[Podcast] Phát Triển Ứng Dụng Công Nghệ 4.0 Trong Nông Nghiệp Ở Tỉnh Đồng Nai – Phần 1: Thực Tiễn Phát Triển Nông Nghiệp Ứng Dụng 4.0  

4 Tháng Tám, 2022

Nông nghiệp chỉ chiếm gần 6% GDP của tỉnh Đồng Nai, nhưng là trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh, chẳng những tạo ra khối lượng sản phẩm thỏa mãn nhu cầu của hàng triệu người dân trong tỉnh, khu vực Đông Nam Bộ mà còn góp phần xuất khẩu đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid đã và đang hoành hành, đẩy lùi tốc độ tăng trưởng của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới thì nông nghiệp của tỉnh vẫn tăng trưởng, tuy tốc độ không cao. Nông nghiệp của Đồng Nai có thể tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn nếu tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ cao, trong đó có công nghệ 4.0. Trong phần 1 của bài viết này, nhóm tác giả tập trung đánh giá tổng quát và tình hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay. 

Thực trạng phát triển nông nghiệp Đồng Nai trong cuộc cách mạng 4.0

Thay lời nhận định về ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp ở Đồng Nai, chúng tôi trích và nêu nhận xét của một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp về ứng dụng công nghệ cao ở Đồng NaiTS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã nhận xét: “Điểm nổi bật của Đồng Nai là đã thu hút được nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ mới, vào các giải pháp thông minh với cách làm hay, hiệu quả vì tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng lại rẻ tiền và phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương”. Các ví dụ cụ thể:

Trong lĩnh vực chăn nuôi của Đồng Nai: Theo thống kê, Đồng Nai có khoảng 246 trang trại chăn nuôi heo và 170 trang trại chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao. Các điển hình như:

  • Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Sản Xuất và Chăn Nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) đã nhập công nghệ chăn nuôi hiện đại của châu Âu nhưng từ hệ thống cân bằng nhiệt độ, độ ẩm; công nghệ làm mát, sưởi… đều được cải tiến cho thích hợp với điều kiện thời tiết nhiệt đới.
  • Hợp Tác Xã Dịch Vụ Chăn Nuôi Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) đang áp dụng công nghệ cao của Canada trong quy trình chăn nuôi heo sinh sản. Đơn vị cũng đang sử dụng phần mềm tiên tiến nhằm tối ưu hóa quá trình nuôi và kiểm soát chặt chẽ chất lượng heo giống. Mục tiêu của hợp tác xã là để tạo ra được nguồn giống tốt cung cấp rộng rãi cho người chăn nuôi trong nước.
  • Công ty TNHH Thương Mại Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc) đầu tư nhà máy sản xuất phân gà hữu cơ và lập trang trại rộng 13 héc-ta với hệ thống nhà màng trồng rau, quả sạch. Ông chủ trang trại tự thiết kế robot được lập trình tự động trong việc tưới nước cho cây; ứng dụng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống làm mát trong nhà màng để có chi phí sản xuất rẻ nhất…
  • Nhiều doanh nghiệp ứng dụng chăn nuôi chuồng lạnh khép kín theo quy trình an toàn sinh học, triển khai quản lý chăn nuôi qua phần mềm Te-Food…

Nông nghiệp 4.0 trong lĩnh vực trồng trọt: Đồng Nai đã và đang triển khai trên 50 loại mô hình nông nghiệp có hiệu quả với diện tích gần 80 ngàn hecta, chiếm hơn 28% diện tích các loại cây trồng. Nhiều diện tích sản xuất được ứng dụng công nghệ cao gồm: công nghệ tưới nước tiết kiệm (tưới thông minh, tiết kiệm), đẩy mạnh cơ giới hóa trên cây trồng đạt 84%. Trong đó, vườn tiêu của ông Nguyễn Văn Quang – lớp nông dân đầu tiên của Đồng Nai được cấp chứng nhận vườn tiêu GlobalGAP tại xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) đã không ngại đầu tư vốn lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Israel cho toàn bộ vườn tiêu rộng 3 hecta của gia đình. Hệ thống tưới này được lập trình sẵn, có thể dùng điện thoại thông minh điều khiển hoạt động mở, tắt từ xa.

Thủy sản ứng dụng 4.0 ở Đồng Nai: Nhiều địa phương trên địa bàn Đồng Nai, điển hình là tại huyện Nhơn Trạch đã có nhiều hộ dân đầu tư hệ thống nuôi tôm công nghệ cao theo quy trình CPF combine (phối hợp) từ Tập đoàn C.P Việt Nam chuyển giao. Công nghệ này được đầu tư hệ thống xử lý nước, hệ thống cho ăn tự động, giám sát sự tăng trưởng tôm nuôi trồng.

Những hạn chế trong phát triển nông nghiệp 4.0 ở Đồng Nai

Để đánh giá sâu sắc về tình hình ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi đã khảo sát 246 doanh nghiệp. Trong đó, nhóm doanh nghiệp có loại hình trách nhiệm hữu hạn (TNHH) chiếm số lượng nhiều nhất với 194 doanh nghiệp (chiếm 78.9%); đứng số lượng thứ hai là các loại hình doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài (16 doanh nghiệp, chiếm 6.5%); và thứ 3 là doanh nghiệp cổ phần không có vốn nhà nước (15 doanh nghiệp, chiếm 6.1%); đứng thứ 4 trong nhóm này là loại hình tư nhân (8 doanh nghiệp, 3.%). 

Qua biểu đồ 1 cho thấy: có 134 doanh nghiệp đã có kiến thức về CN 4.0 nhưng chưa đầy đủ (chiếm 54.5%); số lượng doanh nghiệp chỉ biết nhưng chưa tìm hiểu và không có thông tin còn nhiều (76 doanh nghiệp chỉ biết nhưng chưa tìm hiểu, 19 doanh nghiệp không có thông tin), nhóm này là những doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ và số vốn nhỏ nên chưa có định hướng tìm hiểu các ứng dụng công nghệ mới này.

Biểu đồ 1: Đánh giá về hiểu biết về ứng dụng công nghệ 4.0
trong ngành sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai (ĐVT: DN)

Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm NC năm 2021

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu ở biểu đồ 2 cho thấy: có đến 135 doanh nghiệp (chiếm gần 55%) chưa có chiến lược xây dựng và áp dụng CN 4.0, đây là số lượng doanh nghiệp mà chính quyền tỉnh Đồng Nai cần nghiên cứu để có sự hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp. Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh cần nghiên cứu mô hình các tổ tư vấn dành cho từng nhóm ngành hàng riêng biệt để các doanh nghiệp có cùng nhóm ngành hàng có thể hỗ trợ hay phối hợp với nhau ứng dụng công nghệ hiệu quả hơn. Biểu đồ 2 cũng cho thấy, một tín hiệu khá tốt khác là có đến 84 doanh nghiệp đang xây dựng chiến lược áp dụng CN 4.0 (chiếm 34.1 %) và có 23 doanh nghiệp (9.3%) đang thực hiện chiến lược áp dụng CN 4.0. 

Biểu đồ 2: Tình hình xây dựng chiến lược CN 4.0
ở các doanh nghiệp nông nghiệp Đồng Nai (ĐVT: DN)

Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm NC năm 2021

Kết quả khảo sát thể hiện qua bảng 3 cho thấy: mức đầu tư của các doanh nghiệp cho ứng dụng CN 4.0 còn khiêm tốn và dàn trải cho nhiều công nghệ 4.0 đơn giản. Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô kinh doanh của đa số doanh nghiệp được khảo sát còn nhỏ, khó tiếp cận đến nguồn vốn đầu tư.

Bảng 3: Tình hình các doanh nghiệp nông nghiệp ở Đồng Nai đầu tư cho ứng dụng CN 4.0 (ĐVT: DN)

                        Tổng đầu tư

              Cho

Dưới 1 tỷ đồng Từ 1 tỷ – 10 tỷ đồng Trên 10 tỷ đồng Tổng DN
Đã đầu tư cho nghiên cứu và phát triển 226 17 3 246
Đã đầu tư cho sản xuất, hậu cần mua sắm 209 29 8 246
Đã đầu tư cho bán hàng và phân phối sản phẩm 218 24 4 246
Đã đầu tư cho dịch vụ sau bán hàng 224 20 2 246
Đã đầu tư cho dich vu xúc tien và định giá 231 13 2 246
Đã đầu tư cho phát triển nguồn lực 228 15 3 246
Đã đầu tư cho công nghệ thông tin 218 24 4 246
Đã đầu tư cho quản tri kế toán tài chính 220 21 5 246

Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm NC năm 2021

Theo kết quả khảo sát ở bảng 4 cho thấy, các loại hình công nghệ 4.0 mà doanh nghiệp nông nghiệp ở Đồng Nai đang áp dụng chỉ ở khâu đơn giản hoặc trung bình. Có ba hệ thống CN 4.0 được các doanh nghiệp áp dụng nhiều đó là: (1) PPS – hệ thống lập kế hoạch sản xuất với 75 doanh nghiệp; (2) MES – Hệ thống quản lý vận hành sản xuất với 63 doanh nghiệp cùng; (3) Hệ thống quản lý vòng đời sản phẩm với 63 doanh nghiệp sử dụng. Các hệ thống còn lại chỉ khoảng 12-16 doanh nghiệp sử dụng. Lý do chủ yếu là thiếu kinh phí và nguồn nhân lực để vận hành hệ thống, hơn nữa nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức tính cần thiết phải ứng dụng mạnh CN 4.0 vì nghi ngờ tính hiệu quả so với chi phí bỏ ra.

Bảng 4: Tình hình sử dụng công nghệ 4.0 trong quản lý
ở các doanh nghiệp nông nghiệp tỉnh Đồng Nai (ĐVT: DN)

Tình hình sử dụng MES – Hệ thống quản lý vận hành sản xuất ERP – Hệ thống lâp kế hoach quản lý nguồn lực PDM – Hệ thống quản lý dữ liệu SP PPS – Hệ thống lập kế hoạch SX PDA – Hệ thống thu thập dữ liệu SX MDC – Hệ thống thu thập dự liệu máy móc CAD – Hệ thống thiết kế với sự hỗ trợ máy tính SCM – Hệ thống quan quản lý chuỗi cung ứng PLM – Hệ thống quản lý vòng đời của SP
Có 63 41 29 75 30 54 33 27 63
Không 183 205 217 171 216 192 213 219 183
Tổng DN 246 246 246 246 246 246 246 246 246

Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu 2021

Qua kết quả khảo sát trong bảng 5 cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng 4.0 còn nhiều hạn chế.

Bảng 5: Tình hình nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp nông nghiệp Đồng Nai
đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ 4.0 (ĐVT: DN)

Các năng lực phát triển CN 4.0 Hoàn toàn không Chưa có Có, nhưng chưa đáp ứng Đã Có
1. Kiến thức nền tảng công nghệ thông tin 19 86 103 38
2. Vận hành công nghệ tự động hóa 21 117 95 13
3. Kỹ thuật phát triển/ứng dụng hệ thống hỗ trợ 23 114 99 10
4. Chuyên gia kỹ thuật sử dụng phần mềm cộng tác 17 113 100 16
5. Khả năng tư duy hiểu biết hệ thống CN 4.0 19 72 141 14
6. Kỹ năng kỹ thuật xử lý số liệu 22 74 141 9
7. Năng lực bảo mật thông tin 16 61 151 18

Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu 2021

Dựa vào những khảo sát trên, nhóm tác giả đánh giá rằng chuyên gia, người lao động đã có những kỹ năng bảo mật thông tin truyền thông, tư duy hiểu biết về hệ thống, kỹ thuật phân tích dữ liệu và bảo mật thông tin truyền thông khá cao (từ 38% – 61% số lượng doanh nghiệp), tuy nhiên đội ngũ này có kiến thức, kỹ năng chưa đầy đủ cần phải tập huấn hoặc đào tạo. Bên cạnh đó, trong các doanh nghiệp nông nghiệp tại Đồng Nai, số chuyên gia, kỹ thuật viên hoàn toàn chưa có các kỹ năng vận hành công nghệ 4.0 còn khá cao (từ 24% – 47%), đặc biệt là các kỹ năng về công nghệ tự động hóa (117 doanh nghiệp), kỹ thuật phát triển ứng dụng hệ thống hỗ trợ (114 doanh nghiệp), kỹ thuật sử dụng phần mềm công tác (113 doanh nghiệp)… Đây là một trong những vấn đề cốt lõi cần đặt ra cho chính quyền địa phương Đồng Nai, nếu muốn thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CN 4.0 vào quá trình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, mang tính cạnh tranh và bền vững thì đội ngũ lao động lành nghề phải được đào tạo như thế nào? Như vậy việc triển khai nguồn nhân lực là một trong những vấn đề lớn mà tỉnh Đồng Nai cần xem xét và thực hiện ngay.

Tuy một số lĩnh vực của các ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bước đầu áp dụng được công nghệ của nông nghiệp 4.0 nhưng nhìn chung, việc áp dụng đó còn manh mún, tự phát. Trình độ ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp Đồng Nai chưa mạnh để đáp ứng yêu cầu phát triển. Ví dụ, Đồng Nai hiện có 246 trang trại chăn nuôi heo và 170 trang trại chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao, đối với các tỉnh khác, đây là những con số quá ấn tượng, nhưng nếu đem so với tổng số hơn 2.200 trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay, số trại công nghệ cao rõ ràng vẫn còn đang chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn. Đề án nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030 còn chậm. Chúng tôi đồng tình với nhận xét của TS. Lê Quý Kha – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam: “Nền nông nghiệp cao ở Đồng Nai tiến bộ hơn các tỉnh khác rất nhiều. Đồng Nai có nhiều mô hình về trồng trọt cũng như về chăn nuôi, trồng rau thủy canh, chăn nuôi trứng gà sạch, trồng bưởi VietGAP. Tuy nhiên, các mô hình đó chỉ mới xuất hiện ở doanh nghiệp lớn và những trang trại lớn, còn lại ngoài đại trà chưa trở thành cuộc cách mạng cho toàn dân được”.

Xem toàn bộ bài nghiên cứu Phát triển ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai Tại đây. Nhóm tác giả: GS.TS. Võ Thanh Thu – Khoa Kinh doanh quốc tế – Marketing, Trường Kinh doanh UEH; ThS. Phạm Quang Văn – Giảng viên ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #53 “Giải Pháp Đẩy Mạnh Phát Triển Công Nghệ 4.0 Trong Nông Nghiệp Đồng Nai”.

Tin, ảnh: Nhóm tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Giọng đọc: Ngọc Quí

Tài liệu tham khảo:

  1. Ilaria Zambon ,Massimo Cecchini ,Gianluca Egidi ,Maria Grazia Saporito  and Andrea Colantoni( 2019) Revolution 4.0: Industry vs. Agriculture in a Future Development for SMEs
  2. Thomas Keller ( 2019) Historical increase in agricultural machinery weights enhanced soil stress levels and adversely affected soil functioning
  3. Quyết định  của UBND Đồng Nai số 23/2021/QĐ-UBND  “Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 6 năm 2021.
  4. https://nhandan.vn/goc-nhin-kinh-te/lua-chon-nao-cho-nong-nghiep-thong-minh-4-0-581109/

 

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021