[Podcast] Chính Sách Lao Động Việc Làm Cho TP. HCM Trong Giai Đoạn Sau Giãn Cách

28 Tháng Mười Hai, 2021

Nguồn nhân lực là một trong những vấn đề quan trọng cần được ưu tiên giải quyết, đặc biệt trong bối cảnh sau giãn cách xã hội như hiện nay. Chúng ta không thể phủ nhận, sự thiếu hụt lao động trầm trọng ảnh hưởng đến các khía cạnh của nền kinh tế. Nhóm tác giả đã đưa ra những con số thực tế mô tả các vấn đề cung và cầu lao động cũng như dự báo tình hình việc làm hiện nay, từ đây đề xuất các chính sách lao động việc làm ngắn hạn và dài hạn cho Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian sắp tới.

Bối cảnh lao động và việc làm sau giãn cách

Sau 4 tháng thực hiện giãn cách, với những quy định kịp thời từ nghị quyết 128/NQ-CP, các hoạt động của nền kinh tế đang từng bước trở lại. Tuy vậy, về khía cạnh lao động và việc làm, những tác động và nguy cơ từ đại dịch là không nhỏ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến 59% dân số từ 15 tuổi trở lên ở khu vực Đông Nam Bộ (ĐNB) và 45% ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cũng ở hai khu vực này, sự giảm sút trong số người có việc làm ở quý III/2021 so với quý II/2021 lần lượt là 14.7% và 8.7%, trong khi thu nhập bình quân của người lao động giảm lần lượt 30% và 14% trong cùng giai đoạn.

Bên cạnh đó, đại dịch có thể tạo ra vòng lặp khủng hoảng với công thức: COVID-19 ? giảm tổng cầu/giảm năng lực sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng ? mất việc làm, thu nhập ? giảm tổng cầu ? đình trệ sản xuất ? mất việc làm, thu nhập  ? giảm tổng cầu …

Trong bối cảnh này, nguồn lao động là vấn đề rất quan trọng. Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) đang phải đối mặt với sự thiếu hụt lao động khi 1,3 triệu người đã trở về quê và 2,5 triệu lao động phải ngừng làm việc. Thực trạng này đòi hỏi những quyết sách phù hợp và kịp thời từ phía các nhà quản lý để thu hút lực lượng lao động quay trở lại với đầu tàu kinh tế phía Nam nhằm duy trì và phát triển sản xuất.

Từ góc nhìn kinh tế, vấn đề nêu trên cần được xem xét dựa trên cung và cầu. Cung và cầu lao động do mỗi cá nhân và đơn vị sử dụng lao động quyết định. Trong trạng thái bình thường thì thị trường sẽ tự cân bằng cung cầu lao động. Trong tình trạng đứt gãy luồng di chuyển lao động, nhu cầu lao động từ khối sản xuất không ổn định, và chính sách quản kinh tế xã hội không nhất quán do phụ thuộc vào thời gian, địa điểm COVID-19 bùng phát dịch, nhà nước cần can thiệp giúp đạt cân bằng thị trường lao động một cách tương đối.

Các vấn đề phía cầu lao động

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao trong đó chi phí liên quan tới lao động là một nguồn quan trọng. Nguồn tăng của chi phí sản xuất đến từ sự tăng lên của (i) giá nhập khẩu và chi phí vận chuyển; (ii) chi phí sử dụng lao động (phúc lợi xã hội, lao động nghỉ việc có lương, áp dụng phương án làm việc “3 tại chỗ”, …) và (iii) chi phí an toàn vệ sinh lao động (khử khuẩn, phương tiện phòng dịch, giãn cách, xét nghiệm, …).

Mô hình 3 tại chỗ của các doanh nghiệp (Nguồn ảnh: Báo Lao động)

Bên cạnh vấn đề chi phí, DN còn gặp khó khăn trong đổi mới công nghệ; đảm bảo thị trường xuất khẩu; ký kết hợp đồng mới và hoàn thành hợp đồng đã ký; đảm bảo cạnh tranh và duy trì sản xuất kinh doanh (SXKD). Về mặt lao động, khó khăn tuyển dụng và giữ chân lao động cũng được nhiều DN đề cập, đặc biệt là nhóm ngành dịch vụ.

Một số biện pháp an toàn đã được các DN thực hiện ở nơi làm việc tuy vậy tỷ lệ thực hiện nhìn chung còn thấp. Các nhóm biện pháp gồm: (i) nhóm biện pháp theo khuyến cáo của Bộ Y tế (54% DN thực hiện); (ii) các biện pháp an toàn tăng cường tại DN (xấp xỉ 45% DN thực hiện); (iii) triển khai phương thức làm việc mới (dưới 50% DN thực hiện) và (iv) hỗ trợ nhân viên xét nghiệm và tiêm phòng (28% DN thực hiện).

Đã có nhiều chính sách của nhà nước nhằm hỗ trợ các DN trong bối cảnh dịch bệnh tuy vậy tỷ lệ tiếp cận còn thấp và hiệu quả chính sách chưa cao. Ba nhóm chính sách chủ đạo bao gồm: (i) hỗ trợ về thuế (giảm thuế TNDN, GTGT, TNCN, tiền thuê đất, …); (ii) hỗ trợ về vốn và tín dụng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ, …) và (iii) hỗ trợ về an sinh xã hội (giảm mức đóng góp bảo hiểm tai nạn, quỹ hưu trí, cho DN vay trả lương ngừng việc, …). Tỷ lệ tiếp cận của các DN ở mỗi nhóm chính sách chỉ khoảng 25-35% và chỉ 10% trong số đó đánh giá hiệu quả chính sách ở mức cao.

Các vấn đề phía cung lao động

Trong giai đoạn từ quý IV/2020 đến quý III/2021, các đợt dịch thứ III và thứ IV đã liên tục kéo tổng lực lượng lao động sụt giảm từ mức 50.9 về 47.2 triệu người. Trong số 1.3 triệu lao động ước tính đã rời TP. HCM, dự báo 377 ngàn người sẽ quay lại trong quý IV/2021; 520 ngàn người quay lại sau tết; 140 ngàn người sẽ không quay lại và 230 ngàn người chưa có kế hoạch cụ thể.

Theo số liệu khảo sát nhóm lao động đã rời TP. HCM hoặc khu vực ĐNB, các yếu tố có vai trò quyết định trong việc lao động quay lại nơi làm việc bao gồm: điều kiện làm việc và thu nhập; điều kiện y tế; điều kiện sống và sinh hoạt; điều kiện học tập của con cái và thói quen cộng đồng. Người lao động được khảo sát cũng lo lắng về nhiều khó khăn khi quay lại TP. HCM liên quan đến quy định về giãn cách không ổn định; việc đi lại và đáp ứng quy định phòng dịch; nhà ở và sinh hoạt; vấn đề xin việc làm và việc đi học của con cái.

Đối với nhóm lao động còn ở lại TP. HCM hoặc khu vực ĐNB, một tỷ lệ đáng kể lao động đã nghỉ việc hoặc chuyển sang làm việc không liên tục. Tỷ lệ nghỉ việc hoàn toàn là 21.6% ở nhóm có công việc toàn thời gian; 43.5% ở nhóm có công việc bán thời gian; 70.3% ở nhóm làm thuê mướn và 45.7% ở nhóm kinh doanh tự do. Trong khi đó, một tỷ lệ không nhỏ đã chuyển sang làm việc không liên tục, với giá trị lần lượt là 21.6%, 30.4%, 16.2% và 25.7% tương ứng với bốn nhóm kể trên.

Về thái độ và quan điểm đối với việc người lao động quay lại thành phố, trong khi tỷ lệ ủng hộ quan điểm “ở lại địa phương và cố gắng tìm việc phù hợp” và “trở lại thành phố vì công việc và mưu sinh” trong nhóm lao động không rời TP. HCM không khác nhau nhiều (45.5% và 40.6%), 56.6% người được khảo sát trong nhóm này sẽ đưa ra lời khuyên cho người thân theo hướng ở lại địa phương. Đối với nhóm đã về quê, trong khi bản thân họ ủng hộ phương án trở lại thành phố (63.8%), tỷ lệ người được khuyên người thân ở lại địa phương cao hơn không nhiều so với tỷ lệ khuyên người thân nên đến các thành phố lớn (39.6% so với 34.5%).

Cuối tháng 7, nhiều nhiều người ồ ạt rời các địa phương có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp để về quê. (Nguồn ảnh: Tây Nguyên)

Dự báo tình hình lao động việc làm

Theo kết quả dự báo, lực lượng lao động tại TP. HCM sẽ bị thu hẹp, kể cả lao động nhập cư và lao động tại địa phương. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số trẻ từ 15 – 24 tuổi sẽ giảm xuống do tình trạng thất nghiệp gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động trẻ cũng sẽ có nguy cơ tăng. Ngoài ra, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và việc làm ở nữ giới cũng sẽ giảm. Bên cạnh sự suy giảm việc làm và sự hồi phục chậm của các nhóm nghề tập trung nhiều lao động nữ.

Các dự báo khác trong ngắn hạn cũng khá tiêu cực. Tổng số việc làm, số giờ làm việc trong nền kinh tế và mức lương bình quân của lao động cũng sẽ giảm. Nữ giới, lao động trung niên, lao động giản đơn không có chuyên môn kỹ thuật là nhóm lao động sẽ chịu ảnh hưởng lâu dài bởi dịch bệnh trong thời gian tới. Về vị thế làm việc, lao động làm công ăn lương sẽ giảm, lao động tự làm sẽ tăng lên. Điều này làm tăng nhóm lao động dễ bị tổn thương, và gây áp lực cho phúc lợi xã hội sau này. Về hợp đồng lao động, số lao động được ký hợp đồng lao động sẽ giảm, đồng nghĩa với việc số lao động không được đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế có thể tăng lên.

Tuy vậy, khả năng hồi phục việc làm trong các ngành của nền kinh tế là khác nhau, một số ngành sẽ hồi phục nhanh và sớm hơn các ngành khác. Các ngành có sự tăng lên về tỷ lệ lao động bao gồm công nghiệp chế biến và chế tạo; thông tin và truyền thông; phát triển công nghệ; giáo dục và dịch vụ y tế. Các ngành có sự giảm xuống về tỷ lệ lao động có thể kể đến như bán buôn, bán lẻ, mua bán sửa chữa mô tô, ô tô; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống. Các ngành như khai khoáng; cung cấp điện nước; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm;  kinh doanh bất động sản và các dịch vụ kinh doanh khác; cơ quan Nhà nước; nghệ thuật vui chơi giải trí và hoạt động dịch vụ phục vụ gia đình khác dự báo ít có biến động về tỷ lệ lao động. Các biến động này sẽ mang tính tạm thời, cơ cấu về lao động sẽ tiếp tục thay đổi khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi hoàn toàn.

Đề xuất chính sách lao động – việc làm cho TP. HCM

*Chương trình tạo việc làm trực tiếp từ dự án công

Các chương trình tạo việc làm trực tiếp tạo thêm việc làm trong những dự án có đặc tính đem lại lợi ích cộng đồng hoặc lợi ích xã hội. Các dự án này thường tạm thời và có tính chất phi thị trường. Chương trình tạo việc làm trực tiếp cũng có thể là những dự án cơ sở hạ tầng lớn cần nhiều lao động. Lao động tham gia các chương trình này thường là những người thất nghiệp dài hạn hoặc những người trong nhóm lao động phi chính thức bị mất việc do đại dịch Covid19.

Chương trình tạo việc làm trực tiếp hay tạo việc làm công có 3 lợi ích: (1) tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt nhóm yếu thế; (2) đóng vai trò bảo trợ xã hội, tạo thu nhập tức thời; và (3) tạo lợi ích công/công trình hạ tầng cơ sở. Khi thị trường lao động phục hồi, chương trình tạo việc làm trực tiếp sẽ thu hẹp.

Các chương trình tạo việc làm công để ứng phó với tình trạng thất nghiệp, hỗ trợ việc làm cho những đối tượng dễ bị tổn thương khá phổ biến ở các nước trên thế giới. Quy mô, lĩnh vực việc làm, thời gian, độ bao phủ, mức lương và ngân sách phụ thuộc vào tình hình thực tế của địa phương.

*Thu hút người lao động quay trở lại làm việc

Hai nhóm công cụ chính sách thu hút người lao động quay trở lại làm việc là (1) dùng khuyến khích kinh tế, tác động vào động lực kinh tế của cá nhân và (2) dùng công cụ kinh tế hành vi, tác động vào tâm lý của người lao động. Công cụ kinh tế hành vi đã được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở các nước OECD. Nhiều nghiên cứu chứng minh cho cùng một kết quả, công cụ kinh tế hành vi có chi phí thấp hơn so với công cụ khuyến khích kinh tế.

Đối tượng chính sách chủ yếu trong nhóm này là lao động nhập cư đã quay trở về quê và lựa chọn làm việc trong khu vực kinh tế chính thức. Chính sách thu hút lao động quay trở lại làm việc thuộc nhóm chính sách trong ngắn và trung hạn.

Các chính sách khuyến khích kinh tế, gồm hai nhóm:

  • Tiền: tạm ứng lương, hợp đồng lao động
  • Phúc lợi: chỗ ở, vaccine, xét nghiệm, phương tiện di chuyển, đào tạo kỹ năng phù hợp công việc mới.

Nhóm nghiên cứu đề xuất cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các gói phúc lợi thu hút người lao động quay trở lại làm việc gồm 3 thành phần chính: Giới thiệu việc làm + hỗ  trợ nhà trọ + vaccine covid19.

Các biện pháp khoa học hành vi (tâm lý học):

  • Thông tin/tuyên truyền: người lao động nhập cư/phi chính thức ít theo dõi các kênh truyền thông chính thức. Đề xuất tuyên truyền thông tin môi trường làm việc qua mạng xã hội và người nổi tiếng. Xây dựng và củng cố lòng tin. Cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các chính sách và thông tin liên quan một cách nhất quán và rõ ràng.
  • Ảnh hưởng xã hội (thông tin lan truyền trong nhóm, cộng đồng). Quyết định làm việc của người lao động bị tác động khá nhiều bởi quyết định của người cùng trong nhóm nhận dạng (nhóm đồng hương, nhóm tôn giáo v.v.). Đẩy mạnh truyền thông trong nhóm và tác động vào người đứng đầu nhóm có thể tạo ra hiệu quả.
  • Quy chuẩn xã hội. Ví dụ làm thế nào để thúc đẩy người lao động quay lại làm việc sớm hơn, vượt qua tâm lý quay trở lại làm việc sau Tết nguyên đán (40% người trả lời khảo sát cho rằng chỉ quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán. Chỉ có 28.7% sẵn sàng quay lại làm việc trong quý 4. Xem hình 2). Quyết định của người lao động bị ảnh hưởng bởi các quy chuẩn xã hội. Thay đổi quy chuẩn là việc khó và cần thời gian. Cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt vấn đề này để có chính sách linh hoạt.

Có thể tổ chức nhóm chuyên trách chi tiết hóa sử dụng công cụ hành vi. Trong quá trình thực hiện, nhóm chuyên trách đánh giá hiệu quả của chính sách, đánh giá phản hồi thực tế và điều chỉnh chính sách khi cần thiết. Nhóm chuyên trách có thể bao gồm cán bộ quản lý lao động, nhà nghiên cứu chuyên về kinh tế hành vi, kinh tế lao động.

*Nhóm chính sách phía cầu lao động (chính sách ngắn hạn)

Đây là nhóm chính sách lao động quan trọng để giải quyết các vấn đề lao động việc làm do đại dịch Covid19 gây ra. Tổng kết của Ngân hàng thế giới cho thấy chính sách thị trường lao động tập trung phía doanh nghiệp chiếm vai trò chủ đạo trong các chính sách lao động – việc làm trong đại dịch Covid19 ở 55 quốc gia.

Các chính sách thị trường lao động chủ yếu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khả năng thanh khoản và tăng tính linh hoạt trong quy định lao động. Các chính sách tăng tính thanh khoản/dòng tiền cho doanh nghiệp và tính linh hoạt trong điều tiết lao động là những chính sách thị trường lao động được sử dụng rộng rãi nhất.

Nhóm nghiên cứu đề xuất trong số các chính sách cải thiện tính thanh khoản của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước xem xét chính sách hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp, như hoãn nộp thuế doanh nghiệp, gia hạn khấu trừ thuế GTGT, khấu trừ bổ sung thuế, gia hạn thời hạn giải quyết nghĩa vụ thuế. Có thể xem xét hỗ trợ bảo lãnh tín dụng, thanh toán khoản vay (giảm lãi suất cho vay, tái cấu trúc nợ), hoãn/giảm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, hỗ trợ điện nước và tiền thuê.

Chính sách hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp nên tập trung vào nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, là số lượng doanh nghiệp chiếm đa số và sử dụng nhiều lao động.

*Nhóm chính sách phát triển thị trường lao động (chính sách dài hạn)

Như đã đề cập phần đầu, một trong những vấn đề khó nhất của thị trường lao động là kết nối cung cầu lao động, khi thông tin cung cầu lao động là không rõ ràng và bất định. Vấn đề kết nối sẽ càng khó khăn trầm trọng trong bối cảnh đại dịch Covid19. Đại dịch Covid19 làm đứt gãy hoạt động của doanh nghiệp, đứt gãy di chuyển và đồng thời làm đứt gãy nhận thức, thái độ dẫn đến hành vi cung lao động và cầu lao động.

Nhóm nghiên cứu đề xuất trong dài hạn, cơ quan quản lý nhà nước đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ kết nối việc làm cho khu vực công.

Ví dụ thành công điển hình là trang kết nối việc làm trực tuyến của Chính phủ Úc https://jobactive.gov.au/ . Nền tảng công nghệ kết nối việc làm khu vực công giúp thúc đẩy chính sách tạo việc làm trực tiếp ở mục 2.1 trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể xem xét các chính sách hỗ trợ phát triển nền tảng công nghệ kết nối việc làm cho nhóm lao động ít kỹ năng. Hiện tại các ứng dụng kết nối việc làm tại Việt Nam (như Vietnamworks.com, careerbuilder.vn, mywork.com.vn, 1001 vieclam.com, vieclam.24h.com.vn v.v.) đều tập trung vào những công việc có yêu cầu kỹ năng nhất định, do đó bỏ qua khu vực lao động phổ thông, ít yêu cầu kỹ năng. Nền tảng kết nối việc làm có thể cực kỳ hiệu quả trong bối cảnh Covid 19 khi lao động ở quê nhà và đang cân nhắc tìm việc làm ở thành phố. Nền tảng công nghệ giúp người lao động có thể tìm việc từ xa, khi đã xác định công việc chắc chắn, họ có thể lập kế hoạch di chuyển và sinh sống dễ dàng hơn.

Nền tảng (platform) này dựa trên mô hình kinh tế nền tảng, sử dụng công nghệ số giúp kết nối nhu cầu chia sẻ nguồn nhân lực nhàn rỗi và nhu cầu sử dụng nguồn lực đó một cách chính xác, hiệu quả, nhanh chóng và chi phí thấp.

Các nền tảng kết nối việc làm cũng giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động nhằm giúp các cơ quan hoạch định chính sách có thông tin chính xác hơn về cung cầu lao động tại từng địa phương.

Nhóm tác giả: TS.Phạm Khánh Nam, TS.Trần Mỹ Minh Châu, TS.Hồ Quốc Thông, TS.Nguyễn Quang, TS.Trương Đăng Thụy (Khoa Kinh tế – Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH)

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH, trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #24 “Rủi ro an ninh mạng trong hoạt động ngân hàng số – Trường hợp Việt Nam”.

Tin, ảnh: Nhóm tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH.

Giọng đọc: ThS. Phạm Nguyễn Hoài – Viện ISCM.

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021