[Podcast] Học Tập Suốt Đời Trong Thế Giới Số: Góc Nhìn Từ Nghề Nghiệp Kế Toán, Kiểm toán

21 Tháng Mười Hai, 2021

Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã và đang thực hiện chiến lược tái cấu trúc, hướng đến trở Thành Đại học UEH đa ngành và bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, đóng góp cho sự lan tỏa tri thức, văn minh và các giá trị giáo dục toàn diện đến cộng đồng theo hướng hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Trong đó, Kế toán – kiểm toán (KTKT) là một trong những ngành đào tạo luôn có tỷ lệ người học hàng năm chiếm tỷ trọng cao của Trường bởi chất lượng và uy tín đào tạo đã được khẳng định với thương hiệu UEH 45 năm qua.

Cách mạng công nghiệp 4.0 và nhu cầu học tập suốt đời

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) với những tiến bộ và phát triển vượt bậc của thông tin, khoa học, và công nghệ đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong cuộc sống của mỗi cá nhân và toàn bộ cấu trúc tổ chức làm việc của xã hội. Việc sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông (Information & Communication Technologies – ICTs) đã làm cho việc cung cấp thông tin không còn phụ thuộc vào thời gian và không gian. CMCN 4.0 cũng tạo ra những thách thức đối với lực lượng lao động. Trong bối cảnh của toàn cầu hóa và sự gia tăng lực lượng lao động toàn cầu, các thách thức của CMCN 4.0 nên được giải quyết thông qua học tập suốt đời.

Chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện nhiều biện pháp cải cách giáo dục nhằm đưa học tập suốt đời trở thành một phần của chính sách giáo dục quốc gia và nỗ lực ban hành những chỉ đạo, hành động, và chính sách để khuyến khích, hỗ trợ công dân nâng cao kỹ năng và kiến thức thông qua học tập suốt đời. Tại Việt Nam, Bộ Chính trị đã khẳng định xây dựng mô hình công dân học tập là nhiệm vụ cấp thiết phải thực hiện để đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0. Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 30/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh học tập suốt đời được xem là một trong những giá trị cốt lõi có tính chất quyết định vì nó tác động đến xã hội, thay đổi nhận thức của người dân nhanh nhất, mang lại hiệu quả cao để phát triển dân trí, xã hội phồn vinh.

UEH và nhu cầu học tập suốt đời trong lĩnh vực kế toán kiểm toán

Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã và đang thực hiện chiến lược tái cấu trúc, hướng đến trở Thành Đại học UEH đa ngành và bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, đóng góp cho sự lan tỏa tri thức, văn minh và các giá trị giáo dục toàn diện đến cộng đồng theo hướng hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Trong đó, Kế toán – kiểm toán (KTKT) là một trong những ngành đào tạo luôn có tỷ lệ người học hàng năm chiếm tỷ trọng cao của Trường bởi chất lượng và uy tín đào tạo đã được khẳng định với thương hiệu UEH 45 năm qua.

Trong quá trình chuyển đổi số, với sự phát triển của ICTs, nghề nghiệp KTKT nằm trong nhóm đầu những ngành nghề có khả năng cao sẽ được tự động hóa và số hóa trong tương lai gần. Một số công nghệ mới đã và đang tác động mạnh mẽ đến nghề nghiệp KTKT như phần mềm kế toán, hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), kế toán đám mây (Cloud-Based Accounting), công nghệ chuỗi khối (Blockchain Technology), các công nghệ hỗ trợ trình bày thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu lớn, và các kỹ thuật hỗ trợ kiểm toán (CAATs). Việc ứng dụng những công nghệ mới này đã tạo ra những cơ hội lẫn những thách thức lớn cho nghề nghiệp KTKT. Với sự hỗ trợ của ICTs, hoạt động KTKT có thể được thực hiện một cách dễ dàng, toàn diện và nhanh chóng. Nó tạo ra nhiều cơ hội mới cho những người hành nghề mong muốn phát triển bản thân. ICTs cũng là yếu tố không thể thiếu để cạnh tranh, phát triển và là yếu tố bắt buộc để doanh nghiệp tồn tại. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Gulin và cộng sự (2019), sự tự động hoá khiến khối lượng công việc của nhân viên kế toán giảm đi đáng kể, dẫn đến khả năng khoảng 40% công việc KTKT sẽ biến mất trong tương lai. KTKT xếp thứ 21 trong tổng số 366 nghề có khả năng bị loại bỏ do sự ra đời của AI, với tỷ lệ loại bỏ là 96% (Stancheva-Todorova, 2018).

Theo Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), thách thức lớn nhất mà ngành KTKT gặp phải là cần cấu trúc lại chiến lược phát triển. Cần có các giải pháp phát triển nguồn nhân lực KTKT nhằm đáp ứng yêu cầu cao về trình độ chuyên môn và các kỹ năng nghề nghiệp, bao gồm kỹ năng ICTs để đáp ứng với yêu cầu phát triển của CMCN 4.0. Bởi vì sự thay đổi nhanh chóng của môi trường và công nghệ, chiến lược tốt nhất để phát triển nguồn nhân lực KTKT tại nước ta đó là hình thành kỹ năng học tập suốt đời cho người hành nghề KTKT.

Với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường và công nghệ, chiến lược tốt nhất để phát triển nguồn nhân lực KTKT tại Việt Nam đó là hình thành kỹ năng học tập suốt đời cho người hành nghề KTKT.

Kết quả khảo sát của chúng tôi đối với gần 300 người đang học và hành nghề KTKT tại Việt Nam cho thấy, họ có kế hoạch tiếp tục học tập để nâng cao năng lực nghề nghiệp. Điểm đáng chú ý đó là nhu cầu học tập suốt đời của người hành nghề KTKT xuất phát từ chính nhu cầu của bản thân người hành nghề hơn là yêu cầu bắt buộc từ phía đơn vị họ đang công tác. Bên cạnh đó, những người tham gia khảo sát cũng đồng tình rằng, việc hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam sẽ tạo ra nhiều cơ hội để người hành nghề KTKT tiếp tục học tập nâng cao năng lực. Tuy nhiên, cùng với những cơ hội, sự hội nhập kinh tế cũng tạo ra các nguy cơ cạnh tranh ngày mạnh mẽ trong nghề nghiệp KTKT và yêu cầu những người làm việc trong lĩnh vực KTKT phải liên tục học tập để nâng cao năng lực.

Nhận thức rõ nhu cầu của nghề nghiệp KTKT trong bối cảnh của đất nước, Đại học UEH đã và đang tập trung đầu tư và xây dựng nhiều giải pháp thiết thực để hình thành kỹ năng học tập suốt đời cho người đang học KTKT tại trường.

Học tập suốt đời trong lĩnh vực Kế toán – Kiểm toán tại UEH

Từ sự cấp thiết cần phải học tập suốt đời, cụ thể đối với nghề nghiệp KTKT như phân tích trên, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số như hiện nay, cùng với mục tiêu hướng đến đại học bền vững, Đại học UEH đã xây dựng được một số giải pháp bền vững trong đào tạo KTKT. Các giải pháp này nhằm phát triển khả năng học tập suốt đời cho người học và đã nhận được sự phản hồi tích cực từ các nhà tuyển dụng và các bên liên quan khác.

Về chương trình đào tạo

Tại UEH, chương trình đào tạo KTKT luôn được cập nhật mới nhất từ các trường đại học nổi tiếng trong TOP 200 của thế giới, từ đó giúp người học tích lũy các kiến thức về KTKT theo các quy định Việt Nam và thông lệ quốc tế. Ngoài ra, chương trình đào tạo KTKT còn được tích hợp với chương trình của các hiệp hội nghề nghiệp quốc tế (ACCA, CIMA, CPA, ICEAW), giúp người học vừa có kiến thức lý thuyết chuyên sâu, vừa được trang bị kỹ năng thực hành thành thạo để đạt được chứng chỉ hành nghề quốc tế ngay trên ghế nhà trường. Như vậy, chương trình đào tạo KTKT được thiết kế cân đối giữa kiến thức, kỹ năng và thái độ; giữa lý thuyết và thực tiễn để giúp người học sau khi tốt nghiệp trở thành nhân lực KTKT có chất lượng cao, được bồi dưỡng toàn diện năng lực giao tiếp trong môi trường làm việc sử dụng tiếng Anh, trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp KTKT. Điều này đáp ứng được mục tiêu cốt lõi của chương trình là truyền thụ niềm đam mê để người học phát triển khả năng học tập suốt đời, nghiên cứu khoa học, có ý thức tôn trọng đạo đức nghề nghiệp, có năng lực phát triển nghề nghiệp trong nước, hoặc khu vực Châu Á trong tiến trình Việt Nam hội nhập lao động quốc tế.

Về phương pháp giảng dạy

Phương pháp giảng dạy chủ đạo được áp dụng trong chương trình đào tạo KTKT tại UEH là phương pháp lấy người học làm trung tâm và có kết hợp với CNTT (hệ thống LMS, các phương tiện truyền thông xã hội như Zoom, MS team, Google Meet, các ứng dụng học tập dựa trên nền tảng trò chơi như Kahoot, Quizzes), nhằm tạo sự hứng thú và duy trì tính liên tục trong học tập, từ đó giúp nâng cao việc học tập suốt đời cho người học. Đặc biệt, UEH đã triển khai áp dụng phương pháp “lớp học hỗn hợp (blended classroom)” và “lớp học kết hợp” (hybrid classroom) trong dạy học. Các phương pháp này bao gồm tiến trình học tập đồng bộ và không đồng bộ, giúp quá trình học tập và nghiên cứu của người học được hiệu quả, vượt qua mọi rào cản về không gian, thời gian, và dịch bệnh như hiện nay, cũng như giúp người học có thể tiếp cận tài nguyên học liệu trực tuyến dễ dàng.

Về nâng cao năng lực sử dụng ICTs trong nghề nghiệp KTKT

Việc đưa vào chương trình đào tạo KTKT các học phần liên quan đến ICTs giúp người học có thể ứng dụng được công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là các công nghệ mới về KTKT một cách hữu hiệu trong tổ chức, quản lý công tác kế toán phục vụ nhu cầu sử dụng thông tin của các đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, Đại học UEH đã kết hợp với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế (như ICEAW) tổ chức định kỳ các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề về ICTs trong nghề nghiệp KTKT để kiến thức về các công nghệ mới được phổ biến rộng rãi, nâng cao trình độ hiểu biết cho người học về ICTs và các công nghệ hiện đại được áp dụng trong lĩnh vực KTKT. Ngoài những giải pháp đã được thực hiện một cách hiệu quả trong thời gian qua, UEH đang xây dựng đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT vào chương trình đào tạo KTKT giai đoạn 2021-2022” với mục tiêu nâng cao chất lượng hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng ICTs trong KTKT nhằm giúp chương trình đào tạo tiếp cận thực tế, nâng cao kỹ năng và kiến thức CNTT cho cả người học và đội ngũ giảng viên, và khuyến khích người học thực hiện các nghiên cứu về KTKT trong bối cảnh tác động của ICTs.

Về cơ sở vật chất và các chính sách hỗ trợ học tập

Nhằm hỗ trợ người học sẵn sàng cho CMCN 4.0, phát triển các năng lực ICTs phục vụ trong học tập và nghề nghiệp KTKT, UEH đã chuẩn bị đầy đủ hệ thống hạ tầng công nghệ hiện đại phục vụ cho học tập và nghiên cứu của người học, bao gồm hệ thống phòng học thông minh kết hợp các thiết bị và ứng dụng ICTs phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, hệ thống phòng thực hành và phòng mô phỏng, cũng như hệ thống thư viện thông minh (Smart library). Ngoài ra, Đại học UEH còn xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính nhằm giúp người học có đủ khả năng để chi trả và duy trì cho việc học tập suốt đời đối với nghề nghiệp KTKT.

Với các giải pháp toàn diện đã và đang triển khai, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) luôn đồng hành cùng chính phủ Việt Nam xây dựng xã hội học tập với các kỹ năng học tập suốt đời nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của nghề nghiệp KTKT nói riêng, và của đất nước nói chung.

Xem toàn bộ bài nghiên cứu Học tập suốt đời trong thế giới số: góc nhìn từ nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tại đây. Nhóm tác giả: TS. Trần Anh Hoa, TS. Phạm Trà Lam, TS. Đậu Thị Kim Thoa, ThS. Trần Thị Phương Thanh (Khoa Kế toán – Trường Kinh doanh UEH)

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH, trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #22 “XÂY DỰNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHI TẬP TRUNG DỰA TRÊN CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN”.

Tin, ảnh: Nhóm tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH.

Giọng đọc: ThS. Phạm Nguyễn Hoài – Viện ISCM.

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021