[Podcast] Sự xáo động trật tự toàn cầu hóa và phi thị trường hóa thế giới: Kiến nghị chính sách cho Việt Nam

22 Tháng Bảy, 2022

Tiến trình toàn cầu hóa kinh tế đã thiết lập một trật tự thương mại dựa trên các nguyên tắc của kinh tế thị trường áp dụng trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, trật tự toàn cầu hóa này lại bao gồm nhiều mối liên kết đan xen chặt chẽ với nhau, chỉ cần một sợi dây liên kết đứt gãy là có thể khiến cho cả mạng lưới này sụp đổ. Và các biến cố đại dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraine trong thời gian qua đã dẫn đến những quyết định, chính sách với động cơ phi kinh tế, làm xáo động trật tự toàn cầu và có khả năng dẫn đến phi thị trường hóa thế giới. Ở bài viết này, tác giả đã phân tích những xáo động của trật từ toàn cầu hóa và phi thị trường hóa thế giới, từ đó, đưa ra những kiến nghị cho Việt Nam để củng cố vị thế trên trường quốc tế trước những biến động này.

Trật tự toàn cầu hóa hiện nay

Nhiều năm qua, Việt Nam bị đánh giá là một nền kinh tế “phi thị trường”, bị cáo buộc thực hiện các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh để làm lợi cho bản thân chẳng hạn như bán phá giá các mặt hàng xuất khẩu (cá tra, cá basa,…) cho đến thao túng tiền tệ, hay bất cứ chính sách, hành động nào gây bất lợi cho những quốc gia cáo buộc, được coi là hình mẫu của “kinh tế thị trường”. Dù gặp không ít trở ngại và định kiến như trên, nhưng Việt Nam đã và đang từng bước tiếp tục tiến trình hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực, trong đó có thương mại.

Sự bùng nổ, phát triển của công nghệ thông tin càng khiến cho thế giới xích lại gần nhau hơn. Các tập đoàn tận dụng những khác biệt giữa các quốc gia để giảm chi phí sản xuất và giá thành. Từ đó, các chuỗi cung ứng xuyên quốc gia được hình thành và gần như không nước nào có thể tách mình ra khỏi mạng lưới trao đổi, giao dịch xuyên quốc gia, với nhiều chuỗi đan xen lẫn nhau. Toàn cầu hóa đã làm thay đổi hiện trạng của thế giới, với các quyết định kinh doanh dựa trên những nguyên tắc của kinh tế thị trường được áp dụng trên phạm vi toàn cầu.

Một hệ quả dễ thấy được của công cuộc toàn cầu hóa là khó có thể tìm được sản phẩm nào mỗi người dân ở toàn bộ các quốc gia trên thế giới tiêu thụ hàng ngày có nguồn gốc hoàn toàn từ trong nước. Chỉ cần bất cứ công đoạn nào có biện pháp cắt giảm chi phí mà không ảnh hưởng đến chất lượng, không phân biệt nguồn gốc, vị trí địa lý là có thể được áp dụng để giúp làm giảm giá thành. Đây cũng là quy luật của kinh tế thị trường mà các nước phát triển luôn đem làm tôn chỉ, làm chuẩn mực trong thương mại quốc tế, với giá cả và chất lượng là những yếu tố then chốt quyết định thị phần. Các quốc gia muốn sản phẩm quốc nội của mình đứng vững, trong đó có Việt Nam, phải tìm giải pháp nâng cao chất lượng mà vẫn giữ giá cả phải chăng để giữ chân khách hàng trong nước, đồng thời quảng bá sản phẩm của mình ra nước ngoài. Đây có thể xem như là một trật tự, hay luật chơi mà ai cũng phải tuân theo trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng và quan hệ thương mại giữa các quốc gia trên thế giới với nhau ngày càng thắt chặt. Mối liên kết ngày càng chặt chẽ nói trên đã và đang đem lại nhiều lợi ích cho các quốc gia, doanh nghiệp và người dân trên toàn thế giới. Việt Nam không chỉ xuất khẩu nhiều mặt hàng ra các nền kinh tế lớn, mà còn có thể tiếp cận được nhiều loại hàng hóa, dịch vụ chất lượng từ ngoài nước để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng gia tăng của người dân.

Tuy nhiên, những mối liên kết chằng chịt, đan xen lẫn nhau của nền kinh tế toàn cầu hóa nói trên cũng tồn tại bất cập. Dù mạng lưới có bền chặt đến đâu, chỉ cần một sợi dây liên kết đứt gãy là có thể khiến cho cả mạng lưới tê liệt, sụp đổ. Một biến cố hay quyết định không liên quan đến kinh tế có thể gây hiệu ứng rộng khắp, không chỉ gói gọn trong một quốc gia. Ví dụ, vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ khiến hàng loạt chuyến bay bị đình lại với lý do an ninh, giao thông đường bộ và đường hàng hải cũng chịu ảnh hưởng do đóng cửa biên giới. Tình trạng này khiến việc vận chuyển qua xuyên quốc gia bị tê liệt, không thể giao hàng kịp thời, dẫn đến hậu quả là chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn.

Thế giới bất ổn và phi thị trường hóa

Tình hình thế giới trong những năm gần đây cũng đang chứng kiến những biến cố khiến cho trật tự nói trên bị xáo động. Đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu vào năm 2020, với tốc độ chóng mặt và tước đi sinh mạng của nhiều người trên thế giới khiến chính phủ các nước phải tìm mọi cách để đối phó, đẩy lùi. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus biến đổi khó lường này, các biện pháp giới nghiêm, giãn cách xã hội đã được đặt ra. Điều này khiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên toàn thế giới bị đình trệ, do nhân viên không thể rời nhà đi làm. Hoạt động vận tải hành khách lẫn hàng hóa cũng bị đóng băng một thời gian, góp phần khiến giá dầu giảm kỷ lục vào thời gian đầu của đại dịch. Trong khi nhiều ngành sản xuất, dịch vụ thất thu, thậm chí phá sản vì thiếu nhân lực, không thể hoạt động, không có khách hàng, các tập đoàn công nghệ thông tin lại thu về lợi nhuận chưa từng có, do người dân phải phụ thuộc vào các phần mềm, công cụ hỗ trợ làm việc từ xa. Bản thân Việt Nam cũng phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng khi làn sóng biến thể Delta nổi lên trong năm 2021, khiến các ngành sản xuất trong nước như dệt may phải chịu thiệt hại do không thể hoàn thành các đơn đặt hàng từ nước ngoài.

Gần đây nhất, khi dịch Covid-19 tái bùng phát với quy mô lớn ở Trung Quốc, chính phủ nước này vẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, làm gián đoạn các hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều thành phố trong nước. Trong đó, Thượng Hải, thương cảng lớn của Trung Quốc là một trong những tâm điểm của đợt dịch mới. Chính sách giới nghiêm ngăn chặn lây lan Covid-19 bằng mọi giá đã khiến cho hoạt động ở thương cảng này bị ách tắc, tác động lên chuỗi cung ứng toàn cầu, từ Tesla tới Apple. Đại dịch Covid-19 cũng khiến cho các nước tìm cách vực dậy kinh tế bằng cách ban hành các gói kích thích, làm tăng cung tiền và dấy lên quan ngại về nguy cơ lạm phát gia tăng ngoài tầm kiểm soát khi nền kinh tế phục hồi. Mặc dù Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) đã trấn an dư luận rằng tình trạng lạm phát sẽ chỉ mang tính tạm thời nhưng lạm phát ở Mỹ vẫn liên tục gia tăng, từ 5,4% (trong tháng 9/2021) lên đến 8,5% (vào tháng 3/2022) và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Ngoài yếu tố dịch bệnh, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã gây ra tác động không hề nhỏ lên kinh tế thế giới. Mỹ và các quốc gia châu Âu tung ra hàng loạt các biện pháp trừng phạt quy mô lớn trên nhiều phương diện, từ kinh tế, thương mại đến cả văn hóa, thể thao để cô lập Nga trên trường quốc tế. Trong đó, có thể kể đến việc đóng băng tài khoản của các tổ chức, cá nhân Nga hoạt động ở các quốc gia nói trên. Điều này khiến các công ty Nga không thể thu về và sử dụng lợi nhuận bằng ngoại tệ thu được từ hoạt động kinh doanh tại các quốc gia đó, trong đó có thu nhập từ xuất khẩu khí đốt sang các nước châu Âu. Thậm chí, các nước tham gia cấm vận Nga loại Nga ra khỏi SWIFT – hệ thống thanh toán toàn cầu, như là biện pháp tăng cường để cô lập Nga về tài chính. Đồng thời, các nước nói trên cũng tìm cách hạn chế sử dụng nhiên liệu từ Nga, trong đó có việc cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu thô. Để đối phó tình trạng này, Nga quyết định chuyển đơn vị tiền tệ thanh toán khí đốt sang đồng rúp, áp dụng cho những quốc gia “không thân thiện”, và sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho những nước nào không đồng ý với đề xuất trên.

Bất ổn do xung đột, cộng thêm những chính sách trừng phạt, theo nhiều đánh giá mang nặng yếu tố chính trị hơn là lợi ích quốc gia của các nước phương Tây đã gây ra một chuỗi biến cố khiến cho giá dầu gia tăng. Mặc dù có những lúc hạ nhiệt, giá dầu vẫn đang ở mức cao (cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 7 năm 2022 là 112,39 USD/thùng). Ngay cả trước khi chiến sự diễn ra, nước Đức phải chịu sức ép không được đưa vào hoạt động đường ống dẫn khí đốt Nord Stream II nối liền Nga và Đức, mặc dù đường ống này có thể cung cấp lượng khí đốt dồi dào cho Đức và cả châu Âu. Dưới sức ép từ giá nhiên liệu, giá điện gia tăng là điều không thể tránh khỏi, cụ thể, giá điện theo hợp đồng giao sau năm 2023 tại Đức đạt mức 228,75 euro (242,28 USD) trên một MWh, mức cao nhất cho hợp đồng có kỳ hạn đến sang năm kể từ 27 tháng 12 năm trước. Sức ép giá năng lượng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ lên đời sống của người dân các nước tham gia cấm vận, nhất là các nước châu Âu, vốn dựa nhiều vào nguồn năng lượng giá rẻ nhập khẩu từ Nga. Ví dụ như ở Italia, chính phủ đề nghị người dân chỉ để nhiệt độ điều hòa không dưới 25-27 độ C vào mùa hè, và nhiệt độ sưởi không quá 19-21 độ C vào mùa đông nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng (Reuters, 2022). Giá dầu gia tăng cũng kéo theo chi phí sản xuất, vận chuyển, góp phần làm tình hình lạm phát nghiêm trọng hơn.

Ngoài năng lượng, chiến sự ở Ukraine cũng dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm, không chỉ do Ukraine được xem là “rổ bánh mì” của châu Âu, mà còn vì các lệnh cấm xuất nhập khẩu giữa Nga và các nước cấm vận Nga. Trong các lệnh cấm này có bao gồm cả các mặt hàng nông sản, máy móc nông nghiệp và phân bón, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc chế biến thực phẩm. Việt Nam – một nước nông nghiệp cũng đang phải tìm cách thích ứng với tình trạng khan hiếm phân bón. Ngoài ra, do lo ngại khủng hoảng chính trị lan rộng, một số nước như Serbia, Kazakhtan đã áp đặt hạn ngạch lên các mặt hàng thóc lúa.

Trong khi nền kinh tế của các nước châu Âu đang gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, chính phủ các nước này lại đi tiên phong trong công cuộc cấm vận Nga. Theo thống kê của Bloomberg, tính đến thời điểm của bài viết, các nước EU cấm vận đến 490 đối tượng Nga (trong khi Mỹ chỉ có 118). Các lệnh hạn chế, cấm đoán thương mại với Nga tạo ra tình trạng khan hiếm năng lượng lẫn lương thực, thực phẩm, góp phần làm lạm phát trầm trọng hơn. Ngoài ra, các biện pháp cô lập Nga về mặt tài chính cũng khiến cho chính công dân các nước tham gia cấm vận bị thiệt hại do không thể làm ăn với Nga. Những diễn biến, hậu quả như trên xảy ra đến từ việc thị trường đã bị bóp méo do các chính sách cấm vận. Nói cách khác, tình trạng này lẽ ra có thể tránh được, nếu các chính trị gia có thể tinh tế hơn, và cuộc khủng hoảng này hoàn toàn do bàn tay con người tạo ra, làm “méo mó” thương mại quốc tế, xáo động trật tự toàn cầu hóa và phi thị trường hóa thế giới.

Việt Nam có đứng vững trong thế giới mới?

Trong bối cảnh thế giới đang có xu hướng thay đổi, thậm chí đảo ngược trật tự “toàn cầu hóa” như trên, liệu Việt Nam có phải thích nghi để tồn tại? Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương, chủ trương làm bạn với tất cả các nước, tăng hợp tác kinh tế, thương mại với các nước trên thế giới, một thế giới có xu hướng thay đổi từ đơn cực thành đa cực thực chất có thể có lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, để kiên trì theo đường lối trên, chúng ta phải có nội lực kinh tế, từ đó củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tránh phụ thuộc vào bất cứ siêu cường nào. Để có nội lực kinh tế, chúng ta không thể chỉ chăm bẵm vào các lĩnh vực “dễ kiếm tiền” như thị trường chứng khoán hay bất động sản, hiện đang lộ ra nhiều vấn đề tiêu cực và về bản chất không tạo ra thêm của cải vật chất.

Việt Nam cần phải chú trọng nhiều hơn vào các ngành công nghiệp sản xuất, những ngành có thể tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Việc này sẽ góp phần tạo ra thêm giá trị thực, gia tăng nội lực, và củng cố sự tự chủ của nền kinh tế nước nhà. Một quốc gia mà chỉ dựa vào các lĩnh vực “tiền đẻ ra tiền” để tăng con số GDP, không thể tự sản xuất vật chất hữu hình sẽ bị rơi vào khủng hoảng khan hiếm trầm trọng khi có biến cố xảy ra. Một ví dụ tiêu biểu gần đây là cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka, khi chính phủ nước này tuyên bố không thể thanh toán khoản nợ nước ngoài 35 tỷ USD (The Economist, 2022) và nền kinh tế dựa quá nhiều vào nhập khẩu, hầu như không thể tự cung tự cấp, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa và vật giá gia tăng, kéo theo bất ổn, xung đột nội bộ. Do đó, trong bối cảnh thế giới đang bất ổn, quá trình toàn cầu hóa đang chững lại và manh nha một trật tự thế giới mới, Việt Nam cần phải có sự tự cường về kinh tế, từ đó giữ vững vị thế của mình trên trường quốc tế.

Xem toàn bộ bài nghiên cứu Sự xáo động trật tự toàn cầu hóa và phi thị trường hóa thế giới: Kiến nghị chính sách cho Việt Nam tại kỷ yếu hội thảoĐịnh hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam – Lần 2”. Tác giả: ThS. Nguyễn Trí Minh – Khoa Tài chính, Trường Kinh doanh UEH.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #51 “Bất ổn toàn cầu và chiến lược thích ứng của các doanh nghiệp Việt Nam”.

Tin, ảnh: Nhóm tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Giọng đọc: Ngọc Quí

Tài liệu tham khảo:

Disis, J.E. (2022). China’s Covid lockdowns disrupt global supply chains: Eco Week. [online] Bloomberg. Available at: <https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-05-07/china-s-covid-lockdowns-disrupt-global-supply-chains-eco-week> [Accessed 08 May 2022].

Durisin, M. (2022). Food prices hold near record as Ukraine war upends trade. [online] Bloomberg. Available at: <https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-05-06/food-prices-hold-near-record-as-ukraine-war-upends-global-trade> [Accessed 8 May 2022].

The Economist (2022). Sri Lanka’s default could be the first of many. [online] Available at: <https://www.economist.com/finance-and-economics/2022/04/16/sri-lankas-default-could-be-the-first-of-many> [Accessed 08 May 2022].

Gillespie, T. and Starn, J. (2022). European power prices climb to year high on sanctions threat. [online] Bloomberg. Available at: <https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-05-05/european-power-prices-climb-to-year-s-high-on-sanctions-threat> [Accessed 08 May 2022].

Reuters (2022). The heat is on, Italy plans to turn down air conditioning to save energy. [online] Available at: <https://www.reuters.com/business/energy/heat-is-italy-plans-turn-down-air-conditioning-save-energy-2022-04-20/> [Accessed 08 May 2022].

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021