[Podcast] Thu Hẹp Khoảng Cách Số Của Việt Nam Hướng Tới Chuyển Đổi Số Nền Kinh Tế

13 Tháng Năm, 2022

Thu hẹp khoảng cách số thành công cũng chính là một trong những điều kiện tiền đề quan trọng để chuyển đổi số quốc gia thành công. Với hướng đi này, bài viết đã giới thiệu các khái niệm liên quan đến khoảng cách số, các công cụ đo lường khoảng cách số, phân tích về khoảng cách số của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới cũng như khoảng cách số giữa các địa phương ở Việt Nam. Từ đó, bài viết trình bày một hệ thống các giải pháp để thu hẹp khoảng cách số của Việt Nam trong cả hai khía cạnh: trên bình diện quốc tế và trong nội bộ quốc gia. Hệ thống các giải pháp được xây dựng trên khung thiết kế của các thang đo khoảng cách số và những yếu tố tạo môi trường cho những giải pháp này có thể được thực thi một cách hiệu quả và đúng hướng.

Khoảng cách số là gì?

Theo Luật công nghệ thông tin của Việt Nam năm 2006, khoảng cách số là sự chênh lệch về điều kiện, khả năng sử dụng máy tính và cơ sở hạ tầng thông tin để truy nhập vào các nguồn thông tin, tri thức. Trong nghiên cứu của Nielson (2006), khoảng cách số có thể diễn ra ở cả ba khía cạnh: (1) khoảng cách số do điều kiện kinh tế; (2) do khả năng sử dụng; và do (3) quyền hạn truy cập. Đây cũng chính là những khía cạnh quan trọng mà theo đó các thang đo khoảng cách số được thiết kế.

Để đo lường khoảng cách số giữa các quốc gia trên thế giới, nhiều thang đo đã được thiết kế và công bố bởi các tổ chức có liên quan đến ICT trên toàn cầu. Bảng 1 liệt kê một số chỉ tiêu đã từng được công bố phục vụ cho mục tiêu này và trạng thái hiện tại của các chỉ tiêu đó. Do lĩnh vực công nghệ phát triển rất nhanh và các đặc trưng dễ thay đổi nên nhiều chỉ tiêu dù ra đời từ rất sớm nhưng không còn được tiếp tục do không còn phù hợp.

STT Ký hiệu Tên đầy đủ Tổ chức công bố Năm bắt đầu Ghi chú
1 DAI Chỉ số tiếp cận Internet

(Digital Access Index)

ITU

(UN International Telecommunication Union)

2003 Chỉ có số liệu đến 2006
2 DOI Chỉ số cơ hội số

(Digital Opportunity Index)

WSIS

(World Summit on the Information Society)

2003 Chỉ có số liệu đến 2007
3 KEI Chỉ số kinh tế tri thức (Knowledge Economy Index) World Bank Institute 1995 Chỉ có số liệu từ 1995 đến 2012, bị thay thế bởi chỉ số GKI
4 GKI Chỉ số tri thức toàn cầu

(Global Knowledge Index)

UNDP

(United Nations Development Programme)

2017 Vẫn còn hiệu lực
5 ISI Chỉ số Xã hội thông tin (Information Society Index) IDC và World Time 2007 Đã bị thay thế bởi Chỉ số cơ hội CNTT
6 IDI Chỉ số phát triển CNTT-TT (ICT Development Index) ITU

 

2009 Chỉ có số liệu đến 2017
7   Bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho kinh tế số (E-readiness rankings) EIU

(Economist Intelligence Unit)

2000 Đã bị thay thế bởi chỉ tiêu DER vào năm 2010
8 DER Xếp hạng nền kinh tế số

(Digital economy rankings)

EIU

(Economist Intelligence Unit)

2010 Chỉ có số liệu đến 2014
9 GCA ITU Global Cybersecurity Agenda ITU 2007 Đã bị thay thế bởi GCI
10 EGDI Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (E-Government Development Index) UN DESA

(United Nations Department of Economic and Social Affairs)

2003 Vẫn còn hiệu lực
11 NRI Chỉ số sẵn sàng kết nối

The Network Readiness Index

WEF

(World Economic Forum)

2002 Thay đổi cấu trúc vào năm 2019, vẫn còn hiệu lực
12 3i Chỉ số phổ cập Internet
(Inclusive Internet Index)
EIU 2017 Có số liệu đến 2020
13 GCI Chỉ số an toàn thông tin toàn cầu – (Global Cybersecurity Index) ITU 2013 Công bố gần nhất là năm 2018, lần công bố tiếp theo là 2021

Bảng danh sách các chỉ số có thể dùng để đo lường khoảng cách số trên thế giới. Nguồn: Tác giả tổng hợp từ tài liệu thu thập được

Khoảng cách số giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới

Để mô tả khoảng cách số giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, bài viết lựa chọn ba thang đo tiêu biểu, bao gồm chỉ số phổ cập internet (3i – Inclusive Internet Index);  Chỉ số sẵn sàng kết nối ( NRI – Networked Readiness Index) và Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI  – EGovernment Development Index). Số liệu công bố của ba chỉ số này cho thấy Việt Nam hiện xếp hạng trong nhóm trung bình của thế giới về khoảng cách số, thuộc 50% các nước ở tốp trên của bảng xếp hạng; cụ thể là hạng 58/120 ở chỉ số phổ cập Internet, hạng 63/134 ở chỉ số sẵn sàng kết nối NRI và hạng 88/193 ở chỉ số phát triển chính phủ điện tử EGDI. Khi xem xét chi tiết từng khía cạnh riêng của chỉ số phổ cập Internet, vấn đề về Khả năng chi trả đang là yếu nhất của Việt Nam, xếp hạng 62/120, các mặt còn lại như Độ phổ cập (hạng 54/120), Sự liên quan hạng 57/120) và Độ sẵn sàng (hạng 53/120) là khá đồng đều. Trong từng khía cạnh của chỉ số sẵn sàng kết nối NRI, Việt Nam xếp hạng khá thấp ở những lĩnh vực về Luật pháp (xếp hạng 98/134), Tính toàn diện (hạng 97/134), sự sẵn sàng kết nối của Doanh nghiệp (hạng 89/134) và Chính phủ (hạng 87/134). Xếp hạng thấp nhất của Việt Nam trong số các tiêu chí thành phần của chỉ số phát triển chính phủ điện tử là về chỉ số nguồn nhân lực (HCI) với thứ hạng 117/193.

Khi so sánh với các nước khác ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ tư trong khu vực ở mức độ phổ cập Internet và chỉ số sẵn sàng kết nối, sau Singapore, Thái Lan và Malaysia, trong khi xếp hạng 6/9 quốc gia có mặt trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển điện tử. Điểm sáng trong các bảng xếp hạng này là vị trí của Việt Nam được cải thiện khá rõ rệt theo thời gian, đặc biệt là với chỉ số chính phủ điện tử, từ vị trí 99 năm 2014, đã tăng 11 bậc lên hạng 88 năm 2018 và tăng 2 bậc lên hạng 86 năm 2020. Sự cải thiện này cũng phản ánh tính hiệu quả của các chính sách chuyển đổi số đang được áp dụng ở Việt Nam.

Khoảng cách số giữa các tỉnh/thành phố ở Việt Nam

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số, Việt Nam cũng đã xây dựng nhiều chỉ số liên quan để đo lường về trình độ và mức độ sử dụng công nghệ thông tin trong nước. Bảng dưới đây thể hiện danh sách một số chỉ số của Việt Nam có liên quan đến công nghệ thông tin và góp phần phản ánh thực trạng khoảng cách số giữa các địa phương ở Việt Nam. Từ danh sách các chỉ số này, bài viết lựa chọn chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT để phân tích vì tính toàn diện và độ dài thời gian của công bố này so với các chỉ số khác.

STT Ký hiệu Tên đầy đủ Tổ chức công bố Năm bắt đầu Ghi chú
1 ICT Index Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT – TT Việt Nam Bộ Thông tin và Truyền thông 2005 Vẫn còn hiệu lực, công bố hàng năm
2 EBI Chỉ số thương mại điện tử Hiệp hội thương mại điện tử 2012 Vẫn còn hiệu lực, công bố hàng năm
3   Chỉ số công nghiệp CNTT Bộ Thông tin và Truyền thông 2020 Là một phần của báo cáo Vietnam ICT Index, bắt đầu từ năm 2020.
4 DTI Chỉ số chuyển đổi số Bộ Thông tin và Truyền thông Dự kiến 2021 Đề án xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) đã được phê duyệt
5 ATTT Xếp hạng an toàn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông 2018 Vẫn còn hiệu lực, công bố hàng năm.

Bảng một số chỉ số liên quan đến công nghệ thông tin và khoảng cách số của Việt Nam. Nguồn: Tác giả tổng hợp từ tài liệu thu thập được

Kết quả xếp hạng cho thấy một bất ngờ thú vị khi các địa phương dẫn đầu về kinh tế trong cả nước như Thành Phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai không phải là địa phương dẫn đầu về công nghệ thông tin mà vị trí dẫn đầu cả ba năm liền đều thuộc về Đà Nẵng. Các tỉnh được xếp cuối cùng trên bảng xếp hạng thuộc về Kon Tum, Cao Bằng, Lai Châu. Khoảng cách số giữa các địa phương là khá lớn. Trong năm 2020, Chỉ số CNTT TT của Lai châu chỉ ở mức 0,1253 điểm so với địa phương dẫn đầu là Đà Nẵng (0,923 điểm), diễn ra ở cả ba mặt của chỉ số đó là Hạ tầng kỹ thuật, Hạ tầng nhân lực CNTT và mức độ ứng dụng CNTT.

Với kết quả đánh giá khoảng cách số trong nước, có thể thấy rằng để cải thiện khoảng cách số so với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cần thiết phải chú trọng giảm khoảng cách số giữa các tỉnh thành, đặc biệt là các tỉnh miền núi – vùng cao với các khu đô thị lớn. Chỉ có như vậy, việc thu hẹp khoảng cách số với thế giới mới đảm bảo tính bền vững trong phát triển và giúp chuyển đổi số nền kinh tế thành công cho cả nước. Nếu không thực hiện như vậy, chuyển đổi số chỉ chuyển đổi thành công ở những tỉnh thành dẫn dầu, hậu quả là sẽ làm sâu thêm sự chênh lệch giữa các địa phương.

Khoảng cách chuyển đổi số giữa các tỉnh miền núi – vùng cao có sự chênh lệch với các khu đô thị lớn. Nguồn ảnh sưu tầm

Một số giải pháp đề xuất thu hẹp khoảng cách số của Việt Nam

Những chỉ tiêu mà Việt Nam còn yếu trong bảng xếp hạng của các chỉ số cũng phản ánh được những khía cạnh mà Việt Nam cần phải khắc phục; đồng thời chỉ tiêu đạt kết quả tốt cũng là gợi ý để chính phủ khai thác tốt hơn những chính sách hiệu quả. Hơn nữa, Việt Nam cần thiết phải chú trọng giảm khoảng cách số giữa các tỉnh thành để đảm bảo tính bền vững trong phát triển và giúp chuyển đổi số nền kinh tế thành công cho cả nước. Nhằm đưa ra một hệ thống toàn diện các giải pháp được xây dựng trên khung thiết kế của các thang đo khoảng cách số nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các tỉnh thành và cũng như giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Hệ thống giải pháp được thiết kế thành tám nhóm chính bao gồm:

Thứ nhất là nhóm giải pháp về thể chế và pháp luật, giúp tạo hành lang pháp luật an toàn cho các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức mạnh dạn tiến đến chuyển đổi số.

Thứ hai là nhóm giải pháp về chuyển đổi nhận thức và hình thành lối sống số trong toàn xã hội, được tiếp cận ở cả ba góc độ: chính phủ, doanh nghiệp và từng người dân.

Thứ ba là nhóm giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng số. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng số cần thực hiện cho cả cơ sở hạ tầng trực tiếp về công nghệ số số cũng như đảm bảo các điều kiện gián tiếp như năng lượng và môi trường.

Thứ tư là nhóm giải pháp về nâng cao kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Đây cũng là những giải pháp thu hẹp khoảng cách số về khả năng sử dụng trong các thang đo khoảng cách số.

Thứ năm là nhóm giải pháp về cải thiện điều kiện tiếp cận Internet. Nhóm giải pháp này bao gồm hai hướng: (1) hướng gián tiếp thông qua tăng trưởng kinh tế, cải thiện thu nhập để nâng cao tiện nghi cuộc sống bằng các tiến bộ công nghệ; (2) hướng trực tiếp thông qua giảm giá hoặc tài trợ giá cho các dịch vụ hoặc thiết bị công nghệ thông tin.

Thứ sáu là nhóm giải pháp về chất lượng truy cập Internet, trong đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng chất lượng đường truyền kết nối và giải pháp tăng chất lượng về nội dung thông tin trên Internet.

Thứ bảy là nhóm giải pháp về hợp tác quốc tế nhằm thu hẹp khoảng cách số. Đây là nhóm giải pháp có thể cân nhắc áp dụng khi Việt Nam chưa phải là một quốc gia có thế mạnh nhiều về công nghệ thông tin và chỉ có thể đầu tư cho một số lĩnh vực trọng yếu.

Thứ tám là nhóm giải pháp về về an ninh mạng. Việc bảo mật thông tin, tính ổn định của hệ thống, tính toàn vẹn trong thu hẹp khoảng cách số chỉ có thể đạt được khi đảm bảo được sự an toàn trên không gian mạng.

Nhìn chung, mục đích cuối cùng của thu hẹp khoảng cách số không phải là để cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng của quốc tế mà phải hướng đến chuyển đổi số và phát triển bền vững quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xây dựng đất nước văn minh hiện đại.

Xem thêm bài nghiên cứu Thu hẹp khoảng cách số của Việt Nam hướng tới chuyển đổi số nền kinh tế tại đây. Tác giả: Trần Thị Tuấn Anh, Khoa Toán – Thống kê, Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #41 ỨNG DỤNG BIG DATA VÀ AI TRONG XÂY DỰNG VÀ KHAI THÁC CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN TẠI VIỆT NAM – PHẦN 1”.

Tin, ảnh: Nhóm tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH.

Giọng đọc: Ngọc Quí

 

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021