[Podcast] Vai Trò Của Khoa Học Công Nghệ Và Đổi Mới Sáng Tạo Trong Việc Huy Động Và Sử Dụng Hiệu Quả Các Nguồn Lực Để Phát Triển Vùng Kinh Tế Trọng Điểm Phía Nam (Kỳ 1)

5 Tháng Sáu, 2023

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng vai quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh chính là lõi phát triển về kinh tế, tài chính, thương mại và đóng vai trò tạo động lực thúc đẩy sự phát triển chung của cả khu vực. Trong xu hướng mới hiện nay, chiến lược phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và TP.HCM nói riêng phải đảm bảo được mục tiêu thu hút các nguồn lực từ tài chính đến con người, phải gắn kết với mục tiêu phát triển bền vững với nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên tiềm năng và vị thế sẵn có.

Nguồn ảnh sưu tầm

Ở kỳ 1 bài viết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu bối cảnh Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và tình hình phát triển TP.HCM từ 2011 đến nay. 

Bối cảnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam 

Cho đến nay, vùng KTTĐ phía Nam gồm các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang. Đây được xem là vùng KTTĐ năng động, có mức độ tăng trưởng mạnh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, với TP.HCM là hạt nhân. Số liệu chính thức công bố trong 6 tháng đầu năm 2022, vùng KTTĐ phía Nam đạt Quy mô GDP khoảng 982 nghìn tỷ đồng, đứng đầu trong số 4 vùng kinh tế trọng điểm trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, TP.HCM đóng góp một phần lớn nhất vào quy mô GDP của vùng, đạt khoảng 512 nghìn tỷ đồng, chiếm 52,14%. Đồng thời, TP.HCM đứng đầu trong danh sách 10 tỉnh, thành có Quy mô GDP cao nhất cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các ngành công nghiệp dịch vụ có lợi thế tạo ra giá trị tăng cao. Vùng KTTĐ phía Nam cũng là trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước từ các dự án FDI, khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động. 

Với hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế lớn đã giúp vùng kinh tế này trở thành trung tâm du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, logistics,… lớn nhất cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 8% diện tích và 17% dân số so với cả nước, nhưng trong nhiều năm qua sản xuất vùng KTTĐ phía Nam đạt hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và giá trị xuất khẩu chiếm khoảng 40%, tăng trưởng kinh tế trung bình gấp hơn 1,5 lần so với cả nước. Ngoài ra, vùng còn đóng góp hơn 44% tổng thu ngân sách của cả nước, thu hút 56% số dự án và 45% số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Sau làn sóng dịch bệnh lần thứ tư, số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) ghi nhận chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tại thời điểm lúc bấy giờ vào tháng 8/2021 giảm khoảng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo giảm đến 9,2%. Đầu tàu kinh tế TP.HCM chiếm hơn 20% quy mô kinh tế của Việt Nam và đóng góp 1/3 cho ngân sách quốc gia lại đang chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh trong đợt bùng phát lần đó. 

Có thể thấy, vùng KTTĐ phía Nam vẫn chưa thực hiện hiệu quả khả năng liên kết vùng, kết nối chưa đồng bộ, cơ chế, chính sách cho phát triển vùng chưa tạo được đột phá trong quản lý; các thành viên trong vùng chưa rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm, kết nối chiến lược và quy hoạch vùng còn nhiều bất cập, trùng lặp. Không những vậy, vùng còn bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhiều khu vực còn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chưa bảo đảm hết nhu cầu an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực, từ đó làm giảm vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Để khắc phục và hướng đến phát triển kinh tế bền vững, vùng KTTĐ phía Nam cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy kinh tế vùng thay cho tư duy kinh tế từng địa phương bằng cách phát triển một nền kinh tế bền vững. 

Ngoài ra, Vùng KTTĐ phía nam đang đối mặt nhiều thách thức: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân có xu hướng chậm lại kể từ khi COVID-19 xảy ra, tỷ trọng ngành sản xuất công nghiệp – xây dựng và ngành dịch vụ của vùng trong cơ cấu ngành cả nước chưa có điểm nổi bật so với trước đây. Kết cấu hạ tầng giao thông hiện nay của vùng đang quá tải, các sân bay bị quá tải, cảng biển nước sâu để đón tàu tải trọng lớn còn hạn chế, đường bộ thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Nguồn vốn phân bổ ngân sách chưa hợp lý, điều tiết ngân sách ở Trung ương còn ở mức thấp. Những vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng, nguồn nguyên vật liệu khi phí tăng cao,… 

Do đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút các nguồn lực nhằm cách cải thiện tính linh hoạt trong sản xuất, rút ngắn thời gian giữa các quy trình sản xuất và hoạt động bền vững, rút ngắn khoảng cách giữa các chuỗi cung ứng với thị trường hiện tại, là trung tâm cung ứng vốn và phát triển bền vững. TP.HCM với vai trò đầu tàu cần phải tạo ra mạng lưới cho các địa phương khác phát triển và các địa phương trong vùng cũng cần liên kết với nhau chặt chẽ hơn để tạo ra sự đồng bộ với mục tiêu sự phát triển của mỗi nơi là tiền đề cho các địa phương khác cùng phát triển, hướng đến nền kinh tế bền vững tại khu vực KTTĐ phía Nam và cả nước.

Nhìn lại kinh tế TP.HCM trong giai đoạn phát triển từ 2011 đến nay

Số liệu từ niên giám thống kê TP.HCM và cả nước (2020, 2021) cho thấy, TP.HCM phần nào đã khai thác hiệu quả lợi thế của một đô thị đặc biệt. Hiện nay, thành phố là trung tâm kinh tế hiệu quả nhất cả nước, với năng suất lao động cao hơn gấp 2,6 lần so với bình quân cả nước. Tức là một lao động tại thành phố tạo ra sản phẩm kinh tế gấp 2,6 lần bình quân một lao động trên toàn quốc. Thành phố cũng là trung tâm kinh tế thu hút vốn đầu tư tư nhân (bao gồm đầu tư từ nước ngoài) hiệu quả nhất cả nước, với mỗi đồng đầu tư từ ngân sách thu hút được 10-14 đồng đầu tư tư nhân (cao hơn bình quân cả nước dưới 5 đồng). Thành phố có hệ số khuếch đại chi ngân sách cao nhất cả nước: khi chi ngân sách 1 đồng, thu ngân sách thành phố được 5,13 đồng (cao hơn bình quân cả nước, chỉ thu được 1,85 đồng khi chi ngân sách 1 đồng). Thành phố cũng là trung tâm kinh tế thu hút lao động mới cao nhất cả nước. Trong giai đoạn 2010-2020, thành phố thu hút thêm trung bình 120.000 lao động mỗi năm.

Với định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, TP.HCM có 9 ngành dịch vụ trọng yếu là tài chính – ngân hàng, thương mại, bất động sản, logistics, y tế và giáo dục, là lợi thế so với các địa phương khác trong cả nước. Khu vực dịch vụ chiếm 62,52% trong cơ cấu GRDP Thành phố, tăng 4,85 điểm phần trăm so với năm 2010, trong khi khu vực công nghiệp – xây dựng giảm 1,44 điểm phần trăm và nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,05 điểm phần trăm. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Thành phố hướng tới tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ và giảm tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng. Năm 2020, quy mô kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh đạt 59 tỷ USD, tăng gấp 2,25 lần so với năm 2010 khi tính theo giá hiện hành. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn còn kém xa so với các thành phố lớn của khu vực ASEAN. Theo dữ liệu của Cục Thống kê TP.HCM, vào năm 2018, GRDP của TP.HCM tương đương với Kuala Lumpur, thấp hơn rất nhiều so với Singapore, Jakarta, Manila, Bangkok. Đặc biệt, GRDP bình quân đầu người của TP.HCM còn thấp hơn so với các thành phố nêu trên.

Trong năm 2020, TP.HCM vẫn là địa phương đóng góp cao nhất trong cơ cấu kinh tế cả nước. Tuy nhiên, tỷ trọng GRDP Thành phố trong cơ cấu GDP cả nước đang có xu hướng giảm. Năm 2020, GRDP TP.HCM chiếm tỷ trọng 21,8% trong cơ cấu GDP cả nước, giảm 2 điểm phần trăm so với năm 2010. Khu vực công nghiệp – xây dựng giảm 4,8 điểm phần trăm trong cơ cấu công nghiệp – xây dựng cả nước. Khu vực dịch vụ giảm 4,4 điểm phần trăm trong cơ cấu khu vực dịch vụ cả nước. Trong khi đó, tỷ trọng thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,5 điểm phần trăm và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,2 điểm phần trăm. Năng suất lao động xã hội của Thành phố giai đoạn 2011-2020 tăng đều qua các năm, đạt gấp 1,52 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng năng suất lao động cả giai đoạn 2011-2020 đạt bình quân 4,28%/năm, thấp hơn so với tốc độ tăng năng suất lao động cả nước. Mặc dù tăng qua các năm, nhìn chung năng suất lao động Thành phố vẫn còn khá thấp. Khoảng cách năng suất lao động giữa Thành phố và cả nước có xu hướng thu hẹp dần.

Trong giai đoạn 2011 – 2020, đóng góp của các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố đã tăng đáng kể. Đến năm 2020, năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp 42% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố, tăng 13,7 điểm phần trăm so với năm 2010. Trong khi đó, đóng góp của vốn và lao động vào tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống còn 59,7%, giảm 13,7 điểm phần trăm so với năm 2010. Nói chung, TP.HCM đã sử dụng vốn khá hiệu quả. Hệ số ICOR của Thành phố giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân 2,93 lần, trong khi giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 4,32 lần. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm tăng đột biến hệ số ICOR năm 2020. So với bình quân cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng vốn hiệu quả hơn. Hệ số ICOR của Thành phố giai đoạn 2011 – 2020 thấp hơn so với cả nước. Tuy nhiên, hệ số ICOR của Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng tăng lên trong khi cả nước thì giảm dần.

Tóm lại, trong giai đoạn 2011 – 2020, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, quy mô kinh tế tăng lên không ngừng và tốc độ tăng trưởng bình quân của Thành phố cao hơn so với cả nước. Cơ cấu kinh tế đã chuyển sang hướng hiện đại, với tăng tỷ trọng của khu vực dịch vụ. Năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn và năng suất tổng hợp đều được cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên đáng kể, đạt 6.537 ngàn đồng/tháng vào năm 2020, gấp 2,39 lần so với năm 2010. Tuy nhiên, kết quả này chưa thật sự đúng tầm vóc và vị thế nền kinh tế lớn nhất cả nước và là hạt nhân trong quá trình phát triển của vùng KTTĐ phía Nam. Quy mô kinh tế của TP.HCM còn kém xa so với các thành phố lớn khác trong khu vực ASEAN. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng chậm hơn so với tốc độ trung bình của cả nước, và đóng góp của kinh tế Thành phố vào cơ cấu kinh tế của cả nước cũng giảm. Năng suất lao động vẫn còn thấp, và tốc độ tăng năng suất lao động của Thành phố cũng chậm hơn so với cả nước. Đóng góp của năng suất tổng hợp vào tăng trưởng cũng chưa cao bằng đóng góp của vốn và lao động. Với xu hướng đó, những nhiệm vụ và giải pháp then chốt để thu hút nguồn lực phát triển phải được ưu tiên hàng đầu, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và phát huy hết tiềm năng sẵn có dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nhóm tác giả: PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo; ThS. Tô Công Nguyên Bảo,  Đại học Kinh Tế TP.HCM. 

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #75 tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Giọng đọc: Ngọc Quí

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021