[Research Contribution] Phát triển bền vững tại Việt Nam: Hành trình đến phát thải ròng bằng “0”

5 Tháng Năm, 2025

Từ khóa: Phát thải ròng bằng 0, Net-Zero, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, khí nhà kính

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trong đó giảm phát thải khí nhà kính là một trong những ưu tiên chiến lược hàng đầu. Tuy nhiên, trên con đường tiến đến phát thải ròng bằng “0” (Net-Zero), Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ và không ngừng nghỉ từ tất cả các bên liên quan. Trong bài nghiên cứu này, nhóm tác giả thuộc UEH Mekong, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) sẽ phân tích thực trạng phát thải tại Việt Nam, đồng thời tham chiếu các mô hình thành công từ các quốc gia như Mỹ, Singapore và các nước thuộc Liên minh châu Âu, qua đó đề xuất những giải pháp khả thi nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh một cách nhanh chóng, hiệu quả và bền vững.

#20 Bg 1499x600

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, việc áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động của khí nhà kính trở nên vô cùng cấp bách mang tính toàn cầu. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đang tích cực triển khai các giải pháp bền vững nhằm bảo vệ hệ sinh thái, nâng cao chất lượng sống và hướng tới một nền kinh tế carbon thấp. Phát thải ròng bằng không (Net-zero) vì vậy đã trở thành chiến lược ưu tiên trên toàn cầu. Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (Conference of the Parties – COP26), có 148 quốc gia, trong đó có Việt Nam, cam kết thực hiện mục tiêu Net-zero. Tính đến ngày 4/9/2024, đã có 52 quốc gia đưa mục tiêu này vào chính sách của họ, 28 quốc gia ban hành quy định pháp lý bắt buộc 12 quốc gia công khai cam kết và 5 quốc gia đạt được trạng thái cân bằng giữa phát thải và hấp thụ khí nhà kính.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu – Việt Nam nhận thức rõ áp lực từ tình trạng phát thải ngày càng gia tăng. Do đó, việc chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp không chỉ là định hướng phát triển tất yếu, mà còn là điều kiện tiên quyết để bảo vệ môi trường và chất lượng sống bền vững cho người dân.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã tích cực xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng và khuyến khích ứng dụng công nghệ xanh. Song song đó, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cũng được đẩy mạnh nhằm lan tỏa nhận thức và hành động trong toàn xã hội.

Tuy nhiên, những nỗ lực hiện tại mới chỉ là bước đầu. Để tiến xa hơn trong hành trình hướng tới Net-zero, Việt Nam cần sự đồng hành mạnh mẽ từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Trong tiến trình chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững, quốc gia đang đứng trước cả những cơ hội lẫn thách thức lớn, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và sự chung tay hành động từ toàn xã hội.

Phát thải ròng bằng “0” là gì?

Phát thải ròng bằng “0” (Net-Zero emissions) là trạng thái khi tổng lượng khí nhà kính (KNK) thải ra vào khí quyển được cân bằng hoàn toàn bởi lượng khí được loại bỏ hoặc hấp thụ trở lại qua các biện pháp tự nhiên và công nghệ. Các loại khí này bao gồm: carbon dioxide (CO₂), methane (CH₄), nitrous oxide (N₂O) và một số khí khác gây hiệu ứng nhà kính.

Nói cách khác, Net-Zero không chỉ là việc giảm lượng khí thải mà còn là quá trình đảm bảo mọi khí thải phát sinh đều được “bù đắp” một cách tương đương thông qua các hoạt động như: Trồng rừng và phục hồi hệ sinh thái hấp thụ carbon; Ứng dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCS); Thực hiện các cơ chế bù trừ carbon (Carbon Offsetting). Một cách ngắn gọn, Net-Zero có thể hiểu là việc đưa lượng khí thải carbon về mức mà tự nhiên có thể hấp thụ và lưu trữ lâu dài, giúp ngăn chặn sự tích tụ khí nhà kính trong khí quyển.

Việc đạt được Net-Zero là một trong những mục tiêu trọng tâm của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C và nỗ lực duy trì dưới 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây được xem là giới hạn an toàn để tránh những hậu quả nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra.

Cơ hội của Việt Nam trong quá trình thực hiện mục tiêu Net-Zero

Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang phát triển bền vững. Với hơn 40% diện tích đất là rừng nhiệt đới, nguồn năng lượng mặt trời dồi dào và bờ biển dài, quốc gia này có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió.

Cam kết đạt Net-Zero vào năm 2050 tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (Conference of the Parties – COP26) đã đánh dấu bước chuyển quan trọng trong chính sách khí hậu của Việt Nam. Sau đó, nhiều chiến lược và chính sách đã được ban hành như: Chiến lược Tăng trưởng xanh 2021 – 2030, phát triển giao thông xanh, và thúc đẩy tiêu chí công trình xanh. Những nỗ lực này không chỉ tạo nền tảng pháp lý cho đầu tư bền vững mà còn mở ra cơ hội thu hút hợp tác quốc tế và tài trợ cho các dự án năng lượng sạch và công nghệ xanh.

Các đề án của Việt Nam trong quá trình thực hiện mục tiêu Net-Zero được ban hành (Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Thách thức của Việt Nam trên hành trình hướng đến Net-Zero

Dù tiềm năng lớn, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Dự báo đến 2030, phát thải khí nhà kính có thể chạm mốc 932 triệu tấn, trong đó lĩnh vực năng lượng chiếm hơn 60%. Việc phụ thuộc vào than đá và tiến độ chậm trong chuyển đổi năng lượng tái tạo là rào cản lớn.

Hơn nữa, nguồn vốn cho chuyển đổi xanh cũng là bài toán nan giải. Việt Nam cần tới 368 tỷ USD đến năm 2040 trong khi tín dụng xanh mới chỉ chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ năm 2023. Bên cạnh đó, nhận thức xã hội và giáo dục về biến đổi khí hậu còn hạn chế, đặc biệt là sự tham gia của các đại học trong đào tạo nguồn nhân lực xanh.

Để đạt được mục tiêu Net-Zero, Việt Nam cần sự đồng hành chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, từ hoàn thiện thể chế, đổi mới công nghệ, đến mở rộng tài chính khí hậu và phát triển nguồn nhân lực bền vững.

Các khía cạnh cần ưu tiên trong lộ trình thực hiện Net-zero của Việt Nam

Thứ nhất – về năng lượng: Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là trọng tâm. Việt Nam cần giảm dần phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nâng tỷ trọng năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió, sinh khối…) lên 15-20% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2050. Đồng thời, đầu tư vào lưới điện thông minh là giải pháp thiết yếu hỗ trợ tích hợp và phân phối hiệu quả nguồn năng lượng này.

Thứ hai – về giao thông vận tải: Là lĩnh vực phát thải lớn, giao thông cần được “xanh hóa” thông qua hiện đại hóa phương tiện, đẩy mạnh giao thông công cộng và hạ tầng thân thiện môi trường. Mục tiêu giảm phát thải từ 33,2 triệu tấn CO₂ (2014) xuống 89,1 triệu tấn vào năm 2030 là thách thức nhưng khả thi nếu có định hướng đầu tư chiến lược.

Thứ ba – về môi trường: Rừng đóng vai trò “bể hấp thụ” tự nhiên quan trọng. Duy trì và mở rộng độ che phủ rừng có thể tạo ra 40-70 triệu tín chỉ carbon trong giai đoạn 2021-2030, góp phần trung hòa khí nhà kính, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu thiên tai và bảo vệ hệ sinh thái.

Vì thế, ba lĩnh vực trọng yếu – năng lượng, giao thông và môi trường, nếu được thực hiện đồng bộ sẽ tạo nền tảng vững chắc cho Việt Nam tiến tới phát thải ròng bằng “0”, đồng thời củng cố năng lực phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu.

Bài học từ các quốc gia tiên phong

Mỹ – Thúc đẩy chuyển đổi bằng công cụ thị trường và chính sách liên ngành

Mỹ đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, với ba trụ cột chính: Định giá carbon; Trợ cấp công nghệ và Tiêu chuẩn kỹ thuật. Cụ thể, với hệ thống thuế/phí carbon và giao dịch phát thải sẽ tạo động lực tài chính; Các khoản ưu đãi và hỗ trợ thúc đẩy đổi mới công nghệ; Đồng thời tiêu chuẩn năng lượng và giới hạn phát thải đảm bảo thực thi nghiêm ngặt. Những cách tiếp cận này giúp Mỹ từng bước giảm phát thải, tăng cường an ninh năng lượng và thúc đẩy hợp tác công và tư trong chuyển đổi xanh.

Liên minh Châu Âu – Mô hình chiến lược toàn diện và ràng buộc pháp lý

Với Thỏa thuận Xanh Châu Âu (2019) và Luật Khí hậu (2021), EU cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 thông qua các chính sách đồng bộ ở nhiều lĩnh vực. Về giao thông vận tải hướng đến loại bỏ xe xăng/dầu diesel vào năm 2035. Về công nghiệp áp dụng cơ chế thuế carbon biên giới giảm 40% phát thải vào năm 2030. Về năng lượng chuyển dịch sang tái tạo và tiết kiệm, đặt mục tiêu tất cả tòa nhà EU không phát thải từ năm 2028. Về lâm nghiệp tăng cường hấp thụ carbon, qua việc bảo vệ rừng, yêu cầu xác minh nguồn gốc sản phẩm và trồng thêm 3 tỷ cây xanh vào năm 2030. Qua đó, nhờ chiến lược toàn diện này, EU đang dẫn đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy nền kinh tế xanh và đảm bảo phát triển bền vững.

Singapore – Chuyển đổi toàn diện trong bối cảnh tài nguyên hạn chế

Là quốc gia có diện tích nhỏ, nền kinh tế mở và dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Singapore vẫn cam kết đạt Net-zero vào năm 2050 thông qua các chiến lược chuyển đổi xanh linh hoạt và thực tiễn. Trong lĩnh vực năng lượng, quốc gia này đặt mục tiêu đạt ít nhất 2 GWp công suất điện mặt trời vào năm 2030, tăng hiệu suất nhà máy điện và triển khai công nghệ các-bon thấp. Với ngành công nghiệp được định hướng giảm 36% cường độ phát thải nhờ công nghệ tiết kiệm năng lượng. Với Giao thông hướng tới 100% phương tiện công cộng không phát thải vào năm 2040 và 90% người dân sử dụng phương tiện sạch trong giờ cao điểm vào năm 2030. Các công trình xây dựng đảm bảo 80% được quy định đạt chuẩn xanh, trong khi hộ gia đình và hệ thống xử lý chất thải được tối ưu hóa để giảm 15% năng lượng tiêu thụ, giảm 30% lượng rác thải tới bãi chôn lấp vào năm 2030 và tăng cường tái chế bằng công nghệ hiện đại.

Mặc dù gặp nhiều giới hạn về địa lý và nguồn tài nguyên, Singapore vẫn cam kết mạnh mẽ với mục tiêu phát triển bền vững. Họ chứng minh được khả năng thích ứng và tận dụng cơ hội để phát triển một nền kinh tế carbon thấp, bằng cách tái định hình cách sống, làm việc và phát triển trong một nền kinh tế ít carbon, quốc gia này đang nắm bắt các cơ hội mới trong quá trình chuyển đổi xanh.

Đề xuất giải pháp chuyển đổi phù hợp với Việt Nam

Thứ nhất, cần áp dụng thuế carbon tương tự Hoa Kỳ nhằm điều tiết hành vi phát thải, khiến các nguồn năng lượng gây ô nhiễm đắt hơn, từ đó thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch. Đồng thời, xây dựng hệ thống mua bán quyền phát thải và thu phí carbon đối với các hoạt động ô nhiễm nặng để tạo nguồn lực tài chính cho đầu tư vào công nghệ xanh và hạ tầng giao thông bền vững.

Thứ hai, học hỏi kinh nghiệm từ Singapore trong phát triển giao thông xanh, Việt Nam có thể tập trung nâng cấp phương tiện công cộng, mở rộng tuyến xe đạp, khu vực đi bộ và khuyến khích sử dụng xe điện, nhiên liệu sạch. Chính sách hỗ trợ tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng không khí đô thị.

Thứ ba, tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ carbon thấp như: năng lượng hiệu quả, thu hồi và lưu trữ carbon, hydro xanh, năng lượng sinh học và tái tạo. Việc hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ cần được đẩy mạnh để lựa chọn giải pháp phù hợp với điều kiện địa phương và định hướng phát triển quốc gia.

Thứ tư, bảo vệ rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng và phục hồi hệ sinh thái là giải pháp thiết yếu để tăng khả năng hấp thụ carbon. Việt Nam có thể áp dụng cơ chế truy xuất nguồn gốc và đảm bảo sản phẩm “0 gây tác động đến phá rừng” như chính sách của Liên minh Châu Âu, qua đó thúc đẩy minh bạch chuỗi cung ứng và thương mại bền vững.

Cuối cùng, là nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và hành vi tiêu dùng có trách nhiệm là yếu tố then chốt trong tiến trình chuyển đổi. Sự kết hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân sẽ tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” một cách hiệu quả.

Chính vì thế, để hướng tới một thế giới không phát thải ròng là thách thức toàn cầu mang tính lịch sử, đòi hỏi sự chuyển đổi sâu rộng trong cách thức sản xuất, tiêu dùng và vận hành hệ thống vận tải. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhanh đi kèm với áp lực môi trường ngày càng gia tăng, Việt Nam đang chủ động triển khai các chiến lược và giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Đây không chỉ là cam kết mang tính đột phá mà còn là cơ hội định hình một mô hình phát triển bền vững trong tương lai. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, cần sự đồng tình, chung tay mạnh mẽ của toàn xã hội, từ cá nhân, tổ chức đến cộng đồng doanh nghiệp, cùng nhau thực hiện mục tiêu chung của quốc gia, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần kiến tạo một Việt Nam xanh và phát triển hài hòa cùng thế giới.

Xem toàn bộ bài nghiên cứu Phát triển bền vững tại Việt Nam: Hành trình đến phát thải ròng bằng “0” TẠI ĐÂY

Nhóm tác giả: Bùi Nguyễn Đan Nguyên, Nguyễn Tự Trung NhãĐại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

Đây là bài viết nằm trong chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng với thông điệp “For a More Sustainable Mekong – Vì một Đồng bằng sông Cửu Long bền vững”, thuộc chương trình “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng” do UEH thực hiện. UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem bản tin UEH Research Insights tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Tuyển sinh – Truyền thông UEH Mekong, Ban Truyền thông và Phát triển đối tác UEH

Giọng đọc: Thanh Kiều

Dự án: Research Contribution

Trụ cột: Nghiên cứu, Cộng đồng 

 

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021