Chuyển đổi số trong trường đại học: Dạy học trực tuyến sẽ trở thành xu hướng tất yếu

26 Tháng Sáu, 2021

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài

Trong năm 2020 và đầu năm nay, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) cũng như nhiều trường đại học khác phải tổ chức dạy và học trực tuyến để đối phó với các đợt bùng phát dịch Covid-19. Tuy nhiên, không chỉ trong giai đoạn đối phó với dịch bệnh, dạy và học trực tuyến đang ngày càng phổ biến hơn, trước yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục. Vậy dạy và học trực tuyến trong giáo dục đại học sẽ đi theo xu hướng như thế nào? UEH sẽ tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi số trong giáo dục đại học ra sao? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh về vấn đề này.

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài – Phó Hiệu trưởng UEH chia sẻ

1/ Thưa Thầy, trong các đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, nhiều trường đại học đã tổ chức dạy học trực tuyến cho sinh viên. Ở UEH, hoạt động này được tổ chức như thế nào thời gian qua?

Đối với UEH, trong các đợt dịch Covid-19, việc dạy và học trực tuyến được triển khai đợt thứ nhất từ tháng 3/2020 đến đợt mới nhất là sau Tết nguyên đán. Việc triển khai đó gần như bắt buộc trong bối cảnh giãn cách. Trường đã sử dụng các nền tảng trực tuyến từ hệ thống LMS do trường xây dựng, các nền tảng khác như Google Meet, Microsoft Office, Zoom… để tiếp cận người học, chuyển tải nội dung của các chương trình đào tạo các bậc, hệ với người học. Cách giảng dạy trực tuyến theo hình thức như vậy cơ bản ứng phó được với bối cảnh giãn cách xã hội, người học và người dạy có thể tiếp cận với nhau để đảm bảo các chương trình đào tạo vẫn diễn ra bình thường. Nhìn chung, hình thức dạy và học trực tuyến tại UEH thời gian qua triển khai rất tốt.

2/ Trong triển khai giảng dạy trực tuyến thời gian qua, Trường có gặp phải khó khăn nào hay không?

Đối với người dạy không có trở ngại gì nhiều vì đến thời điểm hiện tại, các giảng viên của trường đã quen với việc giảng dạy các môn học trên các nền tảng trực tuyến thông dụng cùng với việc sử dụng hệ thống LMS thường xuyên cho dù có giãn cách hay không giãn cách. Các hoạt động thường tổ chức trên lớp như thảo luận nhóm, tương tác giữa người dạy và người học vẫn diễn ra bình thường khi dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, đối với người học, đặc biệt người học ở các vùng băng thông Internet yếu, chập chờn thì cũng gặp khó khăn nhưng số này chiếm tỉ lệ thấp và dần dần người học cũng đã thích nghi với việc học qua nền tảng trực tuyến của mình.

3/ Như vậy việc đánh giá chất lượng đào tạo sinh viên qua hình thức giảng dạy này có bị ảnh hưởng gì không?

Về cơ bản đến thời điểm này không ảnh hưởng nhiều. Việc giãn cách xã hội thời gian qua chưa dẫn đến mức phải thi học phần qua dạng trực tuyến mặc dù UEH đã vận hành thử cách thi này và đã được đa phần sinh viên tham gia thử và ủng hộ, có nghĩa là UEH mới chỉ dạy và học theo kiểu trực tuyến và trực tiếp kết hợp.  Vì vậy, cuối môn học, thầy và trò cũng còn cơ hội gặp nhau để trao đổi những vướng mắc trong quá trình dạy trực tuyến và vẫn tổ chức thi trực tiếp như bình thường nên chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo vẫn được đảm bảo. Hiện nay, Bộ GD&ĐT cũng chỉ mới công nhận việc dạy và học trực tuyến chứ chưa công nhận kết quả thi trực tuyến, bởi vì nền tảng giám sát người học khi họ thi trực tuyến vẫn còn khá nhiều hạn chế đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam.

4/ Dạy và học trực tuyến trong những năm gần đây khá phổ biến trong nhiều hình thức đào tạo khi công nghệ phát triển. Với giáo dục đại học, Thầy có nghĩ đây sẽ xu hướng tất yếu trong tương lai, chứ không phải là giải pháp tình thế trước dịch bệnh?

Dạy và học trực tuyến được triển khai trong các đợt giãn cách xã hội vừa qua không chỉ mang tính tình thế mà còn mang tính xu hướng trong quá trình chuyển đổi số. Hiện nay, tất cả nền tảng giảng dạy trực tuyến phát triển rất nhanh, chưa kể công nghệ AI đang dần được ứng dụng nhiều hơn trong lĩnh vực giáo dục. Xu hướng trên thế giới cũng có những khóa học dạy trực tuyến hoàn toàn nhưng đó là những khóa học cho các đối tượng tham gia học tự nguyện chỉ lấy chứng chỉ theo tiếp cận học tập suốt đời với xu hướng nâng cao các kỹ năng và tri thức cần thiết mà người học thực sự cần. Dạy trực tuyến ở đây có lợi là người học hay người dạy dù ở vùng sâu, vùng xa, ở các quốc gia khác nhau, các trường khác nhau, có thể tương tác với nhau thông qua nền tảng trực tuyến, giảm chi phí đi lại của người học, người dạy, chi phí mời chuyên gia và học giả quốc tế. Giảng dạy trực tuyến là một xu thế nhưng sau khi triển khai để đối phó với bối cảnh đại dịch COVID-19 như vừa rồi thì xu thế này cần được hiểu một cách đúng đắn hơn. Trong bối cảnh bình thường, cần phải tiếp cận phương thức này theo kiểu “blended” tức là vừa “trực tuyến” và vừa “trực tiếp”. Lớp học dạy theo kiểu “blended learning” sẽ có xu hướng chuyển đổi số thực chất khi thay đổi tiếp cận từ lớp học truyền thống sang lớp học đảo ngược mà người học sẽ chủ động học trước thông qua nền tảng trực tuyến với các nội dung và quy trình chuẩn bị cơ sở học liệu được cung cấp trên nền tảng trực tuyến. Khi cơ sở học liệu sẽ được đưa lên nền tảng trực tuyến, người học có thể học trước, sau đó vào lớp học trực tiếp chỉ để tương tác, thảo luận, giải quyết vấn đề. Trực tuyến sẽ bổ trợ cho giảng dạy trực tiếp, đó mới là xu hướng của chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Muốn làm được điều đó thì cơ sở dữ liệu đào tạo phải được xây dựng mang tính hệ thống theo tiếp cận kết hợp blended này. Hiện UEH đã từng bước đầu tư cơ sở học liệu mang tính hệ thống để người học có thể tiếp cận theo hình thức trực tuyến. Trong đó, mỗi môn học đều nêu rõ nội dung nào người học có thể học trực tuyến, nội dung nào phải học trực diện với người dạy. Cơ sở học liệu gồm các bài giảng được ghi âm hoặc hình ảnh bài giảng của người dạy được chuẩn bị trước theo đề cương thống nhất của môn học đó.

5/ Dạy và học trực tiếp theo kiểu “blended” tức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, có đang diễn ra tại nhiều trường đại học của Việt Nam?

Hiện nay đang có rất ít trường triển khai phương pháp này bởi vì để làm được điều này phải thay đổi cách tiếp cận, từ truyền thống là thầy giảng rồi trò mới học trên lớp sang mô hình “lớp học đảo ngược”, trò học trước, sau đó mới đến lớp thảo luận, tương tác cùng giảng viên để nâng cao khả năng sáng tạo của người học và người học lúc này mới thực sự đóng vai trò trung tâm nếu thực sự muốn nỗ lực tiếp thu tri thức, kỹ năng để biến thành năng lực giải quyết vấn đề trong thực tiễn nghề nghiệp sau này.

6/ Nếu nhìn vào các nước có nền giáo dục tiên tiến, thầy nhận thấy xu hướng dạy và học trực tuyến đang diễn ra như thế nào?

Ở các quốc gia phát triển, nền tảng giáo dục theo kiểu “blended” đã hình thành từ 10 năm nay. Những quốc gia Châu Á như Singapore, Malaysia, Hong Kong (Trung Quốc) … thì đã có nền tảng dạy theo kiểu “blended” ít nhất 10 năm nay. Còn Việt Nam, với bối cảnh Covid-19, chúng ta mới hiểu giảng dạy trực tuyến theo cách giảng dạy truyền thống, còn theo kiểu “blended” chỉ có một số ít trường, trong đó có Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh đang theo đuổi với những nỗ lực theo tiếp cận bước đầu thử nghiệm và sau đó lan tỏa toàn trường.

7/ Có thể nói dạy và học trực tuyến hiện nay chỉ là một phần của chuyển đổi số trong giáo dục đại học hiện nay. Với UEH, trong những năm qua, việc thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục đại học đã được triển khai như thế nào?

Trường cũng đã triển khai khá nhiều. Thứ nhất cơ sở học liệu, trường đã xây dựng thư viện thông minh, làm cơ sở upload các tài liệu học tập để người học có thể tiếp cận qua các nền tảng trực tuyến. Thứ 2 là nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tăng dung lượng băng thông để không bị nghẽn trong quá trình dạy và học trực tuyến. Thứ 3 là đầu tư Trung tâm mô phỏng, để người học có thể vào đóng vai, tương tác, thảo luận nhóm sau khi đã học trực tiếp. Thứ 4, trường sẽ thành lập phòng Studio hiện đại để người dạy đến ghi âm, ghi hình các bài giảng của mình để upload lên nền tảng trực tuyến.

8/ Trong năm 2021, trường sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược chuyển đổi số như thế nào trong công tác đào tạo, giảng dạy?

Trường đang thực hiện giảng dạy theo chương trình tiên tiến tức là Top 200 với Đại học và Top 100 với sau đại học, nên năm nay sẽ tập trung rà soát lại chương trình này, sẽ xây dựng lại đề cương các môn học theo hướng tiếp cận “blended”. Quá trình này sẽ được tiến hành từng bước và lâu dài. Trong quá trình chuyển đổi số, sẽ có những khóa huấn luyện cho giảng viên, từ nhiều phía, trong đó có từ trường, từ các đối tác, các đại học liên kết,…Bên cạnh đó, trường cũng sẽ xây dựng cơ sở nền tảng số đánh giá học viên học tập theo phương pháp “blended”, hệ thống hóa các bộ phận thành hệ thống duy nhất để thực hiện quản trị quá trình vận hành trong đó có quá trình dạy và học theo tiếp cận chuyển đổi số. Mục tiêu chung là làm sao có thể quản trị các quá trình dạy và học theo dạng “real time” tức là trường có thể quan sát một lớp học bất kỳ với một môn học nào đó để biết người học đang tự học cái gì, người dạy đang dạy cái gì, hệ thống này kỳ vọng sẽ đánh giá người học đạt bao nhiêu phần trăm chuẩn đầu ra bài học đó vào thời điểm đó. Đó là kỳ vọng của trường trong chuyển đổi số hoạt động đào tạo.

Xin cảm ơn thầy!

Tin, ảnh: Phòng Marketing – Truyền thông.

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021