[Podcast] Toàn Cảnh Tiền Tệ Kỹ Thuật Số – Phần 4: Một Số Tiền Kỹ Thuật Số Của Ngân Hàng Trung Ương (CBDC) Tiêu Biểu

2 Tháng Mười Một, 2021

Theo PriceWaterHouseCooper (2021) thì hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia nghiên cứu và triển khai đồng tiền kỹ thuật số của NHTW, thậm chí đã có quốc gia đưa vào sử dụng trong thực tế như Bahamas – quốc gia đi đầu trong việc triển khai đồng tiền kỹ thuật số, Ngân hàng quốc gia Cambodia với dự án Bakong – hệ thống thanh toán liên ngân hàng dựa trên nền tảng blockchain và công nghệ sổ cái phân tán…v…v… Đặc biệt phải kể đến một số quốc gia đã tiến hành nghiên cứu tiền CBDC “bán buôn” trong một thời gian khá dài để phục vụ cho hệ thống thanh toán liên ngân hàng. 

Bahamas

Tại Bahamas, quốc gia đi đầu trong việc triển khai đồng tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành (CBDC), vào tháng 12/2019 đã cho thử nghiệm đồng Sand Dollar, một tên gọi kỹ thuật số của đồng Bahamas Dollar. Chỉ một thời gian sau thì đồng tiền kỹ thuật số này đã chính thức được phát hành trong lưu thông vào tháng 10/2020 thông qua các tổ chức được cấp quyền (AFI). Mọi người dân có thể cài đặt ví điện tử trên điện thoại di động hoặc qua thẻ thanh toán vật lý để nhận tiền số. Tất cả dữ liệu giao dịch đều được lưu trữ mỗi ngày giúp chính phủ có thể đưa ra các chính sách tài chính vi mô hiệu quả hơn. Chính phủ Bahamas đưa đồng tiền Sand Dollar vào sử dụng với mục tiêu nhằm (i) cải thiện hiệu quả hệ thống thanh toán của Bahamas, (ii) nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của người dân, (iii) tăng cường khả năng phòng chống các hoạt động rửa tiền và tham nhũng.

Bahamas triển khai tiền CBDC mang tên Sand Dollar

Ví tiền điện tử của người dân được chia làm 2 loại:

Loại 1: Giới hạn lưu trữ $500, và $1.500 giá trị giao dịch mỗi tháng, ví loại 1 không cần định danh để sử dụng và cũng không cần tài khoản ngân hàng.

Loại 2: Giới hạn lưu trữ $8.000, và $10.000 giá trị giao dịch mỗi tháng, ví loại 2 cần phải định danh khi sử dụng và có thể liên kết đến tài khoản ngân hàng.

Cambodia

Ngân hàng quốc gia Cambodia đã triển khai nghiên cứu tiền kỹ thuật số từ năm 2016 với dự án Bakong – hệ thống thanh toán liên ngân hàng dựa trên nền tảng blockchain và công nghệ sổ cái phân tán (DLT). Tên gọi Bakong được lấy từ biểu tượng kiến trúc cổ xưa trong văn hoá của người Cambodia. Dự án được nghiên cứu để thiết lập các nền tảng chạy thử (prototype) trong vòng 2 năm sau đó, kiểm nghiệm sự tích hợp vào hệ thống hạ tầng của Cambodia trước khi được sử dụng. Chính phủ đã kêu gọi một số các tổ chức tài chính và ngân hàng tham gia thử nghiệm và kiểm định hệ thống Bakong trong năm 2018.

Campuchia nỗ lực loại bỏ đô la hóa bằng tiền kỹ thuật số quốc gia

Dự án Bakong sử dụng nền tảng công nghệ DLT của Hyperledger Iroha. Hyperledger Iroha là một nhánh trong dự án mã nguồn mở được xây dựng bởi các lập trình viên toàn cầu nhằm nâng cao tính ứng dụng của công nghệ blockchain trong thực tiễn. Hyperledger Iroha phát triển mạnh ở Nhật Bản, được hỗ trợ tư vấn bởi công ty SORAMITSU giúp xây dựng các thuật toán nâng cao tính bảo mật và ứng dụng của blockchain phù hợp với nhu cầu thị trường Cambodia. Dự án Bakong đã sử dụng nền tảng này để thử nghiệm trên cả CBDC bán lẻ và bán buôn tại thị trường Cambodia.

Bakong là một hệ thống các sổ cái phi tập trung, trong đó chứa dữ liệu và kết nối toàn bộ giao dịch trong nền kinh tế Cambodia đến thời điểm hiện tại. Khi một người dân Cambodia chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng đến tài khoản Bakong sẽ không tốn phí, cũng như ngược lại. Sự kết nối thanh toán toàn diện khiến cho việc triển khai Bakong trong thực tế dễ dàng và mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Công nghệ blockchain hiện đại giúp đảm bảo an toàn, tốc độ xử lý giao dịch nhanh, tiết kiệm và bảo mật thông tin cho người giao dịch.

Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới triển khai tiền kỹ thuật số vào nền kinh tế sớm nhất. Dự án số hóa đồng nhân dân tệ (NDT) lần đầu được Trung Quốc công bố vào năm 2014, và sau đó vào tháng 4/2020 chính thức đưa vào lưu thông thử nghiệm tại một số thành phố lớn. Việc ứng dụng tiền kỹ thuật số vào nền kinh tế được Chính phủ cho rằng nhằm hỗ trợ thanh toán của người dân, tăng cường hiệu quả của thị trường tài chính, củng cố sức mạnh cho đồng nội tệ, nâng cao khả năng quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.

PBOC đã bắt đầu nghiên cứu về đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số từ năm 2014

Đồng NDT kỹ thuật số được thiết kế với các tính năng đặc biệt có thể giao dịch trực tuyến hoặc ngoại tuyến, nhắm đến việc thay thế các dạng thức tiền giấy và đồng xu tại Trung Quốc. Đồng tiền số này được phát hành thông qua trung gian là các NHTM, nghĩa là NHTW Trung Quốc sẽ phát hành tiền cho các NHTM, sau đó hệ thống NHTM sẽ chuyển tiếp đến người dùng cuối. Như vậy NHTW sẽ thu thập được dữ liệu di chuyển dòng tiền nhằm giám sát được hành vi tiền tệ trong nền kinh tế tốt hơn.

Dự án đồng NDT số hoá đã được phát hành với lượng cung ứng hơn 2 tỷ NDT (tương đương $300 triệu USD) trong lưu thông ở tại một số thành phố lớn của Trung Quốc là thành phố Thâm Quyến, Tô Châu, Bảo Định và Thành Đô. Chính phủ Trung Quốc dự kiến đồng NDT số có thể được sử dụng rộng rãi hơn vào dịp Thế vận hội mùa đông được tổ chức ở Bắc Kinh vào năm 2022. Mặc dù các thông tin chính thức về kế hoạch triển khai đồng NDT số vẫn còn chưa được công khai, nhưng trên các phương tiện truyền thông cho thấy Chính phủ Trung Quốc thể hiện rõ quyết tâm số hoá nền kinh tế và đưa đồng NDT trở thành một trong những đồng tiền tiêu chuẩn trong thanh toán quốc tế.

Trong giai đoạn thử nghiệm, NHTW Trung Quốc đã tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên thông qua xổ số để chọn ra 750.000 người dùng thử nghiệm ví điện tử và chi tiêu các dịch vụ sử dụng đồng tiền số này. Nền tảng kỹ thuật của đồng NDT số có phải là công nghệ blockchain hay không đến nay vẫn còn là ẩn số vì không có thông tin nào về điều đó được công bố bởi NHTW Trung Quốc. Hệ thống đồng NDT số sẽ đảm bảo một chế độ “ẩn danh có kiểm soát”.

Ở một số quốc gia khác

Vào tháng 9/2018, NHTW Ukraine (NBU) đã tiến hành thí nghiệm một đồng tiền CBDC được gọi là E-hryvnia. Tổng lượng cung đồng tiền số được phát hành là 5.443 đồng E-hryvnia, hạ tầng kỹ thuật sử dụng là nền tảng blockchain với dữ liệu sổ cái phi tập trung, cơ chế kế toán số có sự giám sát. Cùng với việc thử nghiệm hoạt động của đồng CBDC này, chính phủ cũng tiến hành nghiên cứu những ảnh hưởng của đồng tiền này lên sự ổn định tài chính của quốc gia. Tới tháng 12/2018 thì dự án thí điểm hoàn thành và chính phủ hứa hẹn sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát hành đồng tiền CBDC trong tương lai. Sự công nhận của Chính phủ Ukraine cho thấy tiền số có thể hoạt động ổn định và không gây ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế về các vấn đề giá cả và ổn định tài chính Ukraine.

Uruguay tiến hành thử nghiệm đồng CBDC vào tháng 11/2017 với tên gọi là đồng e-peso. Dự án thí điểm kéo dài 6 tháng với 20 triệu đồng e-peso được phát hành cho hơn 10.000 người sử dụng điện thoại di động. Chính phủ giới hạn mỗi ví cá nhân là $30.000 và ví doanh nghiệp là $200.000. Đồng CBDC của Uruguay chỉ được sử dụng cho một số cửa hàng và doanh nghiệp được chọn lựa thí điểm, toàn bộ hạ tầng là giao dịch ngang hàng (peer-to-peer). Hệ thống thanh toán của e-peso có thể được thực hiện mà không cần kết nối internet, đây là điểm khác biệt đáng chú ý của đồng tiền này. Chính phủ Uruguay cho rằng đồng e-peso vẫn “ẩn danh” nhưng có thể được “truy vết” để tránh hiện tượng rửa tiền hoặc tội phạm. Tuy nhiên, việc thí điểm của NHTW Uruguay không có sự tham gia của các ngân hàng thương mại vì vậy không thể đánh giá được tác động của CBDC lên nền kinh tế Uruguay.

Ecuador là quốc gia đầu tiên tiến hành thử nghiệm CBDC vào năm 2014 với tên gọi là đồng dinero electrónico (DE). Chính phủ phát hành trước các đồng tiền số này và sau đó một năm thì cho người dân có thể tải phần mềm từ NHTW được phát triển bởi một công ty viễn thông nhà nước để sử dụng trên điện thoại di động. Đồng DE giúp cho Ecuador tiết kiệm hơn 3 triệu đô la Mỹ mỗi năm cho việc in đổi tiền cũ, đồng thời hỗ trợ chống đô la hóa nền kinh tế cho Ecuador sau khoảng thời gian dài bị lệ thuộc vào đồng đô la Mỹ kể từ năm 2000. Tuy nhiên, dự án của Ecuador đã bị hạn chế khi Nhà nước độc quyền quản lý hệ thống thanh toán của đồng DE, điều này sau đó dẫn tới việc thí điểm bị dừng lại vô thời hạn vào năm 2018. Năm 2019, một đồng tiền mới của hệ thống ngân hàng thương mại tên là Bimo đã chính thức được Chính phủ thừa nhận trong giao dịch thanh toán chính thức và có khả năng trở thành một đồng CBDC hoàn chỉnh.

Bên cạnh các quốc gia kể trên thì nhiều quốc gia khác cũng đã triển khai và tiến hành thí điểm đồng tiền CBDC trong một phạm vi hẹp của nền kinh tế như Thuỵ Điển, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, v.v. Trong số đó phải kể đến một số quốc gia đã tiến hành nghiên cứu tiền CBDC “bán buôn” trong một thời gian khá dài để phục vụ cho hệ thống thanh toán liên ngân hàng như Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Canada, Anh, Pháp, Nam Phi và một số quốc gia khác ở châu Âu. Các quốc gia này có cách tiếp cận khá thận trọng đối với việc triển khai CBDC trong nền kinh tế. Tuy nhiên từ những động thái của các NHTW này thì tiến trình CBDC đang dần được hình thành.

Xem đầy đủ bài nghiên cứu “Tiền tệ kỹ thuật số và hệ thống tiền tệ toàn cầu thế hệ mới” của nhóm tác giả tại đây.

Nhóm tác giả: TS. Lê Đạt Chí, ThS. Trương Trung Tài, ThS. Nguyễn Triều Đông, (Khoa Tài chính – Trường Kinh Doanh  UEH).

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH, trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ kỳ 10 Toàn cảnh tiền tệ kỹ thuật số phần 5: Tiền ổn định tư nhân Diem.

Tin, ảnh: Nhóm tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông.

Giọng đọc: ThS. Phạm Nguyễn Hoài – Viện ISCM.

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021