[Podcast] Phát Triển Ứng Dụng Công Nghệ 4.0 Trong Nông Nghiệp Ở Tỉnh Đồng Nai -Phần 2: Giải Pháp

11 Tháng Tám, 2022

Nông nghiệp chỉ chiếm gần 6% GDP của tỉnh Đồng Nai, nhưng là trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh, chẳng những tạo ra khối lượng sản phẩm thỏa mãn nhu cầu của hàng triệu người dân trong tỉnh, khu vực Đông Nam Bộ mà còn góp phần xuất khẩu đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid đã và đang hoành hành, đẩy lùi tốc độ tăng trưởng của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới thì nông nghiệp của tỉnh vẫn tăng trưởng, tuy tốc độ không cao. Nông nghiệp của Đồng Nai có thể tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn nếu tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ cao, trong đó có công nghệ 4.0. Trong phần 2 của bài viết này, nhóm tác giả đưa ra các kiến nghị về ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Dựa trên tình hình thực tiễn đã được nghiên cứu và phân tích trong phần 1 của bài viết, nhóm tác giả đưa ra các giải pháp, kiến nghị đẩy mạnh phát triển công nghệ 4.0 trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cụ thể:

Khuyến nghị với UBND tỉnh và các cấp quản lý nông nghiệp ở Đồng Nai

  • Tỉnh Đồng Nai chủ động xây dựng chiến lược thúc đẩy phát triển công nghệ 4.0 trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung mở rộng theo chiều rộng và sâu ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp như: trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, thương mại điện tử sản phẩm nông nghiệp. Các chỉ tiêu của chiến lược phải được đưa vào chương trình hành động của UBND và Hội đồng nhân dân tỉnh.
  • UBND tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân huy động nguồn lực nhằm tạo đột phá ứng dụng nông nghiệp 4.0 ở những ngành hàng nông sản được coi là chủ lực của tỉnh. Lưu ý, vẫn phải chú ý đến phát triển nông nghiệp truyền thống theo hướng hữu cơ, có thương hiệu đã được thị trường chấp nhận.
  • Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NN & PTNN) của tỉnh cần bám sát Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 làm cơ sở để xây dựng chiến lược tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 trong các doanh nghiệp, trang trại, hộ gia đình… trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… ở Đồng Nai.
  • Tại Sở NN & PTNN hoặc Sở Khoa học và Công nghệ (Sở KH & CN) xây dựng Hội đồng tư vấn phát triển CN 4.0, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng CN 4.0, đồng thời giúp tháo gỡ các khó khăn không những có liên quan đến kỹ thuật triển khai, mà còn các khó khăn liên quan đến cơ chế chính sách kinh tế – tài chính liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ 4.0.
  • Coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng 4.0 đối với đội ngũ lao động trong nông nghiệp, giúp họ có thể ứng dụng các công nghệ 4.0 từ đơn giản đến phức tạp trong sản xuất kinh doanh của mình.
  • Có chính sách thu hút đầu tư FDI, trong nước liên quan đến lĩnh vực nông nghệ cao và mở rộng hợp tác quốc tế để hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ phát triển nông nghệ 4.0 trên địa bàn tỉnh.
  • Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT) nên đầu tư dữ liệu lớn (Big data) về nông nghiệp: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến, thương mại, kinh nghiệm phát triển CN 4.0 trong và ngoài nước… sản phẩm nông nghiệp và cung cấp miễn phí cho hộ nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp. Qua kiến thức thông tin trong dữ liệu lớn, giúp cho nông dân, doanh nghiệp có tư duy, kiến thức, học hỏi kinh nghiệm triển khai CN 4.0.
  • Thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động Logistics nhằm hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tiếp cận có hiệu quả với thị trường trong và ngoài nước. Quan tâm ứng dụng công nghệ 4.0 trong tất cả chuỗi giá trị nông sản: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, thương mại…
  • Tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới các hoạt động truyền thống trong kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của các trang trại, cơ sở kinh doanh nông sản của Đồng Nai. Trong điều kiện hiện nay, việc phân phối tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), được xem là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả trong tiêu thụ nông sản. Tỉnh Đồng Nai nên chủ động hơn nữa, Sở Công thương tỉnh kết hợp với các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki triển khai các mô hình thí điểm hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa, chuyển đổi mô hình từ bán hàng online, từng bước phát triển các gian hàng trên Tiki. Đồng thời, Tiki dự kiến triển khai nhiều hoạt động khác liên quan đến thương mại điện tử tại Đồng Nai như: mở rộng kho bãi; phát triển, mở rộng hệ thống phân phối, giao nhận…
  • Sở công thương phối hợp với Sở NN & PTNT Đồng Nai sớm tổ chức các lớp đào tạo tập huấn bà con nông dân, chủ trang trại kỹ năng quảng bá sản phẩm, kỹ năng bán hàng livestream, đưa hàng lên chào bán trên sàn TM điện tử (đây là những ứng dụng của công nghệ 4.0). Đồng thời, hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, nhằm tạo điều kiện để bà con nông dân trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, hiểu và nắm bắt rõ hơn về xu hướng và yêu cầu thị trường, từ đó, sẽ tổ chức sản xuất được hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.
  • Tỉnh Đồng Nai nên có chiến lược đầu tư cho cơ sở hạ tầng: Đường truyền mạng kết nối, giao thông, thủy lợi, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, đẩy nhanh số hóa dịch vụ hành chính công… phục vụ cho thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0 trong các ngành kinh tế của tỉnh trong đó có nông nghiệp.

Các đề xuất trên của nhóm nghiên cứu phù hợp với kết quả khảo sát các doanh nghiệp, đơn vị hợp tác xã, trang trại nông nghiệp ở Đồng Nai có nguyện vọng các cấp quản lý Nhà nước hỗ trợ họ trong ứng dụng CN 4.0 (Bảng 6).

Bảng 6: Đánh giá năng lực thực hiện các giải pháp về CN 4.0 của doanh nghiệp

(ĐVT: DN)

Mức độ đánh giá

 

 

Các giải pháp đề xuất

Không có ý định Không có khả năng thực hiện Cần thêm sự hỗ trợ NN Đủ năng lực thực hiện
Xây dựng chiến lược, mô hình kinh doanh mới 44 41 143 18
Đầu tư vào hệ thống CNTT 35 43 148 20
Đầu tư vào các thiết bị tự vận hành và sản xuất 37 74 112 23
Ứng dụng công nghệ 4.0 trong bán hàng và marketing 41 33 136 36
Tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng LĐ 4.0 39 34 149 24
Ứng dụng CN 4.0 trong trao đổi thông tin trong nội bộ DN 32 33 140 41
Ứng dụng CN 4.0 trong trao đổi thông tin với khách hàng 33 30 153 30
Phát triển SP/DV mới theo hướng CMCN 4.0 37 42 149 18

Nguồn: Kết quả khảo sát DN nông nghiệp ở Đồng Nai 2021

Kết quả khảo sát nêu trong bảng 6 cho thấy, có từ 45% – 62% các doanh nghiệp có khả năng thực hiện các giải pháp CN 4.0 tại đơn vị mình nhưng cần thêm sự hỗ trợ từ chính quyền Nhà nước ở Trung ương và địa phương trong vấn đề thực hiện các giải pháp về ứng dụng CN 4.0 của đơn vị. Các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm nhiều đó là xây dựng mới cách thức trao đổi thông tin với khách hàng (153 doanh nghiệp); tái cơ cấu, nâng cao chất lượng lao động, phát triển sản phẩm dịch vụ mới theo hướng CMCN 4.0 (149 doanh nghiệp), hoặc là đầu tư mới hệ thống CNTT (148 doanh nghiệp), hay là xây dựng chiến lược mô hình kinh doanh mới (143 doanh nghiệp). Đây là số lượng lớn các doanh nghiệp cần hỗ trợ mà chưa kể đến số lượng doanh nghiệp hoàn toàn không có khả năng thực hiện mặc dù rất muốn thực hiện để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Khuyến nghị với các DN nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

  • Bản thân nông dân, nhà quản trị phải nâng cao nhận thức ích lợi thực sự khi triển khai ứng dụng CN 4.0 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, vì chỉ có nhận thức đúng mới có động lực triển khai, quyết tâm đầu tư ứng dụng CN 4.0.
  • Xây dựng chiến lược (kế hoạch) triển khai ứng dụng CN 4.0, trong đó nêu cụ thể kế hoạch triển khai từng năm: loại hình CN 4.0 triển khai, vốn đầu tư, nguồn nhân lực, các điều kiện để triển khai thành công.
  • Xác định chính xác thứ tự ưu tiên công nghệ 4.0 sẽ sử dụng ở DN, trong khâu nào? (Quản trị nguồn cung ứng; Quản lý kho tàng; Quản trị nguồn nhân lực; bán hàng; tiếp thị; giao tiếp khách hàng; quản trị khâu sản xuất, canh tác: nuôi trồng; phân tích chất đất, nước, tưới tiêu, phân bón, thuốc trừ sâu, thu hoạch, truy xét nguồn gốc sản phẩm…).
  • Tìm kiếm thông tin, nghiên cứu kinh nghiệm qua sách báo, big data, tham quan thực tế để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm ứng dụng công nghệ 4.0 để triển khai thành công ở doanh nghiệp mình.
  • Xây dựng kế hoạch tuyển dụng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho triển khai CN 4.0 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của mình. Bên cạnh đó tìm thông tin về hệ thống tư vấn kỹ thuật triển khai công nghệ 4.0 (trả phí dịch vụ theo vụ việc).
  • Doanh nghiệp tập trung xây dựng cách thức các mô hình chuỗi liên kết ứng dụng đầy đủ các công nghệ, thiết bị thông minh trong sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản.
  • Tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước Trung ương và của tỉnh Đồng Nai trong ứng dụng CN 4.0, ví dụ: (1) Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Việt Nam Post) triển khai Chương trình hỗ trợ bà con nông dân, chủ trang trại trên cả nước bán nông sản hàng hoá, nông sản thực phẩm an toàn theo hình thức trực tuyến (livestream); (2) Sở Công thương Đồng Nai đã hỗ trợ, tổ chức tập huấn công tác quản trị, duy trì hoạt động, cập nhật hình ảnh, thông tin sản phẩm lên website cho 5 đơn vị, trong đó có các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh, và sắp tới trong năm 2021-2025 sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ tương tự; (3) Đa số các doanh nghiệp nông nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa cho nên cần tìm hiểu để hưởng lợi từ Quyết định của UBND Đồng Nai số 23/2021/QĐ-UBND “Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” có hiệu lực từ 6/2021.

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp lớn không những của các tỉnh phía Nam mà còn cả nước, nếu đẩy mạnh phát triển công nghệ 4.0 trong nông nghiệp sẽ giúp tỉnh phát triển toàn diện và bền vững, đời sống người dân được cải thiện.

Xem toàn bộ bài nghiên cứu Phát triển ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai Tại đây. Nhóm tác giả: GS.TS. Võ Thanh Thu – Khoa Kinh doanh quốc tế – Marketing, Trường Kinh doanh UEH; ThS. Phạm Quang Văn Giảng viên ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.s

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #54 “Giải Pháp Triển Khai Kế Toán Số Tại Các Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa Tại Việt Nam”.

Tin, ảnh: Nhóm tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Giọng đọc: Ngọc Quí

Tài liệu tham khảo:

  1. Ilaria Zambon ,Massimo Cecchini ,Gianluca Egidi ,Maria Grazia Saporito and Andrea Colantoni( 2019) Revolution 4.0: Industry vs. Agriculture in a Future Development for SMEs
  2. Thomas Keller ( 2019) Historical increase in agricultural machinery weights enhanced soil stress levels and adversely affected soil functioning
  3. Quyết định  của UBND Đồng Nai số 23/2021/QĐ-UBND  “Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 6 năm 2021.
  4. https://nhandan.vn/goc-nhin-kinh-te/lua-chon-nao-cho-nong-nghiep-thong-minh-4-0-581109/

 

 

 

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021