[Podcast] Báo cáo kinh tế TP.HCM: Phục hồi và Thách thức – Kỳ 2: Tăng trưởng kinh tế TP. HCM 6 tháng đầu năm 2024

2 Tháng Tám, 2024

“Báo cáo Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh: Phục hồi và Thách thức” là ấn phẩm nghiên cứu khoa học do Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong 06 tháng đầu năm 2024, kết quả đã đạt được, phân tích các thách thức, dự báo khả năng phục hồi, cũng như đề xuất các chính sách gợi ý cho chính quyền Thành phố. Tại kỳ 2 của bài viết, nhóm tác giả đã phân tích tình hình tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong nửa đầu năm 2024.

Tốc độ tăng trưởng GRDP TP. HCM 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy nền kinh tế tiếp tục duy trì được đà hồi phục tiệm tiến về mức tiềm năng 

GRDP 6 tháng đầu năm 2024 của TP. HCM ước tính đạt 568 nghìn tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 6,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, GRDP quý I/2024 ước tính tăng 6,54% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng mức tăng trưởng GRDP của quý I/2023 là khá thấp so với xu hướng tiềm năng, vì vậy mức tăng trưởng GRDP của quý I/2024 phản ánh sự bật tăng trở lại từ một mức nền so sánh khá thấp. GRDP của TP. HCM trong quý II/2024 ước tính tăng 6,31% so với cùng kỳ năm trước, vốn dĩ là một mức nền khá cao. Nhóm nghiên cứu đánh giá rằng tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2024 của TP. HCM vẫn đang phục hồi tiệm tiến về mức xu hướng tiềm năng. Điều này phản ánh tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn TP. HCM vẫn đang tiếp tục đà hồi phục ổn định nhưng vẫn ở dưới mức sản xuất tiềm năng.

Bảng 1 cho thấy tăng trưởng GRDP của TP. HCM trong quý I/2024 chủ yếu đến từ khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, trong đó mức nền so sánh ở quý I/2023 của dịch vụ là khá thấp, của công nghiệp là thấp và của xây dựng là rất thấp. Sang quý II/2024, tăng trưởng GRDP của TP. HCM vẫn tiếp tục được dẫn dắt bởi khu vực dịch vụ và công nghiệp, lưu ý rằng mức nền so sánh ở quý II/2023 của cả hai khu vực này đều khá cao. Trong khi đó, khu vực xây dựng trong quý II/2024 ước tính chỉ tăng trưởng 4,1%, mặc dù mức nền so sánh của khu vực xây dựng ở quý II/2023 là khá thấp. Theo giá hiện hành, khu vực dịch vụ chiếm 1.04% trong GDRP, công nghiệp và xây dựng chiếm 21%.

Các chỉ số cho thấy tốc độ hồi phục của tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn TP. HCM phần lớn đến từ tiêu dùng và xuất khẩu 

Sự phục hồi trong tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn TP. HCM đầu tiên đến từ tăng trưởng trong tiêu dùng. Điều này được gián tiếp thể hiện trong mức tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cùng với doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (theo giá hiện hành) trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn TP. HCM ước tính đạt 558 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (con số tương ứng của cả nước là 3.098 nghìn tỷ đồng và tăng 8,6%). Trong đó, bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng 48% và tăng 10,2%, dịch vụ lưu trú, ăn uống chiếm tỷ trọng 11,2% và tăng 8,1%, du lịch lữ hành chiếm tỷ trọng 3,4% và tăng 63,3%, các dịch vụ khác chiếm tỷ trọng 37,4% và tăng 7,2%. Tuy nhiên, nếu cân nhắc thêm yếu tố lạm phát, hình 4 cho thấy con số 558 nghìn tỷ đồng không phải là cao so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm của các năm trong giai đoạn 2019-2021. Điều này cho thấy tiêu dùng trên địa bàn TP. HCM vẫn đang phục hồi tương đối chậm so với xu hướng trước Đại dịch COVID-19, phản ánh tâm lý tiết kiệm phòng ngừa của người dân khi đối mặt với môi trường kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều rủi ro và bất định. Hành vi tiêu dùng này thường xuất hiện khi người dân có những kỳ vọng bi quan về dòng thu nhập trong tương lai.

Trong khi đó, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải (theo giá hiện hành) trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn TP. HCM ước tính tăng 32,42% so với cùng kỳ năm trước. Cân nhắc đến yếu tố lạm phát, hình 4 cho thấy đây vẫn là con số khá cao so với doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải của 6 tháng đầu năm các năm trong giai đoạn 2019-2023.

Sự phục hồi trong tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn TP. HCM cũng đến từ tăng trưởng trong xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu theo giá hiện hành của TP. HCM trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tính đạt khoảng 20,6 tỷ USD (tương đương khoảng 524 nghìn tỷ đồng theo tỷ giá hiện hành), tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, quý I/2024 ước tính đạt 11,11 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; quý II/2024 ước tính đạt 9,45 tỷ USD, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Hình 5 cho thấy những con số này không phải là cao so với giá trị xuất khẩu của quý I và quý II các năm trong giai đoạn 2019-2022. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM vẫn chưa thực sự tận dụng được sự thuận lợi đến từ sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của TP. HCM là Trung Quốc và Mỹ. Đây có thể là một bước chậm trong ngắn hạn đến từ việc TP. HCM đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghệ cao và xanh hóa. Tuy nhiên, TP. HCM cần phải nghiên cứu chi tiết hơn để có thể đánh giá đúng đắn hiện trạng và xu hướng của hoạt động xuất khẩu để kịp thời có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp.

Nhiều chỉ số cho thấy các doanh nghiệp nội địa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và chưa có dấu hiệu hồi phục vững chắc trong hoạt động đầu tư

Tốc độ phục hồi của nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp của TP. HCM được phản ánh gián tiếp thông qua hoạt động sản xuất công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP. HCM trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; con số tương ứng của cả nước là 7,7%. Trong đó quý I/2024 tăng 4,98% và quý II/2024 tăng 6,21%. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng mức nền so sánh cùng kỳ của quý I/2024 là khá thấp. Hình 6 cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 và quý II/2024 của TP. HCM là những mức tăng tương đối cao so với quý I và quý II của các năm trong giai đoạn 2019-2022.

Trên địa bàn TP. HCM, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội (theo giá hiện hành) 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn của khu vực ngoài nhà nước chiếm 68,6% và tăng 3,8%; vốn của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 10,8% và giảm 10,3%. Điều này phần nào phản ánh đầu tư của các doanh nghiệp nội địa trên địa bàn TP. HCM vẫn còn phục hồi chậm tương đối so với cả nước. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 cũng đang được giải ngân khá chậm. So với cùng kỳ năm trước, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP. HCM trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 10,9 nghìn tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Mức giải ngân này chỉ mới đạt 13,8% tổng kế hoạch vốn được giao. Tốc độ giải ngân đầu tư công chậm phần nào gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng khá khiêm tốn của khu vực xây dựng.

Một số chỉ số khác cũng phản ánh phần nào hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp là (1) số lượng doanh nghiệp ra vào thị trường và (2) số dự án FDI cấp mới. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động là 33.824, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và giải thể là 22.462, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Hình 7 cho thấy số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường ròng3trong 6 tháng đầu năm 2024 của TP. HCM tăng ở mức khiêm tốn so với 6 tháng đầu năm 2023. Trong khi đó, số dự án FDI cấp mới được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2024 là 597, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tiếp tục xu hướng hồi phục ổn định sau khi giảm sâu vào 6 tháng đầu năm 2021 và đã gần quay trở lại với con số của 6 tháng đầu năm 2019 và 2020.

Bảng 2 cung cấp một bức tranh chi tiết hơn về các loại hình doanh nghiệp trong hai nhóm thành lập mới và tạm ngừng kinh doanh. Trong nhóm thành lập mới, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chiếm 74,4% tổng số doanh nghiệp và có mức tăng trưởng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn trên một thành viên chỉ chiếm lần lượt 7,8% và 17% tổng số doanh nghiệp thành lập mới và có mức tăng trưởng âm lần lượt là –4,9% và –2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trái lại trong nhóm ngừng kinh doanh, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn trên một thành viên chiếm lần lượt 12,8% và 30,7% tổng số doanh nghiệp và có mức tăng trưởng lần lượt là 23,7% và 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chiếm 54,6% tổng số doanh nghiệp ngừng kinh doanh và có mức tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Bức tranh này cảnh báo rằng các doanh nghiệp thành lập mới có quy mô nhỏ tương đối so với các doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn dự báo và mặt bằng lãi suất trong nước xuống khá thấp trong 6 tháng đầu năm 2024, việc các doanh nghiệp nội địa trên địa bàn TP. HCM đang có dấu hiệu gặp khó khăn và có xu hướng tăng trưởng đầu tư khiêm tốn là điều cần phải theo dõi thêm. Có ba nguyên nhân tiềm năng có thể giải thích cho vấn đề này. Nguyên nhân đầu tiên là nhu cầu của thị trường vẫn chưa tăng trưởng mạnh và đối mặt với nhiều rủi ro. Cụ thể như đã nói ở trên, tiêu dùng trong nước đang phục hồi chậm, trong khi đó các doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM vẫn chưa tận dụng được cơ hội đến từ sự phục hồi của thị trường xuất khẩu. Điều này kết hợp với môi trường kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều rủi ro và bất định khiến các doanh nghiệp nội địa trì hoãn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Nguyên nhân thứ hai là tình hình nợ xấu có chiều hướng gia tăng khiến các ngân hàng khắt khe hơn với các tiêu chuẩn cho vay nhằm bảo toàn thanh khoản phòng ngừa cho các biến cố trong hệ thống. Các doanh nghiệp nội địa vừa và nhỏ không có nhiều tài sản cầm cố giá trị sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trong khi đó, khu vực bất động sản với nhiều tài sản cầm cố giá trị sẽ dễ dàng tiếp cận tín dụng hơn, dẫn đến rủi ro vốn chảy vào đầu cơ bất động sản thay vì đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo thống kê của Ngân Hàng Nhà Nước chi nhánh TP. HCM, tín dụng bất động sản trên địa bàn TP. HCM tính đến hết tháng 5/2024 đạt mức dư nợ gần 993 nghìn tỷ đồng, chiếm 28% tổng dư nợ tín dụng và tăng 2,78% so với cuối năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn.

Nguyên nhân thứ ba là các ngân hàng gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi mặt bằng lãi suất xuống thấp. Từ đầu quý II/2024 đến nay, các ngân hàng đã liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi để huy động vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng. Trong bối cảnh đó thì các đợt tăng giá vàng đột biến vừa qua lại phản ánh một lượng tiền lớn đang chảy vào hoạt động đầu cơ vàng.

Xem toàn bộ Báo cáo Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh: Phục hồi và Thách thức TẠI ĐÂY.

Nhóm tác giả: TS. Hồ Hoàng Anh – Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (chủ biên); ThS. Nguyễn Văn Thắng – Cục Thống kê TP.HCM (đồng chủ biên); Lê Minh Hùng – Cục Thống kê TP. HCM; TS. Nguyễn Thanh Bình, Cục Thống kê TP. HCM; ThS. Võ Đức Hoàng Vũ – Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Ban cố vấn: GS.TS. Nguyễn Đông Phong – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; GS.TS. Sử Đình Thành – Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; ThS. Nguyễn Khắc Hoàng – Cục trưởng Cục Thống kê TP. HCM; GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài – Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS. Phạm Khánh Nam – Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem bản tin UEH Research Insights #128 tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Marketing  Truyền thông UEH

Giọng đọc: Ngọc Quí

 

 

 

 

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021