[Podcast] Máy Tính Và Công Nghệ “Không Đi Một Mình” – Phần 1: Kỷ Nguyên Siêu Thông Minh – Tương Lai Của Chúng Ta

29 Tháng Sáu, 2023

Kỷ nguyên 5.0 – Kỷ nguyên của một xã hội siêu thông minh là điều sẽ diễn ra và mốc thời gian được xác định rất gần: 2035 hoặc có thể sớm hơn. “Sự lên ngôi của hàng loạt siêu công nghệ” – “Nâng cao tương tác giữa người và máy” – “đặt con người làm trung tâm” chính là những từ khóa “hot” khi đề cập đến giai đoạn này. Bắt nhịp xu hướng thời đại, UEH cho rằng: Hơn bao giờ hết, các nhà Quản trị, Lãnh đạo trong các lĩnh vực Kinh doanh, Kinh tế, Luật, Quản lý Nhà nước, Dữ liệu, Truyền thông cần hiểu và biết cách ứng dụng Máy tính, Công nghệ vào chuyên môn, nghiệp vụ. Đây cũng chính là động lực để UEH triển khai chuỗi bài kiến thức ứng dụng Máy tính và Công nghệ “Không đi một mình” với 5 phần hấp dẫn dưới sự tham gia chia sẻ của các chuyên gia đầu ngành.

ky-nguyen-sieu-thong-minh-50-su-len-ngoi-cua-hang-loat-sieu-cong-nghe-nang-cao-tuong-tac-giua-nguoi-va-may-djat-con-nguoi-lam-trung-tam

Kỷ nguyên siêu thông minh 5.0 – “Sự lên ngôi của hàng loạt siêu công nghệ” – “Nâng cao tương tác giữa người và máy” – “đặt con người làm trung tâm”

Ở phần 1 – “Tương lai của chúng ta: Kỷ nguyên Siêu thông minh 5.0”, Ông Vương Bảo Long – Phó Chủ tịch LogiGear Việt Nam, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ và am hiểu thị trường công nghệ tại Việt Nam đã chia sẻ về khái niệm thời kỳ siêu thông minh 5.0, tình hình của thế giới và Việt Nam hiện nay cũng như những cơ hội và thách thức đang chờ đón.

Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã cố gắng đưa ra một định nghĩa phù hợp nhất về xã hội 5.0 hay còn gọi là Society 5.0. Nhiều định nghĩa khác nhau đã được ghi nhận, nhưng nổi bật nhất tính đến thời điểm hiện nay chính là định nghĩa của Nhật Bản. Quốc gia này cho rằng: Kỷ nguyên siêu thông minh hay là xã hội 5.0 – là một xã hội lấy con người làm trung tâm, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để phục vụ cho nhu cầu của con người, tiến tới một xã hội hài hòa, tốt đẹp, an toàn và tiện nghi cao nhất cho con người, hỗ trợ cho con người phát triển một cách toàn diện nhất và không một ai bị bỏ lại phía sau. Đó là định nghĩa chung nhất và gần nhất cho tới thời điểm này về kỷ nguyên siêu thông minh hay còn gọi là xã hội 5.0.

Chúng ta cần phân biệt giữa xã hội 5.0 với công nghiệp 4.0. Chúng ta đã từng trải qua bốn thời đại công nghiệp bao gồm: 1.0, 2.0, 3.0 và 4.0. Từ động cơ hơi nước, từ máy cơ khí, máy dệt cho tới năng lượng điện, sau đó chuyển qua tự động hóa điện tử và máy tính, và đến công nghệ thông tin (trong đó có các hệ thống GPS, CPS, IoT, mạng máy tính, AI…). Và giờ đây, chúng ta sắp sửa bước vào một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên mà hầu hết các phương tiện, các hệ thống lớn và nhỏ xung quanh chúng ta được tích hợp trên nền tảng tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin. 

Hiện trạng của thế giới  

Năm 2016, chính phủ Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra đề án định hướng cho xã hội Nhật Bản phát triển tới năm 2030 để đánh giá tốc độ phát triển cũng như trình độ phát triển của xã hội Nhật Bản hướng về con người đang ở trình độ nào. Kể từ khi đó Nhật Bản đã thành lập Ủy ban sáng kiến số và phát triển chiến lược xây dựng xã hội thông minh 5.0. Quốc gia này đã tự định vị mình là một quốc gia “Super Smart Society” vào năm 2030. Đó cũng là slogan và định hướng cho Nhật Bản phát triển với mục tiêu trở thành một quốc gia siêu thông minh vào năm 2030.

Singapore định hướng và định vị bản thân là một quốc gia thông minh – smart nation dựa trên 3 trụ cột chính là: Digital Economy (kinh tế số), Digital Government (chính phủ số) và Digital Society (xã hội số). 

Tiếp theo là Ấn Độ, quốc gia này tự định vị mình là một quốc gia kỹ thuật số – Digital India. Thủ tướng Ấn Độ Modi nói rằng: Ông muốn phát triển Ấn Độ thành quốc gia kỹ thuật số để phục vụ nhu cầu phát triển và thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo cho quốc gia 1,3 tỷ dân của ông.

Một đất nước Bắc Âu nhỏ bé có tên gọi là Estonia – đây là một quốc gia cũng đang tiến theo tiến trình số hóa và tự định vị mình như một quốc gia kỹ thuật số. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới được công nhận một cách rộng rãi rằng đã thành công xóa mù về kỹ thuật số và số hóa cho toàn dân. 98% dân số của họ có ID card điện tử – căn cước điện tử, 99% các bang của họ làm việc và cung cấp các dịch vụ công online, 95% các hồ sơ thuế được khai báo và xử lý online trực tuyến và 99% các giao dịch ngân hàng được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống điện tử.

Ở Việt Nam, hiện nay chúng ta vẫn chưa có một khẩu hiệu, một slogan rõ ràng về một quốc gia kỹ thuật số. Tuy nhiên, chúng ta đã tự định vị mình là quốc gia tiến về nền kinh tế số vững mạnh cho tới năm 2030, và tầm nhìn tới 2045 với những xu thế chủ đạo mà chúng ta nghĩ rằng chính Việt Nam có thể thừa hưởng. Trong đó, có tác động của nền công nghệ số, của thị trường xuất khẩu, của sự phát triển cơ sở hạ tầng số hiện đại, các thành phố thông minh, gia tăng các kỹ năng kỹ thuật số, dịch vụ số và những thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Có thể thấy rằng, tương lai của chúng ta có 4 kịch bản tới 2045. Nếu ở kịch bản truyền thống thì nền kinh tế số Việt Nam có thể đóng góp 196 tỷ USD hàng năm trong tổng GDP. Ở kịch bản xuất khẩu số, nếu làm tốt việc xuất khẩu thì chúng ta có thể đạt trên 331 tỷ USD. Ở kịch bản tiêu dùng, chúng ta đẩy mạnh nền kinh tế tiêu dùng thì có thể đạt đến một mức GDP là 216 tỷ USD cộng thêm từ nền kinh tế số. Hay kịch bản tốt nhất là kịch bản chuyển đổi số toàn diện thì chúng ta có thể đạt được GDP lên tới 544 tỷ USD. Để thấy được mức so sánh này, GDP hiện tại của Việt Nam vào năm 2022 được ước tính vào khoảng dưới 400 tỷ USD, tới năm 2030 thì chúng ta định vị mình sẽ trở thành một trong những quốc gia phát triển với tổng thu nhập quốc dân ở thời điểm đó vào khoảng 18 đến 20 ngàn USD trong tổng sản phẩm quốc nội. GDP được đóng góp từ nền kinh tế số hơn 500 tỷ USD, đó là ¼ tổng sản phẩm quốc gia và cũng là một con số cực kì ấn tượng.

Thách thức và cơ hội của kỷ nguyên 5.0 

Để tiến tới một nền kinh tế số, một xã hội thông minh và siêu thông minh 5.0 cần phải đối mặt với một số thách thức nhất định. Thách thức thứ nhất là những sự bất định. Sự bất định về mặt tự nhiên, xã hội, chiến tranh, thảm họa, và dịch bệnh giống như Covid-19. Chúng ta cần phải có những giải pháp chủ động hơn, căn cơ hơn và những thay đổi thích ứng, phù hợp và kịp thời. Cùng với những thay đổi rất nhanh chóng và mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Gần đây, có thể thấy rằng sự ra đời của Chat GPT là một trong những dấu hiệu thay đổi đột phá về công nghệ thông tin mà máy móc và AI có thể làm thay con người rất nhiều thứ. Nếu bỏ qua khía cạnh đạo đức của Chat GPT thì có thể thấy rằng, đây là một công cụ cực kỳ mạnh mẽ mà các nhà lập pháp ở các quốc gia phát triển cũng đã đưa ra những biện pháp mạnh để hạn chế nó, ít nhất là trong giai đoạn hiện tại. Đó là sự hỗn loạn và sự tấn công trên không gian mạng. Đó cũng là những rủi ro rất lớn khi mà chúng ta mở rộng và kết nối những hệ thống lớn và phức tạp. Một khi nó đã bị tấn công thì tổn thất sẽ cực kỳ lớn, đồng thời có thể làm gián đoạn các hoạt của động xã hội. Các nguồn tài nguyên như tài nguyên xã hội, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên không gian mạng trở nên càng ngày khan hiếm. Việc sử dụng, tận dụng và recycle những tài nguyên này là một thách thức đối với nhân loại và đặt ra rất nhiều bài toán cho chúng ta. 

Bên cạnh thách thức cũng có vô vàn cơ hội để phát triển, để nhà nước phát triển, để doanh nghiệp phát triển và để từng cá nhân trong chúng ta phát triển. Cơ hội thứ nhất, Việt Nam đang nằm trong top 3 quốc gia có cái hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhất ở Đông Nam Á, đặc biệt là trong ngành thương mại điện tử, fintech, healthtech, edutech. Chúng ta thuộc top 10 dân số có sử dụng smartphone và 63% dân số có sử dụng smartphone để tương tác trên thị trường, tức là có các hoạt động mua bán trên không gian mạng. Nếu tính riêng tại 3 thành phố lớn: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội thì hơn 75% số người trưởng thành sử dụng smartphone và hơn 83% tỷ lệ hộ gia đình ở Việt Nam có kết nối với internet. Đó là những điều kiện hạ tầng và kết nối rất cần thiết cho việc thúc đẩy nền kinh tế số, đồng thời thúc đẩy xây dựng một xã hội 5.0.

nhieu-co-hoi-cua-ky-nguyen-sieu-thong-minh-50-dang-cho-don-genz

Nhiều cơ hội của kỷ nguyên siêu thông minh 5.0 đang chờ đón GenZ

Những yếu tố kể trên cũng mở ra những cơ hội ngành nghề cho thế hệ GenZ trong tương lai. Khoa học và dữ liệu lớn rất cần các chuyên gia, các nhà khoa học và dữ liệu, chuyên viên phân tích dữ liệu, chuyên viên tính toán và chuyên gia về giải thuật toán để phát triển big data dựa trên phương pháp xử lý trên nền tảng trí tuệ nhân tạo AI. Tiếp đến là các learning bot, chat bot như sự xuất hiện của Chat GPT. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã chứng kiến sự hỗn loạn và các cuộc tấn công mạng quy mô từ lớn tới nhỏ. Đó cũng là một cơ hội để thấy rằng nhu cầu về bảo mật, về an toàn thông tin trên không gian mạng ngày càng lớn hơn rất nhiều. Rất nhiều vụ tấn công không gian mạng nghiệm trọng đã từng xảy ra. Từ năm 2017 tới 2022, riêng về lĩnh vực Cryptocurrency – tức là tiền số đã có ba quốc gia trên thế giới bị tấn công nhiều nhất bởi những thế lực đen tối và bị lấy đi rất nhiều đồng tiền số. Quốc gia đứng đầu bị tấn công lớn nhất là Nhật Bản, quốc gia thứ hai bị tấn công nhiều nhất và mất số tiền số nhiều nhất là Việt Nam, và thứ ba là Hoa Kỳ. Nhật Bản từ năm 2017 đến 2022 mất khoảng 817 tỷ USD cho việc bị tấn công mạng, Việt Nam mất khoảng 534 tỷ USD và nước Mỹ mất khoảng 525 tỷ USD. 

Gần đây đang nổi lên hai xu hướng từ AI đó là: Data Science (khoa học dữ liệu) và Cyber Security (an ninh mạng). Bên cạnh những phát triển truyền thống khác trong ngành công nghệ thông tin từ việc lập trình, kiểm thử phần mềm, tư vấn giải pháp, tư vấn về chuyển đổi số và thiết kế hệ thống, phần mềm để giúp cho chuyển đổi số trong doanh nghiệp, quốc gia, chính phủ, điện tử, người tiêu dùng cá nhân và các cơ sở (trong đó có các cơ sở giáo dục đại học), trung học và tiểu học. Cyber Security trở thành một trong những dịch vụ được tìm kiếm nhiều nhất và được sử dụng nhiều nhất trong các lĩnh vực khác nhau từ banking, healthcare, health tech, cho tới các cơ quan chính phủ, dịch vụ công.

Về Data Science, PGS.TS. Quản Thành Thơ (Đại học Bách Khoa – ĐHQG TP. HCM) cho rằng: “Khi phần Machine learning, AI đã chín muồi, 80% yếu tố quyết định sự thành công của hệ thống là dựa vào khả năng xử lý dữ liệu, tức khoa học dữ liệu”. Nhận định này cho thấy tầm quan trọng của ngành khoa học dữ liệu và phân tích dữ liệu, cũng như những chuyên gia mà ngành công nghệ thông tin sẽ rất cần trong cái kỷ nguyên sắp tới.

Và cần hơn bao giờ hết, khi nói về thị trường Cyber Security, theo thống kê của báo cáo thị trường an toàn thông tin Việt Nam năm 2022 dự báo quy mô của ngành an toàn thông tin theo nhóm ngành, riêng ngành tài chính ngân hàng và chính phủ đã chiếm 41%, trong đó đặc biệt là ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 25%. Có khoảng 15% là  tăng trưởng của ngành này hàng năm theo dự báo cho từ đây tới 2028.

Đó là những thông tin ngắn gọn và cô đọng về tương lai của chúng ta – một kỷ nguyên siêu thông minh, một vài định nghĩa, thách thức và cơ hội dành cho chúng ta. Hy vọng rằng, những chia sẻ này sẽ giúp ích cho các bạn GenZ có được những lựa chọn đúng đắn và phù hợp với xu hướng phát triển. Đồng thời giúp các bạn có một định hướng tốt trong việc chọn ngành nghề phù hợp. Một mặt có thể đóng góp cho sự phát triển của kỷ nguyên, thời đại và nền kinh tế số của Việt Nam. Bên cạnh đó, có thể thông qua những trào lưu, phát triển, xu hướng mới để tận dụng tối đa những thuận lợi mà ngành công nghệ thông tin cũng như kỷ nguyên siêu thông minh, tương lai thời đại số đem đến cho chúng ta. 

Tác giả: Ông Vương Bảo Long – Phó Chủ tịch LogiGear Việt Nam, Trưởng Ban liên lạc EMBA UEH Alumni

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #77 tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông. 

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021