[Podcast] Tiền Điện Tử Pháp Định Và Một Số Đề Xuất Cho Việt Nam – Phần 2: Khuyến nghị chính sách

4 Tháng Mười Một, 2022

Sự xuất hiện của tiền điện tử pháp định sẽ dẫn đến sự đổi mới hoàn toàn trong phương thức thanh toán, đem lại nhiều lợi thế trong quản lý tiền tệ của nhà nước. Những lợi thế này được thể hiện qua sự tiến bộ của chức năng phát hành và thanh toán, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Tiền điện tử pháp định còn là một đối trọng xứng tầm với những đồng tiền điện tử tự phát. Do đó, việc xây dựng chính sách về tiền điện tử pháp định ở Việt Nam là cần thiết để bắt kịp xu thế chung của thế giới. Từ những phân tích ở phần 1, tác giả sẽ đưa ra các khuyến nghị chính sách dành cho loại tiền điện tử này ngay trong phần 2 bài viết.   

Liên hệ đối với Việt Nam

Về kỹ thuật, nền tảng blockchain đã được chứng thực qua quãng thời gian dài và qua một số lượng khổng lồ (hơn một triệu đồng tiền mã hóa đã phát hành) đã chứng minh tính ổn định và đảm bảo của kỹ thuật blockchain. Do đó, đồng tiền điện tử pháp định hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ blockchain để phát triển.

Về pháp lý và tính chất của đồng tiền điện tử pháp định do các quốc gia, khu vực đã nghiên cứu và thử nghiệm bước đầu đã có những thành công, Việt Nam có nhiều cơ hội để kế thừa.

Về lợi ích, rất nhiều lợi ích đã được nêu trên. Các vấn đề về mong muốn toàn cầu hóa các đồng tiền điện tử pháp định trong quá trình thử nghiệm vẫn luôn được đặt ra, vì sự tiện lợi trong thanh toán của nó. Nếu Việt Nam không khẩn trương có đối trọng với các đồng tiền điện tử pháp định trong khu vực thì chúng ta có thể bị lấn lướt trong thanh toán ở khu vực biên giới. 

Khuyến nghị chính sách dành cho Việt Nam

*Nghiên cứu và xây dựng cụ thể các khái niệm

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều định nghĩa về tiền điện tử. Việc dịch/chuyển ngữ sang tiếng Việt cũng tạo nên nhiều tranh luận. Hiện tồn tại hai cách hiểu về tiền điện tử như sau: (1) Tiền điện tử tương đương với tiền ảo, tiền mã hóa; (2) Tiền điện tử là công cụ thanh toán điện tử và là một loại tiền tệ. 

Với sự tồn tại hơn 10 năm của Bitcoin và những giá trị mà nó đang nắm giữ, lần đầu tiên tiền điện tử được tồn tại với định danh là “Crypto Currency” hay “Cryptocurrency” – tiền mã hóa. Trên thực tế, các đồng tiền (coin) này và ngay cả Bitcoin cũng không thể định nghĩa là tiền điện tử do nó hoàn toàn không có sự kiểm soát và đảm bảo của nhà nước. 

Đối với định nghĩa tiền điện tử pháp định là công cụ thanh toán điện tử và là một loại tiền tệ, đặc điểm tiên quyết là phải chịu sự quản lý của Chính phủ. Tiền điện tử pháp định hoàn toàn đáp ứng tốt hơn khi mà các giao dịch có thể diễn ra không cần internet và không cần có tài khoản ngân hàng. Các công cụ thanh toán điện tử đang sử dụng như chuyển khoản online, quét thẻ ATM/thẻ tín dụng hay các ví điện tử như MoMo, Viettel Pay… cũng đều phải xoay quanh đồng tiền gốc là Đồng Việt Nam thông qua tài khoản ngân hàng. Thế nên khái niệm Tiền điện tử pháp định là một loại tiền tệ và là công cụ thanh toán điện tử là hợp lý.

Các ví điện tử như MoMo, Viettel Pay…đang được sửu dụng rộng rãi tại Việt Nam (Nguồn: timo.vn)

*Đối với tiền mã hóa 

Đối với tiền mã hóa như Bitcoin, Pi… quan điểm của phần lớn các quốc gia trên thế giới trong đó có nhiều quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc và ngay cả Liên minh châu Âu cũng không thừa nhận nó là một phương tiện thanh toán, một loại tiền tệ hay tài sản. Các quy định hiện nay ở Việt Nam cũng giống vậy. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay không cấm sở hữu, cho tặng hay tìm kiếm. Các quy định này là tương đối đầy đủ, tạm thời có thể tiếp tục sử dụng. Điều bất cập là định nghĩa trong hệ thống pháp luật đang gộp chung tất cả các loại hình đều là tiền ảo, về vấn đề này hy vọng sẽ được hoàn thiện và giải quyết khi có các kết quả nghiên cứu của các bộ/ngành theo Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 về việc phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. 

*Đối với tiền điện tử pháp định 

Tiền điện tử pháp định do ngân hàng trung ương của quốc gia hay khu vực phát hành, có đầy đủ các đặc điểm và tính chất của tiền giấy/tiền polymer/tiền xu thông thường và có nhiều tiện ích vượt trội, do đó, đây là hình thức tiền tệ cần phát triển trong tương lai. 

Theo pháp luật về ngoại hối, nếu đồng tiền điện tử pháp định của một quốc gia hay khu vực được nhà nước, chính quyền công nhận và sử dụng rộng rãi sẽ trở thành ngoại tệ của Việt Nam. Trong trường hợp đó, các giao dịch liên quan đến tiền điện tử pháp định đó trên lãnh thổ Việt Nam với tư cách là tiền pháp định của một quốc gia/khu vực khác sẽ phải tuân thủ các quy định của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2013. Như vậy, trong tương lai gần, hệ thống luật pháp Việt Nam cần sớm nghiên cứu và ban hành các quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi này. Nếu chậm trễ, với sự thuận lợi của việc sử dụng tiền điện tử pháp định, người dân tại khu vực biên giới với các quốc gia lân cận mà quốc gia đó có sử dụng tiền điện tử pháp định sẽ dễ dàng tiếp cận và sử dụng nó. Các đề xuất cụ thể như sau:

Một là, đối với đồng tiền điện tử pháp định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành với những đặc tính tương đương các đồng tiền điện tử pháp định khác đang thử nghiệm (e-Euro, e-CNY…), rất cần nghiên cứu và sớm đề ra khung pháp lý cho vấn đề này. Khi được thừa nhận là tiền tệ, nó sẽ đương nhiên trở thành tài sản trong pháp luật dân sự và phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam.

Hai là, cần nghiên cứu và sớm đề ra khung pháp lý cho việc thừa nhận đồng tiền điện tử pháp định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành là tiền, vì các lý do cấp bách sau đây: (i) là cơ sở cho việc nghiên cứu và phát hành đồng tiền điện tử do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành; (ii) là cơ sở cho việc quy định tổ chức và người dân Việt Nam trong việc sở hữu ngoại tệ dưới dạng đồng tiền điện tử. Tổ chức nào, người dân nào được phép tạo ví để chứa ngoại tệ dưới dạng đồng tiền điện tử, các quy định về giao dịch…; (iii) quy định của pháp luật Việt Nam với ngân hàng trung ương phát hành đồng tiền điện tử trong việc truy vết giao dịch, thanh toán. 

Việc nghiên cứu các khái niệm và đặc điểm của tiền điện tử, phân tích những ưu điểm, nhược điểm của tiền điện tử đang tồn tại và đang được thử nghiệm cũng như so sánh giữa tiền điện tử, thanh toán truyền thống và thanh toán trực tuyến trong bài viết là cơ sở để rút ra một số đề xuất chính sách về tiền điện tử ở Việt Nam, đem lại nhiều lợi thế trong quản lý tiền tệ của nhà nước.

Xem toàn bộ Bài viết Tiền điện tử pháp định và một số đề xuất cho Việt Nam tại đây. Tác giả: ThS. Nguyễn Đức Việt – Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH). 

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #66 tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Giọng đọc: Ngọc Quí

 

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021