[Research Contribution] Bảo hộ sáng chế trong phát triển công nghiệp quốc phòng và kinh tế quốc gia

16 Tháng Năm, 2025

Từ khóa: bảo hộ sáng chế; công nghiệp quốc phòng; kinh tế quốc gia

Sáng chế là một trong những đối tượng của tài sản trí tuệ. Bảo hộ sáng chế có vai trò quan trọng đối với phát triển công nghiệp quốc phòng và kinh tế. Đối với công nghiệp quốc phòng, bảo hộ sáng chế giúp bảo vệ các công nghệ, kỹ thuật quân sự, giảm thiểu tối đa hành vi xâm phạm. Đối với kinh tế quốc gia, bảo hộ sáng chế giúp khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp quốc phòng trên thị trường quốc tế.

Thumb Lớn Thương Hiệu Học Thuật Mới (6)

Vai trò của bảo hộ sáng chế trong phát triển công nghiệp quốc phòng và kinh tế

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, tài sản trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Đối tượng bảo hộ tài sản trí tuệ thường là quyền tác giả và quyền liên quan của quyền tác giả, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp. Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, sáng chế được xem là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sức mạnh quốc gia. Quy định về bảo hộ sáng chế được xem là cơ sở pháp lý để bảo vệ các giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình do trí tuệ con người tạo ra. 

Bảo hộ sáng chế đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của các chủ thể sở hữu bằng sáng chế, khuyến khích sáng tạo và đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đầu tiên, bảo hộ sáng chế khuyến khích các cá nhân, tổ chức nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới, sáng tạo trong lĩnh vực quốc phòng. Thứ hai, việc bảo hộ sáng chế giúp các chủ thể sở hữu bằng sáng chế được hưởng các quyền lợi hợp pháp, từ đó có động lực để đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghiệp quốc phòng. Thứ ba, việc bảo hộ sáng chế giúp ngăn chặn các hành vi xâm phạm sản phẩm sáng chế đã đăng ký bảo hộ trong lĩnh vực quốc phòng, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia.

Cụ thể hơn, trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, sáng chế được sử dụng để tạo ra các loại vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Ví dụ, các loại vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật quân sự như tên lửa, máy bay, tàu chiến, xe tăng,… đều được bảo hộ dưới dạng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích,… Việc bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực quốc phòng giúp đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của các nhà sáng tạo, khuyến khích họ tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới, tăng cường năng lực quốc phòng của đất nước. Ở khía cạnh kinh tế – quốc phòng, bảo hộ sáng chế giúp bảo vệ các sản phẩm trí tuệ được tạo ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh công nghiệp quốc phòng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ, cũng như tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Việc bảo hộ sáng chế còn giúp tạo niềm tin, thu hút xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp quốc phòng ra nước ngoài, từ đó thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế.

Quy định về bảo hộ sáng chế đối với sản phẩm công nghiệp quốc phòng

Xuyên suốt trong nhiều Nghị quyết của Đảng, quan điểm và chủ trương trong việc tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ được thể hiện một cách nhất quán. Trong đó, khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao tài sản trí tuệ, đặc biệt là đối với các sáng chế tại Việt Nam trên cơ sở tuân thủ pháp luật trong nước và bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia.

Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành có những quy định riêng biệt trong việc bảo hộ sáng chế đối với sản phẩm công nghiệp quốc phòng. Theo khoản 3 Điều 86a, trong trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế được phân chia như sau: Nếu nhiệm vụ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế thuộc về Nhà nước. Nếu nhiệm vụ sử dụng một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước thuộc về Nhà nước. Trong một số trường hợp nhất định tại khoản 3 Điều 7, Nhà nước có thể hạn chế quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền nhằm đảm bảo mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội. 

Bên cạnh đó, quy định tại khoản 1 Điều 89a, để đảm bảo an ninh quốc gia, sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh, được tạo ra tại Việt Nam và thuộc quyền đăng ký của cá nhân hoặc tổ chức Việt Nam chỉ được nộp đơn đăng ký sáng chế ở nước ngoài sau khi đã được nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam để thực hiện thủ tục kiểm soát an ninh. Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý là khác với các sáng chế thông thường, những sản phẩm sáng chế liên quan đến quốc phòng an ninh cần được đăng ký kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ tại Cục Khoa học Quân sự và đăng ký sáng chế tại Tổng cục công nghiệp quốc phòng.

Nhu cầu của Việt Nam về bảo hộ sáng chế công nghiệp quốc phòng và kinh tế

Trong những năm qua, nhà máy, xí nghiệp quốc phòng và các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Tại các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng, nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại được sản xuất, chế tạo nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Có thể kể đến Các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng có quy mô đa dạng, từ các nhà máy lớn như Nhà máy Z125 (chế tạo dụng cụ), Nhà máy Z131 (chế tạo vũ khí, đạn dược), Nhà máy Z133 (sửa chữa tổng hợp súng pháo, hỏa tiễn), Nhà máy Z153 (chế tạo xe tăng), Nhà máy Z173 và Z189 (Nhà máy đóng tàu), Nhà máy Z195 (chế tạo thuốc nổ)… đến các nhà máy vừa và nhỏ như Nhà máy Z111 (chế tạo vũ khí cỡ nhỏ), Nhà máy Z121 (sản xuất hỏa cụ), Nhà máy Z127 (sản xuất vật tư kim loại), Nhà máy Z159 (chế tạo vật liệu nổ), Nhà máy Z183 (chế tạo đạn dược), Nhà máy Z179 (sản xuất phụ tùng),…

Tại các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ, hoạt động nghiên cứu, phát triển đạt được những thành công nhất định. Nhiều công nghệ mới, tiên tiến ra đời, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng. Một số cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ hàng đầu của Việt Nam như: Học viện Kỹ thuật quân sự, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Học viện Phòng không – Không quân,…

Tuy nhiên, các sản phẩm công nghiệp quốc phòng thường ít được đăng ký hoặc không được chấp nhận vì liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin đối với bí mật nhà nước, đảm bảo an ninh quốc gia. Đối với các sản phẩm quốc phòng dân dụng, một số các thiết bị, máy móc được phép phổ biến và có khả năng thương mại hóa thì sẽ được xem xét bảo hộ tài sản trí tuệ dưới hình thức kiểu dáng công nghiệp hoặc sáng chế. Có thể kể đến như sản phẩm lưỡng dụng (quân dụng và dân dụng) của các nhà máy quốc phòng có sức cạnh tranh lớn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, ví dụ như các loại vệ tinh, thuốc nổ công nghiệp, máy bay không người lái, các loại tàu biển,…

Tra cứu trên chuyên trang Sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) liên kết với công cụ WIPO Publish, số lượng được đăng ký bảo hộ cho những sáng chế về vũ khí quân dụng khá ít. Ví dụ như: Đơn sáng chế số 1-2002-00907 về cơ cấu kiểm soát sự giật của vũ khí của Richard Giza (Australia) năm 2001; Đơn sáng chế số 1-2012-01005 về hệ thống vũ khí đa hỏa lực của Karakookly, Yuva (Israel) năm 2010; Đơn sáng chế số 2-2021-00557 về Quy trình chế tạo lớp phủ bền UV trên cơ sở chất tạo màng họ fluoropolyme bảo vệ vũ khí, thiết bị kỹ thuật và công trình sắt thép của Viện Nhiệt đới môi trường (thuộc Viện Khoa học công nghệ quân sự Việt Nam) năm 2021.

Gần đây, Việt Nam đã có những động thái cởi mở hơn đối với việc giao lưu sản phẩm quốc phòng. Một số các Hội nghị, Triển lãm trong nước đã mạnh dạn giới thiệu các sản phẩm nghiên cứu quốc phòng. Tiêu biểu như Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức lần đầu tiên, quy tụ 170 đơn vị đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trưng bày 303 sản phẩm nghiên cứu, chế tạo quân sự và dân sự phục vụ an ninh quốc phòng, bao gồm: Các nhóm vũ khí lục quân; súng, đạn thế hệ mới; khí tài quang học; các loại tàu chiến; các loại vật tư, trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật; các loại thiết bị cho người lính thời kỳ 4.0…; các loại ra-đa, máy thông tin liên lạc; thiết bị tác chiến điện tử, chỉ huy điều khiển, thiết bị bay không người lái.

Hay vào tháng 11/2023, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) làm đại diện cho nước ta tham gia sự kiện Triển lãm Quốc phòng và An ninh tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm IMPACT ở Bangkok, Thái Lan. Đây là lần đầu các sản phẩm vũ khí, thiết bị quân sự Việt Nam có mặt tại một sự kiện triển lãm quân sự quốc tế quan trọng thuộc Top 15 thế giới, lớn số 1 Đông Nam Á. Và Triển lãm Quốc phòng quốc tế vào cuối năm 2024 của Việt Nam nhân sự kiện kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã góp phần khẳng định những giá trị và thành tựu trên hành trình phát triển các sản phẩm quốc phòng.

Một số kiến nghị

Công nghiệp quốc phòng là một lĩnh vực đặc thù, có vai trò to lớn trong việc bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia. Gắn với kinh tế, để công nghiệp quốc phòng phát triển bền vững, bảo hộ sáng chế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Dưới đây là một số kiến nghị nhằm thúc đẩy bảo hộ sáng chế để phát triển công nghiệp quốc phòng và kinh tế của Việt Nam:

Một là, nước ta cần ban hành những chính sách nhằm khuyến khích các tác giả trong nước chủ động đăng ký bảo hộ sáng chế về sản phẩm công nghiệp quốc phòng. Số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, trong số các đơn đăng ký sáng chế, có đến 85-90% của chủ thể người nước ngoài. Điều này cho thấy mở rộng số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế về sản phẩm công nghiệp quốc phòng là vấn đề cần được lưu tâm nhiều hơn.

Theo Thông tư 48/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng, cho tới nay vẫn chưa quy định nào xem xét về việc chi trả chi phí trong trường hợp chuyển giao quyền sáng chế (Chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế) đối với các sản phẩm công nghiệp quốc phòng. Do đó, để đảm bảo quyền lợi về vật chất cho tác giả và chủ sở hữu sáng chế thì Chính phủ, Bộ quốc phòng và các cơ quan ban, ngành có liên quan phải xây dựng chính sách bảo hộ sáng chế nói riêng và tài sản trí tuệ nói chung đối với các sản phẩm quốc phòng dân dụng và vũ khí quân dụng.

Hai là, tiếp cận bảo hộ sáng chế trong công nghiệp quốc phòng và kinh tế là tiền đề cho sự phát triển lâu dài và bền vững. Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, Tập đoàn Viettel đã đặt mục tiêu đến năm 2025, nước ta sẽ có doanh nghiệp đứng trong danh sách 80 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới về doanh thu, xuất khẩu được sản phẩm quốc phòng. Để thực hiện được mục tiêu này, bảo hộ sáng chế sẽ là tấm khiên vững chắc cho sản phẩm công nghiệp quốc phòng của Việt Nam ra sân chơi quốc tế, tạo cơ sở cho sự gia tăng nhu cầu xuất khẩu của nước ta trong thời gian tới.

Tác giả: Nguyễn Hoàng Nam – Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem bản tin UEH Research Insights tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Ban Truyền thông và Phát triển đối tác UEH

Giọng đọc: Thanh Kiều

Chân Trang (1)

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021