Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH – Thành viên Đại học Đa ngành và Bền vững

31 Tháng Mười, 2023

Ngày 27/10/2021, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (UEH College of Economics, Law and Government – CELG) đã ra đời với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao khối ngành kinh tế, luật và quản lý nhà nước, có năng lực nhận dạng và giải quyết các vấn đề có tính chất phức hợp ở quy mô toàn cầu, khu vực và ở Việt Nam. Sau hơn hai năm chính thức hoạt động, UEH-CELG đã đạt được những thành tích ấn tượng, đóng góp vào sự phát triển chung trong chiến lược Đại học Đa ngành và Bền vững của UEH. Hãy cùng nhìn lại dấu ấn thành lập và hành trình hoạt động của Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH!

Dấu ấn thành lập và định hướng hoạt động Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH

Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH là sự kết hợp các Khoa, Viện có chương trình đào tạo liên quan đến các lĩnh vực: Kinh tế, luật, quản lý nhà nước và tài chính công, nhằm thực hiện sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có năng lực nhận dạng và giải quyết các vấn đề có tính chất phức hợp ở quy mô toàn cầu, khu vực và ở Việt Nam.

Chiến lược phát triển đến năm 2030, UEH-CELG sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu của UEH nói chung và các Khoa, Viện thuộc CELG nói riêng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành kinh tế, luật và quản lý nhà nước ở Việt Nam cũng như khu vực, tích cực thúc đẩy phát triển bền vững và đóng góp xã hội.

Trong giai đoạn đầu thành lập (2022 – 2025), định hướng phát triển của CELG xoay quanh 05 chiến lược: (1) Chiến lược đào tạo; (2) Chiến lược nghiên cứu khoa học; (3) Chiến lược hợp tác quốc tế; (4) Chiến lược ảnh hưởng xã hội; và (5) Chiến lược quản trị và vận hành, nhằm đóng góp tích cực cho sự phát triển của UEH trong chiến lược Đại học Đa ngành và Bền vững, đồng thời gia tăng vị thế của UEH trên các bảng xếp hạng quốc tế.

GS.TS. Sử Đình Thành trao các quyết định bổ nhiệm PGS.TS. Phạm Khánh Nam giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH nhiệm kỳ 2020 – 2025

Quản trị và kết nối mô hình trường thành viên trong mô hình Đại học đa ngành, đa lĩnh vực

Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của Quản trị đại học trong tiến trình phát triển Đại học UEH Đa ngành và Bền vững, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH đã chủ động thay đổi tư duy quản trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả và tăng cường phát huy nội lực. Tích cực tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hầu hết các nghiệp vụ hành chính. Đặc biệt, hiệu quả hoạt động của Phòng Tổng hợp đóng vai trò trung tâm kết nối các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế của Trường. Ngay từ khi ra đời, Phòng Tổng hợp đã thể hiện mức độ thích nghi nhanh chóng và khả năng đáp ứng cao trong việc đảm nhiệm vận hành các hoạt động đa dạng của Trường thành viên.

Điểm nổi bật tiếp theo của mô hình Trường thành viên trong Đại học UEH đa ngành, đa lĩnh vực chính là sự thành công của việc tổ chức các hoạt động học thuật chung xây dựng môi trường học thuật kết nối giảng viên – giảng viên; giảng viên – sinh viên; doanh nghiệp – sinh viên… Đây là điều mà chưa được phát huy trước đó, khi không có Trường thành viên, và vai trò điều phối, vận hành của Phòng Tổng hợp.

Nỗ lực nâng tầm chất lượng đào tạo

Điểm sắc nét vượt trội của các chương trình đào tạo tại Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH đó là tính đa ngành, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, và tập trung đặc thù của CELG là hướng kinh tế, luật, quản lý nhà nước và các khoa học xã hội.

Trong giai đoạn 2021-2023, các chương trình đào tạo của các Khoa, Viện thuộc CELG đã có sự chuyển mình mạnh mẽ theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, tích hợp công nghệ và các chủ đề đương đại vào trong chương trình học như chuyển đổi số, đa ngành, phát triển bền vững,… Nhiều chương trình song bằng, song chuyên ngành ra đời đáp ứng nhu cầu đào tạo đa ngành và bền vững, tạo cơ hội chuyển đổi linh hoạt hơn cho người học trong lộ trình phát triển năng lực học tập suốt đời, chẳng hạn: Chương trình Kinh doanh nông nghiệp và Kinh doanh quốc tế; Chương trình Kinh doanh nông nghiệp – Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng; Chương trình Quản lý công và Luật & Quản trị địa phương; Chương trình Thuế và Kế toán. Đặc biệt, Chương trình đào tạo Kinh tế số và Chương trình đào tạo Quan hệ quốc tế là các chương trình hoàn toàn được xây dựng mới, đáp ứng lộ trình và yêu cầu phù hợp cho CELG xứng tầm là thành viên trụ cột của Đại học UEH Đa ngành và Bền vững.

Điểm nổi bật tiếp theo là nhiều chương trình đào tạo đã hoàn thành kiểm định FIBAA như: Chương trình Thạc sĩ Kinh tế phát triển (liên kết giữa UEH và Đại học Erasmus Rotterdam Hà Lan); Chương trình Bất động sản trình độ đại học; Chương trình Luật Kinh doanh và Chương trình Luật kinh doanh quốc tế (2023).

Thực hiện chiến lược đồng hành cùng sự phát triển địa phương, đóng góp cho cộng đồng thông qua: Chương trình “UEH Mekong 2030” đào tạo nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình “Thạc sĩ Điều hành cao cấp Chính sách công khu vực ĐBSCL” cho 44 học viên đến từ 9 tỉnh/thành phố ĐBSCL; Chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ Chính sách công hệ Điều hành cao cấp” (Executive MPP 2023) cho 41 học viên là các cán bộ thuộc Thành ủy TP.HCM.

Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo gắn với thực tiễn, trong thời gian vừa qua, CELG đã ký 166 hợp đồng Học kỳ doanh nghiệp với các đối tác, tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm công việc thực tiễn, đúng chuyên môn trước khi tốt nghiệp.

Thành tựu Nghiên cứu khoa học

Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH đặt mục tiêu theo đuổi chất lượng và đẳng cấp trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về khoa học. Giai đoạn 2021 – 2023 ghi nhận sự nỗ lực mạnh mẽ và thành tích vượt trội của CELG trong việc kết nối với các học giả danh tiếng nước ngoài, vận hành các hoạt động học thuật nhằm mở rộng mạng lưới hỗ trợ cho phát triển năng lực nghiên cứu cho CELGers trong tương lai.

Đối với hoạt động NCKH tại trường, giảng viên CELG đã đăng ký và đang tiến hành thực hiện 21 đề tài cấp bộ và 24 đề tài cấp trường trong hơn 02 năm vừa qua. Trong đó có 05 đề tài cấp bộ và 10 đề tài cấp trường đã được nghiệm thu hoàn tất. Để bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nghiên cứu trẻ, trong hai năm vừa qua, Trường đã tổ chức nhiều hoạt động bổ trợ:  (i) Khóa học pre-master cho học viên học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng tự học từ thầy Howard Nicholas, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng và thị trường tài chính; (ii) Lớp Applied Panel Data Econometrics cho nghiên cứu sinh, do Giáo sư Almas Heshmati (Thụy Điển) phụ trách; (ii) Nhiều hoạt động tư vấn trực tiếp và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, góp ý đề cương cho các nghiên cứu sinh,….

Để hoạt động nghiên cứu khoa học được vươn tầm quốc tế, Trường triển khai mời các giảng viên, nhà nghiên cứu danh tiếng thế giới, có tầm ảnh hưởng cao ký hợp đồng cộng tác Research Fellow với trường. Nổi bật có thể kể đến Giáo sư John Hey, D-index 36, Đại học York (Anh); Giáo sư Almash Heshmati, D-index 41, Đại học Jönköping, Thụy Điển; và Giáo sư Bowen Mc. Beath, H-index 25, Đại học Porland State, Mỹ.

CELG mời các giảng viên, nhà nghiên cứu danh tiếng thế giới, có tầm ảnh hưởng cao ký hợp đồng cộng tác Research Fellow với Trường

CELG đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công bố quốc tế có chất lượng cao với 166 bài công bố thuộc danh mục ISI-Scopus, trong đó 28% bài viết được công bố hạng Q1 hoặc ABCD hạng A*. Trong suốt hơn 02 năm thành lập, CELG đã tổ chức và vận hành thành công 04 hội thảo quốc tế: Hội thảo “A pathway towards Carbon Neutrality in Asia”; Hội thảo “Innovative Philosophy and Law (IPL)”; Hội thảo “Thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị cá da trơn (cá tra) ở lưu vực sông Mekong”; Hội thảo Kinh tế, Luật và Quản lý 2023 “Accelerating inclusive green transition in developing countries” thu hút gần 500 nhà nghiên cứu, chuyên gia từ các quốc gia Châu Á và các châu lục khác tham dự.

Các hội thảo quốc tế được tổ chức thành công

Về việc mở rộng mạng lưới đối tác, CELG đã từng bước kết nối với nhiều cơ sở giáo dục chất lượng cao (Tokyo Keizai University, Queensland University of Technology, Portland University, Khon Kaen University…), các tổ chức quốc tế (University Network – SOAS University of London,  The Asian Association of Environmental and Resource Economics – AAERE, The Environment for Development (EfD) Initiative, The Asian Development Bank (ADB)); các chuyên gia WorldBank… Bên cạnh đó, các hoạt động đoàn ra, đoàn vào diễn ra sôi nổi, hình thành và phát triển mạng lưới đối tác của CELG trên khắp các châu lục. Ngoài ra, để hoàn thiện mục tiêu quốc tế hóa các hoạt động cho sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên CELG tiếp cận với môi trường toàn cầu, CELG đã tiến hành trao đổi 62 sinh viên quốc tế trong đó có 24 sinh viên từ các trường đại học trên thế giới đến học tập và trao đổi tại CELG.

Kết nối cộng đồng vì sự phát triển bền vững

Từ khi thành lập đến nay, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH đã tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế thông qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp và trường học trên thế giới nằm trong bảng xếp hạng QS World top 1000, QS Asia top 500 và The Impact Ranking TOP 1000. Trường đã thành công trong việc ký kết 05 MOU và 02 MOA với đối tác quốc tế uy tín. Từ năm 2021 đến nay, Trường CELG có tổng 43 đối tác được giao, trong đó đã ký kết MOU là 28 đối tác. Trong đó, các đối tác của CELG tập trung vào các loại hình chính bao gồm:

Đối với các ngành nghề hợp tác chính:

Với mục tiêu phát triển mạng lưới doanh nghiệp và cựu sinh viên của UEH nói chung và CELG nói riêng, CELG đã đẩy mạnh ký kết hợp tác MOU, MOA và hợp tác với 28 doanh nghiệp giai đoạn 2022 – 2026 ở đa dạng các lĩnh vực và hình thức hợp tác. Đặc biệt, trong năm 2023, CELG đã kết nối với Liên chi Hội đào tạo BĐS Việt Nam (VNREEA), theo đó, GS.TS Sử Đình Thành – Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM và TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan – Trưởng Bộ môn Bất động sản, Đại học Kinh tế TP.HCM đã vinh dự trở thành Phó Chủ tịch VNREEA, là đại diện UEH và CELG trong Ban Thường trực Liên Chi hội Đào tạo Bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ I giai đoạn 2023 – 2028.

GS.TS Sử Đình Thành và TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan trở thành Phó Chủ tịch VNREEA

Chuỗi sinh hoạt khoa học định kỳ CELGS (trung bình 02 tuần/lần) đã kết nối được gần 100 nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý (CTELG) đã vận hành 02 chương trình miễn phí cho cộng đồng: (1) CTELG Talk Series, và (2) Phân tích kinh tế vĩ mô ứng dụng trong công tác truyền thông – báo chí (AMA); tổ chức 3 kỳ sinh hoạt, cung cấp các khía cạnh đa sắc màu về Kinh tế, Luật và Quản lý cho gần 300 người tham gia . Ngoài ra, Khoa Quản lý Nhà nước CELG cũng đã tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn miễn phí về chuyển đổi số trong khu vực công cho các nhà lãnh đạo cấp cao của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào tháng 4/2022.

Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH sẵn sàng hành trình phát triển Đại học UEH Đa ngành và Bền vững

Với những thành quả đã đạt được trong hai năm qua, CELG không ngừng nỗ lực và định hướng phát triển thành một tổ chức đào tạo và nghiên cứu theo hướng đa ngành và bền vững đạt chuẩn quốc tế, đóng góp vào sự phát triển chung của Đại học UEH Đa ngành và Bền vững. Trong đó, tập trung vận hành tốt các ngành đào tạo nền tảng thế mạnh về kinh tế học, quản lý nhà nước, chính sách công và luật. Đồng thời nâng cao danh tiếng học thuật và tầm ảnh hưởng xã hội để thúc đẩy sự phát triển bền vững thông qua các nghiên cứu xuất sắc và có tầm ảnh hưởng xã hội cao. Với mục tiêu đề ra, CELG sẽ thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2030 bao gồm:

  • Nâng cao năng lực nghiên cứu hàn lâm, công bố quốc tế và nâng cao danh tiếng học thuật của CELG;
  • Nâng cao năng lực nghiên cứu thực tiễn cho địa phương, nâng cao tầm ảnh hưởng xã hội thúc đẩy sự phát triển bền vững;
  • Đa dạng hóa phương pháp nghiên cứu cho các ngành đào tạo đa dạng của CELG;
  • Nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế thông qua các kiểm định từ các tổ chức có uy tín;
  • Đi đầu trong việc phát triển chương trình đào tạo liên ngành và đa ngành theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ trong đào tạo;
  • Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo về khoa học xã hội;
  • Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, tăng cường trao đổi giảng viên và sinh với các đại học hàng đầu trên thế giới;
  • Nâng cao danh tiếng học thuật góp phần nâng cao vị thế của UEH trong các bảng xếp hạng (THE Impact Ranking, QS Asia Ranking,…);
  • Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn và các hoạt động cộng đồng nhằm đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của xã hội. Mục tiêu dài hạn tăng chất lượng đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên, với nhiều nhà nghiên cứu đầu ngành trong từng lĩnh vực.

Trên hành trình hơn 47 năm qua, UEH đã kiến tạo nhiều dấu ấn thành tựu. Giờ đây, với một vị thế và tầm vóc mới – Đại học Đa ngành và Bền vững cần sự quyết tâm và nỗ lực hơn nữa của toàn thể UEHer, với vai trò quan trọng của các Trường Thành viên UEH để cùng nhau thực hiện sứ mạng đóng góp cho tri thức nhân loại và phát triển kinh tế – xã hội nước nhà./.

Tin, ảnh: Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH, Phòng Marketing – Truyền thông