[Podcast] Máy Tính Và Công Nghệ “Không Đi Một Mình” – Phần 4

24 Tháng Bảy, 2023

Kỷ nguyên 5.0 – Kỷ nguyên của một xã hội siêu thông minh là điều sẽ diễn ra và mốc thời gian được xác định rất gần: 2035 hoặc có thể sớm hơn. “Sự lên ngôi của hàng loạt siêu công nghệ” – “Nâng cao tương tác giữa người và máy” – “đặt con người làm trung tâm” chính là những từ khóa “hot” khi đề cập đến giai đoạn này. Bắt nhịp xu hướng thời đại, UEH cho rằng: Hơn bao giờ hết, các nhà Quản trị, Lãnh đạo trong các lĩnh vực Kinh doanh, Kinh tế, Luật, Quản lý Nhà nước, Dữ liệu, Truyền thông cần hiểu và biết cách ứng dụng Máy tính, Công nghệ vào chuyên môn, nghiệp vụ. Đây cũng chính là động lực để UEH triển khai chuỗi bài kiến thức ứng dụng Máy tính và Công nghệ “Không đi một mình” với 5 phần hấp dẫn dưới sự tham gia chia sẻ của các chuyên gia đầu ngành.

Hiểu “Cái khó” của nhân lực Máy tính và Công nghệ và vượt qua ranh giới của một lĩnh vực, Máy tính và Công nghệ giờ đây trở thành điểm giao thoa chung của nhiều lĩnh vực. Không chỉ là khoa học kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ giờ đây là cần được nhấn mạnh từ góc nhìn “khoa học ứng dụng”. Vậy, tại sao Máy tính, Công nghệ lại không đi một mình? Máy tính, Công nghệ đã và đang có những ứng dụng gì trong Kinh doanh, Kinh tế, Luật, Quản lý nhà nước, Dữ liệu, Đô thị, Thiết kế, Truyền thông?

Với chủ đề “Máy tính và Công nghệ: Không đi một mình”, phần chính của chuỗi bài kiến thức sẽ mang đến cho cộng đồng những chia sẻ bổ ích từ kinh nghiệm thực tiễn của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực gồm: Ông Nguyễn Mạnh Tấn – Giám đốc Marketing, Công ty Haravan; Ông Đinh Công Chinh – Vice Director/CIO Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC); TS. Đinh Tiên Minh – Trưởng Bộ môn Marketing, Khoa Kinh doanh quốc tế – Marketing, Trường Kinh doanh UEH; TS. Nguyễn Viết Bằng – Giám đốc chương trình Kinh doanh số, Giảng viên Khoa Quản trị, Trường Kinh doanh UEH; TS. Dương Kim Thế Nguyên – Trưởng Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH; ThS. Phan Hiền – Phó trưởng phụ trách Khoa Công nghệ thông tin kinh doanh, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH; PGS.TS. Nguyễn Trường Thịnh – Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và Tương tác; dưới sự điều phối của PGS.TS. Trịnh Thùy Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế UEH

Các chuyên gia chia sẻ chủ đề Máy tính và công nghệ: Không đi một mình 

Khi Máy tính, Công nghệ và Kinh doanh kết đôi (BizTech) 

PGS.TS. Trịnh Thuỳ Anh: Có thể nói rằng: Máy tính và công nghệ hiện nay đã trở thành điểm giao thoa chứ không phải là một ngành đặc thù riêng, thuần túy khoa học hàn lâm, máy tính và công nghệ còn được biết với khía cạnh khoa học ứng dụng. Khi mà máy tính có công nghệ kết hợp với kinh doanh, nó sẽ tạo ra ngành Kinh doanh số. Vậy hiện nay Máy tính và công nghệ đang được ứng dụng trong ngành này như thế nào? Tương lai phát triển của các ngành nghề trong xã hội ra sao? Sinh viên ngành Kinh doanh số sẽ được học những gì? 

Ông Nguyễn Mạnh Tấn: Máy tính và công nghệ đang được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống. Hiện nay, chúng ta có thể làm kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Chúng ta có thể kinh doanh online, quản lý bán hàng, chúng ta thể kiểm soát tất cả mọi công việc kinh doanh của chúng ta dựa trên một chiếc smartphone. Đó là có sự kết hợp giữa việc công nghệ ứng dụng trên một cái điện thoại. Còn đối với những mô hình khác như thế nào? Khi các bạn ra những cửa hàng ở trung tâm thương mại, các bạn có thể thấy sự liên kết của máy tính và công nghệ như: kiểm tra tồn kho, thanh toán online…Sự kết hợp của máy tính và công nghệ giúp cho sự tiện lợi và trải nghiệm người mua hàng nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều.

Ngoài ra,  những công nghệ, thiết bị phục vụ kinh doanh như máy tính , data server, nó có thể tích hợp tạo ra những phân tích dữ liệu lớn (Big data). Đó là những bài toán lớn hơn cho doanh nghiệp ứng dụng trong các việc lưu trữ thông tin và phục vụ khách hàng bằng cách cá nhân hóa những thông điệp kinh doanh cho những khách hàng của công ty. 

Như vậy, Máy tính và công nghệ đang ngày càng thâm nhập sâu hơn trong lĩnh vực kinh doanh. Chúng ta kết nối với thế giới chỉ bằng một chiếc điện thoại. Nó không những mang lại cho kinh doanh phát triển, có những kết quả vượt bậc mà nó còn giúp cho trải nghiệm của khách hàng cũng như là kết nối với mạng lưới và phát triển hệ thống mạng lưới khách hàng của chúng ta rất tối ưu và hiệu quả. 

TS. Nguyễn Viết Bằng: Năm 2022, theo thống kê của Bộ Công thương thì đến 57 đến 60 triệu người Việt Nam đã thực hiện các hành vi mua hàng online. Cũng như đợt Covid vừa rồi hoạt động mua bán đã diễn ra hoàn toàn trên nền tảng online. Chính vì đáp ứng nhu cầu như vậy thì UEH đã phát triển ngành Kinh doanh số (Digital Business). Nhà trường xây dựng dựa trên nền tảng tích hợp công nghệ toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng tôi cung cấp những nền tảng số từ nền tảng tài chính, marketing cũng như là quản trị điều hành, quản trị chuỗi cung ứng bao gồm cả quản trị nhân sự được tích hợp số vào các môn học để trang bị cho người học có những kiến thức về số để vận hành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã cung cấp thêm cho sinh viên những nền tảng về công nghệ, chẳng hạn như về nền tảng về Big data, nền tảng về cơ sở hạ tầng sẽ giúp cho sinh viên khi tốt nghiệp có một cái nhìn tổng thể hơn từ cơ sở hạ tầng lao động kinh doanh số dựa trên nền tảng đó.

Khi Máy tính, Công nghệ và Marketing kết đôi (MarTech) 

PGS.TS. Trịnh Thuỳ Anh: Khi máy tính và công nghệ ứng dụng vào trong lĩnh vực marketing sẽ mang lại những ưu điểm vượt trội gì? Sự thay đổi ngành nghề cũng như là sự thay đổi thị trường và khách hàng sẽ như thế nào?

Ông Đinh Công Chinh: Trong vòng 5 năm trở lại đây thì những công nghệ liên quan đến marketing gọi tắt là MarTech được phát triển rất rầm rộ. Đi đầu là những công ty rất lớn như là công ty Salesforce. Sau đó là các ông lớn trong ngành công nghệ khác, ví dụ như là Microsoft hay Amazon, họ cũng bắt đầu vào thị trường cung cấp các công cụ công nghệ phục vụ làm marketing. Kinh doanh đối với khách hàng, không còn là câu chuyện quảng cáo marketing nữa mà nó tập trung vào câu chuyện là làm sao đó có được một trải nghiệm người dùng tốt nhất. Khi người dùng đến với doanh nghiệp, người ta có thể đến từ các khía cạnh như là kênh truyền thống offline đến các store nhìn các bảng quảng cáo ngoài đường hay là các video. 

Trước đây khi mà chúng ta đi làm Marketing theo cách truyền thống, chúng ta sẽ không đo đếm được và không nhìn thấy được giá trị của tiền mà mình bỏ ra cho marketing hay là nói theo cách khác là mình không đo đếm được ROI một cách chính xác. Tại vì thông thường khi mà các bạn marketing đi làm billboard ở ngoài đường (OOH) hoặc là chạy quảng cáo ở trong các tòa nhà, thang máy. Thực ra, các bạn sẽ đếm một cách rất là cơ học, trên đường đó thì có bao nhiêu lượt người đi qua và khi mà ta chạy một billboard sẽ có bao nhiêu người nhìn thấy. Nhưng rõ ràng, mình thiếu một công đoạn là bao nhiêu người nhìn thấy nó sẽ ra thành bao nhiêu tiền cho doanh nghiệp?  Còn đối với các quảng cáo dùng nền tảng số thì rõ ràng là có thể đo đếm được một cách rất là chính xác. Khi mà ta chạy các quảng cáo đấy thì bao nhiêu người dùng, bao nhiêu người có tương tác hoặc bao nhiêu người có click vô các quảng cáo đấy. Và các click đó sẽ quy đổi ra bao nhiêu tiền cho doanh nghiệp. Rõ ràng MarTech không chỉ là đi một mình và làm được câu chuyện đấy thì cần những nền tảng công nghệ như là Big Data, Customer Data Platform – nền tảng dữ liệu khách hàng, nó sẽ giúp cho chúng ta có thể là phân tích được hành vi khách hàng, chạy các quảng cáo chính xác hơn và từ đó cải tiến các kế hoạch động quảng cáo như thế nào cho phù hợp để tạo ra doanh thu tốt nhất cho công ty.

TS. Đinh Tiên Minh: Trong phần chia sẻ vừa rồi ở góc độ của doanh nghiệp thì mọi người cũng nhìn thấy bản thân doanh nghiệp, bây giờ cũng áp dụng công nghệ ở rất nhiều trong hoạt động kinh doanh của họ. Như vậy thì cũng không có lý gì mà ở góc độ nhà trường, một nhà đào tạo chúng ta không đào tạo những bạn sinh viên sau này ra trường có thể bắt nhịp được những mong chờ của doanh nghiệp. Chương trình đào tạo MarTech mà hiện nay UEH cũng đã biên soạn xong và cũng đã chính thức đưa vào tuyển sinh để các bạn sinh viên sẽ được học nhiều khối kiến thức mà trong đó có lẽ là tiếp cận ở nhiều góc độ, ví dụ như là ở phần về trải nghiệm, khách hàng. Và chính vì khi họ tiếp cận bán hàng online như thế. Họ cũng để lại rất nhiều những dữ liệu, từ đó chúng ta có thể đánh giá được trải nghiệm của họ.

Thế thì sinh viên sẽ được học áp dụng công nghệ vào trong hoạt động marketing như thế nào?  Từ việc làm các nghiên cứu thị trường, sử dụng các nền tảng mạng xã hội cho đến việc làm áp dụng công nghệ vào các hoạt động tiếp thị. Cụ thể lấy ví dụ như quảng cáo, những quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, thậm chí là viết bài. Và ngay cả khi sinh viên viết bài thì cũng viết bài trên nền tảng mạng xã hội, trên website thì nó không phải chỉ ở khía cạnh nội dung mà cả về khía cạnh thiết kế. Ở góc độ doanh nghiệp muốn thu hút người dùng muốn thu hút khách hàng thì nhà trường sẽ đào tạo các bạn sinh viên có thể làm được những việc đó để khách hàng tương tác nhiều hơn, mua sắm nhiều hơn. Và đương nhiên là doanh nghiệp, họ mong chờ là những doanh thu cũng như là những chỉ số đo lường trong kinh doanh tốt hơn. 

Tóm lại thì với chương trình đào tạo và tiếp cận hiện nay của MarTech, các bạn sẽ được học những kiến thức nền tảng các công nghệ được ứng dụng vào trong hoạt động marketing nói chung, cũng như nhiều hoạt động nói riêng về nghiên cứu thị trường, quảng cáo, viết lách và thiết kế để mà làm sao rút dần được cái khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp. Bên cạnh đó nó cũng phụ thuộc nhiều vào cách mà các thầy cô sẽ dạy sinh viên như thế nào? Từ rất lâu, nhà trường cũng như là riêng về ngành Marketing đã đưa doanh nghiệp ở trong các môn học, nghĩa là các bạn đã thực hiện các dự án kết hợp cùng với doanh nghiệp để mà có thể hướng dẫn các bạn làm các dự án cụ thể. Với những cấp chương trình đào tạo cũng như cách chúng ta đang giảng dạy như vậy, tôi cũng tin chắc rằng khoảng cách đó nó đang rút dần. Và bản thân khi sinh viên ra trường, doanh nghiệp có thể sử dụng được ngay. 

Phiên chia sẻ quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ

Khi Máy tính và Công nghệ và Truyền thông kết đôi 

PGS.TS. Trịnh Thuỳ Anh: Ở Trường Công nghệ và Thiết kế UEH cũng cho ra đời ngành học mang tên là Truyền thông số và thiết kế đa phương tiện cũng rất là gần gũi với ngành là MarTech. Ở đây, truyền thông số và thiết kế đa phương tiện là tạo ra thế hệ các bạn sẽ làm việc trong lĩnh vực truyền thông, đặc biệt là truyền thông số các bạn sẽ biết thiết kế một sản phẩm ấn phẩm trong truyền thông. Trong đó, các bạn ứng dụng các công nghệ mới, ví dụ như là AR, VR, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường. Bây giờ là công nghệ mà mình có thể sử dụng AI để mà thiết kế hoặc là sử dụng Big data… 

Những công nghệ này được đưa vào để cho người học có thể thực hiện những chương trình, dự án hoạt động trong lĩnh vực truyền thông số một cách hiệu quả, kết nối lĩnh vực từ là nghệ thuật cho đến lĩnh vực công nghệ để hướng đến các giải pháp sáng tạo trong truyền thông, từ những hoạt động của các công ty chuyên kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông và tổ chức sự kiện hay là truyền hình. Việc đưa công nghệ và máy tính vào trong các nền tảng  thiết kế công nghệ để ứng dụng trong các ngành nghề cũng đã được ở UEH chú trọng trong thời gian qua. 

Khi Máy tính, Công nghệ, Logistics kết đôi 

PGS.TS. Trịnh Thuỳ Anh: Trong thời gian vừa qua thì chúng ta cũng nghe nói đến câu chuyện toàn cầu hóa cũng như là giá trị trên thế giới. Chuỗi cung ứng trên toàn cầu đâu đó bị đứt gãy trong cái thời gian đại dịch, hiện tại chuỗi cung ứng này cũng đang dần được khôi phục và kết nối từ từ. Và khi chúng ta có thể ứng dụng công nghệ vào trong  ngành này thì đây sẽ là một mảng thị trường rất lớn, mở ra nhiều cơ hội cho các bạn sinh viên. Vậy tiềm năng phát triển Logtech trong tương lai như thế nào? 

PGS. TS. Nguyễn Trường Thịnh: Logtech là ngành đầu tiên ở UEH đào tạo hệ kỹ sư. Đây một trong hai các ngành đào tạo kỹ sư ở trường. Hiện nay, tất cả các ngành nghề đều phải nhúng công nghệ vào và đặc biệt trong kỷ nguyên số thì tất cả các vấn đề đều liên quan tới công nghệ. Ngành Logtech và Logistics trước đây, tất cả các trường đại học ở Việt Nam hầu hết đều tập trung vào việc quản lý chuỗi cung ứng như thế nào? Quản lý hệ thống Logistics ra sao? Nhưng đối với Ngành logtech ở Trường Công nghệ và Thiết kế của UEH thì chúng tôi tập trung vào đào tạo ra những kỹ sư có thể thiết kế, vận hành và điều khiển cũng như là đưa ra những ý tưởng trong các chuỗi cung ứng để làm sao các chuỗi cung ứng này có thể hoàn thành một cách tốt đẹp nhất. Để đạt được giá trị mang lại thì chúng tôi sẽ đưa cho các sinh viên ngành những kiến thức, đặc biệt là những kiến thức mới, tiếp cận mới, hiện đại nhất, ví dụ như Trí tuệ nhân tạo, Blockchain, IoT, điện toán đám mây, Big data. Chúng tôi cung cấp cho các bạn những kiến thức này để các bạn có thể bổ sung bên cạnh những kiến thức logistics, từ đây, các bạn có thể tạo nên một nền tảng kiến thức vững chắc. Hiện nay đang có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu nhân sự ngành này và UEH là đại học duy nhất Việt Nam đào tạo kỹ sư về ngành Logtech. 

Khi Máy tính, Công nghệ, Luật kết đôi 

PGS.TS. Trịnh Thuỳ Anh: Chúng ta sẽ cảm thấy ngành Luật khó ứng dụng công nghệ vì hệ thống luật pháp cũng đã được xây dựng ổn định và vững chắc. Như vậy, việc ứng dụng công nghệ vào ngành Luật sẽ mở ra một thị trường tương lai như thế nào và các tiềm năng phát triển của nó ra sao?

TS. Dương Kim Thế Nguyên: Đứng trên góc độc về mặt Luật pháp, chúng tôi nhìn công nghệ ở hai câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất, đó là chúng tôi – những người đi sau hỗ trợ và tiếp tục xem xét những câu chuyện pháp lý có thể phát sinh trong quá trình phát triển công nghệ. Trong trình phát triển công nghệ thì có thể có ảnh hưởng tới các câu chuyện về quyền con người liên quan tới bí mật, cá nhân, bí mật riêng tư. Những câu chuyện ấy khi được xem xét góc độ về mặt nghiên cứu pháp lý thì chúng tôi sẽ phải tìm cách mà hạn chế những sự tác động xấu đến với con người và quyền con người. Và như vậy nó có một cái lĩnh vực pháp lý là LawTech tức là nghiên cứu những vấn đề pháp lý mà phục vụ cho công nghệ. Những vấn đề pháp lý cho công nghệ đã có nhiều các nghiên cứu ví dụ như: luật công nghệ thông tin, luật giao dịch điện tử…những luật đó là để phục vụ cho các đời sống công nghệ,  tạo điều kiện thúc đẩy cho các hoạt động phát triển của công nghệ nói chung và các hoạt động kinh doanh số. Anh kinh doanh như thế nào đó để mà không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người ta.

Góc độ thứ hai đó là khi mà chúng tôi cung cấp. Chúng tôi là những người cung cấp các dịch vụ pháp lý. Trong quá trình cung cấp các dịch vụ pháp lý ấy bắt đầu nó phát sinh ra những câu chuyện mà chúng tôi cần tới công nghệ để hỗ trợ cho các hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý. Đấy chúng tôi gọi đó là Law Tech, tức là cứ việc cung cấp các dịch vụ về pháp lý. Như vậy nó sẽ gặp hàng loạt các vấn đề. Ví dụ vận dụng AI để mà đoán định tư pháp, tức là dự đoán xem thử một vụ kiện thì sẽ có kết quả như thế nào, hoặc là cách để nhận tư vấn tư vấn thì ta nó như thế nào? 

Công nghệ được áp dụng ở cả khu vực tư lẫn khu vực công. Các bạn có thể nghe nói câu chuyện người ta xét xử trực tuyến. Loạt các câu chuyện đó nó như thế nào, tạo điều kiện cho thẩm phán có thể ra được những phán quyết. Một trong nội dung cực kỳ quan trọng, đó là chứng cứ điện tử. Một loạt các hoạt động kinh doanh và giao dịch như vậy thì nó có để lại chứng cứ và liệu chứng cứ đó nó có đủ để mà có thể đưa ra để trình bày trước tòa? Tất cả những câu chuyện đó đòi hỏi những yêu cầu về mặt công nghệ thu thập chứng cứ như thế nào? Giải mã các chứng cứ như thế nào? Để có thể cung cấp được một cái cho thẩm phán ra được những quyết định có thực sự công bằng.

Khi Máy tính, Công nghệ, Kinh doanh nông nghiệp, Tài chính – Ngân hàng kết đôi 

PGS.TS. Trịnh Thuỳ Anh: Là một đại học Đa ngành, ngoài lĩnh vực Kinh doanh, Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, UEH còn có công nghệ, thiết kế, máy tính và kinh doanh nông nghiệp. Vậy hiện nay, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực ở nông nghiệp sẽ là một phạm trù mới mẻ và tiềm năng như thế nào?

ThS. Phan Hiền:  Đối với nông nghiệp thì công nghệ và máy tính đang dần đem lại nhiều lợi ích. Cụ thể là thông qua những các thiết bị IoT trong việc giám sát quá trình canh tác, làm việc cũng như các thiết bị tự động có sự điều khiển của con người. Những hoạt động công nghệ như vậy đem vào nó làm tăng năng suất nông nghiệp lên. Chính vì điều này sẽ có thể nhiều ngành nghề về công nghệ và IoT hay là về các thiết bị điều khiển tự động sẽ đem lại lợi ích rất lớn. Đồng thời như vậy thì sau khi mà sản phẩm về nông nghiệp có thể được năng suất có thể tăng lên thì vấn đề còn lại là làm sao đẩy cái này ra thị trường được. Một nhánh thứ hai về công nghệ, bây giờ đang rất là nổi là e-commerce. Nó sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh sản phẩm nông nghiệp ra thị trường một cách mới hơn, không phải như mỗi truyền thống.

PGS.TS. Trịnh Thuỳ Anh: Vậy, còn lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng? Công nghệ và Máy tính sẽ được áp dụng như thế nào trong việc bảo mật thông tin, quản lý tài sản khách hàng?

ThS. Phan Hiền: Nói về tài chính, hầu như ai cũng biết về sự nổi tiếng của các nhóm ngành Kinh tế – Tài chính của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên trong thời gian gần đây với sự xuất hiện của khái niệm mới đặc thù như tiền ảo, tài sản số, nó dẫn đến một loạt các cách thức để người ta có thể kiểm soát được giá trị này. Một loạt các các phương thức khác để có thể xử lý cho nó có được tốt hơn. Tài chính là cái khía cạnh mà ngành công nghệ đang dấn thân vào. Khi nhắc đến thị trường tài chính thì cũng là nhắc đến những vấn đề khác trong những giao dịch truyền thống, người ta thực hiện đại hóa hơn. Và hiện tại ở Việt Nam mình thì gần như nói đến tài chính, người ta đang nắm nhiều tới một cái lĩnh vực đang rất nổi bây giờ đó là thanh toán điện tử. Và đây cũng là trong những lĩnh vực mà hiện tại ở Việt Nam mình và hầu hết các trường công nghệ đang nhắm tới việc đẩy công nghệ trong những lĩnh vực này. 

Khi Máy tính, công nghệ, robot, trí tuệ nhân tạo kết đôi 

PGS.TS. Trịnh Thuỳ Anh: Ngành học Robot và trí tuệ nhân tạo (hệ kỹ sư) sẽ đáp ứng nhu cầu nhân sự hiện nay như thế nào? 

PGS. TS Nguyễn Trường Thịnh: Giống như LogTech thì ngành Robot và trí tuệ nhân tạo là ngành đào tạo kỹ sư của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Và như các thầy cô cũng biết thì hiện nay trí tuệ nhân tạo robot chính là cái nền tảng của cách mạng 4.0. Chúng ta nói đến nhân vật chính ở đây là robot và trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi cũng kế thừa và phát triển dựa trên các chương trình đào tạo của nước ngoài. Chúng tôi cũng xây dựng rất là nhiều đặc trưng cho Việt Nam cũng như là ở khu châu Á để các bạn sinh viên học có thể tiếp cận được các kiến thức cũng như là những cái gì mới nhất trên thế giới như trong khu vực. Thật sự ra thì ngành Robot và trí tuệ nhân tạo hiện nay ở Việt Nam thì cũng chỉ cho 3-4 trường đào tạo. Tuy nhiên, chúng ta đang có lợi thế đó là ngôi trường rất là mạnh về hướng kinh doanh, kinh tế.

Trí tuệ nhân tạo cũng mới chỉ là bộ não xử lý vấn đề còn thực thi, công tác thực hiện những nhiệm vụ thì cần có những hệ thống robot, hệ thống tự động hóa. Nhà trường và các doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với Trường Công nghệ và Thiết kế UEH đã xây dựng chương trình này. Ngành học này sẽ là điểm nhấn của UEH để có thể bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên số để xây dựng một xã hội hiện đại.

Khi Máy tính, Công nghệ, Hệ thống thông tin quản lý kết đôi 

PGS.TS. Trịnh Thuỳ Anh: Ngành An toàn thông tin UEH sẽ được đào tạo những gì? Nó có điểm gì nổi bật so với chương trình đào tạo ở các trường đại học khác? 

ThS. Phan Hiền: Đối với mã ngành này thì mọi người nghĩ nó là một mảng rất thuần về công nghệ gần như những trường đào tạo đặc thù về công nghệ thì sinh viên sẽ quan tâm. Tuy nhiên, cho tới gần đây thì mọi người cần phải đặt lại vấn đề một chút. Tôi lấy ví dụ như an toàn thông tin, mọi người nghĩ nó là một ngành thiên về toán kỹ thuật. Sự thật là vậy, nhưng về mặt thực tế khi vào một doanh nghiệp, nếu một người làm về an toàn thông tin mà thiếu kiến thức về quy trình nghiệp vụ, thiếu kiến thức về hoạt động thực tế của một doanh nghiệp đó thì việc họ không biết vấn đề nằm ở chỗ nào để có thể đảm bảo được thông tin một cách chính xác. Điều này dẫn đến một khía cạnh mới là chúng ta sẽ kết hợp được giữa một người có kiến thức về công nghệ, nhưng đồng thời vẫn có kiến thức rất tốt về quy trình nghiệp vụ, về tổ chức hoạt động. Nó sẽ giúp cho nhân sự ngành An toàn thông tin bước sang một lĩnh vực mới ngay từ bây giờ.

Đồng thời như vậy thì khoa học dữ liệu cũng như khoa học máy tính là một trong những cái sự phát triển mới hơn. Chúng ta đang làm  ra những điều mới nhưng mục đích chính là để phục vụ con người, là phục vụ cho các hoạt động kinh doanh tổ chức hoạt động trong đời sống này. Như vậy thì những điều mà người ta làm ra, nó phải thể hiện tính ứng dụng được và sử dụng được hợp lý trong một tổ chức và trong cả một hệ thống. Chính vì như vậy mà sẽ có những nhóm ngành khoa học ứng dụng ra đời. Sinh viên ngành An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính được đào tạo chuyên sâu công nghệ đồng thời được cộng thêm những kiến thức của bên lĩnh vực kinh tế, tổ chức quản trị để sinh viên có thể đem những kiến thức chuyên sâu đó phục vụ đúng cho xã hội.

PGS. TS. Trịnh Thùy Anh kết luận: “Có lẽ là chúng ta đang ở trong cuộc cách mạng 4.0 khi mà IoT, Data Analytics cũng như là AI đang chiếm xu thế rất chủ đạo. Và chúng ta cũng đang chuẩn bị cho những bước chân vào cách mạng công nghiệp 5.0. Ở đó, xã hội siêu thông minh sẽ ngày càng phát triển theo định hướng là phát triển bền vững. Trong đó con người là trọng tâm của sự phát triển. Chúng ra sẽ biết cách làm chủ công nghệ, phát triển hài hòa trong các mối quan hệ giữa người và máy. Công nghệ cũng như máy tính không chỉ là một trụ cột để mà chúng ta phát triển mà nó cần phải được cân nhắc cho một mối quan hệ hài hòa. Ở đây là con người, những vấn đề về nghệ thuật, vấn đề về văn hóa xã hội cũng như là thích hợp trong nhiều ngành nghề xuyên ngành và liên ngành. Đây cũng sẽ là những tư tưởng chủ đạo để có giải pháp đổi mới sáng tạo và giải quyết tất cả các vấn đề đặt ra trong một cái nhìn đa chiều và đa phương thức.”

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #80 tiếp theo.

Tin, ảnh: Nhóm chuyên gia, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Tin, ảnh: Nhóm Chuyên gia, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

 

 

 

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021