[Podcast] Báo Cáo Kinh tế Vĩ mô Thành phố Hồ Chí Minh (Phần 1): Tổng Quan Kinh Tế Thế Giới, Việt Nam Và Thành Phố Hồ Chí Minh Năm 2023

5 Tháng Một, 2024

Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) và Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh đã chính thức ra mắt “Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Thành phố Hồ Chí Minh: Kết quả 2023 và Dự báo 2024”. Đây là ấn phẩm nghiên cứu khoa học do UEH và Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện, nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, các kết quả đã đạt được, dự báo, triển vọng cho năm 2024 và đề xuất các chính sách gợi ý cho chính quyền Thành phố. 

Tại phần 1 của bài viết, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tổng quan kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh!

Tổng quan kinh tế thế giới và Việt Nam

*Kinh tế thế giới

Kết thúc năm 2023, nền kinh tế thế giới vẫn đang trong quá trình hồi phục sau một thời kỳ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Đại dịch COVID-19, các cuộc xung đột vũ trang và căng thẳng địa chính trị đang có chiều hướng gia tăng trên toàn thế giới. Mặc dù triển vọng kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu khả quan hơn, con đường hồi phục được dự báo vẫn còn nhiều thách thức trong năm 2024. Theo dự báo Triển Vọng Kinh Tế Thế Giới (World Economic Outlook) của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong năm 2023 và chững lại ở mức 2.9% trong năm 2024. Hai thập kỷ trước Đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm của nền kinh tế thế giới là khoảng 3.8%. Tại Mỹ, nền kinh tế vẫn đang chống chịu tốt với các đợt tăng lãi suất của Cục Dự Trữ Liên Bang (FED), trong khi lạm phát liên tục hạ nhiệt. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2023 là 2.1%. Tuy nhiên, FED vẫn cam kết giữ lãi suất ở mức cao và kéo dài để đưa lạm phát trở về mức mục tiêu. Thị trường tài chính Mỹ cũng đã có dấu hiệu cho thấy những đợt tăng lãi suất liên tục của FED trước đây đã bắt đầu có tác động nhiều hơn tới nền kinh tế nước này. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2024 là 1.5%. Trái với tình hình ở Mỹ, các nền kinh tế lớn tại Châu Âu nhìn chung đều đang chịu tác động trước các đợt tăng lãi suất của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (ECB). Nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung Euro là Đức được dự báo rơi vào suy thoái nhẹ trong năm 2023 (tăng trưởng âm 0.5%), và cả khu vực đồng tiền chung tăng trưởng khiêm tốn ở mức 0.7%. Tuy nhiên, IMF dự báo tăng trưởng sẽ quay trở lại với Đức trong năm 2024 ở mức 0.9% và cả khu vực đồng tiền chung ở mức 1.2%. Tại Châu Á, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức sau một thời gian dài đóng băng do Đại dịch COVID-19. IMF dự báo nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5% trong năm 2023 và chững lại ở mức 4.2% trong năm 2024. Nền kinh tế Ấn Độ được dự báo tăng trưởng khả quan ở mức 6.3% trong năm 2023 và duy trì ở tốc độ này trong năm 2024. 

*Kinh tế Việt Nam

Bức tranh kinh tế thế giới đầy biến động và rủi ro khó lường ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế Việt Nam. IMF dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng ở mức 4.7% trong năm 2023 và 5.8% trong năm 2024. Mặc dù Quốc hội đề ra những chỉ tiêu cao hơn, tốc độ tăng trưởng này vẫn là những con số khá cao so với các nền kinh tế khác trên thế giới. Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, nền kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Đại dịch COVID-19. Hình 1 cho thấy sản lượng thực tế (đo lường bằng GDP theo giá so sánh) đã quay trở lại bám sát sản lượng tiềm năng (đo lường bằng GDP tiềm năng), cũng như lấy lại xu hướng tăng trưởng tiềm năng vốn có từ những năm 2010. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã quay trở lại được trạng thái cân đối giữa một bên là tổng cầu hàng hóa và dịch vụ và một bên là khả năng cung ứng của nền kinh tế1 . Sự cân bằng giữa tổng cầu và khả năng cung ứng là một trong những yếu tố chính khiến cho mặt bằng mức giá chung của nền kinh tế Việt Nam duy trì ở mức mục tiêu trong một thập kỷ vừa qua, sau một giai đoạn tăng đột biến vào những năm cuối thập kỷ 2000 và đầu thập kỷ 2010. Hình 1 cho thấy lạm phát cơ bản2 đã được duy trì ổn định ở dưới mức 4% trong 10 năm qua. Trung bình cả năm 2023, lạm phát cơ bản ước tính khoảng gần 4%. Mặc dù vẫn ở dưới mức mục tiêu, đây là con số cao nhất trong một thập kỷ qua. Nguyên nhân chính là do khả năng cung ứng của nền kinh tế Việt Nam phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các biến động trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu do Đại dịch COVID-19, các cuộc xung đột vũ trang và căng thẳng địa chính trị gây ra. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản đã giảm liên tục từ tháng 1 đến tháng 11, phần nào phản ánh sự giảm tốc của tổng cầu và những dấu hiệu cải thiện trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đây là bối cảnh thuận lợi để Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công trong năm 2024.

Hình 1: GDP và lạm phát cơ bản của Việt Nam. Nguồn: Tổng Cục Thống Kê và ước tính của nhóm nghiên cứu

Tăng trưởng kinh tế TP. HCM năm 2023 

*Xu hướng trung hạn của nền kinh tế

Kết thúc năm 2023, GRDP theo giá so sánh của TP. HCM được dự báo tăng trưởng 5.81%. Trong đó ngành dịch vụ tăng 6.79% và ngành công nghiệp tăng 4.42%. Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, GRDP theo giá so sánh của TP. HCM đang dần tiệm cận GRDP tiềm năng. Thành quả này cho thấy nền kinh tế TP. HCM đang hồi phục một cách ổn định sau những ảnh hưởng nặng nề của Đại dịch COVID-19. Là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, nền kinh tế TP. HCM luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn mức trung bình cả nước và tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động đến từ khắp các tỉnh thành. Ở chiều ngược lại, điều tất yếu là nền kinh tế TP. HCM cũng phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước từ Đại dịch COVID-19, các cuộc xung đột vũ trang và căng thẳng địa chính trị đang có chiều hướng gia tăng trên toàn thế giới. Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, giai đoạn 2016-2019 GRDP thực của TP. HCM cao hơn và tăng trưởng nhanh hơn mức tăng trưởng của GRDP tiềm năng (Hình 2). Điều này phản ánh rằng tăng trưởng trong giai đoạn này phần lớn là do tổng cầu hàng hóa và dịch vụ tăng cao, vượt quá tốc độ tăng trưởng trong khả năng sản xuất và cung ứng của nền kinh tế. 

Để đáp ứng tổng cầu tăng cao trong giai đoạn 2016-2019 nền kinh tế của TP. HCM đã đón nhận một lực lượng lao động rất lớn tăng thêm đến từ các tỉnh thành khác trong cả nước. Khi tổng cầu sụt giảm mạnh vì Đại dịch COVID19, lực lượng lao động ở TP. HCM cũng giảm xuống nhanh chóng khi nhiều lao động di cư đi đến những tỉnh thành khác. Cấu trúc kinh tế này khiến cho tăng trưởng kinh tế của TP. HCM có mức độ dao động chu kỳ lớn hơn rất nhiều so với trung bình cả nước. Tình trạng tăng trưởng nóng trong giai đoạn 2016-2019 khiến mật độ dân số ở TP.HCM tăng cao, làm bộc lộ nhiều điểm tắc nghẽn nội tại trong cấu trúc của nền kinh tế TP. HCM, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng và bộ máy quản lý kinh tế. Đây là một chủ đề quan trọng cần phải được mổ xẻ nghiên cứu sâu hơn để cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng trong việc định hướng phát triển nền kinh tế TP. HCM. Ở cấp độ định tính, nhóm nghiên cứu cho rằng tổng cầu tăng cao trong giai đoạn 2016-2019 là do (1) cầu xuất khẩu với các hàng hóa thâm dụng lao động (dệt may và da giày) và (2) cầu đầu tư trong lĩnh vực xây dựng nhà ở do bong bóng bất động sản tạo ra. Do đó, định hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ tài chính ngân hàng, cộng với việc quản lý và phát triển ổn định thị trường bất động sản để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người lao động và bổ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh là những chìa khóa quan trọng để nền kinh tế TP. HCM tránh lặp lại tình trạng tăng trưởng nóng trong giai đoạn 2016-2019. Xu hướng hồi phục của tổng cầu Nhìn vào dữ liệu cấp quý, Bảng 1 cho thấy tốc độ tăng trưởng GRDP của TP. HCM đang có chiều hướng cải thiện đáng kể theo từng quý trong năm 2023 (so với quý cùng kỳ năm 2022). Điều này phản ánh tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế TP. HCM đang trên đà hồi phục ổn định, đặc biệt là khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng tổng cầu sẽ duy trì được đà hồi phục này trong năm 2024. Một vài chỉ số có thể gián tiếp cho thấy tốc độ phục hồi của tổng cầu. Hình 3 thể hiện tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cùng với doanh thu vận tải, kho bãi, và dịch vụ hỗ trợ vận tải. Giai đoạn 2020-2021, dưới tác động của Đại dịch COVID-19 và các biến động tiêu cực khác trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, cả hai chỉ tiêu này đều chững lại và trải qua những tháng giảm sâu. Năm 2022 chứng kiến sự hồi phục khiêm tốn của cả hai chỉ tiêu. 

Hình 2: GRDP và lực lượng lao động của TP. HCM. Nguồn: Niên Giám Thống Kê TP. HCM và ước tính của nhóm nghiên cứu

Bảng 1: Tăng trưởng GRDP thực các quý 2023 so với cùng kỳ

Bước sang 2023, cả hai chỉ tiêu đều cho thấy xu hướng sự hồi phục và tăng trưởng ổn định hơn. Một chỉ tiêu quan trọng khác cũng phản ánh phần nào sự phục hồi của tổng cầu là xuất khẩu. Hình 4 cho thấy giá trị xuất khẩu của TP. HCM chứng kiến một sự sụt giảm vào cuối 2019 và nửa đầu 2020 khi hai thị trường xuất khẩu chính của TP. HCM là Trung Quốc và Mỹ đều trải qua những đợt tăng trưởng âm về GDP do Đại dịch COVID-193 . Từ nửa sau 2020 đến nửa đầu 2021, giá trị xuất khẩu của TP. HCM bắt đầu tăng trở lại khi nền kinh tế của Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng mạnh trở lại sau Đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, từ nửa sau 2021, tăng trưởng GDP của Trung Quốc và Mỹ đều có xu hướng giảm tốc, góp phần dẫn đến một sự sụt giảm mạnh trong giá trị xuất khẩu của TP. HCM vào nửa sau 2022 và Quý I/2023. Mặc dù vẫn còn nhiều rủi ro, việc giá trị xuất khẩu của TP. HCM đã bắt đầu tăng trở lại trong Quý II/2023 và Quý III/2023 là một tín hiệu tích cực.

Hình 3: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và Doanh thu vận tải, kho bãi, và dịch vụ hỗ trợ vận tải của TP. HCM. Nguồn: Cục Thống Kê TP. HCM

Hình 4: Giá trị xuất khẩu TP. HCM và tăng trưởng GDP Mỹ, Trung Quốc. Nguồn: Cục Thống Kê TP. HCM và Federal Reserve Bank of St Louis

Tốc độ phục hồi của tổng cầu ở TP. HCM cũng được phản ánh phần nào thông qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP). Hình 5 thể hiện phần trăm thay 8 đổi của IIP theo tháng so với tháng cùng kỳ của năm trước. Năm 2019, IIP các tháng đều tăng trưởng với tốc độ trung bình là 7.2% so với tháng cùng kỳ của năm 2018. Năm 2020 và 2021, dưới tác động của Đại dịch COVID-19 và các biến động tiêu cực khác trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, IIP các tháng nhìn chung giảm sâu so với tháng cùng kỳ năm trước. Năm 2022 và 2023, IIP lấy lại đà tăng trưởng mạnh nhưng vẫn chưa ổn định, đặc biệt là hai tháng cuối năm 2022 và tháng 1/2023. Kể từ tháng 2/2023, IIP đã bắt đầu tăng trưởng đều và ổn định hơn, trung bình mỗi tháng tăng 6.2% so với tháng cùng kỳ năm 2022.

Hình 5: Chỉ số sản xuất công nghiệp của TP. HCM. Nguồn: Cục Thống Kê TP. HCM

Một số chỉ số khác cũng phản ánh phần nào sự phục hồi của tổng cầu là (1) số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường ròng4 và (2) số dự án FDI cấp mới. Hình 6 cho thấy số lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường ở TP. HCM đã có xu hướng phục hồi trở lại một cách khá ổn định trong năm 2023. Chỉ số này trước đó đã trải qua hai năm bất ổn do Đại dịch COVID-19 và các biến động tiêu cực khác, một năm 2022 hồi phục không ổn định và một đợt giảm sâu vào Quý I/2023. Số dự án FDI cấp mới được ghi nhận ở TP. HCM cũng cho thấy xu hướng phục hồi trở lại từ 2022 sau hai năm bất ổn 2020-2021, mặc dù con số vẫn còn ở dưới mức của năm 2019.

Hình 6: Số lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường và Số dự án FDI cấp mới ở TP. HCM. Nguồn: Cục Thống Kê TP. HCM

Sự phục hồi của tổng cầu trong năm 2023 còn nhận được một trợ lực từ việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. So với cùng kỳ năm trước, giải ngân vốn đầu tư công ở TP. HCM tăng 0.25% trong Quý I, 164% trong Quý II, và 62% trong Quý III. 

Xem toàn bộ Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Thành phố Hồ Chí Minh – Kết quả 2023 và Dự báo 2024 tại đây

Nhóm tác giả gồm: TS. Hồ Hoàng Anh – Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (Chủ biên); Th.S Nguyễn Văn Thắng – Cục Thống kê TP. HCM (Đồng chủ biên); Lê Minh Hùng – Cục Thống kê TP. HCM; Trần Thị Triêu Nhật – Cục Thống kê TP. HCM; ThS. Nguyễn Thanh Bình – Cục Thống kê TP. HCM; ThS. Võ Đức Hoàng Vũ – Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Ban cố vấn: GS.TS. Nguyễn Đông Phong – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; GS.TS. Sử Đình Thành – Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; ThS. Nguyễn Khắc Hoàng – Cục Thống kê TP. HCM; GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài – Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; PGS. TS. Phạm Khánh Nam – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #106 tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Marketing  Truyền thông UEH

 

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021