[Research Contribution] Cuộc cách mạng ArtTech trong giải trí và di sản văn hóa

14 Tháng Năm, 2025

Từ khóa: phát triển bền vững, nghệ thuật và công nghệ, di sản số hóa, đổi mới sáng tạo.

Nằm trong hoạt động chia sẻ và lan tỏa kiến thức học thuật thuộc chuỗi sự kiện ArtTech Fusion của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH), phiên thảo luận “ArtTech Revolution in the Entertainment and Cultural Heritage” (Cuộc cách mạng ArtTech trong giải trí và di sản văn hóa) đã diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành và đông đảo sinh viên yêu thích lĩnh vực nghệ thuật và công nghệ. Buổi thảo luận đã mang đến những góc nhìn đột phá về cách nghệ thuật và công nghệ có thể cùng nhau thúc đẩy việc bảo tồn di sản văn hóa và tạo ra những trải nghiệm giải trí độc đáo. 

Thumb Lớn Thương Hiệu Học Thuật Mới (5)

Chủ tọa của phiên tham luận là TS. Yi Dong Su – Phó Trưởng Khoa Thiết kế Truyền thông UEH. Các diễn giả chính bao gồm TS. Chen Zhong, TS. Wang Qi – Học viên Mỹ thuật Tây An, Bà Đào Phương Thúy – ATIM Consulting. Các diễn giả đã chia sẻ những sáng kiến và nghiên cứu tiên phong trong việc tích hợp công nghệ với nghệ thuật nhằm phát triển nền văn hóa bền vững và phong phú.

Mở đầu phiên tham luận, Tiến sĩ Yi Dong Su đã trình bày chủ đề “The Impact of Art Tech on the Entertainment Industry: The Case of Korea” (Tác động của công nghệ nghệ thuật đối với ngành giải trí: Trường hợp Hàn Quốc). Ông chia sẻ về cách ArtTech – Công nghệ Nghệ thuật – đã tác động đến ngành giải trí Hàn Quốc, tạo ra những thay đổi to lớn và mở rộng cơ hội phát triển cho các loại hình nghệ thuật đương đại.

Với sự kết hợp của thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), và trí tuệ nhân tạo (AI), ArtTech không chỉ giúp các nghệ sĩ, nhà làm phim, và các công ty giải trí Hàn Quốc sáng tạo nội dung mới mẻ mà còn đem lại trải nghiệm phong phú cho người dùng. Tiến sĩ Yi dẫn chứng một số ví dụ cụ thể từ ngành âm nhạc và điện ảnh Hàn Quốc, nơi công nghệ nghệ thuật đã tạo điều kiện cho các buổi biểu diễn trực tuyến tương tác cao, thu hút hàng triệu người hâm mộ khắp thế giới.

Ảnh 1

Hình 1. Tiến sĩ Dong Su Yi từ Đại học UEH mở đầu phiên tham luận.

Thiết kế văn hóa và dịch vụ trải nghiệm

Trong phiên thảo luận, TS. Chen Zhong từ Học viện Mỹ thuật Tây An đã mang đến góc nhìn sâu sắc về khái niệm “Cultural Services and Experience Design” (Thiết kế Dịch vụ Văn hóa và Trải nghiệm), trong đó ông nhấn mạnh sự giao thoa mạnh mẽ giữa nhu cầu văn hóa và công nghệ số. TS. Chen Zhong nhận định rằng, trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, việc thiết kế các dịch vụ văn hóa không chỉ cung cấp thông tin hoặc sản phẩm mà còn phải tạo ra những trải nghiệm sâu sắc và gắn kết, nơi mà công nghệ không chỉ phục vụ mà còn là một phần không thể thiếu trong việc tái sinh và phát triển các giá trị văn hóa.

Ông đã chia sẻ về khái niệm cốt lõi: “Cultural Needs x Time Dilemma x Digital Empower” (Nhu cầu văn hóa x Thách thức thời gian x Sức mạnh số). Theo Tiến sĩ Chen Zhong, nhu cầu văn hóa của con người luôn thay đổi theo thời gian và bối cảnh, từ những yêu cầu đơn giản như tìm kiếm thông tin văn hóa, đến những nhu cầu phức tạp hơn về việc trải nghiệm, tương tác và tái tạo các giá trị văn hóa trong môi trường số. Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế các sản phẩm và dịch vụ văn hóa số, một trong những thách thức lớn nhất mà các nhà thiết kế phải đối mặt là “Time Dilemma”, tức là việc làm sao để đáp ứng nhu cầu hiện tại của người dùng mà không làm mất đi tính trường tồn của các giá trị văn hóa.

Tiến sĩ Chen Zhong chia sẻ về mô hình thiết kế của mình – “Hourglass Double Diamond Model” (Mô hình kim cương kép hình đồng hồ cát), một phương pháp thiết kế có hai giai đoạn chính: từ việc xác định vấn đề đến tái sinh câu chuyện văn hóa qua nghệ thuật số. Mô hình này chia quy trình thiết kế thành các giai đoạn khám phá và tinh chỉnh, giúp các nhà thiết kế không chỉ tạo ra sản phẩm mà còn có thể tái tạo và phát triển các giá trị văn hóa trong bối cảnh hiện đại. Điều này đặc biệt quan trọng khi đối mặt với các yếu tố văn hóa đa dạng và phong phú, nơi mà mỗi yếu tố cần được phân tích và xử lý một cách cẩn thận, tinh tế.

Để xây dựng được những nguyên mẫu thiết kế đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dùng, Tiến sĩ Chen Zhong đưa ra ba phương pháp chính trong thiết kế trải nghiệm văn hóa số: Symbol Exploration (khám phá biểu tượng), Scenario Aggregation (tổng hợp kịch bản), và Language Clustering (phân cụm ngôn ngữ). Mỗi phương pháp đều đóng vai trò quan trọng trong việc khơi gợi cảm xúc và kích thích trí tưởng tượng của người tham gia.

Ảnh 2

Hình 2. Tiến sĩ Chen Zhong từ Học viện Mỹ thuật Tây An chia sẻ về những khái niệm Thiết kế Dịch vụ Văn hóa và Trải nghiệm.

Thiết kế dịch vụ và trải nghiệm từ góc độ nghệ thuật và công nghệ

Tiếp nối phần chia sẻ của Tiến sĩ Chen Zhong, Tiến sĩ Wang Qi, giảng viên tại Học viện Mỹ thuật Tây An, đã trình bày những nghiên cứu và lý thuyết về “Service and Experience Design from the Perspective of Art and Technology” (Thiết kế Dịch vụ và Trải nghiệm từ Góc nhìn Nghệ thuật và Công nghệ). Tiến sĩ Wang Qi đã làm rõ cách thức kết hợp giữa các yếu tố nghệ thuật và công nghệ, không chỉ nhằm mục đích phục vụ nhu cầu văn hóa và giải trí, mà còn để tạo ra những dịch vụ và trải nghiệm độc đáo có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của cộng đồng hiện đại. Thông qua những phân tích sâu sắc và các mô hình lý thuyết, ông đã chỉ ra tầm quan trọng của việc tích hợp công nghệ và nghệ thuật trong việc tái sinh các giá trị văn hóa cũng như nâng cao chất lượng trải nghiệm của người sử dụng.

Điểm nổi bật trong bài thuyết trình của Tiến sĩ Wang Qi là việc đưa ra ba yếu tố then chốt “Transformation x Integration x Drive” (Chuyển đổi x Tích hợp x Thúc đẩy) như những yếu tố cốt lõi trong quá trình thiết kế dịch vụ và trải nghiệm. Theo ông, ba yếu tố này không chỉ là những giai đoạn riêng biệt mà còn có sự liên kết chặt chẽ với nhau trong quá trình thiết kế và triển khai dịch vụ văn hóa số.

Tiến sĩ Wang Qi đã trình bày chi tiết về quy trình thiết kế mà ông gọi là “Receive x Iteration” (Tiếp nhận x Lặp lại). Quy trình này giúp các nhà thiết kế không chỉ hiểu rõ nhu cầu của người tham gia mà còn giúp xác định tầm nhìn dài hạn cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa số. Mỗi giai đoạn trong quy trình này đều có một vai trò quan trọng, từ việc tiếp nhận thông tin, nghiên cứu nhu cầu người dùng, đến việc tinh chỉnh và lặp lại các thiết kế để đạt được hiệu quả tối ưu.

Ảnh 3

Hình 3. Tiến sĩ Wang Qi đến từ Học viện Mỹ thuật An Tây chia sẻ những nghiên cứu về Thiết kế Dịch vụ và Trải nghiệm từ Góc nhìn Nghệ thuật và Công nghệ

Thúc đẩy bảo tồn văn hóa qua hợp tác công nghệ số

Bà Đào Phương Thúy, đến từ ATIM Consulting, đã trình bày về những chiến lược hợp tác nhằm bảo tồn di sản văn hóa thông qua công nghệ số. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc số hóa các di sản văn hóa nhằm tạo ra những sản phẩm nghệ thuật số có giá trị bền vững. Bà Thúy đề xuất rằng việc hợp tác với các tổ chức như Trường Công nghệ và Thiết kế – UEH giúp thúc đẩy phong trào bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế.

Một phần quan trọng trong bài trình bày của bà là giới thiệu về nền tảng DJC Heritage Bank – một nền tảng O2O giúp số hóa các di sản văn hóa, qua đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam một cách bền vững. Nền tảng này không chỉ là kênh bảo tồn mà còn là nơi để quảng bá các thương hiệu quốc gia, các thương hiệu gia đình và cá nhân, giúp di sản văn hóa được phổ biến đến các thế hệ sau. Bà kết luận rằng, để bảo tồn và phát huy văn hóa một cách hiệu quả, cần có sự kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ cùng với các chiến lược hợp tác đa phương. Đây là chìa khóa để truyền tải giá trị văn hóa đến thế hệ trẻ và cộng đồng quốc tế. Ví dụ, một dự án mà bà Thúy đang thực hiện là sử dụng AI để phân tích các họa tiết truyền thống Việt Nam và áp dụng vào các sản phẩm thời trang hiện đại, giúp các thiết kế mang đậm dấu ấn văn hóa Việt nhưng vẫn phù hợp với thị hiếu ngày nay. Bằng cách này, AI không chỉ là công cụ bảo tồn mà còn là cầu nối đưa văn hóa truyền thống hòa nhập vào cuộc sống hiện đại, đáp ứng nhu cầu và gu thẩm mỹ của thế hệ trẻ.

Ảnh 4

Hình 4. Các bạn sinh viên tham gia thảo luận cùng diễn giả.

Buổi tham luận đã nhấn mạnh rằng, sự kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ không chỉ đơn thuần là phương tiện truyền tải mà còn là yếu tố cốt lõi để bảo tồn và phát huy văn hóa trong thời đại số. Các diễn giả đã mang đến những ví dụ cụ thể và các dự án thực tiễn, cho thấy rằng công nghệ có thể trở thành công cụ mạnh mẽ hỗ trợ văn hóa nếu được áp dụng một cách nhân văn và sáng tạo. Với những kiến thức và cảm hứng từ buổi tham luận “Cuộc cách mạng ArtTech trong giải trí và di sản văn hóa”, các sinh viên và người tham gia được khuyến khích không chỉ tiếp thu mà còn tham gia vào hành trình sáng tạo, đóng góp vào việc phát triển các dự án văn hóa bền vững. Những giá trị văn hóa sẽ tiếp tục được bảo tồn và lan tỏa khi các thế hệ trẻ nhận thức được vai trò của mình trong việc bảo tồn và phát huy di sản thông qua các sáng kiến công nghệ và nghệ thuật.

Ảnh 5

Hình 5. Chủ tọa, các diễn giả và sinh viên cùng nhau chụp ảnh lưu niệm.

Nằm trong xu thế phát triển của lĩnh vực ArtTech, chuỗi hoạt động quốc tế ArtTech Fusion (ATF) được tổ chức thường niên do ArtTech Hub (ATH), các đơn vị thuộc Trường Công nghệ và Thiết kế UEH (CTD), Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đăng cai và phối hợp cùng các đơn vị trong và ngoài nước với các chủ đề khác nhau qua từng năm.

Năm 2024, chuỗi hoạt động quốc tế ArtTech Fusion được tổ chức với chủ đề “New ArtTech for Future Generations” (ArtTech – Sự kết hợp mới cho thế hệ tương lai vì sự bền vững) nhằm khơi dậy, phát huy tư duy sáng tạo và hành động đổi mới của thế hệ tương lai, góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững. Xuyên suốt hành trình ATF24 trong 03 ngày (22-24/10/2024) là hơn 30 hoạt động học thuật, thực tiễn gồm 05 bài tham luận chính (Keynote Speeches), 10 phiên thảo luận đặc biệt (Special Sessions), 05 phiên trình bày bài nghiên cứu song song (Parallel sessions), 05 Workshops, 01 ấn phẩm sách học thuật (Book Chapter), 09 triển lãm (Exhibitions), 01 chuyến kết nối di sản (Heritage Connection Trip), 01 buổi biểu diễn nghệ thuật (Tangible Performance).

Năm 2025, chuỗi ArtTech Fusion diễn ra lần thứ 4 (ATF25), với chủ đề “Co-Creation for a Wondrous Future” (Đồng sáng tạo cho một tương lai diệu kỳ), dự kiến từ ngày 24 đến 26/9/2025. Đây là dịp để khám phá, trải nghiệm, giao lưu và sáng tạo trong thế giới kỳ diệu của nghệ thuật kết hợp công nghệ mới, hướng đến tương lai bền vững. 

Thông tin cập nhật về ATF25, vui lòng xem tại:

Website: https://ath.ueh.edu.vn/ 

Fanpage: https://www.facebook.com/ueh.arttechhub

Tác giả: ThS. Hoàng Thị Ái Nhân – Khoa Thiết kế Truyền thông – Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem bản tin UEH Research Insights tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Ban Truyền thông và Phát triển đối tác UEH

Giọng đọc: Thanh Kiều

Chân Trang (1)

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021