[Podcast] Toàn cầu hóa và hệ thống tiền tệ thế giới: Sự xói mòn của đồng đô la và kịch bản cho thương mại Việt Nam

14 Tháng Bảy, 2022

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, đại dịch COVID-19 và giờ là cuộc xung đột Nga – Ukraine đã đưa đến một sự đồng thuận mới từ các nền kinh tế phát triển là cần phải giảm sự phụ thuộc lẫn nhau… Tuy nhiên, quá trình giảm sự phụ thuộc lẫn nhau này đã đưa thế giới đến tình trạng lạm phát gia tăng, thiếu hụt lao động, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, những cú sốc đối với hệ thống tài chính toàn cầu,… Điều này liệu có làm thay đổi hệ thống tiền tệ quốc tế? Bài viết dưới đây đã phân tích xu hướng toàn cầu hóa trong bối cảnh mới và những tác động lên hệ thống tiền tệ thế giới, từ đó khuyến nghị kịch bản thương mại cho Việt Nam. 

Xu hướng toàn cầu hóa trong bối cảnh mới

Từ thời cổ đại, con người đã tìm kiếm những nơi xa xôi để định cư, sản xuất và trao đổi hàng hóa nhờ những cải tiến trong công nghệ và giao thông vận tải. Nhưng phải đến thế kỷ 19, hội nhập toàn cầu mới phát triển. Sau nhiều thế kỷ thuộc địa hóa và hoạt động thương mại của châu Âu, “làn sóng” toàn cầu hóa đầu tiên đó đã được thúc đẩy nhờ sự ra đời của tàu hơi nước, đường sắt, điện báo, và nhiều đột phá khác,… và cũng thông qua các phương thức gia tăng hợp tác kinh tế giữa các quốc gia với nhau. Tuy nhiên, xu hướng toàn cầu hóa đó cuối cùng cũng suy yếu và sụp đổ trong Thế chiến thứ nhất, sau đó là chủ nghĩa bảo hộ sau chiến tranh, cuộc Đại suy thoái và Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau Thế chiến thứ hai vào giữa những năm 1940, Hoa Kỳ đã dẫn đầu các nỗ lực phục hồi thương mại và đầu tư quốc tế theo các quy tắc cơ bản được thương lượng. Giới tinh hoa phương Tây đã có niềm tin rằng, thương mại có lợi cho hòa bình và ngược lại. Cordell Hull – Ngoại trưởng của Franklin Roosevelt, tin chắc rằng việc giảm thuế quan và tăng cường thương mại quốc tế sẽ giúp đặt nền móng cho hòa bình. EU cũng là một dự án kinh tế và chính trị. Nguồn gốc của nó nằm ở Cộng đồng Than và Thép Châu Âu, được thành lập vào năm 1952 với mục tiêu là làm cho ngành công nghiệp của Pháp và Đức phụ thuộc lẫn nhau đến mức không bao giờ có thể xảy ra một cuộc chiến tranh Châu Âu khác. Từ thập niên 1960, Đức thực hiện chính sách hướng Đông bằng cách bình thường hóa các mối quan hệ kinh tế để rồi khí đốt Nga bắt đầu chảy sang Đức vào năm 1973…

Qua đó, quá trình toàn cầu hóa đã thúc đẩy tăng trưởng và những tiến bộ kinh tế nhất định. Bảng 1 cho thấy xu hướng toàn cầu hóa đã thúc đẩy tăng trưởng và độ mở nền kinh tế của các nước G7 trong vai trò dẫn dắt quá trình toàn cầu hóa. Trên thực tế, quá trình toàn cầu hóa này đã suy giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Tỷ trọng thương mại trong GDP thế giới bắt đầu giảm sau năm 2007, do tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của Trung Quốc đã giảm mạnh 16 điểm phần trăm. Vào năm 2007, tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của Trung Quốc là 35,43% và đã giảm còn 18,5% vào năm 2020. Chuỗi giá trị toàn cầu đã ngừng mở rộng và hiện đang dịch chuyển giữa các quốc gia.

Bảng 1: Độ mở thương mại và GDP của các nước G7 (Xuất khẩu cộng nhập khẩu/GDP)

Quốc gia Xuất khẩu (tỷ USD) Độ mở thương mại Tăng trưởng kinh tế (tỷ USD)
1990 2020 Tỷ lệ 1990 2020 1990 2020 Tỷ lệ
Canada 149,46 476,04 219% 50,18 59,91 593,93 1.645,42 177%
Anh 252,31 770,48 205% 47,98 55,64 1.093,17 2.759,8 152%
Đức 404,58 1.669,99 313% 45,86 81,11 1.771,67 3.846,41 117%
Pháp 266,22 733,17 175% 42,74 57,77 1.269,18 2.630,32 107%
Ý 215,68 555,04 157% 36,32 55,09 1.181,22 1.888,71 60%
Mỹ 551,87 2123,41 285% 19,82 23,38 5.963,14 20.953,03 251%
Nhật 320,17 785,37 145% 19,66 31,38 3.132,82 5.057,76 61%

Nguồn: The World Bank

Tuy nhiên, kỷ nguyên toàn cầu hóa liệu đã kết thúc khi thế giới đối mặt dịch bệnh Covid-19, cuộc chiến Nga và Ukraine? Hiện nay, hoạt động thương mại toàn cầu được đẩy xuống vị trí thứ yếu và thúc đẩy các mục tiêu quốc gia lên vị trí quan trọng – đặc biệt là sức khỏe cộng đồng và an ninh quốc gia. Mục tiêu của toàn cầu hóa nhằm thực hiện một nguyên tắc về lợi thế so sánh của một quốc gia để chuyên môn hóa quá trình sản xuất, nhưng sự phát triển toàn cầu hóa lại tạo ra một nguyên tắc khác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia thông qua việc thúc đẩy nền kinh tế sản xuất ra những gì mà những quốc gia giàu có hơn đang có nhu cầu. Kết quả là tạo ra những xung đột giữa chính sách can thiệp, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng thành công và những nguyên tắc trong thương mại quốc tế (Dani Rodrik, 2017). Ngày nay, với sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành một đối thủ địa chính trị, và cuộc xung đột Nga – Ukraine cạnh tranh chiến lược của Mỹ trong lựa chọn an ninh quốc gia hơn là lợi ích hợp tác kinh tế quốc tế. Điều này đặt thương mại toàn cầu dưới hai kịch bản: (1) kịch bản tồi tệ và ít được mong đợi của những thập niên 1930 khi một nước/nhóm nước rút lui khỏi quá trình sản xuất; (2) một kịch bản cho khả năng ít tồi tệ hơn chính là quyền lợi tối cao của địa chính trị vẫn được duy trì, nghĩa là chiến tranh thương mại, các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ trở thành một đặc điểm nổi bật trong thương mại và tài chính toàn cầu.

Hệ thống tiền tệ thế giới

Toàn cầu hóa về cơ bản đã định hình lại cách thức hoạt động của các nền kinh tế các nước tiên tiến (bao gồm khu vực đồng Euro và Hoa Kỳ). Các nước còn lại là điểm đến chính cho việc sản xuất và thiết kế các hàng hóa và dịch vụ, cung cấp một sự lựa chọn đa dạng hàng hóa nhập khẩu cho các nhà sản xuất và tiêu dùng nội địa. Đồng thời, hệ thống tài chính của các nền kinh tế phát triển đã được chuyển đổi thông qua dòng tài chính toàn cầu. Trong khi đó, một thay đổi cơ bản trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã xuất hiện từ sự đóng góp ngày càng gia tăng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (hình 1). Điều này có nghĩa là mức độ đóng góp của các nền kinh tế này cũng gia tăng trong thương mại toàn cầu (hình 2).

Hình 1: Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Nguồn: IMF World Development Indicators and Haver Analytics

Hình 2: Tỷ lệ phần trăm hàng hóa nhập khẩu tính bằng USD

Nguồn: IMF World Development Indicators, IMF World Economic Outlook and Haver Analytics

Việc mở rộng thương mại quốc tế đã đi liền với sự mở rộng tài sản gia tăng bên ngoài so với GDP toàn cầu (hình 3), điều này cho thấy lợi ích của các nền kinh tế phát triển trong việc thúc đẩy thương mại toàn cầu để mở rộng cung tiền (Bảng 2, hình 4). Qua đó, sự gia tăng trong thương mại quốc tế và đầu tư đã đưa đến sự tập trung trong một số loại tiền tệ nhất định. Đồng đô la Mỹ vẫn giữ vai trò chủ đạo, đồng euro đứng thứ 2 (hình 5). Đó cũng là lý do chính mà Mỹ và các quốc gia phương Tây sử dụng quyền thống trị này để áp đặt các lệnh trừng phạt. Mức độ áp đặt các lệnh trừng phạt thông qua hệ thống thanh toán tiền tệ này đang ngày càng gia tăng đã thúc đẩy các quốc gia trên thế giới thiết lập những hệ thống thanh toán khác nhau để né tránh các lệnh trừng phạt này. Một số quốc gia thanh toán song phương sử dụng các loại tiền tệ của nhau hoặc thiết lập một số hệ thống thanh toán thay thế hệ thống SWIFT như hệ thống CIPS của Trung Quốc,…

Hình 3: Sự phát triển tài sản bên ngoài trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Nguồn: External Wealth of Nations database (Lane and Milesi-Ferretti) and ECB staff calculations

Hình 4: Cung tiền M0 của một số quốc gia

Nguồn: Trading Economics

Hình 5: Hệ thống tiền tệ quốc tế

Nguồn: BIS, CLS Bank International, IMF, SWIFT and ECB calculations. See also ECB (2019)

Bảng 2: Tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng cung tiền M2 của các quốc gia G7

Quốc gia M2: Q1 1999/Q4 2021 GDP: Q1 1999/Q4 2021
Canada 406% 152%
Anh 373% 133%
Đức 189% 80%
Pháp 335% 85%
Ý 250% 56%
Mỹ 382% 155%
Nhật 33% 2%

Nguồn: Thomson reuters datastream

Như vậy, những thách thức lên hệ thống tiền tệ hiện nay vẫn đang tồn tại và ngày một gia tăng khi các lệnh trừng phạt liên tục được áp đặt từ các nước phát triển. Nhưng những thách thức này đã đủ lớn để hệ thống tiền tệ dựa trên đồng đô la Mỹ mất đi vai trò của nó?

Sự xói mòn của đồng đô la!

Thế giới ngày nay đang có nhiều thay đổi nhanh chóng từ vai trò dẫn dắt toàn cầu hóa của các nền kinh tế phát triển, sự trỗi dậy của Trung Quốc, cường độ áp đặt các lệnh trừng phạt trong hệ thống tiền tệ hiện tại gia tăng… niềm tin của các quốc gia tham gia thương mại và đầu tư toàn cầu liệu có suy giảm vào hệ thống tiền tệ dựa vào đồng đô la hiện nay? 

Theo quan điểm của Paul Krugman, việc các quốc gia tham gia thương mại quốc tế sử dụng hệ thống tiền tệ nào cần tiếp cận trên hai khía cạnh là quy mô (size) và độ sâu (thickness) thị trường (Paul Krugman, 1980). Khi mà hệ thống tiền tệ đã trở nên được vũ khí hóa trước cuộc xung đột Nga – Ukraine, thì Trung Quốc và Ả Rập Saudi đang trở nên lo ngại khi tham gia vào hệ thống SWIFT. Zhou Xiaochuan (cựu thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc) đã nói về nguy cơ của Trung Quốc và kêu gọi tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ trên toàn cầu qua hệ thống CIPS, nhưng kết quả thì giá trị giao dịch chỉ đạt 1% so với SWIFT.

Một hệ thống tiền tệ được lựa chọn trong thanh toán quốc tế đòi hỏi phải đáp ứng nhu cầu tài trợ cao trong thời kỳ khủng hoảng cho các các tổ chức tài chính quốc tế. Cục dự trữ liên bang Mỹ đã đưa ra hai chương trình đáp ứng cho những căng thẳng trong thiếu hụt tiền tệ thanh toán là cuộc khủng hoảng 2008-2009 và khủng hoảng Covid-19 tháng 3/2020 (Carol BertautBastian von BeschwitzStephanie Curcuru, 2021). Giá trị của các dòng giao dịch này rất lớn, trị giá 585 tỷ đô la trong thời kỳ khủng hoảng 2008-2009 và 450 tỷ đô la trong thời kỳ Covid-19. Trong khi đó, đồng Euro cũng được sử dụng rộng rãi trong thanh toán quốc tế nhưng lại không được sử dụng hoán đổi rộng rãi với các loại tiền tệ khác ngoài đồng đô la Mỹ. Như vậy, việc sử dụng đồng đô la như một “phương tiện” hơn là trong vai trò thanh toán trực tiếp giữa các quốc gia như Trung Quốc kêu gọi.

Hình 6: Dòng hoán đổi tiền tệ qua hệ thống ngân hàng Fed

Nguồn: Federal Reserve Bank of New York; European Central Bank

Gita Gopinath và Jeremy Stein, đã mô tả một vòng phản hồi khác liên quan đến định giá (Gita Gopinath và Jeremy Stein, 2021). Vì nhiều hàng hóa được định giá bằng đô la Mỹ, tài sản đô la Mỹ có sức mua tương đối dễ dự đoán; điều này củng cố nhu cầu đối với các tài sản này, do đó làm cho việc vay bằng đồng đô la có phần rẻ hơn so với các loại tiền tệ khác. Và vay bằng đồng đô la Mỹ giá rẻ lần lượt mang lại cho doanh nghiệp một động lực để hạn chế rủi ro trong vay nợ thông qua việc định giá sản phẩm bằng đồng đô la Mỹ, một lần nữa củng cố lợi thế của đồng đô la Mỹ.

Một vấn đề quan trọng thứ ba của việc lựa chọn loại tiền tệ trong thanh toán quốc tế là thị trường nợ ứng với tiền tệ đó phát triển đến mức độ nào. Khi đồng Euro ra đời đã tạo điều kiện cho sự phát triển thị trường nợ cạnh tranh với Mỹ, thế nhưng sau cuộc khủng hoảng nợ, do những lo ngại về vỡ nợ nên lợi suất của trái phiếu Euro do các chính phủ châu Âu phát hành đã trở nên phân kỳ. Nghĩa là không còn một thị trường trái phiếu euro để cạnh tranh với thị trường trái phiếu Mỹ (Paul Krugman, 2022).

Trong khi đó, nếu các quốc gia và tổ chức tài chính quốc tế sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế thì sẽ quản trị đồng tiền này như thế nào? Nếu theo cách mà các nhà kinh tế học thường đề cập đến vai trò của một loại tiền tệ dựa trên ba chức năng của nó, thì liệu nhân dân tệ có đáp ứng trong vai trò tiền tệ quốc tế? Và nếu đánh giá trên hai tiêu chí của Paul Krugman thì nhân dân tệ cũng chưa đủ điều kiện. Do vậy, theo quan điểm tác giả, ngay cả khi có nhiều sự thách thức lên hệ thống tiền tệ hiện nay thì đồng đô la Mỹ vẫn chưa thể bị thay thế trong những năm tới, nhưng câu chuyện về địa tiền tệ cũng có thể được đề cập.

Sự lựa chọn cho Việt Nam trong phát triển kinh tế

Kịch bản đầu tiên trong thương mại toàn cầu sẽ tạo ra những tổn thất kinh tế rất lớn mà trong đó các quốc gia lớn đang kiểm soát tình huống trong việc quản trị những xung đột, và Việt Nam nên nghĩ về một kịch bản thứ hai, theo đó Việt Nam nên đạt được sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và yêu cầu của toàn cầu hóa. Nghĩa là Việt Nam tranh thủ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng để thu hút đầu tư, thúc đẩy mô hình tăng trưởng kinh tế từ hoạt động xuất khẩu theo cách tiếp cận sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu của các nền kinh tế phát triển. Và với chiến lược này thì không tránh khỏi những tác động bất lợi từ hoạt động thương mại toàn cầu mà các nền kinh tế lớn áp đặt. Việc quản trị các mối quan hệ này với các nước lớn trong thương mại toàn cầu là rất quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa thị trường. Do vậy, bước đầu tiên phải tạo ra sự cân bằng trong thương mại quốc tế giữa các nền kinh tế, để tránh những thiệt hại do những lệnh trừng phạt đơn phương gây ra.

Hình 7: Độ mở nền kinh tế Việt Nam 1986-2020

Nguồn: The World Bank

Xem toàn bộ bài nghiên cứu Toàn cầu hóa và hệ thống tiền tệ thế giới: Sự xói mòn của đồng đô la và kịch bản cho thương mại Việt Nam tại kỷ yếu hội thảo “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam – Lần 2”. Tác giả: TS. Đinh Thị Thu Hồng, TS. Lê Đạt Chí – Khoa Tài chính, Trường Kinh doanh UEH.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #50 “Sự xáo động trật tự toàn cầu hóa và phi thị trường hóa thế giới: Kiến nghị chính sách cho Việt Nam”.

Tin, ảnh: Nhóm tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Giọng đọc: Ngọc Quí

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021