[Podcast] Chuyển Đổi Số Của Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ (SMEs) Trong Bối Cảnh Đại Dịch Covid-19

1 Tháng Tư, 2022

Cuốn theo xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số đã trở thành từ khóa luôn làm nóng các diễn đàn kinh tế – xã hội và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Sau hơn một năm rưỡi chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam nhận thức rõ hơn nhu cầu chuyển đổi số (Digital Transformation) không còn là trào lưu thời thượng hay khái niệm công nghệ mà là giải pháp sống còn cho mọi hoạt động của một quốc gia, một doanh nghiệp (DN) trong và sau đại dịch. Với đặc thù của nền kinh tế là khối SMEs chiếm tỷ trọng lớn (97% số DN) và đóng vai trò quan trọng (đóng góp 40% GDP hàng năm), do vậy chuyển đổi số ở Việt Nam muốn thành công phải tập trung vào SMEs.

Tác động của đại dịch covid-19 và khái niệm “chuyển đổi số”

Đại dịch Covid-19 không chỉ đưa đến những tác động tiêu cực cho sức khỏe của người lao động, mà còn làm thay đổi thói quen làm việc, sinh hoạt của họ và thay đổi cả phương thức vận hành, kinh doanh của SMEs. Đó là, các DN phải cho  nhân viên của mình làm việc online, họp online và cả tăng cường bán hàng online do các biện pháp giãn cách phòng dịch. Như vậy, có thể nói chính SMEs cũng đang chuyển dịch từ mô hình kinh doanh “nhiều chạm” sang “ít chạm” và thậm chí là “không chạm”. Đại dịch cũng chính là một sức ép buộc SMEs phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tìm kiếm một mô hình kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển.

Chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ trong thay đổi mô hình kinh doanh của DN, từ đó tạo thêm nhiều cơ hội và giá trị mới, giúp DN gia tăng tốc độ tăng trưởng và đạt doanh số tốt hơn. Quá trình chuyển đổi số trong DN thường được chia thành ba cấp độ: (1) Số hóa thông tin (digitization) là giai đoạn chuyển từ các phương thức truyền thống (analog) sang các nền tảng số, tạo ra biểu diễn số của các thực thể. Quá trình này mở ra cho DN một không gian mới, mô hình kinh doanh mới và tiềm năng cho những đổi mới công nghệ đang chờ được khai thác (Rojers, 2018); (2) Số hóa tổ chức (digitalization) là sử dụng dữ liệu số để tinh giản hóa công việc. Cấp độ này nhằm đổi mới mô hình kinh doanh (business model) của DN để thích nghi với sự hiện hữu của các môi trường số hóa (Brennen & Kreiss, 2016); và (3) Chuyển đổi số (digital transformation) là việc áp dụng dữ liệu và quy trình trong các mô hình kinh doanh mới (Nambisan và cộng sự, 2017). Những xu hướng chuyển đổi số được dự báo tiếp tục diễn ra trong những năm tới (với bối cảnh cả thế giới và Việt Nam vẫn còn tiếp tục gánh chịu ảnh hưởng ít nhiều từ đại dịch Covid-19) đó là: Đầu tư/chi tiêu cho chuyển đổi kỹ thuật số sẽ tăng gần gấp đôi; 80% DN sẽ triển khai các giải pháp Remotely Working; Công nghệ làm việc trực tuyến sẽ thay thế phòng làm việc thực tại ở DN; Mạng truyền thông kỹ thuật 5G sẽ bao phủ toàn cầu; Tập trung nhiều hơn vào bán lẻ đa kênh; Sự phát triển mạnh mẽ của Công nghệ điện toán đám mây; và Tăng tốc trong kỹ thuật phân tích, dự đoán và mô tả trong nhiều lĩnh vực.

Thực trạng chuyển đổi số của SMEs trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Khảo sát của nhóm nghiên cứu dự án với khoảng 400 SMEs ở khu vực Đông Nam Bộ năm 2020. Trong đó có 61,3% là các DN thuộc ngành chế tạo và chế biến, đây cũng là nhóm ngành có yêu cầu đặc biệt về khả năng làm chủ công nghệ và kỹ thuật trong sản xuất, là động lực cho quá trình chuyển đổi số; và 38,7% DN còn lại thuộc các lĩnh vực xây dựng, thương mại, dịch vụ,..vv, gọi chung là khu vực phi sản xuất. Dữ liệu khảo sát cho thấy, SMEs cũng đã bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing và bán hàng, …vv…, tuy nhiên kết quả đạt được thì vẫn còn khá khiêm tốn.

Mặc dù SMEs đã được sự đồng hành của Chính phủ với hàng loạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn chuyển đổi số của họ, nhưng cũng chỉ có 57,6% DN ngành sản xuất và 41,4% ngành phi sản xuất đã ứng dụng công nghệ số trước khi có dịch Covid-19; còn khi dịch Covid-19 diễn ra, có thêm 18,6% DN sản xuất và 35,8% DN phi sản xuất bắt đầu ứng dụng công nghệ số và sẽ tiếp tục ứng dụng; có 16,9% DN sản xuất và 17,9% DN phi sản xuất chưa áp dụng nhưng có quan tâm đến công nghệ số; khoảng 7% DN sản xuất và 5% DN phi sản xuất chưa áp dụng nhưng cũng không có kế hoạch áp dụng công nghệ số trong tương lai. Còn theo khảo sát của Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam thì, chỉ có 6,6% DN có đủ nguồn lực để thay đổi từ hệ thống cũ sang hệ thống công nghệ mới; 34,6% DN sẽ thay đổi từng bước do không đủ nguồn lực; 27,5% đang trong quá trình chuẩn bị vốn và nguồn lực, và có đến 31,1% DN vẫn chưa làm gì; hơn 70% SMEs phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường; chỉ có 1/4 SMEs đầu tư vào công nghệ hiện đại trong những năm gần đây, còn đa phần sử dụng gần 80% máy móc là nhập khẩu công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990; hầu hết SMEs chưa xây dựng được chiến lược về ứng dụng công nghệ số và chủ động trong đổi mới.

SMEs cũng đã bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing và bán hàng, …vv…, tuy nhiên kết quả đạt được thì vẫn còn khá khiêm tốn. Nguồn ảnh sưu tầm

Yếu tố tác động đến chuyển đổi số thành công

Phỏng vấn các chuyên gia kết hợp với thu thập dữ liệu từ dự án Digital stars showcase (2020), có thể tổng kết các nguyên nhân cơ bản cản trở SMEs thực hiện chuyển đổi số thành công như sau: (1) Lãnh đạo SMEs do thiếu tầm nhìn tư duy và hạn chế trong nhận thức về chuyển đổi số đã khiến họ chần chừ và đứng ngoài xu thế chuyển đổi số; (2) Bản thân mỗi SMEs chưa xây dựng được chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, phù hợp với chiến lược kinh doanh và các nguồn lực của DN mình, cũng như chưa xác định được các hướng chuyển đổi công nghệ phù hợp, từ đó dễ làm cho DN mất phương hướng và dẫn đến bỏ cuộc; (3) Nhiều DN thực hiện chuyển đổi số nhưng chưa xây dựng cho mình một lộ trình phù hợp, do chỉ muốn thấy kết quả nhanh chóng nên chọn thực hiện nhiều thay đổi cùng một lúc (trong khi đang còn thiếu các nguồn lực cơ bản), điều này đã gây ra sự chậm trễ và thất bại cho quá trình chuyển đổi số.

Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ở SMEs

Từ các nguyên nhân cơ bản nói trên, một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số của SMEs được đề xuất, đó là: (1) Thay đổi tận gốc tư duy và cả phương pháp tiếp cận kinh doanh theo cách kết hợp giữ online to offline (O2O), đây là yếu tố quan trọng để SMEs thành công trong quá trình chuyển đổi số. (2) Xây dựng chiến lược chuyển đổi số gắn với chiến lược kinh doanh, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và khả năng chuyển đổi của DN. (3) Xây dựng một quy trình chuyển đổi số lấy khách hàng làm trung tâm,  đồng thời phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và nguồn lực của mỗi DN. Quy trình chuyển đổi số gợi ý với các bước: 1. Tập trung vào khách hàng; 2. Thay đổi cơ cấu tổ chức; 3. Quản lý thay đổi; 4. Lãnh đạo chuyển đổi; 5. Quyết định về công nghệ; 6. Tích hợp; 7. Trải nghiệm khách hàng nội bộ; 8. Logistics và chuỗi cung ứng; 9. Bảo mật dữ liệu; 10. Sự phát triển của sản phẩm, dịch vụ và quy trình; 11. Số hóa; 12. Cá nhân hóa.

Bên cạnh các giải pháp nêu trên, một số kiến nghị cũng được đề xuất với Chính Phủ nhằm tạo thuận lợi hơn cho SMEs thực hiện chuyển đổi số, đó là: Cải cách thể chế cho DN thực hiện chuyển đổi số; Tiến tới hạn chế dần và đi đến loại bỏ việc lưu trữ văn bản giấy trong quy trình kinh doanh; Tổ chức nhiều hơn nữa các buổi tọa đàm về sử dụng công nghệ số để hướng dẫn DN thực hiện một cách bài bản và mang tính quy mô; Hỗ trợ SMEs về tài chính và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao về công nghệ thông tin, bên cạnh hỗ trợ kết nối SMEs với DN đối tác, với nhà cung cấp giải pháp kỹ thuật số; và Chủ động hơn trong việc tham gia xây dựng khung pháp lý của Việt Nam cho phù hợp với khung của khu vực và thế giới về công nghệ số.

Xem thêm bài nghiên cứu Chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại đây

Nhóm tác giả: PGS.TS. Bùi Thị Thanh, TS.Nguyễn Xuân Hiệp, Khoa Quản trị, Trường kinh doanh UEH

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #35 “ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THỰC TẾ TĂNG CƯỜNG TRONG LĨNH VỰC INTRALOGISTICS TẠI VIỆT NAM.

Tin, ảnh: Nhóm tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH.

Giọng đọc: Ngọc Quí

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021