[Podcast] Thách thức của già hóa dân số đối với phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030

13 Tháng Mười Một, 2023

Các nghiên cứu về tác động của tình trạng già hoá dân số ở các nước trên thế giới cho thấy tình trạng này tác động đến nhiều mặt về kinh tế và xã hội. Tình trạng già hoá dân số cũng đang và sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với Việt Nam, nhất là các vấn đề tăng trưởng, nguồn cung và năng suất lao động, hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc y tế, quỹ hưu trí và các vấn đề xã hội phát sinh. Thời gian chuyển đổi từ dân số già hoá lên dân số già ở Việt Nam nhanh hơn các nước và đặc biệt là khi nước ta còn là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp thì những thách thức này càng khó khăn hơn đối với nền kinh tế. Công trình “Thách thức của già hóa dân số đối với phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của tác giả Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) nghiên cứu tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số, mà tập trung vào già hoá dân số, đến phát triển kinh tế ở Việt Nam, trên cơ sở đó đưa ra những hàm ý chính sách nhằm tận dụng các lợi thế từ cơ cấu dân số tuổi để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế cho Việt Nam.

Lý luận chung về già hoá dân số

Già hóa dân số là khái niệm được dùng để chỉ quá trình chuyển đổi cấu trúc nhân khẩu học, trong đó người cao tuổi tăng cả về số lượng và tỷ lệ so với tổng dân số. Già hóa dân số là hệ quả của ba xu hướng nhân khẩu học, đó là tỷ suất sinh giảm, tỷ suất chết giảm và tuổi thọ tăng nhanh. Theo phân loại của Cowgill và Holmes (1970) (trích dẫn từ (UNFPA, 2011)), khi dân số từ 65 tuổi trở lên trong tổng dân số chiếm từ 7% đến 9,9% thì dân số được coi là “già hóa”, 10%-19,9% là dân số “già”, 20%-29,9% là dân số “rất già” và từ 30% trở lên là dân số “siêu già”. Nhiều báo cáo của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đến nay vẫn sử dụng cách phân loại này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa xã hội già hóa là xã hội có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên, xã hội già là xã hội trong đó nhóm tuổi này chiếm hơn 14% tổng dân số, và một xã hội cao tuổi là xã hội trong đó tỷ lệ này lớn hơn 20%. Một số báo cáo sử dụng tuổi từ 60 trở lên để phân loại. Dân số được coi là “già hóa” khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 10% dân số; tương ứng cho “già”, “rất già” và “siêu già” là 20%, 30% và 35%.

Tóm lại, già hóa dân số được xem như là sự thay đổi cấu trúc nhân khẩu học và nó mô tả các vấn đề của cơ cấu tuổi dân số. Nhìn chung, sự già hóa dân số của một quốc gia đề cập đến những thay đổi trong cơ cấu tuổi dân số, đó là kết quả của việc tỷ lệ dân số trẻ em trong tổng dân số ngày càng giảm và tỷ lệ dân số người cao tuổi ngày càng tăng. Ngoài ra, một đất nước bước vào xã hội già hóa khi cấu trúc tuổi dân số là già và xuất hiện một trong hai đặc điểm sau: (1) Dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 10% trong tổng dân số, hoặc (2) dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 7%.

Theo các lý thuyết về tăng trưởng kinh tế, tác động của già hóa dân số đến tăng trưởng kinh tế thường được thể hiện ở các khía cạnh tác động của nó đến tiết kiệm – đầu tư, nguồn cung và năng suất lao động. Trên cơ sở hệ thống lý thuyết và các nghiên cứu thực tiễn về mối quan hệ giữa già hoá dân số và phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia hầu như đều thống nhất rằng: già hóa dân số có tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế và các vấn đề xã hội, tuy nhiên mức độ tác động sẽ tùy thuộc vào chất lượng dân số và các chính sách của các quốc gia đưa ra để thích ứng với tình trạng này.

Kết quả nghiên cứu và hàm ý chính sách

Việt Nam bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” từ năm 2010 và giai đoạn này được dự báo sẽ kéo dài 30 năm (UNFPA, 2010). Đây được coi là giai đoạn lý tưởng để phát triển kinh tế nên được coi là “quà tặng của dân số”. Nhiều quốc gia châu Á đã biết tận dụng triệt để cơ hội “vàng” này để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc (Donghyun Park & Kwanho Shin, 2011), (UNFPA, 2010). Tuy nhiên, sau giai đoạn dân số “vàng” sẽ bước sang giai đoạn dân số “già”, và Việt Nam hiện nay đang nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Sau 10 năm trong cơ cấu dân số vàng, Việt Nam vẫn còn kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 mới ở mức 3.521 USD xếp trong nhóm có mức thu nhập trung bình thấp và đến năm 2030 mới có thể đạt được mức của nhóm nước có thu nhập trung bình cao. Trong khi đa phần các nước trên thế giới, thời gian chuyển sang cơ cấu dân số già, nền kinh tế đã phát triển, chẳng hạn như ở Nhật Bản thu nhập bình quân đầu người là 30.000 USD khi giai đoạn dân số vàng chấm dứt, Hàn Quốc là 20.000 USD (Trần Văn Thọ, 2016). Theo dự báo thời kỳ già hóa dân số Việt Nam sẽ kéo dài từ năm 2017 đến năm 2034 và đến năm 2035 sẽ bước vào giai đoạn dân số “già”, trong khoảng thời gian này dù có nỗ lực vượt bậc để tăng tốc thì cũng rất khó để trở thành một nền kinh tế phát triển, vì vậy việc sẽ phải đối mặt với nguy cơ “chưa giàu đã già” càng trở nên hiện thực hơn. Dân số già hóa nhanh trong khi nền kinh tế chưa phát triển để chuẩn bị nguồn lực đón nhận số lượng dân số cao tuổi ngày càng tăng lên đang trở thành thách thức to lớn đối với Việt Nam. Thách thức này cũng đã được đề cập đến trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030 ở Văn kiện đại hội Đảng lần thứ XIII: “Già hoá dân số tăng nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế”, do đó, cần chủ động đối mặt với thực tế của già hóa dân số, tìm ra những giải pháp để “tận dụng hiệu quả các cơ hội từ cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hoá dân số” là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam hiện nay.

Phân tích thực trạng già hoá dân số ở Việt Nam thông qua các chỉ tiêu cơ cấu tuổi và giới tính của dân số cho thấy, trong giai đoạn 1991 – 2020, cơ cấu tuổi dân số ở Việt Nam có sự thay đổi đáng kể theo ba đặc điểm cơ bản: dân số phụ thuộc trẻ (trẻ em dưới 15 tuổi) giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, và dân số già có xu hướng tăng dần theo thời gian, cho thấy dấu hiệu của già hoá dân số đã dần rõ nét ở Việt Nam trong thời gian qua. Để phân tích mối quan hệ giữa sự thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 1991 – 2020, nghiên cứu đã sử dụng phương pháp hạch toán tăng trưởng, kết hợp với mô hình tăng trưởng tân cổ điển, nghiên cứu xây dựng hàm hồi quy mô tả các nhân tố cơ cấu nhân khẩu học có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và ước tính mối liên hệ giữa những thay đổi về cơ cấu tuổi dân số với tăng trưởng GDP bình quân đầu người. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ngoài yếu tố về kinh tế như tỷ lệ tiết kiệm, độ mở thương mại có ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng kinh tế, thì tỷ lệ lao động trong độ tuổi và tỷ lệ phụ thuộc trẻ cũng có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ phụ thuộc già, tỷ lệ lao động trẻ và vốn con người vẫn còn là gánh nặng cho tăng trưởng GDP bình quân đầu người ở Việt Nam trong giai đoạn 1991 – 2020. Từ kết quả thực tiễn và dữ liệu thu thập được, nghiên cứu tiếp tục đánh giá thách thức và cơ hội của già hoá dân số đối với phát triển kinh tế Việt Nam theo ba khía cạnh chăm sóc sức khoẻ, an sinh xã hội, và lao động – việc làm.

Già hoá dân số ở Việt Nam là không thể tránh khỏi. Vì vậy, trong thiết kế phương án tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách cần tính tới những thay đổi về cơ cấu tuổi dân số để có thể ứng phó cũng như tận dụng những cơ hội của sự biến đổi nhân khẩu học. Mô hình nghiên cứu đã tách biệt hai nhóm dân số phụ thuộc (phụ thuộc trẻ và phụ thuộc già) để tính toán mức độ ảnh hưởng của từng nhóm tới tăng trưởng kinh tế. Kết quả thể hiện rõ tỷ lệ phụ thuộc già có tác động tiêu cực tới tăng trưởng GDP bình quân đầu người bởi khi tỷ lệ dân số cao tuổi tăng nhanh thì các khoản về chi an sinh và phúc lợi xã hội, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe sẽ tăng. Lúc này, năng suất lao động càng phải được nâng cao hơn nữa để gánh những tác động tiêu cực do già hóa dân số mang lại. Để làm được điều này, một mặt, Việt Nam cần huy động, khuyến khích mọi lực lượng xã hội tham gia giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo tăng trưởng kinh tế có chất lượng và bền vững. Mặt khác, vì hệ thống các chính sách về dân số và chăm sóc sức khỏe của Việt Nam chưa thích ứng với tốc độ già hóa dân số nhanh nên số năm sống khỏe mạnh của người dân vẫn thấp hơn so với nhiều nước. Do đó, Việt Nam cần phát triển các dịch vụ rèn luyện và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đối với cộng đồng, đẩy mạnh chương trình tầm soát để kịp thời can thiệp và điều trị sớm các bệnh tật nhằm hướng tới một Việt Nam khỏe mạnh.

Kết quả hồi quy cho thấy, chất lượng lao động trẻ của Việt Nam chưa thể đáp ứng được với định hướng của một nền kinh tế tri thức. Đây là bài toán buộc hệ thống giáo dục Việt Nam phải thay đổi cách thức vận hành nhằm gây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực mạnh về thể lực và thành thạo các kỹ năng chuyên môn, bởi giáo dục và đào tạo là bệ phóng tốt nhất cho việc hoàn thiện kỹ năng của mỗi cá nhân. Vì vậy, hệ thống đào tạo cả nước nên chú trọng đến việc rèn luyện các kỹ năng mềm cho học sinh ngay từ bậc mầm non, tiểu học. Kinh nghiệm thực tiễn ở các nước có nền giáo dục phát triển đều khẳng định hiệu quả của giáo dục và đào tạo không chỉ được đo lường thông qua lượng kiến thức, mà còn được phản ánh thông qua năng lực sáng tạo, kỹ năng tư duy phản biện, khả năng thích nghi với môi trường làm việc và khả năng biến tri thức thành kỹ năng lao động.

Thích ứng với già hóa dân số cần được coi là vấn đề ưu tiên, đòi hỏi các giải pháp kịp thời, toàn diện hướng đến tất cả các nhóm dân số để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa. Trong chiến lược phát triển, bên cạnh định hướng thúc đẩy tăng nhanh chóng năng suất lao động, Việt Nam cần khai thác hiệu quả các yếu tố về tài nguyên, công nghệ và trình độ quản lý để chuẩn bị nguồn lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ thâm dụng vốn và lao động sang mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để đạt được sự thịnh vượng. Đồng thời, bên cạnh các yếu tố về cơ cấu nhân khẩu học, nghiên cứu này cho thấy tiết kiệm và độ mở thương mại cũng là hai yếu tố tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP bình quân đầu người. Vì vậy, tăng tỷ lệ tiết kiệm để gia tăng đầu tư và thúc đẩy mở rộng quan hệ thương mại quốc tế cần được coi là nhiệm vụ quan trọng của các cấp chính quyền trong giai đoạn hiện nay.

Xem toàn bộ Bài nghiên cứu Thách thức của già hóa dân số đối với phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 TẠI ĐÂY.

Tác giả: TS. Phạm Thị Lý, Khoa Lý luận chính trị, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #97 tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Giọng đọc: Ngọc Qúi

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021