực phẩm an toàn vẫn còn nhiều khó khăn, chưa có cơ chế pháp lý cụ thể, khi mà quản lý theo địa giới hành chính vẫn còn là yếu tố chia cắt chuỗi cung ứng thực phẩm hướng đến sản xuất và tiêu thụ an toàn. Do vậy, việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ thực phẩm đạt chuẩn ATTP giữa TP.HCM, thị trường tiêu thụ và các tỉnh thành vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi sản xuất và chế biến cũng như việc tìm ra một cơ chế liên kết vùng nhằm giải quyết mối liên kết sản xuất và tiêu dùng đạt chuẩn ATTP giữa TP.HCM, các đô thị lớn và các vùng sản xuất nông nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là rất quan trọng.

Tình hình tổ chức sản xuất thực phẩm đạt chuẩn an toàn và các vấn đề của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

*Chủ trương, chính sách của Chính quyền địa phương và các hoạt động quản lý ATTP đang triển khai ở các địa phương trong Vùng

Hiện nay, TP.HCM đang thực hiện thí điểm mô hình quản lý ATTP hợp nhất với đầu mối là Ban Quản lý ATTP Thành phố. Trong khi đó, các tình thành khác vẫn tổ chức quản lý ATTP theo mô hình phân tán giữa các cơ quan quản lý cấp tỉnh thuộc ba ngành nông nghiệp, y tế và công thương, trong đó ngành y tế là đầu mối. Chính quyền các tỉnh, thành phố Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam rất quan tâm đến việc tổ chức sản xuất và quản lý ATTP cho nông sản thực phẩm tại địa phương. 

Các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp và an toàn thực phẩm ở các tỉnh, thành phố hiện nay chủ yếu áp dụng quản lý sản xuất theo quy chuẩn sản xuất an toàn sinh học đối với sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi vì tính chất bắt buộc về pháp lý và có những chính sách hỗ trợ tùy thuộc vào nguồn lực của địa phương. Trong khi đó, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không có tính chất bắt buộc và chỉ tùy thuộc vào yêu cầu của kênh thị trường tiêu thụ. Các tỉnh thường hỗ trợ thực hiện các dự án chăn nuôi, trồng trọt theo quy chuẩn an toàn, có cấp chứng nhận cho các hộ và trang trại thực hiện đúng quy chuẩn. Hầu hết các tỉnh khuyến khích nông dân tham gia HTX để quản lý việc sản xuất thực phẩm an toàn và nhận hỗ trợ tập thể, đồng thời chỉ hỗ trợ kinh phí thực hiện và chứng nhận VietGAP lần đầu cho các đơn vị thụ hưởng, chủ yếu là các HTX nông nghiệp. 

Hiện nay, người sản xuất có thể chọn lựa sản xuất theo quy chuẩn sản xuất an toàn sinh học hoặc tiêu chuẩn VietGAP, hoặc sản xuất không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn nào vì không thật sự bị bắt buộc. Do đó, phần lớn hộ gia đình và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thường không đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn và phân phối sản phẩm theo các kênh truyền thống trong khi các trang trại quy mô lớn, các doanh nghiệp nông nghiệp thường áp dụng các quy chuẩn tiêu chuẩn này theo yêu cầu của các kênh phân phối hiện đại.

Quản lý vật tư nông nghiệp tại các tỉnh là một vấn đề khó khăn. Tỉnh không có thẩm quyền cấp phép sản xuất, lưu hành các hóa chất nông nghiệp nhưng phải quản lý việc kinh doanh và phân phối. Việc ghi nhãn thuốc bảo vệ thực vật cho nhiều đối tượng dịch hại và cây trồng khác nhau cũng gây ra khó khăn cho cơ quan quản lý chuyên ngành khi kiểm qua việc sử dụng hóa chất của người sản xuất. Ngoài ra, thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành cũng có hạn chế và khó tổ chức kiểm tra liên ngành.

Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt ở các chợ đầu mối vẫn còn chưa thể bảo đảm an toàn thực phẩm vì thực chất chỉ truy xuất được từ thương lái thu gom cho đến giết mổ và phân phối về các chợ đầu mối. Đặc biệt, truy xuất nguồn gốc sản phẩm càng khó khăn hơn khi sản phẩm chăn nuôi trước giết mổ đến từ rất nhiều tỉnh, thành khác nhau. Tình hình truy xuất nguồn gốc cũng tương tự như vậy đối với sản phẩm thịt gia súc gia cầm khác và rau quả.

Việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu, nhãn hiệu tập thể và cá nhân, cung cấp các giải pháp ứng dụng cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã vạch, mã QR cho sản phẩm đạt chuẩn theo yêu cầu của nhà sản xuất đang được các địa phương thực hiện nhưng chưa rộng khắp. 

Các tỉnh thành trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam chưa liên kết chặt chẽ với nhau khi xây dựng kế hoạch sản xuất cũng như thông tin về thị trường và lượng cầu thị trường nhằm đáp ứng cân bằng cung cầu. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin thị trường phía các thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn nông sản thực phẩm như TP. Hồ Chí Minh chưa được xây dựng càng làm cho việc xây dựng kế hoạch sản xuất của các địa phương thuộc Vùng chưa nối kết được với thị trường một cách chủ động. 

Khó khăn trong phối hợp quản lý ATTP giữa địa phương tiêu thụ và địa phương sản xuất cũng là rào cản tiêu thụ nông sản. Trước tiên, các hệ thống quản lý ATTP giữa địa phương sản xuất và địa phương tiêu thụ chưa thống nhất với nhau. Các khác biệt về thủ tục quản lý như địa phương sản xuất chứng nhận đạt chuẩn nhưng địa phương tiêu thụ không công nhận, hoặc thêm các rào cản quản lý cũng làm cho kênh phân phối bị gián đoạn, hoặc tạo thêm rào cản gia nhập. 

*Người sản xuất, hộ gia đình nông dân, cơ sở sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp

Các tỉnh đều có xu hướng đánh giá rằng phần lớn nông dân có đủ kiến thức thực hiện VietGAP, có nhận thức về sản xuất thực phẩm an toàn, và sẵn sàng áp dụng, nhưng không áp dụng vì các lý do khác nhau. Khảo sát các hộ sản xuất cũng cho thấy kết quả tương tự.

Về phương diện sản xuất, việc ghi nhận quá trình sản xuất và các loại vật tư nông nghiệp vào nhật ký sản xuất và các biểu mẫu theo VietGAP lại phức tạp đối với nông dân, trong khi sản xuất theo quy chuẩn an toàn sinh học không đòi hỏi việc ghi chép này. Chi phí áp dụng cũng là một rào cản tài chính, mặc dù không lớn đối với trang trại nông nghiệp nhưng lại quan trọng đối với nông hộ nhỏ. 

Về phương diện tiêu thụ, sản phẩm VietGAP không được phân biệt với sản phẩm sản xuất theo quy trình thông thường trên thị trường truyền thống. Sản phẩm VietGAP không có giá khác biệt để bù đắp các chi phí vật chất và chi phí quản lý phát sinh trong quá trình thực hiện nên gây ra thiệt hại tài chính cho người sản xuất. Ở kênh phân phối hiện đại, các siêu thị chỉ thu mua một phần sản phẩm VietGAP (khoảng 20%). Phần còn lại nông dân vẫn phải tiêu thụ thông qua các kênh thương mại thông thường và không có phân biệt sản phẩm về chủng loại và giá cả. Người sản xuất gặp khó khăn trong việc tiêu thụ lượng sản phẩm không đi vào kênh phân phối hiện đại, nhận các rủi ro và thiệt hại tài chính và vì vậy, không muốn áp dụng VietGAP. Mặt khác, sự lệ thuộc của nông hộ nhỏ vào nguồn cung ứng tài chính từ hệ thống thương lái cũng là rào cản áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn ATTP. Trong trường hợp này, hệ thống thương lái có vai trò quyết định đối với thành bại của việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn ATTP. Chỉ khi nào các kênh bán lẻ bắt buộc phải áp dụng các tiêu chuẩn ATTP cho sản phẩm thì hệ thống thương lái mới có thể thay đổi hành vi. Ở một vài địa phương, hiện đang hình thành quan hệ nông hộ trồng rau theo hình thức gia công cho thương lái, tương tự như ở ngành chăn nuôi gà thịt. Do đó, nông dân hoàn toàn không quan tâm đến sản xuất an toàn, mà lệ thuộc hoàn toàn vào phương thức canh tác và hóa chất nông nghiệp mà thương lái cung cấp và yêu cầu áp dụng.

Sản phẩm VietGAP không có giá khác biệt để bù đắp các chi phí vật chất và chi phí quản lý phát sinh trong quá trình thực hiện nên gây ra thiệt hại tài chính cho người sản xuất. Ảnh sưu tầm

 

Rào cản tâm lý của người sản xuất mà chủ yếu là hộ nông nghiệp cũng hạn chế việc mở rộng quy mô canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Nông dân thường quan tâm tới lợi ích ngắn hạn hơn lợi ích lâu dài và bền vững. Đối với các HTX, thành viên tham gia cũng chưa thấy được các lợi ích thực sự mà việc sản xuất hợp tác mang lại.

*Các khó khăn ở hệ thống tổ chức sản xuất

Vì quy mô sản xuất của nông dân nhỏ lẻ và manh mún, chi phí áp dụng tiêu chuẩn VietGAP (huấn luyện, áp dụng, chứng nhận, tái chứng nhận) cho cá nhân và hộ gia đình tương đối cao và hạn chế người áp dụng. Từ đó dẫn đến hệ quả là người sản xuất không đủ điều kiện áp dụng truy xuất nguồn gốc theo các tiêu chuẩn ATTP. Đối với chăn nuôi gia súc gia cầm, vấn đề áp dụng quy chuẩn chăn nuôi an toàn sinh học và tiêu chuẩn VietGAP có hiệu quả hơn khi sản xuất với quy mô lớn. Các trang trại hoặc doanh nghiệp nông nghiệp có lợi thế vốn và thị trường để đầu tư đạt chuẩn. Tuy nhiên, các hộ gia đình chăn nuôi gia súc gia cầm với quy mô nhỏ lẻ, nhất là đối với chăn nuôi gà bán tập trung như gà thả vườn, vịt chạy đồng thường không đủ điều kiện vốn và thị trường để đầu tư đạt chuẩn.

*Các khó khăn trong tiêu thụ nông sản an toàn

Các nghiên cứu gần đây về phía người tiêu dùng đều cho thấy có sự phân hóa rõ ràng. Một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập cao mong muốn và quan tâm thực sự đến tiêu dùng nông sản an toàn. Trong khi đó, phần lớn người tiêu dùng có thu thập trung bình và thấp có mong muốn nhưng vẫn phải mua nông sản ở hệ thống phân phối truyền thống là các chợ bán lẻ. Hệ thống phân phối hiện đại có giới hạn về năng lực tiêu thụ nông sản thực phẩm vì còn tồn tại song song hệ thống chợ truyền thống, nên chỉ có thể phân phối đáp ứng cho khoảng 20% lượng cầu. Do đó, hệ thống phân phối hiện đại không thể thu mua 100% sản lượng của các đơn vị sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhà sản xuất buộc phải bán lượng hàng VietGAP tồn đọng vào các kênh phân phối truyền thống không phân biệt sản phẩm và giá. Điều này dẫn tới việc các nhà sản xuất dần từ bỏ hoặc giảm diện tích nuôi trồng theo VietGAP.

Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cho hộ gia đình hoặc HTX nhằm tăng diện tích VietGAP góp phần tăng áp lực cạnh tranh đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại, tăng cơ hội của người mới gia nhập, nhưng cũng làm giảm cơ hội của người đã bán hàng cho hệ thống phân phối. Mặt khác, chi phí chìm của HTX hoặc người sản xuất nói chung khi muốn phân phối hàng hóa vào kênh phân phối hiện đại cũng là một rào cản tài chính quan trọng. Đối với hầu hết người sản xuất, giá thu mua sản phẩm VietGAP, GlobalGAP, chi phí thực hiện quản lý bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm ở các kênh phân phối hiện đại chưa hợp lý so với chi phí sản xuất của họ. Trong khi đó, các kênh tiêu thụ truyền thống không phân biệt sản phẩm VietGAP và sản phẩm thông thường về giá. Ngoài ra, nông dân và người sản xuất nói chung chưa chấp nhận phương thức thu mua và thanh toán một số kênh tiêu thụ hiện đại, ví dụ như mua trước, thanh toán sau theo chất lượng nông sản và chi trả qua tài khoản ngân hàng. Các phương thức thu mua và thanh toán này không phù hợp với mong muốn của nông dân.

Thói quen tiêu dùng đơn giản và chưa chú trọng đến ATTP cũng là một khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm an toàn. Thói quen tiêu dùng thịt nóng của người tiêu dùng Việt Nam tạo ra hệ quả là chuỗi cung ứng thịt không có hệ thống kho lạnh và kho mát lưu trữ bảo quản thịt, từ đó tác động lại gây ra các khó khăn cho chuỗi giá trị thịt khi muốn lưu trữ để kiểm soát ATTP và điều hòa giá cả. 

Tác giả: PGS. TS. Trần Tiến Khai – Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #86 tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Giọng đọc: Ngọc Quí

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021