[PODCAST] Tác Động Của Chuyển Đổi Số Trong Phát Triển Đô Thị: Cơ Hội Và Thách Thức Cho Việt Nam (Phần 1) – Các Xu Hướng Phát Triển Đô Thị, Tác Động Của CMCN Và Chuyển Đổi Số Đến Phát Triển Đô Thị

23 Tháng Mười Một, 2021

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho quá trình phát triển đô thị. Chuyển đổi số là bước đi quan trọng trong quá trình này, mang lại những tác động đáng kể cho phát triển đô thị trên toàn thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bài viết nhằm mục tiêu tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của các đô thị trên thế giới, tác động của các cuộc CMCN và quá trình chuyển đổi số lên phát triển đô thị, phân tích và rút ra những bài học kinh nghiệm từ quá trình chuyển đổi số của các thành phố trên thế giới và phân tích bối cảnh tại Việt Nam. Những giải pháp nền tảng được đưa ra nhằm giúp cho các thành phố, địa phương trong cả nước có cái nhìn tổng quát và những bước đi đúng đắn trước khi xác định mục tiêu, xây dựng chiến lược và thực hiện chương trình chuyển đổi số một cách hiệu quả, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng vững mạnh, hùng cường.

Thành phố và các xu hướng phát triển đô thị

Tốc độ tăng trưởng đô thị nhanh chóng dẫn đến sự xuất hiện các kiểu thành phố phân tán hoặc phát triển theo chiều rộng trong thế kỷ XX, khác với những kiểu thành phố nhỏ gọn của thế kỷ XIX. Đây chính là hệ quả của quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, các phát minh công nghệ mới (ô tô), tài nguyên đất phong phú và nhiên liệu hóa thạch giá rẻ (Brilhante and Klaas, 2018; Lehmann et al., 2011). Hệ thống giao thông và các cơ sở hạ tầng xây dựng khắp nơi cũng góp phần làm suy thoái môi trường, phá huỷ tài nguyên thiên nhiên, gây ra ùn tắc giao thông và tiêu thụ nhiên liệu quá mức ở nhiều thành phố trên toàn cầu (Co-operation and Development, 2012; Freire, 2013). Chính những điều này đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu về đô thị bắt đầu hành trình tìm kiếm những kiểu đô thị mới hướng tới phát triển bền vững nhằm thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội (Brilhante and Klaas, 2018; Campbell, 1996).

Từ những năm 1980, các kiểu thành phố bền vững theo những tiêu chí trên đã được nghiên cứu và phát triển. Trong khi thành phố xanh, thành phố sinh thái, thành phố giảm khí thải Carbon tập trung vào môi trường, thì thành phố đáng sống và bền vững thì tập trung hơn vào khía cạnh kinh tế, và các kiểu thành phố tri thức, thành phố thông minh v.v…tập trung nhiều hơn vào yếu tố xã hội.

Thành phố xanh được định nghĩa là những thành phố thân thiện với môi trường để đảm bảo quá trình tiêu thụ bền vững (UNEP, 2011). Ngoài việc phủ xanh thành phố, các tiêu chí của thành phố xanh là không khí và nước sạch, đường phố và công viên trong lành, có khả năng tự phục hồi khi đối mặt thiên tai, giảm nguy cơ lây nhiễm từ dịch bệnh và là nơi khuyến khích các hành vi xanh như sử dụng phương tiện công cộng, tạo nên nhiều không gian xanh cho đô thị (Kahn, 2007). Tiêu biểu cho kiểu thành phố này là Copenhagen (Đan Mạch), Bristol (UK), Barcelona (Tây Ban Nha) (Anguelovski et al., 2018; Brüel, 2012; Ersoy and Larner, 2020). Bên cạnh đó thành phố sinh thái (eco-city) được biết đến là một hệ thống môi trường đô thị “tuần hoàn” trong đó đầu vào (tài nguyên) và  đầu ra (sản lượng – chất thải) được giảm thiểu (Register, 1987). Curitiba (Brazil), Freiburg(Đức), Stockholm (Thụy Điển) và Adelaide (Úc) được xem xét là các thành phố sinh thái hàng đầu trên thế giới (Kaltenegger and Fink, 2016)

Trong kiểu thành phố đáng sống, tính đáng sống (livability) liên quan đến chất lượng cuộc sống mà cư dân trong thành phố đạt được, bao gồm các yếu tố về thể chất, xã hội, tinh thần và sự phát triển cá nhân được hình thành dựa trên các nguyên tắc: công bằng (equity), nhân phẩm (dignity), khả năng tiếp cận (accessibility), sự tự tin (conviviality), sự tham gia (participation) và trao quyền (empowerment) (Cities, 2003).

Thành phố bền vững hướng tới đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân thành phố như cơ sở hạ tầng, tiện nghi sinh hoạt, sức khỏe và chăm sóc y tế, nhà ở, giáo dục, giao thông, việc làm, kết hợp quản lý tốt nhằm đảm bảo lợi ích cho tất cả các thành phần trong xã hội (Ibrahim et al., 2015), với những đại diện là Hongkong, Singapore, Copenhagen (Đan Mạch).

Trong khi đó thành phố tri thức lại hướng tới sự phát triển dựa trên tri thức, bằng cách khuyến khích sáng tạo liên tục, chia sẻ, đánh giá, đổi mới và cập nhật kiến ​​thức thường xuyên, Ergazakis et al. (2004).

Để đáp ứng những nhu cầu mới của con người trong những năm gần đây, khi mà sự bùng nổ của công nghệ hiện đại, sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ, cũng như giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong các kiểu thành phố đã có, thành phố thông minh đã trở thành xu hướng phát triển cho rất nhiều thành phố trên thế giới. Trên thực tế có rất nhiều cách tiếp cận, định nghĩa về thành phố thông minh (Wall and Stavropoulos, 2016), và sự phát triển các thành phố theo hướng thành phố thông minh cũng không giống nhau ở mọi quốc gia và địa phương trên thế giới. Một cách chung nhất, nhóm tác giả có cách tiếp cận thành phố thông minh như là một kiểu thành phố sử dụng/ứng dụng các công nghệ kỹ thuật hiện đại để giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề hiện hữu của thành phố trong các nguồn lực có thể sử dụng/huy động được, hướng đến phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị. Hiện nay, rất nhiều thành phố trên thế giới như London (Anh), Paris (Pháp), Singapore, Barcelona (Tây Ban Nha), Amsterdam (Hà Lan) luôn được nằm trong các bảng xếp hạng thành phố thông minh trên thế giới (Mancebo and Sustainability, 2020; Willems et al., 2017).

Có thể nói các kiểu thành phố (đề cập ở trên) và rất nhiều kiểu thành phố khác trên thế giới ra đời và phát triển để (1) giải quyết các vấn đề đô thị được tạo ra trong quá trình thành phố vận hành mà dân cư đô thị phải đối mặt, (2) đáp ứng các nhu cầu mới của dân cư thành phố hoặc tăng cao những giá trị đặc trưng của thành phố với mục tiêu cuối cùng đó là phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị. Việc giải quyết các vấn đề đô thị này phải phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hóa của từng thành phố. Chính những việc làm này lại tạo nên những hình ảnh đô thị riêng biệt và có thể cân nhắc là bản sắc đặc trưng của đô thị trong thời gian này. Những hình ảnh đặc trưng này chính là điều mà mỗi đô thị cần hình thành, gìn giữ và phát huy nhằm tạo nên nét riêng biệt và đảm bảo tính cạnh tranh trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

Tác động của các cuộc CMCN và chuyển đổi số đến phát triển đô thị

Kể từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XXI, nhân loại đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) và đang bước vào cuộc CMCN lần thứ tư (CMCN 4.0). Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp ra đời sau đều là sự phát triển lên một tầm cao mới và hoàn thiện dần những thiếu sót hay vấn đề của cuộc CMCN đã tồn tại trước đó, đồng thời có những tác động nhất định lên sự phát triển đô thị.

CMCN 1.0 đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại với các công nghệ sản xuất mới (cơ khí, cơ giới hoá) dẫn đến quá trình đô thị hóa (urbanization) trên diện rộng và góp phần vào tăng trưởng đô thị (Bernhard et al., 2014). 

CMCN 2.0 đã tạo nên những tiền đề mới và cơ sở vững chắc để phát triển nền công nghiệp ở mức cao hơn nữa (tự động hoá trong sản xuất, điện khí hóa các nhà máy và các dây chuyền sản xuất hiện đại), tạo động lực phát triển các khu vực đô thị mới, mang lại điều kiện sống tốt hơn, cũng như cải thiện vệ sinh đô thị cho người lao động, góp phần tạo nên sự bành trướng đô thị (urban sprawl) và sự phân tách rõ ràng về mục đích sử dụng đất (Bernhard et al., 2014).

CMCN 3.0 đã thúc đẩy nhân loại tiến lên đáng kể và làm cho thế giới kết nối với nhau nhiều hơn thông qua sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) (hay còn gọi là cách mạng số), sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính, máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và internet (thập niên 1990), làm thay đổi tận gốc các lực lượng sản xuất và mọi lĩnh vực đời sống xã hội ở tất cả các khu vực nông thôn và thành thị, tạo điều kiện tiết kiệm các tài nguyên thiên nhiên, các nguồn lực xã hội, thay đổi cơ cấu của nền sản xuất xã hội v.v… khiến các thành phố lại có xu hướng quay trở lại cấu trúc thành phố nhỏ gọn hơn, nhu cầu phát triển các kiểu thành phố bền vững để đảm bảo chất lượng cuộc sống của cư dân trở thành các yếu tố tiên quyết để các chính phủ lựa chọn. Trong giai đoạn này, các kiểu thành phố nén (compact city) hay thành phố sinh thái bắt đầu phát triển mạnh mẽ (Bernhard et al., 2014).

Kế thừa phát triển của nhân loại, CMCN 4.0 đang dần xuất hiện làm xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học và được xem như là sự hợp nhất của các loại công nghệ và với trung tâm là sự phát triển của các công nghệ tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của cả thế giới (Schwab, 2017). Một số công nghệ tiêu biểu có thể kể đến như dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tại (AI), điện toán đám mây (cloud computing), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (blockchain), công nghệ in 3D (3D printing), thực tế ảo (virtual reality). CMCN 4.0 đang diễn ra nên vẫn chưa thể tổng kết hết tác động lên sự phát triển đô thị. Tuy nhiên, CMCN 4.0 đã thúc đẩy sự phát triển của các kiểu đô thị như thành phố thông minh (smart city), thành phố thông tin phổ biến (ubiquitous cities). Các yếu tố về phát triển bền vững, chất lượng sống của dân cư trở thành trọng tâm để phát triển các thành phố và các khu vực khác, chính vì vậy cuộc CMCN này có thể đưa ngành công nghiệp với các công nghệ sản xuất sạch và thân thiện hơn với môi trường ít gây bất lợi cho các mục đích sử dụng đất khác như nhà ở, so với các công nghệ sản xuất trước đây.

Chuyển đổi số – một trong những thanh công cụ cơ bản phải được thực hiện triệt để, hiệu quả để phát triển theo xu thế của thời đại trong cách mạng công nghệ 4.0. 

Chuyển đổi số (digital transformation) được định nghĩa là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau (N.T, 2020). Chuyển đổi số cần được phân biệt với số hóa – một khái niệm tồn tại dưới hai hình thức: số hóa dữ liệu (digitization) và số hóa quy trình (digitalization) (Rijswijk et al., 2020). Số hóa dữ liệu là hình thức chuyển đổi thông tin từ dạng vật lý hay tín hiệu tương tự (analog) sang định dạng kỹ thuật số (Autio et al., 2017). Trong khi đó, số hóa quy trình là quá trình áp dụng công nghệ số để tối ưu hóa các quy trình hiện có trong đô thị bằng cách phối hợp linh hoạt và hiệu quả giữa các dịch vụ thông minh, cải thiện các dịch vụ đang cung cấp (Talwar et al., 2020), tăng tính trải nghiệm cho người dân (Verhoef et al., 2021). Số hóa dữ liệu và số hóa quy trình đều được coi là một phần quan trọng để thực hiện quá trình chuyển đổi số, cho phép một loạt các hoạt động chuyển đổi số được thực hiện, theo đó các công nghệ số với độ phức tạp tương ứng được lựa chọn nhằm tạo ra tương tác trên những chủ thể khác nhau, ví dụ như giữa công nghệ số, thể chế, con người, tổ chức, môi trường, v.v… Từ đó, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi bắt buộc nhằm thúc đẩy hoạt động số hóa quy trình dựa trên chính sách kỹ thuật số (Bertola et al., 2018). Chuyển đổi số chính là giai đoạn sâu xa nhất nhằm hiện thực hóa các mô hình kinh doanh mới bằng cách triển khai một cách logic các dịch vụ thông minh (Verhoef et al., 2021), và chuyển đổi số cũng thay đổi luôn cách thức các thành phố/đô thị đang vận hành, đồng thời vượt xa hơn số hóa quy trình thông qua việc thay đổi các nhiệm vụ và quy trình cơ bản trong thành phố/đô thị (Caponio et al., 2015).

Quá trình chuyển đổi số và sự phát triển của công nghệ tạo nên những cải tiến tích cực lên các khía cạnh phát triển đô thị bền vững (Vial, 2019). Ở khía cạnh kinh tế, thành phố hiện đại được nhìn nhận thông qua lăng kính số, điều này kéo theo những thay đổi về kinh tế đô thị ở tất cả các quốc gia phát triển và một số các quốc gia đang phát triển (Vrchota et al., 2019). Chuyển đổi số cũng thể hiện vai trò phát triển sự công bằng xã hội trong thành phố như tạo công ăn việc làm mới, tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc, chất lượng dịch vụ (OECD, 2019b) v.v… Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng đóng góp quan trọng vào phát triển tính bền vững của môi trường đô thị (Feroz et al., 2021) như ứng dụng AI, Big data, IoT cải thiện môi trường bền vững (Balogun et al. (2020), xác định các bệnh lây truyền qua đường nước lây nhiễm (Goralski and Tan, 2020), giảm phát thải carbon và giảm thiểu các chất thải ra môi trường (Demartini et al., 2019), v.v… Có thể thấy, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng cho phát triển đô thị trong thời đại CMCN 4.0, xuất phát từ mong muốn giải quyết triệt để vấn đề hiện hữu trong đô thị để hình thành bản sắc đặc trưng của thành phố/đô thị trong việc giải quyết những vấn đề đã lựa chọn.

Bài nghiên cứu nằm trong Book series “KINH TẾ VIỆT NAM TRÊN CON ĐƯỜNG CHUYỂN ĐỔI SỐ”.  Xem đầy đủ bài nghiên cứu “Tác động của chuyển đổi số trong phát triển đô thị: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam” của nhóm tác giả tại đây.

Nhóm Tác giả: TS. Trịnh Tú Anh, ThS. Phạm Nguyễn Hoài, ThS. Trần Thị Quỳnh Mai, Viện Đô thị Thông minh và Quản Lý (ISCM), Trường Công nghệ và Thiết kế UEH.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH, trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #15 TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO VIỆT NAM – PHẦN 2: CHUYỂN ĐỔI SỐ THÀNH CÔNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ NHỮNG ĐỀ XUẤT CHO VIỆT NAM

Tin, ảnh: Nhóm tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông.

Giọng đọc: ThS. Phạm Nguyễn Hoài – Viện ISCM.

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021