[Podcast] Bảo Hộ Quyền Tác Giả Đối Với Thông Tin, Dữ Liệu Tài Nguyên Và Môi Trường – Kỳ 1

28 Tháng Năm, 2024

Từ khóa: dữ liệu, kinh tế tuần hoàn, quyền tác giả, thông tin, tài nguyên và môi trường

Sau Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) với thống nhất mục tiêu, cam kết giảm phát thải sạch về bằng “0” vào năm 2050, vài năm trở lại đây, các quốc gia đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến tình hình kinh tế môi trường, trong đó có khía cạnh chia sẻ và khai thác dữ liệu tài nguyên, môi trường hiệu quả. Vì vậy, nghiên cứu về “Bảo hộ quyền tác giả đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường” đã được ra đời nhằm tìm hiểu những quy định và chính sách hiện hành về thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường tại Việt Nam, từ đó, đưa ra một số kiến nghị nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dữ liệu nói chung và thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường nói riêng, đặc biệt là trên môi trường số.

Tầm quan trọng của thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường 

Thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển tài nguyên, môi trường quốc gia. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường ở hai cấp Trung ương (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và địa phương (Sở Tài nguyên và Môi trường) là mục tiêu hàng đầu trong việc sử dụng, khai thác, chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường hiệu quả để tiến tới thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn; và triển khai lộ trình nâng cấp cơ sở hạ tầng số quốc gia, thực hiện phát triển chính phủ điện tử.

Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, một số thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường được yêu cầu cung cấp trực tuyến qua các cổng thông tin điện tử quốc gia như: Cổng dữ liệu Quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin đất đai quốc gia,… Để các cá nhân, tổ chức dễ dàng tiếp cận hơn với các thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường, một số tỉnh, thành phố đã bắt đầu xây dựng Cổng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường. Đơn cử như tại thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan đầu tiên trong cả nước hoàn thành và triển khai Cổng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường địa phương, bên cạnh các thông tin, dữ liệu báo cáo trên Trang thông tin Sở tài Nguyên và môi trường (http://www.donre.hochiminhcity.gov.vn/), thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường liên quan được chia sẻ trên Cổng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường (https://geoportal-stnmt.tphcm.gov.vn/) với gần 446 tập dữ liệu về không gian địa lý của các quận, phường trên địa bàn toàn thành phố, tiêu biểu như thông tin về các phân khu, diện tích đất, quy hoạch, hiện trạng và mục đích sử dụng đất, ranh giới đất,…

Mặt khác, những cá nhân, tổ chức dùng kinh phí của mình để tạo ra thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường cũng có mong muốn được bảo vệ trước những xâm phạm bất hợp pháp. Nhằm bảo vệ quyền lợi và khuyến khích tinh thần sáng tạo không ngừng của các cá nhân, tổ chức trong việc đưa ra những thông tin, dữ liệu hữu ích về tài nguyên và môi trường, cũng như bảo vệ giá trị nguyên bản của chính thông tin, dữ liệu đó, hiện nay, bảo hộ quyền tác giả đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và Nghị định số 73/2017/NĐ-CP.

Nếu Cổng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường được xem là kênh công khai, chia sẻ chuyên biệt cho nhóm thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường thì bảo hộ quyền tác giả đối với các đối tượng trên lại đặt ra những rào cản nhất định trên phương diện tiếp cận, khai thác và chia sẻ của những cá nhân, tổ chức khác trong cộng đồng. 

Dữ liệu tài nguyên và môi trường là gì?

Tại Việt Nam, thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường ở các khía cạnh thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng được quy định trong Nghị định số 73/2017/NĐ-CP. Căn cứ theo Nghị định này, thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường là các thông tin, dữ liệu được thu nhận và lưu trữ theo đúng quy định, bao gồm: thông tin, dữ liệu về đất đai; thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; thông tin, dữ liệu về địa chất và khoáng sản; thông tin, dữ liệu về khí tượng thủy văn; thông tin, dữ liệu về môi trường; thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ; thông tin, dữ liệu tài nguyên môi trường biển và hải đảo; thông tin, dữ liệu về biến đổi khí hậu; thông tin, dữ liệu về viễn thám.

Xét về tính chất, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường là tập hợp thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường đã được kiểm tra, đánh giá và tổ chức quản lý, lưu trữ một cách có hệ thống.

Xét về mục đích, dữ liệu tài nguyên và môi trường được xây dựng, cập nhật và duy trì phục vụ quản lý nhà nước và các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và nâng cao dân trí.

Xét về thẩm quyền, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường được chia làm 4 nhóm: 

Phân cấp Định nghĩa
Cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia Là cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường được tổng hợp, liên kết, tích hợp các cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường trên phạm vi quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, lưu trữ, quản lý.
Cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường bộ, ngành Là cơ sở dữ liệu tích hợp, tập hợp từ thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành và do các bộ, ngành xây dựng, lưu trữ, quản lý.
Cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường cấp tỉnh Là cơ sở dữ liệu tích hợp, tập hợp từ thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, lưu trữ, quản lý.
Cơ sở dữ liệu chuyên ngành về tài nguyên và môi trường Là cơ sở dữ liệu do các tổ chức quản lý lĩnh vực chuyên ngành trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, lưu trữ, quản lý.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, thông tin về môi trường bao gồm: (1) Thông tin về chất ô nhiễm, dòng thải các chất ô nhiễm ra môi trường, nguồn ô nhiễm; công tác bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; (2) Thông tin về chất thải rắn, chất thải nguy hại, nước thải, khí thải và các loại chất thải khác; (3) Thông tin về quyết định phê duyệt kết quả thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ bí mật thương mại, bí mật kinh doanh, thông tin thuộc bí mật nhà nước; nội dung cấp phép, đăng ký, chứng nhận, xác nhận; kết quả kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; (4) Thông tin về chỉ tiêu thống kê môi trường, chất lượng môi trường, ô nhiễm môi trường; (5) Thông tin về di sản thiên nhiên, hệ sinh thái tự nhiên, loài sinh vật và nguồn gen; khu bảo tồn thiên nhiên và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; vùng đất ngập nước quan trọng. 

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố ở nước ta cũng đã triển khai thực hiện thu thập và thống kê thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường. Đơn cử như trong báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Tiền Giang vào tháng 05/2023 cho thấy, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường tại đơn vị bao gồm: dữ liệu nguồn thải, dữ liệu về đa dạng sinh học, dữ liệu về chất lượng môi trường, dữ liệu thống kê môi trường và các hồ sơ văn bản liên quan. Phân chia cụ thể thành 4 nhóm thông tin, dữ liệu sau:

Phân nhóm Thông tin về môi trường
Nguồn thải Quản lý thông tin chi tiết về chủ đầu tư, cơ sở, khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung, làng nghề, thông tin về thanh tra, kiểm tra, thông báo thu phí… trên địa bàn tỉnh.
Chất lượng môi trường Quản lý thông tin chi tiết về chương trình quan trắc, điểm/trạm quan trắc, nguồn có nguy cơ gây ra sự cố môi trường.
Đa dạng
sinh học
Quản lý thông tin chi tiết về các cơ sở và khu vực bảo tồn.
Hồ sơ
văn bản
Quản lý thông tin chi tiết về danh sách đánh giá tác động môi trường, danh sách giấy phép môi trường, danh sách báo cáo giám sát định kỳ của chủ đầu tư.

Từ việc hiểu thực trạng và dữ liệu tài nguyên và môi trường như trên, tác giả sẽ phân tích những quy định và chính sách liên quan đến bảo hộ quyền tác giả đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường; cũng như phần nào đánh giá những hạn chế trong chính sách bảo hộ hiện nay và đưa ra các kiến nghị thiết thực để giải quyết vấn đề trong kỳ 2 của bài viết.

Xem toàn bộ Bài nghiên cứu Bảo hộ quyền tác giả đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường TẠI ĐÂY.

Tác giả: Nguyễn Hoàng Nam, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem bản tin UEH Research Insights  #113 tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Marketing  Truyền thông UEH

Giọng đọc: Phạm Nguyễn Hoài – Viện ISCM

 

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021