[Podcast] Mô Hình Đại Học Bền Vững Dành Cho Các Thị Trường Mới Nổi

19 Tháng Bảy, 2024

Từ khóa: Đại học bền vững, quốc gia đang phát triển, thị trường mới nổi, tính bền vững, mô hình chuyển đổi

Ngày nay, mô hình đại học bền vững đóng vai trò quan trọng ở các nước đang phát triển, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn thực hiện do quyền tự chủ hạn chế cùng các yếu tố xã hội đặc thù. Nghiên cứu của nhóm tác giả Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) được thực hiện nhằm khám phá các mô hình đại học bền vững từ hai khía cạnh tiếp cận và triển khai, đưa ra điểm mạnh và điểm yếu của chúng. Từ đó, đề xuất mô hình được thiết kế riêng kết hợp với phương pháp ứng dụng cho đại học ở các nước này.

Tổng quan nghiên cứu

Mặc dù Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (United Nations – UN) đã được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới, nhưng việc thực hiện tại các nước đang phát triển vẫn gặp nhiều thách thức do bối cảnh đa dạng của từng quốc gia. Nhiều thách thức lớn được đặt ra như đói nghèo, bất bình đẳng và ô nhiễm, điều này đòi hỏi sự gia tăng trong giáo dục và nghiên cứu để thúc đẩy phát triển bền vững. Và Đại học – với vai trò quan trọng trong việc đào tạo thế hệ lãnh đạo tương lai, cần tích hợp giáo dục về phát triển bền vững vào mọi cấp độ.

Đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm về việc áp dụng mô hình đại học bền vững ở các trường đại học khu vực Đông và Trung Âu, họ không chỉ tập trung vào giảng dạy và nghiên cứu mà còn nhấn mạnh vào việc quản lý, học hỏi và hợp tác. Tuy nhiên, một chiến lược phát triển thống nhất không thể áp dụng cho mọi trường đại học bền vững, do đó cần có các mô hình và phương pháp riêng biệt phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia. Vì vậy, một câu hỏi nghiên cứu quan trọng liên tục thu hút các nhà quản lý trường đại học xoay quanh đó chính là việc xác định cách tiếp cận, chuyển đổi và mô hình triển khai trường đại học bền vững tối ưu phù hợp với bối cảnh của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Nghiên cứu này nhằm xác định các chiến lược hiệu quả nhất để đảm bảo tính bền vững lâu dài về môi trường, xã hội và kinh tế cho các trường đại học tại các nước đang phát triển.

Đến nay, có nhiều mô hình khác nhau về cách thức tiếp cận và triển khai một đại học bền vững. Trong đó, 7 mô hình phổ biến gồm: (1) mô hình theo định hướng quản lý (Managerial Model), (2) mô hình chuyển tiếp (Transitional Model), (3) mô hình cộng đồng (Community Model), (4) mô hình lấy nghiên cứu làm trung tâm (Research Centric Model), (5) hệ thống đại học xanh (Green University System), (6) khung triển khai Đại học bền vững UNEP (UNEP Framework) và (7) mô hình đại học bền vững vượt trội (Sustainable University Excellence). Trong khi 5 mô hình đầu chủ yếu đưa ra cách tiếp cận từ trên xuống và nhấn mạnh tiếp cận tích hợp bền vững vào các chức năng cốt lõi của một đại học, thì hai mô hình sau lại nhấn mạnh vào cả cách tiếp cận và khung triển khai.

Giáo dục đại học tại các thị trường mới nổi

Trong bối cảnh hiện tại ở thị trường mới nổi, có hai loại trường đại học chính. Thứ nhất, là các trường đại học công lập cao cấp có liên quan chặt chẽ đến tiến bộ của khu vực. Thứ hai, là các trường đại học khởi nghiệp trẻ áp dụng cơ cấu hoạt động tư nhân hóa. Bất kể là trường đại học nào, “Giáo dục” và “Nghiên cứu” đều đóng vai trò không thể thiếu, mang tính biểu tượng được các tổ chức học thuật và cộng đồng công nhận, đảm bảo nuôi dưỡng lực lượng lao động thành thạo trong các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển. Do đó, thách thức nằm ở cách các trường đại học này có thể chuyển đổi hiệu quả sang mô hình đại học bền vững trong khi vẫn nhấn mạnh vào “Giáo dục” và “Nghiên cứu”. Vì vậy, khi xây dựng phương pháp tiếp cận và mô hình triển khai đại học bền vững ở các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển, cần cân nhắc kỹ lưỡng các đặc điểm thiết yếu sau: 

  • Cách tiếp cận này phải dựa trên lý thuyết và phù hợp với những cân nhắc thực tế;
  • Nhấn mạnh sự chuyển đổi từ trường Đại học truyền thống sang trường Đại học bền vững;
  • Tích hợp các nguyên tắc phát triển bền vững hài hòa vào các chức năng cơ bản và mở rộng của trường đại học mà không làm thay đổi cơ cấu hoạt động vốn có của trường;
  • Triển khai khuôn khổ với tầm nhìn dài hạn, cho phép cải tiến liên tục và điều chỉnh các chiến lược phù hợp nhất cho từng giai đoạn phát triển của trường đại học.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp đánh giá tường thuật, một phương pháp nghiên cứu định tính phổ biến, tuân theo khuôn khổ phân tích ba bước do Levy và Ellis phát triển bao gồm: tìm kiếm và sàng lọc tài liệu, trích xuất và phân tích dữ liệu, và viết bài tổng quan tài liệu. Cách tiếp cận này tổng hợp hiệu quả một khối lượng tài liệu có chọn lọc về lĩnh vực này, cung cấp thông tin chi tiết về các chủ đề và vấn đề có liên quan. 

Mô hình đề xuất cho chiến lược đại học bền vững ở các nước đang phát triển

Từ phương pháp nghiên cứu, nhóm tác giả đã đề xuất mô hình kết hợp các phương pháp tiếp cận và kỹ thuật triển khai, như một sự chuyển đổi hệ thống bao gồm 05 trụ cột điển hình: Giáo dục, Nghiên cứu, Phát triển bền vững trong khuôn viên trường, Cộng đồng và Quản trị. Trụ cột Quản trị đảm nhận các động lực thúc đẩy, trụ cột Phát triển bền vững trong khuôn viên trường là khía cạnh trung tâm của mô hình bao quát, hoạt động như một trụ cột quan trọng kết nối nhiều chức năng chính, bao gồm Giáo dục, Nghiên cứu và Cộng đồng. Bên cạnh đó, mô hình đề xuất cũng cố gắng khắc phục những hạn chế của mô hình “Lấy Nghiên cứu làm trung tâm” và mô hình “Cộng đồng” bằng cách sử dụng phương pháp Kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra – Hành động – PDCA (Plan – Do – Check – Act) làm nguyên tắc triển khai trong quá trình hoạch định, tổ chức, đánh giá, triển khai các kế hoạch, sáng kiến.

Để thực hiện được mô hình đề xuất này, các đại học cần xem xét thực hiện 03 yếu tố sau: 

(1) Cải tiến chiến lược liên tục với nguyên tắc PDCA; 

(2) Ứng dụng mô hình Living Lab – công cụ đảm bảo kết nối 05 trụ cột mô hình đại học bền vững; 

(3) Xây dựng văn hóa “Đoàn kết” giữa các cá nhân, gia tăng sự hiểu biết và đồng lòng thực hiện mục tiêu chung của trường.

Nhìn chung, mô hình đề xuất nhấn mạnh tầm quan trọng của tính bền vững trong khuôn viên trường như một điểm hội tụ cho 04 chức năng còn lại: Giáo dục, Nghiên cứu, Cộng đồng và Quản trị. Đồng thời, nghiên cứu cũng ủng hộ việc tích hợp đào tạo và nghiên cứu tập trung vào tính bền vững góp phần đạt 17 SDGs. Hơn nữa, nghiên cứu đóng góp phong phú thêm nền tảng lý thuyết để triển khai một trường đại học bền vững và là một trong những nghiên cứu tiên phong trong việc khám phá bối cảnh của các quốc gia mới nổi và đang phát triển trong giai đoạn chuyển đổi.

Xem toàn bộ Bài nghiên cứu “Mô hình đại học bền vững dành cho các thị trường mới nổi” TẠI ĐÂY.

Nhóm tác giả: PGS.TS. Bùi Quang Hùng, TS. Trịnh Tú Anh, ThS. Lê Thị Hạnh An, ThS. Nguyễn Đình Hoàng Uyên – Đại học Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh, ThS. Phan Như Quỳnh – Học viện Hàng Không Việt Nam.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem Bản tin kiến thức UEH Research Insights #120 tiếp theo.

Tin, ảnh: Ban đề án đại học bền vững, Phòng Marketing – Truyền thông

 

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021