[Podcast] Trái Phiếu Bất Động Sản – Nghiên Cứu Trường Hợp Trung Quốc Và Hàm Ý Chính Sách Cho Việt Nam – Phần 1: Trường Hợp Từ Trung Quốc

2 Tháng Sáu, 2022

Thông tư 16 được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành cuối năm 2021, quy định việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua/bán trái phiếu doanh nghiệp đã có những tác động không nhỏ đối với giới chủ ngân hàng và giới chủ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản. Thông tư 16 còn được ví von như “3 lằn ranh đỏ”, ngầm so sánh với các chính sách gần đây mà các cơ quan giám sát tài chính – ngân hàng Trung Quốc đưa ra để kiểm soát khối nợ khổng lồ của các ông trùm trong lĩnh vực BĐS tại quốc gia này. Trong bối cảnh đó, tác giả đã thông qua nghiên cứu các đặc điểm và thể chế của thị trường trái phiếu bất động sản Trung Quốc để đề xuất các hàm ý chính sách nhằm định hướng, giám sát và phát triển thị trường trái phiếu bất động sản Việt Nam một cách an toàn và bền vững. Phần 1 của bài viết sẽ trình bày những nghiên cứu về trường hợp Trung Quốc.

Trong 03 tháng cuối năm 2021, liên tiếp những thông tin không hề tốt lành đến từ Trung Quốc, liên quan đến việc mất khả năng thanh toán của các tập đoàn bất động sản hàng đầu của cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới như Evergrande, Kaisa… Trước tình hình này, các cơ quan giám sát tài chính – ngân hàng Trung Quốc đã đưa ra các chính sách để kiểm soát khối nợ khổng lồ của các ông trùm trong lĩnh vực BĐS tại quốc gia này.

Trái phiếu và đặc điểm hệ thống tài chính các nền kinh tế mới nổi

Một đặc điểm phổ biến của hệ thống tài chính các nền kinh tế mới nổi (Emerging Economy) như Trung Quốc, Việt Nam đó là những nền kinh tế dựa vào ngân hàng (Bank-based Economy). Do các khiếm khuyết của hệ thống tài chính, do mức xuất phát thấp của nền kinh tế, nguồn vốn dài hạn hạn hẹp, thị trường chứng khoán ít nhiều sơ khai… cho nên hệ thống ngân hàng tại những nền kinh tế này hiển nhiên trở thành kênh cung ứng vốn quan trọng và chủ yếu cho nền kinh tế. Thế nhưng, nguồn tín dụng ngân hàng cũng có những giới hạn của nó, đặc biệt là khả năng cung ứng vốn trung dài hạn do nguồn huy động đầu vào của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Do đó, phát hành trái phiếu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có mức độ thâm dụng vốn trung dài hạn cao như các doanh nghiệp BĐS đã trở thành một nhu cầu khách quan như một kênh bổ sung vốn quan trọng cho các hoạt động.

Trái phiếu bất động sản và vai trò của các LGFV 

Thị trường đất đai/bất động sản Trung Quốc thực tế chỉ hình thành kể từ sau năm 1990, gắn với tiến trình đô thị hóa sau những cải cách của Đặng Tiểu Bình, cũng như các chính sách, chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và các địa phương nói riêng. Do những khiếm khuyết về cơ chế phân bổ và giám sát thu chi ngân sách, được kích thích bởi những chính sách “thử nghiệm chính sách”, nên quyền lực tự chủ tương đối của các chính quyền địa phương về phương diện kinh tế – tài chính có thể nói là một sản phẩm phân quyền mang màu sắc rất “đặc thù” theo kiểu Trung Quốc. Đặc biệt, đó là quyền lực liên quan đến đất đai. Hầu hết các tỉnh thành Trung Quốc đều có những dạng hình kinh doanh được gọi là những “cổ máy” hay “phương tiện” tài chính cho chính quyền địa phương (LGFV-Local Government Financing Vehicle – 地方政府融资平台 –  Địa Phương Chánh Phủ Dung Tư Bình Đài). Các LGFV do chính quyền địa phương nắm giữ sẽ là “bầu sữa” để bù đắp những thiếu hụt, khiếm khuyết trong cơ chế phân bổ ngân sách từ chính quyền trung ương. LGFV chủ yếu  tham gia vào các dự án phát phát triển đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng tại các địa phương, hoặc do trung ương không thể nào can thiệp được, hoặc do trung ương “mong muốn” một cách làm thử nghiệm nào đó tại các địa phương. Các trường hợp thành công như Thiên Tân, Thượng Hải… về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị là những bằng chứng ủng hộ cho các dạng hình LGFV địa phương. Mà các LGFV này lại thường có những quan hệ vay mượn khá khăng khít với các ngân hàng địa phương, đặc biệt là các ngân hàng cổ phần, nơi mà chính các LGFV cũng là các cổ đông quan trọng. Đến đây, chúng ta đã có thể hình dung ra vòng xoáy tiền tệ xung quanh chính quyền địa phương – LGFV – ngân hàng – các doanh nghiệp BĐS khác. Chính quyền trung ương đã dành cho các địa phương ít nhiều thẩm quyền vay nợ, nhưng đối với các địa phương, như thế vẫn chưa đủ. 

Trái phiếu bất động sản  – LGFV và hệ thống ngân hàng

Thông qua các LGFV, các khoản nợ mà LGFV vay các ngân hàng địa phương, hay thông qua phát hành trái phiếu… chính là những cách mà địa phương tránh không phải kê khai vào nội bảng các báo cáo tài chính. Một đặc điểm quan trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc là vai trò dẫn đạo của các ngân hàng thương mại. Kể từ năm 1997, thời điểm thiết lập thị trường trái phiếu tại Trung Quốc, các ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ưu ái ban cho thẩm quyền như những nhà phát hành và kinh doanh trái phiếu đầu tiên. Các ngân hàng thương mại kinh doanh trái phiếu qua hai kênh chủ đạo: kênh nội bảng với các giao dịch trái phiếu trên thị trường liên ngân hàng, và kênh ngoại bảng – được biết đến nhiều hơn với các sản phẩm quản lý tài sản (WMP – Wealth Management Products) với lợi suất thường cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm ngân hàng trong một thời gian dài ở một mức khá thấp do chính sách áp chế tài chính đặc thù Trung Quốc. Các LGFV và các doanh nghiệp BĐS khác, sử dụng các WMP như những kênh huy động vốn, thay cho, và bổ sung cho cách thức truyền thống là vay nợ ngân hàng. Ngược lại, ngân hàng sử dụng các WMP như một phương cách chuyển vốn tài trợ cho các LGFV, các doanh nghiệp BĐS khác, đặc biệt là trong những thời điểm tín dụng bị hạn chế hay thắt chặt bởi chính sách trung ương. 

LGFV và ngân hàng bóng mờ (Shadow Banking)

Khi nói về đặc thù kinh tế địa phương của Trung Quốc, thì các quan hệ chằng chịt giữa các chủ thể LGFV, doanh nghiệp bất động sản, WMP, các ngân hàng thương mại, thông qua các kênh tín dụng truyền thống hay trái phiếu, nhiều nhà phân tích đã ví von như những vòng lặp (Vicious Cycle). Một cách dễ hình dung hơn, chúng ta cũng có thể liên tưởng đến những vòng xoáy, với tâm điểm là các ngân hàng thương mại, thông qua đó, các hoạt động ngân hàng ngầm/hay ngân hàng bóng mờ (Shadow Banking) đã có thêm dư địa để tồn tại và phát triển thông qua những WMP. Đó cũng chính là cơ sở mà nhiều người ví von ngân hàng bóng mờ Trung Quốc theo nghĩa đen chẳng qua chỉ là “bóng mờ” của các ngân hàng hiện hữu. 

Trái phiếu bất động sản – Các trường hợp mất khả năng thanh toán

Tỷ phần trái phiếu bất động sản trên tổng trái phiếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đã gia tăng nhanh chóng trong các năm vừa qua. Năm 2021 bắt đầu đánh dấu mởi các trường hợp China Fortune Land Development, Tianjin Real Estate Group… Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, tính đến quý 1 năm 2021, trong tổng số 15,10 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (quốc tế và nội địa), trái phiếu bất động sản đã chiếm 27% . 

Tỷ lệ trái phiếu bất động sản mất khả năng thanh toán

Việc thiết lập “Ba lằn ranh đỏ” hồi giữa năm 2020 cho thấy ít nhiều những quan tâm, cẩn trọng của các cơ quan giám sát tài chính – ngân hàng Trung Quốc đối với khả năng rủi ro quá lớn từ việc phát hành trái phiếu bất động sản của các doanh nghiệp. Chỉ cần phạm vào bất kỳ lằn ranh nào trong ba lằn ranh đỏ, vòng lặp hay vòng xoáy tín dụng doanh nghiệp – ngân hàng sẽ bị đứt đoạn, có thể dẫn đến một sự đổ vỡ nào đó, thậm chí có khả năng đưa đến khủng hoảng như trường hợp Evergrande hiện nay. 

Tác giả: PGS.TS. Trương Quang Thông, Trường Kinh doanh UEH.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #44 “Trái phiếu bất động sản – Nghiên cứu trường hợp Trung Quốc và hàm ý chính sách cho Việt Nam – Phần 2: Hàm ý chính sách cho Việt Nam”.

Tin, ảnh: Nhóm tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Giọng đọc: Ngọc Quí

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021