[Podcast] Chiến lược chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam – Tiếp cận Foresight (Kỳ 2): Đề xuất chính sách

8 Tháng Mười Một, 2023

Dựa trên những khảo sát ở kỳ 1 về mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, ở kỳ 2 của vài viết, tác giả Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã đưa ra những phân tích và đề xuất chính sách cho chiến lược chuyển đổi số của các doanh nghiệp theo tiếp cận Foresight.

Rào cản/khó khăn, động lực/kỳ vọng và các kiến nghị hỗ trợ chuyển đổi số

Theo kết quả khảo sát, các DNVVN gặp nhiều rào cản trong việc xác định chiến lược CĐS phù hợp (97%), các hướng dẫn hỗ trợ CĐS (89%), các hệ thống phần mềm/công cụ hỗ trợ CĐS (88%), tài chính (86%)… Khi phân tích về mặt quy mô DN thì các DN siêu nhỏ (1–49 nhân sự) gặp khó khăn nhiều nhất về pháp lý và các hỗ trợ từ chính phủ (18%), tiếp đến là chiến lược CĐS (17%); đối với các DN vừa (60–300), ngoài khó khăn về chiến lược và các hướng dẫn CĐS ở vị trí đầu thì họ quan tâm và gặp khó về nhân lực (11%) và văn hóa (11%) khi thực hiện CĐS.

Hình 6: Những rào cản và động lực thực hiện CĐS

Xét về động lực/kỳ vọng khi thực hiện CĐS, các DNVVN kỳ vọng nhiều vào sự hiệu quả do CĐS mang lại (96%); khả năng giám sát/theo dõi (88%); khách hàng và thị trường (86%); nhân lực (85%)… và có 2% DN không có kỳ vọng gì về những lợi ích mà CĐS có thể mang lại. Khi phân tích về mặt quy mô DN thì các DN siêu nhỏ (1–49 nhân sự) ngoài các động lực về sự hiệu quả và khả năng giám sát/theo dõi thì họ kỳ vọng nhiều vào sự thay đổi của nhân lực do CĐS mang lại như: Nâng cao năng lực của nhân viên; cải thiện việc tìm nguồn cung ứng/giữ chân nhân tài/trải nghiệm của nhân viên… Đối với các DN vừa (60–300 nhân sự), họ quan tâm đến chất lượng, khách hàng và thị trường sau sự hiệu quả mà CĐS mang lại.

DNVVN cũng mong muốn có nhiều hơn các hỗ trợ từ chính phủ cũng như các công cụ hỗ trợ CĐS để hoạt động CĐS của DN được thực hiện hiệu quả và nhanh chóng hơn.

Hình 7. Đề xuất hỗ trợ từ Chính phủ và công cụ số

Về đề xuất cho Chính phủ, các DNVVN mong muốn có các văn bản pháp lý, chính sách cụ thể về CĐS (80%), quy định về pháp luật cụ thể liên quan đến an ninh mạng và bảo mật dữ liệu (77%) nhằm bảo vệ DN khi hoạt động trên các nền tảng số hay Internet trước các cuộc tấn công mạng. Phần lớn các DNVVN thường gặp nhiều khó khăn về tài chính khi thực hiện CĐS, nên họ cũng cần có những chính sách hỗ trợ tài chính hợp lý và đầy đủ để thực hiện CĐS (75%). Ngoài ra, DNVVN cũng mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ và khuyến khích các DN hàng đầu về CĐS ở VN chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ hỗ trợ DNVVN (74%) hay cho phép truy cập thông tin các giải pháp cũng như cách sử dụng kỹ thuật số hiện có (74%). Bên cạnh đó, các DNVVN cũng đã đưa thêm một số đề xuất khác cho Chính phủ như: Cần có hướng dẫn chi tiết về quy trình CĐS; hỗ trợ đào tạo CĐS; có chính sách riêng đối với các DN thực hiện CĐS như: Hỗ trợ công nghệ, chuyên gia, thuế…; hỗ trợ nhân lực CĐS.

Về đề xuất một công cụ/phần mềm hỗ trợ hoạt động CĐS, các DNVVN mong muốn công cụ số cần có khả năng giúp DN phát triển được một lộ trình CĐS cụ thể và phù hợp; cho phép DN có thể chia sẻ các kinh nghiệm thông qua các ví dụ và trường hợp thực hành tốt, cũng như khả năng cộng tác và hợp tác để hình thành cộng đồng CĐS trong DNVVN. Các doanh nghiệp thường bị hạn chế về tài chính, nhân lực và công nghệ nên họ thường sẽ lựa chọn một số hoạt động chính để thực hiện CĐS trước, do đó họ mong muốn công cụ số có khả năng cho phép lựa chọn các mảng CĐS (khách hàng, sản phẩm, quy trình…) phù hợp để thực hiện từng bước. Nhìn thấy được các kịch bản CĐS có thể xảy ra trong tương lai cũng là mong muốn khi DN xây dựng chiến lược CĐS. Riêng chức năng cung cấp định hướng CĐS theo từng lĩnh vực cụ thể không được các DNVVN quan tâm nhiều, cũng có thể DN mong muốn công cụ số nên có các chức năng hỗ trợ CĐS cụ thể và phù hợp với DN hơn là quan tâm đến vấn đề CĐS của từng lĩnh vực hay ngành.

Việc ứng dụng các công nghệ 4.0, công nghệ số và định hướng CĐS

DNVVN nên ưu tiên vào nhóm công việc “thắng nhanh” vì có mức quan trọng cao cần thực hiện sớm và có nỗ lực thực hiện thấp (tức là khoảng cách giữa cường độ mong muốn và cường độ sử dụng hiện tại thấp): In 3D, Robot tự động, tích hợp hệ thống ngang và dọc, mô phỏng, điện toán đám mây và an ninh mạng. Đây cũng là một tín hiệu khá lạc quan và tích cực về nhận thức của DN đối với vấn đề an ninh mạng nhằm có những chính sách, kế hoạch và những phòng ngừa trong quá trình sử dụng các công cụ số cũng như thực hiện CĐS. Đối với công nghệ trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn và phân tích sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho DN cũng như có thể tạo ra những đột phá và chuyển mình cho DN; tuy nhiên, để áp dụng thành công những công nghệ này đòi hỏi DN cần đầu tư nhiều hơn về thời gian, công nghệ, con người, tài chính… và có kế hoạch thực hiện một cách nghiêm túc và chi tiết. Công nghệ thực tế tăng cường và thực tế ảo nên được ủy thác cho các DN có nhiều kinh nghiệm và đội ngũ phát triển thực hiện. Riêng công nghệ Blockchain rất khó hoàn thành nên được trì hoãn lại. Blockchain chưa được quan tâm đúng mức một phần do chưa có nhiều DN trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng trong khảo sát và Blockchain cũng đang ở giai đoạn đầu.

Hình 8. Việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 vào hoạt động CĐS của doanh nghiệp

DNVVN nên tập trung thực hiện ngay CĐS cho các hoạt động chính gồm: Quy trình nghiệp vụ, khách hàng và thị trường. DN có thể thực hiện CĐS ngay cho hoạt động chuỗi cung ứng nếu DN đánh giá mức ưu tiên trên 4 là cao. Đối với các hoạt động quản trị và nghiệp vụ quản lý, phát triển con người và văn hóa tổ chức, DN nên thực hiện thận trọng và lên kế hoạch thực hiện. Đối với các hoạt động về định hướng chiến lược CĐS và an ninh thông tin mạng, DN nên ủy thác cho các công ty có nhiều kinh nghiệm hơn hỗ trợ hoặc áp dụng thuê hay mua các công cụ số có sẵn. DN chưa nên tập trung vào các hoạt động về hạ tầng CNTT, dữ liệu, phân tích dữ liệu và nhà máy thông minh vào thời điểm hiện tại. Đây cũng là một đặc điểm khá phổ biến của các DNVVN với giới hạn về thời gian và nguồn lực nên họ sẽ tập trung vào các hoạt động tạo ra lợi nhuận trước.

Hình 9. Các hoạt động chính DN ưu tiên thực hiện CĐS hiện tại và trong tương lai

Nghiên cứu đã trình bày tổng quan về thực trạng CĐS của DNVVN tại VN trong những năm gần đây. Mức độ sẵn sàng CĐS của DN tại VN trong giai đoạn trước năm 2019 vẫn còn ở mức thấp, đặc biệt là DNVVN. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19 đã có những điểm sáng về mức độ sẵn sàng CĐS của DNVVN tại VN. Mặc dù vậy, các DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn và rào cản về tài chính, cơ sở hạ tầng… khi thực hiện CĐS. Bộ Chính trị, Chính phủ và các Bộ ngành liên quan đã ban hành rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ DNVVN, đặc biệt là quá trình tiếp cận CMCN 4.0 và thực hiện CĐS.

Nghiên cứu cũng đã trình bày kết quả khảo sát Delphi theo hướng tiếp cận Foresight về hiện trạng và tầm nhìn CĐS hiện nay trong các DNVVN tại VN với hơn 300 chuyên gia CĐS tại các DNVVN đánh giá về hiện trạng CĐS, trong đó có khoảng 100 chuyên gia đánh giá về định hướng tương lai việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 và công cụ số vào DN. Kết quả khảo sát cho thấy các DNVVN tại VN đang mong muốn có một công cụ số hay một hệ thống thông tin nhằm hỗ trợ DN thực hiện CĐS một cách toàn diện và hiệu quả hơn. Đồng thời, do các giới hạn về tài chính, nhân sự, công nghệ nên các DNVVN nên ưu tiên và lựa chọn các ứng dụng công nghệ phù hợp và thực hiện dần. Từ kết quả khảo sát, các DNVVN nên tập trung vào các công nghệ của CMCN 4.0 như: In 3D, robot tự động, tích hợp hệ thống ngang và dọc, mô phỏng, điện toán đám mây và an ninh mạng; và ưu tiên thực hiện CĐS cho các hoạt động thuộc quy trình nghiệp vụ, khách hàng và thị trường.

Xem toàn bộ Bài nghiên cứu Xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam – Tiếp cận Foresight TẠI ĐÂY.

Tác giả: Nguyễn Mạnh Tuấn, Lê Ngọc Thạnh – Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Trương Văn Tú, Nguyễn Trung Tuấn – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #95 tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021