Kinh doanh bán lẻ trên nền tảng số thời kỳ dịch Covid-19: Doanh nghiệp buộc phải thay đổi!

28 Tháng Chín, 2021

Có thể nói, bên cạnh những tác động tiêu cực thì đại dịch Covid-19 còn là yếu tố thúc đẩy nhanh chóng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam, từ một nền kinh tế công nghiệp truyền thống dần sang nền kinh tế số. Khi người tiêu dùng đang ngày càng chấp nhận các dịch vụ mua sắm trực tuyến, song song với hành vi mua sắm đang dần thay đổi trong thời kỳ Covid-19 hiện nay cũng chính là lúc doanh nghiệp sản xuất hàng hoá và phân phối trên nền tảng số của chính mình, và các sàn thương mại bán lẻ điện tử hàng hóa như Tiki, Lazada, Shopee… bắt buộc phải tìm cách thay đổi để đáp ứng xu thế thời cuộc, tận dụng “Covid-19” để “thăng hoa” trong kinh doanh thương mại điện tử. Trong đó, trang bị và đầu tư một nguồn nhân lực chất lượng cao, có nền tảng kiến thức đa ngành, có khả năng đưa ra quyết sách, vận hành kinh doanh thương mại trên nền tảng số hiệu quả được xem là yếu tố tiên quyết.

Thương mại điện tử thời kỳ dịch bệnh – Khi mua sắm trực tuyến lên ngôi

Từ việc mua bán trên mạng còn xa lạ, chỉ qua một vài năm trở lại đây người tiêu dùng Việt Nam đã coi việc shopping online trở thành thói quen mua sắm hợp thời. Theo “Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2019”, từ năm 2015 đến 2019, số người dùng Internet tại Việt Nam đã tăng từ 44 triệu người lên 61 triệu người. Trong đó, 70% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất một lần/năm, 61% người dùng Internet tìm kiếm thông tin mua hàng trên nền tảng trực tuyến. Những con số này cho thấy, xu hướng tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) đang có những thay đổi tích cực. Từ việc chỉ quen với giao dịch kinh doanh truyền thống, mặt đối mặt, được cầm, ngắm và có thể được thử sản phẩm, thì nay họ đã dần tiếp cận và yêu thích hình thức mua sắm trực tuyến. Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả 1-3 triệu VNĐ/giao dịch cho việc mua sắm trên TMĐT.

Cho đến khi Covid-19 xuất hiện, hành vi người tiêu dùng đối với việc mua sắm trực tuyến bắt đầu có những thay đổi, họ tập trung vào các sản phẩm có giá trị nhỏ, hoặc sản phẩm đã từng dùng trước đó. Còn với các sản phẩm có giá trị lớn, cần có sự trải nghiệm, họ sẽ chọn mua sắm trực tiếp thay vì online. Khảo sát từ Nielsen cũng chỉ ra tới 66% người tiêu dùng sẽ xem trực tiếp tại cửa hàng rồi mới đặt hàng trực tuyến (showrooming). Đây cũng là lý do, mô hình bán hàng đa kênh sẽ ngày càng phát triển trong và sau dịch Covid-19. Bởi khách hàng sẽ ưu tiên trải nghiệm tại các địa điểm “all-in-one” với không gian an toàn, sạch sẽ và đáp ứng được mọi nhu cầu mà không cần di chuyển đến nhiều nơi, giảm tiếp xúc công cộng.

Cũng chính từ sự tác động của Covid đã khiến sức khỏe cộng đồng trở thành mối quan tâm lớn nhất của người Việt Nam, từ đó làm thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng. Họ chuyển sang mua sắm hàng tiêu dùng nhanh trực tuyến mà chỉ các chuỗi bán lẻ mới có thể cung ứng được. Trong thời gian dịch lan rộng (tháng 3 – tháng 5 năm 2020), doanh số bán thực phẩm tươi sống và thực phẩm khô của các chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn như Saigon Co.op đều đạt đỉnh. Doanh thu từ khẩu trang, nước rửa tay, nước sát trùng tăng mạnh. Thu nhập hằng ngày của các cửa hàng tiện lợi trong giai đoạn này cũng tăng mạnh, đạt mức cao nhất là tăng 40%.

Bà Trần Thị Thuỳ Dương – Trưởng phòng Digital Marketing của Công ty CP Sapo chia sẻ: “Hiện nay, lượng người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh để truy cập trang web TMĐT rất nhiều, do vậy tất cả những thư mục liên quan đến việc mua hàng phải là công cụ, giúp người tiêu dùng khi vào trang web có thể dễ dàng mua được hàng. Ngoài ra, các website TMĐT còn phải có tính năng kết nối Google My Business giúp người mua, người bán có thể dễ dàng xác minh danh tính, thông tin của doanh nghiệp trên Google”. Vậy, thấu hiểu hành vi người tiêu dùng chính là “chìa khóa” nắm giữ thành công của các doanh nghiệp bán lẻ hiện tại, khi hành vi người tiêu dùng thay đổi cũng chính là lúc các doanh nghiệp bán lẻ, bán hàng trực tuyến, doanh nghiệp kinh doanh truyền thống cần nâng cao kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh, marketing để phát triển mô hình kinh doanh online cho phù hợp, tận dụng được xu thế của thị trường.

(Nguồn: Hoàng Tùng, 2021)

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của Covid đã thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, hoạt động bán lẻ trực tuyến và mô hình bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam có những chuyển biến tích cực: các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển dịch qua kinh doanh trên nền tảng TMĐT; logistics phát triển nhanh và mạnh hơn; doanh nghiệp linh hoạt áp dụng hình thức thanh toán đa dạng để đáp ứng nhu cầu khách hàng; niềm tin của khách hàng với các nền tảng TMĐT tăng cao… Theo thống kê, doanh thu từ hoạt động bán lẻ trực tuyến tăng vọt khi có 80% khách hàng chuyển đổi qua mua sắm TMĐT. Số lượng siêu thị giảm nhưng số lượng hoạt động kinh doanh trên Internet lại nở rộ. Có thể thấy rằng, mô hình bán hàng trực tuyến truyền thống vẫn đang trên đà phát triển, cùng với đó, mô hình thương mại đa kênh cũng được chú trọng.

Doanh nghiệp bắt buộc phải chủ động thay đổi theo thị trường

Có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã mang đến rất nhiều biến động đối cũng như cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thương mại trên nền tảng số. Đây chính là lúc doanh nghiệp bắt buộc phải chủ động thay đổi để tận dụng xu thế, chạm điểm “thăng hoa” trong kinh doanh thương mại điện tử.

Trong đó, yếu tố tác động lớn nhất chính là nguồn nhân lực. Đối với tất cả tổ chức kinh tế, yếu tố con người luôn luôn là quan trọng hàng đầu, là nguồn lực đóng vai trò quyết định đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Kinh doanh thương mại (KDTM) trên nền tảng số là một lĩnh vực mới, dựa trên sự giao thoa và tương tác của nhiều ngành khác nhau như: kinh tế, kinh doanh, quản trị, marketing, công nghệ thông tin, hệ thống thông tin, luật… Do vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao, có nền tảng kiến thức đa ngành kể trên sẽ có khả năng đưa ra quyết sách, vận hành KDTM trên nền tảng số hiệu quả.

Ngoài ra, doanh nghiệp KDTM trên nền tảng số cần phải có một hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Đảm bảo logistics trong điều kiện gia tăng lưu lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến khiến nhu cầu vận tải, logistics và giao hàng của doanh nghiệp tăng cao. Xây dựng hệ sinh thái số với các phương thức thanh toán trực tuyến phổ biến hiện nay bao gồm: Thẻ thanh toán quốc tế (VISA/MASTER); thẻ thông minh; ví điện tử; tiền điện tử; thanh toán qua điện thoại di động; séc điện tử; thẻ mua hàng; chuyển tiền điện tử… nhằm đáp ứng linh hoạt trải nghiệm cho khách hàng. Đồng thời, doanh nghiệp cần chú trọng các xu hướng quảng cáo trực tuyến thông qua hai nền tảng là mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm đang tăng trưởng mạnh . Cùng với đó là nắm bắt xu hướng ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra mô hình kinh doanh mới, tiết kiệm nguồn lực và gia tăng hiệu quả.

Doanh nghiệp cần nhanh nhạy nắm bắt văn hóa tiêu dùng, bởi cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh và tầng lớp thu nhập trung bình tăng cao, thói quen mua sắm của người Việt cũng thay đổi đáng kể. Bên cạnh đó, môi trường pháp lýxu hướng thương mại hóa quốc tế cũng góp phần tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thương mại trên nền tảng số.

Giải pháp phát triển kinh doanh thương mại trên nền tảng số cho doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam

Tận dụng ngay thời kỳ Covid để phát triển, doanh nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam cần thực hiện ngay những giải pháp sau đây:

(1) Chú trọng bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao bằng cách: hoạch định chiến lược tuyển dụng, kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường để có phương án đào tạo, sử dụng nhân lực trung hạn, dài hạn, xem đây là nguồn lực tiên quyết giúp gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hiện đang cần nguồn lao động có trình độ về công nghệ thông tin. Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), căn cứ kết quả khảo sát hàng năm đối với một bộ phận ứng dụng thường xuyên KDTM trên nền tảng số, có hơn 80% DN tham gia khảo sát (tương đương hơn 1.000 DN) cho thấy, nhu cầu nhân lực TMĐT được đào tạo là rất cần thiết đối với chính DN đó. Trong giai đoạn tới, nhu cầu này sẽ tăng lên rất nhiều khi Việt Nam trở thành quốc gia có hàm lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh lớn, do đó việc tiến hành trao đổi thương mại qua mạng sẽ ngày càng phổ biến hơn.

(2) Phối hợp với Nhà nước trong công tác truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn, giúp người tiêu dùng hiểu được sự tiện dụng của mua hàng trực tuyến, cách giao dịch TMĐT an toàn, các phương thức thanh toán trực tuyến (như cách Momo thực hiện)…, đặc biệt các doanh nghiệp TMĐT lớn nên kết hợp cùng các nhà mạng thông qua các sự kiện mua sắm, khuyến mại tập trung góp phần thay đổi tư duy người tiêu dùng.

(3) Nỗ lực mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp cần xây dựng và duy trì các chính sách bán hàng/đổi trả hàng minh bạch, thuận tiện cho người tiêu dùng; nâng cao chất lượng dịch vụ trực tuyến như tư vấn, cung cấp hình ảnh trung thực, ứng dụng tiện ích 4.0 trong tăng cường hiệu quả kinh doanh như: Quảng cáo thông tin phù hợp với từng cá nhân thông qua Dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) trên trang website hay mạng xã hội; Tư vấn hiệu quả và nhanh chóng qua các ứng dụng chatbot; Cung cấp hình ảnh/video trực quan về sản phẩm chính xác và hiệu quả qua ứng dụng Thực tế ảo (VR/AR); Định vị vị trí giao hàng phù hợp qua UPS; Triển khai thanh toán đa phương thức trực tuyến…

(4) Chú trọng xây dựng và duy trì chính sách quản lý chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa, bởi bất kỳ lỗi của đối tượng nào (nền tảng trung gian hay chủ thể doanh nghiệp) thì đều phải đánh đổi bằng chính lòng tin và sự ủng hộ của người tiêu dùng.

Với sự chuyển mình nhanh chóng của kinh doanh thương mại trên nền tảng số, để có thể giúp các doanh nghiệp kinh doanh thương mại bán lẻ xây dựng và triển khai thành công các kênh mua bán trực tuyến không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào những yếu tố, giải pháp kể trên mà còn cần sự hợp nhất của cả Nhà nước và người tiêu dùng. Xem đầy đủ bài nghiên cứu “Kinh doanh thương mại trên nền tảng số của doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trước và trong dịch Covid-19” của nhóm tác giả tại đây. Nhóm tác giả: PGS.TS. Bùi Thanh Tráng, ThS. Hoàng Thu Hằng, TS. Đỗ Thị Hải Ninh, ThS. Dương Ngọc Hồng, ThS. Hoàng Ngọc Như Ý (Khoa Kinh doanh Quốc tế – Marketing, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh).

 

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ Đại Học UEH, trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem số 02 “Ngân hàng bắt tay Fintech (kỳ 1): Thực trạng ở Việt Nam”.

Nhóm tác giả: Khoa Kinh doanh Quốc tế – Marketing, Phòng Marketing – Truyền thông.

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021