[Podcast] Can thiệp ngoại hối trong khuôn khổ chính sách tiền tệ mục tiêu lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi

3 Tháng Ba, 2025

Từ khóa: can thiệp ngoại hối, chính sách tiền tệ, lãi suất, nền kinh tế mới nổi, hiệu ứng bất cân xứng

Vai trò của can thiệp ngoại hối trong điều hành chính sách tiền tệ là một vấn đề có nhiều tranh cãi đang diễn ra, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi theo khuôn khổ mục tiêu lạm phát trong điều hành chính sách tiền tệ. Tham khảo nghiên cứu của tác giả thuộc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) để hiểu rõ hơn về vấn đề này!

Thumb Lớn Thương Hiệu Học Thuật Mới (14)

Vào những năm 1990, nhiều quốc gia đã phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính nặng nề. Điều này đã thúc đẩy họ cải cách hệ thống tài chính và khuôn khổ chính sách tiền tệ của mình nhằm ngăn ngừa siêu lạm phát và phục hồi nền kinh tế. Kể từ khi chính sách tiền tệ mục tiêu lạm phát xuất hiện tại New Zealand vào năm 1990, ngày càng nhiều các nền kinh tế mới nổi đã chuyển sang áp dụng khuôn khổ này. Theo đó, họ thay đổi chế độ tỷ giá hối đoái của mình từ “cố định” sang “thả nổi” và thay đổi neo danh nghĩa từ “tỷ giá hối đoái” sang “lạm phát”. Về mặt lý thuyết, cơ quan tiền tệ ở các quốc gia áp dụng khuôn khổ mục tiêu lạm phát phải cam kết thực hiện một mục tiêu lạm phát rõ ràng và chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi, được gọi là mục tiêu lạm phát nghiêm ngặt. Một cam kết rõ ràng như vậy giúp giảm kỳ vọng lạm phát (Mishkin và Schmidt-Hebbel, 2007), thông qua đó góp phần nâng cao uy tín của ngân hàng trung ương và khiến khuôn khổ này trở nên bền vững hơn so với các khuôn khổ khác. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện chính sách tiền tệ lại là một câu chuyện khác ở các nền kinh tế mới nổi, theo đó cơ quan tiền tệ tại các quốc gia này thường quản lý tỷ giá hối đoái ở một mức độ nào đó bằng cách thay đổi lãi suất hoặc tiến hành can thiệp vào thị trường ngoại hối. Khuôn khổ này được gọi là mục tiêu lạm phát linh hoạt. Do đó, một cuộc tranh luận nổi lên trong những năm gần đây là tính nhất quán của chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu với mục tiêu chính của nó – lạm phát – có thực sự đạt yêu cầu.

Tuy có nhiều nghiên về chính sách can thiệp ngoại hối (Adler và cộng sự, 2021; Banerjee và cộng sự, 2018; Ding và Wang, 2022; Faltermeier và cộng sự, 2022; Hansen và Morales, 2019; Kaminsky và Lewis, 1996; Krizek và Brcak, 2021; Mohanty và Berger, 2013; Rakhmad và Handoyo, 2020; Rossini và cộng sự, 2013) nhưng mối liên hệ giữa can thiệp ngoại hối và chính sách tiền tệ dường như đã bị bỏ qua trong cơ sở nghiên cứu hiện có. Như đã biết, mặc dù can thiệp ngoại hối được sử dụng khá phổ biến và thường xuyên tại các quốc gia mới nổi (Chang, 2008; Domaç và Mendoza, 2004; Hansen và Morales, 2019; Humala và Rodríguez, 2010; Krizek và Brcak, 2021; Sideris, 2008; Villamizar‐Villegas, 2016) nhưng những nghiên cứu về mối quan hệ giữa chúng và chính sách tiền tệ khá khan hiếm tại các nền kinh tế này. Bài nghiên cứu của tác giả UEH nhằm mục đích lấp đầy những khoảng trống nghiên cứu này bằng cách xem xét mối quan hệ giữa can thiệp ngoại hối và chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế mới nổi nơi mà khuôn khổ mục tiêu lạm phát được áp dụng. 

Bài nghiên cứu cung cấp nhiều bằng chứng thực nghiệm và thảo luận về các khía cạnh quan trọng trong mối quan hệ tương tác giữa hai chính sách này ở các nền kinh tế mới nổi có chính sách tiền tệ mục tiêu lạm phát, thông qua đó trả lời những câu hỏi nghiên cứu quan trọng như: 

  • Thứ nhất, lãi suất phản ứng như thế nào trước các hành động can thiệp ngoại hối? 
  • Thứ hai, lãi suất có phản ứng bất đối xứng với các can thiệp mua và bán hay không?
  • Thứ ba, các cú sốc cấu trúc có tác động như thế nào đến mối quan hệ giữa can thiệp ngoại hối và chính sách tiền tệ?

Bài nghiên cứu này sử dụng mô hình ARDL để nghiên cứu sự năng động trong mối liên hệ can thiệp ngoại hối – chính sách tiền tệ tại 12 nền kinh tế mới nổi theo đuổi mục tiêu lạm phát. Các kết quả thực nghiệm cung cấp bằng chứng về vai trò quan trọng của các can thiệp ngoại hối trong việc thực hiện chính sách tiền tệ ở các quốc gia này. Đặc biệt, những thay đổi trong dự trữ ngoại hối dẫn đến những thay đổi trong lãi suất ở hầu hết các nền kinh tế mới nổi. Tác động âm được thể hiện rõ ở nhiều quốc gia (Brazil, Colombia, Mexico, Romania, Turkey, and South Africa) nhưng tác động dương xuất hiện ở một vài nền kinh tế (Hungary). Hơn nữa, cần lưu ý rằng các tác động của can thiệp chịu ảnh hưởng của các cú sốc cấu trúc như khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 -2009 và đại dịch Covid. Cuối cùng, tác động của can thiệp ngoại hối đối với lãi suất là không cân xứng, với sự thiên vị nghiêng về phía các can thiệp bán ngoại hối. Cụ thể, các can thiệp bán ngoại hối có tác động đáng kể lên lãi suất ở hầu hết các nền kinh tế mới nổi trong khi tác động của các can thiệp mua ngoại hối chỉ có ý nghĩa ở Thái Lan.

Những phát hiện trong bài nghiên cứu này ngụ ý rằng, khuôn khổ mục tiêu lạm phát linh hoạt là phổ biến ở các nền kinh tế mới nổi. Chúng chỉ ra xu hướng rời xa các giải pháp góc như được đề xuất trong “Bộ ba bất khả thi”, theo đó tỷ giá hối đoái không hoàn toàn thả nổi và chính sách tiền tệ mất đi một số quyền tự chủ. Hơn nữa, nếu các cơ quan tiền tệ can thiệp mạnh mẽ và thường xuyên để ổn định biến động tỷ giá hối đoái thì sẽ có nguy cơ tỷ giá hối đoái trở nên được ưu tiên hơn so với mục tiêu lạm phát và trở thành một mỏ neo danh nghĩa mới.

Những phát hiện này cũng đưa ra một số hàm ý cho những người tham gia thị trường và các nhà hoạch định chính sách. Trước tiên, những người tham gia thị trường nên xem xét thông tin được nhúng vào chính sách can thiệp khi phân tích lập trường của chính sách tiền tệ cũng như hành vi của các cơ quan tiền tệ tại các nền kinh tế mới nổi theo đuổi mục tiêu lạm phát. Nguyên nhân là do can thiệp ngoại hối có tác động đáng kể đến việc thiết lập lãi suất ở hầu hết các nền kinh tế mới nổi và các tác động có thể không cân xứng và không nhất quán giữa các quốc gia. 

Với các nhà hoạch định chính sách, việc can thiệp ngoại hối được sử dụng phổ biến và có tác động đáng kể đến lãi suất có thể cung cấp thông tin sai lệch về ưu tiên của chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế mới nổi đang áp dụng khuôn khổ mục tiêu lạm phát. Điều này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn hay bối rối của công chúng cũng như làm giảm uy tín của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, có thể giảm thiểu những vấn đề này bằng cách cải thiện tính minh bạch của chính sách tiền tệ và chính sách can thiệp ngoại hối. Việc duy trì sự nhất quán về mục tiêu giữa chính sách tiền tệ và các biện pháp can thiệp ngoại hối là được khuyến nghị. Các biện pháp can thiệp sẽ không diễn ra khi chúng làm giảm khả năng thực hiện các cam kết về mục tiêu lạm phát. Trong mọi trường hợp, lãi suất nên được điều chỉnh trước nhất. Trong khi đó, các biện pháp can thiệp nên được sử dụng hạn chế và chúng nên được sử dụng như một công cụ bổ sung của chính sách tiền tệ.

Mặc dù can thiệp ngoại hối có vai trò quan trọng trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi nhưng sự hiểu biết về chúng vẫn còn hạn chế. Các nghiên cứu trong tương lai nên điều tra sâu hơn xem liệu can thiệp ngoại hối có liên quan đến sự phát triển của lạm phát hay tỷ giá hối đoái hay không. Câu trả lời khẳng định cho ý thứ nhất có thể chứng minh can thiệp ngoại hối là một công cụ được sử dụng để giải quyết áp lực lạm phát, ngụ ý sự tồn tại của khuôn khổ đa công cụ trong việc thực hiện chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế mới nổi theo đuổi khuôn khổ mục tiêu lạm phát. Trên thực tế, khuôn khổ mục tiêu lạm phát thông thường không phủ nhận thực tế rằng tỷ giá hối đoái có tác động đến chính sách tiền tệ. Theo Svensson (1999), các cơ quan tiền tệ nên phản ứng với bất kỳ biến số nào chứa đựng thông tin về diễn biến của lạm phát. Mặt khác, câu trả lời khẳng định cho ý thứ hai cho thấy việc sử dụng tích cực chính sách can thiệp để giải quyết những thay đổi của tỷ giá hối đoái. Điều này ngụ ý sự tồn tại của mục tiêu kép hay khuôn khổ đa mục tiêu mặc dù khuôn khổ mục tiêu lạm phát được áp dụng ở các nền kinh tế mới nổi. 

Xem toàn bộ bài nghiên cứu Can thiệp ngoại hối trong khuôn khổ chính sách tiền tệ mục tiêu lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi TẠI ĐÂY.

Tác giả: TS. Bùi Thành Trung – Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem bản tin UEH Research Insights tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Ban Truyền thông và Phát triển đối tác UEH

Giọng đọc: Thanh KiềuChân Trang (1)

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021