[Podcast] Pháp lý về công nghệ số tại Việt Nam – Góc nhìn từ mô hình Spin-Off – Phần 1: Thực trạng thực thi pháp lý tại Việt Nam

1 Tháng Bảy, 2022

Phát triển công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số theo mô hình Spin-Off được xem là một mô hình kinh điển của các quốc gia trên thế giới. Với hệ thống pháp luật hiện hành và mô hình hoạt động của các Tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ của Việt Nam hiện nay có thể thực hiện thành công mô hình này hay không là vấn đề cần phải nghiên cứu. Ở phần 1 của bài viết, bằng phương pháp tổng hợp tài liệu, phân tích, tác giả nêu lên những hạn chế và bất cập của các quy định có liên quan đến quá trình hình thành và chuyển giao công nghệ số hiện nay, cũng như thực trạng thực thi pháp luật có ảnh hưởng đến sự phát triển của công nghệ số theo mô hình Spin-Off ở Việt Nam. 

Mô hình Spin-off và nội dung quy định của pháp luật đối với Công nghệ số từ góc nhìn của mô hình này

Mô hình Spin-Off là mô hình Công ty khởi nghiệp do các Trường đại học hoặc Tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ (gọi tắt là Viện nghiên cứu) là chủ sở hữu doanh nghiệp từ hoạt động góp vốn bằng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ. Nhìn từ góc độ của mô hình Spin-Off, có thể thấy phát triển công nghệ số theo góc nhìn này là một quá trình, cho dù có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng có thể khái quát hóa quá trình này như sau: đây là quá trình tạo lập và chuyển giao kết quả hoạt động Khoa học & Công nghệ (chuyển giao công nghệ) để hình thành nên các doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

*Chủ thể hoạt động khoa học và công nghệ:

Về chức năng hoạt động, các tổ chức Khoa học & Công nghệ được phân loại thành: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thực hiện dịch vụ khoa học và công nghệ. Về quyền, theo quy định tại Điều 13 Luật Khoa học & Công nghệ năm 2013, các tổ chức Khoa học & Công nghệ được hợp tác, liên doanh hoặc góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ để hoạt động khoa học – công nghệ và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về hình thức hoạt động, theo quy định tại Điều 9 Luật Khoa học & Công nghệ năm 2013, tổ chức Khoa học & Công nghệ hoạt động theo một trong các hình thức do Luật quy định sau đây: viện hàn lâm; viện; trung tâm; văn phòng; và một số hình thức khác. Chủ thể và điều kiện thành lập, chủ thể thành lập tổ chức Khoa học & Công nghệ theo quy định gồm các tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài, ngoài ra, theo quy định tại Điều 20.4 Luật Khoa học & Công nghệ năm 2013, cá nhân hoạt động Khoa học & Công nghệ. Đối với loại hình doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ, theo quy định tại Điều 58 Luật Khoa học & Công nghệ năm 2013, doanh nghiệp này phải được thành lập theo Luật doanh nghiệp năm 2020 và phải thoả mãn thêm 02 điều kiện sau đây: một là, có năng lực thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hai là, có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt tỷ lệ theo quy định.

*Căn cứ tạo lập, xác lập quyền tài sản đối với Công nghệ số:

Theo Bộ luật dân sự năm 2015, người tạo ra hoặc có quyền sở hữu công nghệ số được xác lập quyền dân sự chủ yếu bằng một trong các hình thức tạo lập như sau: (1) tạo ra công nghệ từ hoạt động lao động hoặc lao động sáng tạo; (2) hoặc tạo ra công nghệ từ quá trình sản xuất, kinh doanh; (3) sở hữu công nghệ thông qua hình thức hợp đồng. Theo Luật Khoa học & Công nghệ năm 2013, công nghệ số là kết quả của hoạt động Khoa học & Công nghệ, để tạo ra công nghệ số hoàn thiện, hoạt động này phải trải qua các bước, từ bước thấp nhất là hoạt động nghiên cứu khoa học, một hoạt động sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn, cho đến bước cuối cùng là sản xuất thử nghiệm, là bước hoàn thiện công nghệ trước khi đưa vào sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau như sản xuất hoặc đời sống xã hội.

*Định giá, chuyển quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ số:

Để khai thác thương mại (bao gồm trở thành tài sản góp vốn vào doanh nghiệp), công nghệ số phải được định giá và có khả năng thực hiện chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng. Về định giá, nếu là tài sản góp vốn, theo Điều 36 Luật doanh nghiệp năm 2020, công nghệ số được định giá theo 02 hình thức, định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc định giá bởi tổ chức thẩm định giá. Đối với định giá theo nguyên tắc đồng thuận, giá trị tài sản góp vốn được xác định bởi sự đồng thuận của thành viên, cổ đông sáng lập công ty. Trong trường hợp định giá bởi tổ chức thẩm định giá, thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận. Mặt khác, định giá bởi tổ chức thẩm định giá, cũng là trường hợp quy định bắt buộc đối với chuyển giao công nghệ có sử dụng vốn nhà nước. Ngoài ra, việc định giá “giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước” còn được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC ngày 17/12/2014 của Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Tài chính. 

Về chuyển quyền sở hữu và chuyển giao quyền sử dụng đối với công nghệ số đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: đối với phần mềm, việc chuyển quyền sở hữu và chuyển giao quyền sử dụng sẽ được thực hiện bằng hình thức “Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả” và “Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả”, việc thực hiện hợp đồng sẽ được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015; đối với công nghệ số đã đăng ký sáng chế sẽ được thực hiện bằng các hình thức hợp đồng gồm (1) hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp; (2) hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; và (3) hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp. Còn đối với Công nghệ chưa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, việc chuyển quyền sở hữu và chuyển giao Công nghệ số sẽ được thực hiện bằng Hợp đồng chuyển giao công nghệ.

*Ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghệ số:

Ưu đãi và các hình thực hỗ trợ cho hoạt động phát triển công nghệ số hiện nay chủ yếu được thực hiện dựa trên pháp luật đầu tư và 04 đạo luật chuyên ngành gồm: Luật khoa học & công nghệ năm 2013; Luật công nghệ thông tin năm 2006; Luật Công nghệ cao năm 2008; Luật chuyển giao công nghệ năm 2017.

Thực tiễn thực thi pháp luật có liên quan đến phát triển công nghệ số theo mô hình Spin-Off  

Thực tiễn thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với Công nghệ số: Tranh chấp về công nghệ số hiện nay chủ yếu diễn ra ở lĩnh vực phần mềm. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết tranh chấp quyền tác giả đối với phần mềm máy tính hiện vẫn còn rất ít và chưa thật sự hiệu quả, thời gian xử lí vụ việc thường kéo dài mà không có kết quả. Hạn chế này chủ yếu đến từ hiệu quả thấp của hoạt động giám định, trong đó năng lực giám định của Cục Bản quyền tác giả (thuộc Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) cũng là một vấn đề. Về chất lượng hoạt động giám định sở hữu trí tuệ, tác giả Nguyễn Hải An (2018) đã chỉ ra thực tiễn năng lực hoạt động của Tổ chức giám định tư pháp còn rất hạn chế, dẫn đến tình trạng về hoạt động giám định tư pháp về quyền sở hữu trí tuệ chưa thật sự hiệu quả, ngoài ra các tổ chức giám định tư pháp độc lập hiện nay, hầu hết là các tổ chức công lập, qua đó cho thấy sự phát triển của loại hình này ở 02 khu vực công và tư trong tương lai có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và công nghệ số nói riêng. Bên cạnh đó, hệ thống Toà án của Việt Nam hiện nay chưa có mô hình Toà sáng chế giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ.

Tình hình đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với công nghệ số: Theo thông tin từ Sách trắng Công nghệ thông tin năm 2018, một số Tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, FPT, VNG đã bắt đầu đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, trong số này, có lẽ Tập đoàn Viettel là Doanh nghiệp Nhà nước sở hữu nhiều nhất về sáng chế trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kể cả đăng ký sáng chế tại Hoa Kỳ.

Hỗ trợ tài chính cho hoạt động tạo lập và phát triển công nghệ số: Bên cạnh nguồn tài trợ từ các Quỹ khoa học & công nghệ quốc gia, hoạt động tạo lập và phát triển công nghệ số cần rất nhiều nguồn tài trợ khác, cũng như cần hiệu quả thực chất của các chính sách ưu đãi về thuế và hoạt động hỗ trợ tín dụng.

Xem toàn bộ bài nghiên cứu Pháp lý về công nghệ số tại Việt Nam – Góc nhìn từ mô hình Spin-Off  tại đây. Nhóm Tác giả: Th.S Dương Anh Quốc – Công ty TNHH Kiểm toán Crowe Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Anh – Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #48 Pháp lý về công nghệ số tại Việt Nam – Góc nhìn từ mô hình Spin-Off – Phần 2: Giải pháp phát triển công nghệ số theo mô hình Spin-Off tại Việt Nam”.

Tin, ảnh: Nhóm tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Giọng đọc: Ngọc Quí

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội;
  • Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Quốc Hội;
  • Luật chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2917 của Quốc Hội; 
  • Luật Khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2013 của Quốc hội, được sửa đổi, bổ sung bởi: Luật số 28/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019;
  • Luật công nghệ cao số 21/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội;
  • Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội, được sửa đổi, bổ sung bởi: Luật số 32/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014; Luật số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015; Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021;
  • Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội được sửa đổi, bổ sung bởi: Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019;
  • Thủ tướng Chính phủ. (2015). Quyết định số: 392/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 phê duyệt Chương trình Mục tiêu phát triển ngành Công nghiệp Công nghệ thông tin đến năm 2020, Tầm nhìn đến 2025;
  • Thủ tướng Chính phủ. (2016). Quyết định số: 884/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về Phê duyệt “Đề án: Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”;
  • Thủ tướng Chính phủ. (2020). Quyết định số: 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, Định hướng đến năm 2030”;
  • Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghê và Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước;  
  • Cameron A, Pham T H, Atherton J, Nguyen D H, Nguyen T P, Tran S T, Nguyen T N, Trinh H Y & Hajkowicz S. (2019). Tương lai nền kinh tế số Việt Nam – Hướng tới năm 2030 và 2045. CSIRO, Brisbane.

 

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021