Hội thảo quốc tế “Sustainable Mekong Workshop Series (SM)” – Kỳ 1 (SM2022): “Sustainable Development in rural areas”

7 Tháng Mười, 2022

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam và thế giới. Mặc dù chỉ chiếm 11,8% diện tích và 17,6% dân số, nhưng ĐBSCL chiếm tới 90% lượng gạo, 70% lượng trái cây và 65% lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế cả nước, nhưng khu vực này đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, cần phải được nghiên cứu, phân tích, luận giải và đưa ra những giải pháp cấp bách; từ vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, vấn đề chính sách tài chính, thuế, đầu từ hạ tầng giao thông cho đến vấn đề di dân, phát triển du lịch bền vững, và các vấn đề xã hội khác. Đây cũng chính là lý do Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) chính thức tổ chức chuỗi hội thảo quốc tế “Sustainable Mekong Workshop Series (SM)”.

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/04/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, nhằm triển khai các mục tiêu phát triển Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thành Đại học đa ngành và bền vững, và nhằm tích hợp các hoạt động hợp tác năng động trong nước và quốc tế, góp phần phát triển bền vững khu vực ĐBSCL; UEH – Phân hiệu Vĩnh Long đã tổ chức hội thảo quốc tế mang tên “Mekong bền vững” (Sustainable Mekong – SM). Kỳ 1 (SM2022) với chủ đề: “Phát triển bền vững khu vực nông thôn” (Sustainable Development in rural areas) đã diễn ra vào sáng ngày 23/9/2022.

Tham dự hội thảo, về phía đại biểu khách mời có sự tham dự của: Đ/c Cao Hồng Hưng – Phó Vụ trưởng cơ quan Thường trực Ban dân vận Trung ương Đảng tại TP.HCM; Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành và các trường Cao đẳng, Đại học trong vùng ĐBSCL gồm: ThS. Đặng Văn Tuấn – Quyền Giám Đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang; TS. Lê Minh Tùng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang; TS. Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Campus Cần Thơ, Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại; ThS. Nguyễn Thị Mỹ Linh – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Vĩnh Long; ThS. Huỳnh Minh Hiệp – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Long.

Về phía UEH có sự tham dự của: GS.TS. Sử Đình Thành – Hiệu trưởng UEH; TS. Đinh Công Khải – Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (CELG); TS. Nguyễn Đức Trí – Trưởng khoa Du lịch, Trường Kinh doanh UEH (CoB); TS. Trịnh Tú Anh – Viện trưởng Viện Đô thị thông minh và quản lý, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH (CTD); ThS. Nguyễn Thị Thý Liễu – Phó Giám đốc thường trực Phân hiệu Vĩnh Long; TS. Yi Dong Su – Phó Trưởng Khoa Thiết kế – Truyền thông (CTD); PGS.TS. Võ Tất Thắng – Phó trưởng Khoa Kinh tế, Viện trưởng Viện HAPRI (CELG); TS. Bùi Phú Hưng – Khoa Ngoại ngữ; TS. Đỗ Kiên Trung – Điều phối viên quốc tế tại Phân hiệu Vĩnh Long; cùng Ban Giám đốc, lãnh đạo các đơn vị thuộc Phân hiệu, giảng viên và sinh viên tại Phân hiệu.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Sử Đình Thành – Hiệu trưởng UEH chia sẻ: “Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực này cũng gặp rất nhiều khó khăn với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Ngoài ra, hệ thống giao thông kém cũng hạn chế khả năng thu hút đầu tư quốc tế của khu vực, điều này đã hạn chế tiềm năng kinh tế của ĐBSCL. Do đó, cần có một nhu cầu cấp thiết để tiến hành nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thực tế, hiệu quả cho sự phát triển bền vững của ĐBSCL. Chuỗi hội thảo Mekong bền vững (gọi tắt là SM) năm nay lần đầu tiên được tổ chức tại UEH – Phân hiệu Vĩnh Long, với chủ đề chính là: “Sustainable development in rural areas”. Hội thảo sẽ cung cấp một diễn đàn thảo luận mở cho các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia, mang lại đóng góp có ý nghĩa cho sự phát triển bền vững của ĐBSCL trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

GS.TS. Sử Đình Thành – Hiệu trưởng UEH phát biểu khai mạc hội thảo

Ban chủ tọa hội thảo điều hành phiên toàn thể

Hội thảo nhận được sự quan tâm tham dự, gửi bài viết và trình bày tham luận của hơn 90 nhà khoa học là giảng viên, cán bộ quản lý của các Viện, Trường, Sở, Ban, Ngành trong vùng ĐBSCL và TP.HCM. Qua đó, Ban chuyên môn Hội thảo đã chọn lọc 31 bài viết có chất lượng đăng trong kỷ yếu có chỉ số ISBN.

Đặc biệt, Hội thảo nhận được sự quan tâm của hai nhà khoa học quốc tế làm diễn giả chính gồm: PGS.TS. Hisaki Kono – Khoa Kinh tế, Đại học Kyoto, Nhật Bản và PGS.TS. Karen Abalos-Orendain – Khoa Triết học, Đại học Diliman, Philippines.

Hội thảo được chia làm hai phiên tham luận. Phiên toàn thể được trình bày bởi 02 tham luận của 02 diễn giả chính. Trong đó: PGS.TS. Karen Connie Abalos-Orendain với tham luận A Cosmopolitan Perspective of the Right to Move: Thoughts on the Sustainability of Internal and External Migration” (Quan điểm thuộc chủ nghĩa thế giới về quyền di chuyển: Suy nghĩ về tính bền vững của di cư bên trong nước và ra ngoài nước). Tham luận đã đề cập đến vấn đề tại Việt Nam: Di cư từ nông thôn ra thành thị góp phần vào sự bền vững về kinh tế và xã hội của các cộng đồng mà họ rời đi – tức là khu vực nông thôn và chúng ta có thể duy trì cộng đồng của mình ngay cả khi chúng ta bảo vệ quyền cơ bản của mình để di chuyển.

PGS.TS. Karen Connie Abalos-Orendain trình bày tham luận

PGS.TS. Hisaki Kono trình bày tham luận “At the Right Time: Modifying Repayment and Disbursement Schedule in Microcredit” (Vào đúng thời điểm: Sửa đổi việc hoàn trả và giải ngân của lập kế hoạch trong tín dụng vi mô). Tham luận đã cho thấy đối với Crop credit và Sequential credit tuyến sau thì người ta tham gia nhiều hơn. Đồng thời người đi vay thỏa mãn nhiều hơn nhưng khả năng chi trả không thay đổi. Sequential credit tăng đầu tư vào mùa vụ nhiều hơn những khoản đầu tư lặp sau và giảm quy mô khoản vay.

PGS.TS. Hisaki Kono trình bày tham luận

Phiên toàn thể của Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp thiết thực của các đại biểu tham dự và các diễn giả

Sau phiên toàn thể, Hội thảo chia làm 3 phiên song song với các chủ đề đang được quan tâm trong việc phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL. Phiên số 1 với chủ đề “Hướng tới các chính sách phát triển toàn diện”các tham luận quan trọng đã được trình bày gồm: “Định hướng khu vực đồng bằng sông Cửu Long hướng tới trở thành nơi đáng sống cho người dân – vấn đề di cư cần được giải quyết” của TS. Lâm Thị Trúc Linh – Trưởng khoa Kế toán, Phân hiệu Vĩnh Long; tham luận “Phát triển bền vững: vai trò của ngành Ngân hàng trong việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội” của TS. Nguyễn Quốc Anh – Giảng viên Bộ môn Quản trị Ngân hàng; tham luận “Du lịch nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long: Tổng quan về lý thuyết và thực tiễn” của TS. Hoàng An Quốc – Giảng viên Khoa Lý luận chính trị.

Quang cảnh phiên song song số 1

Phiên số 2 bàn luận các vấn đề xã hội và môi trường, các tham luận đã được trình bày gồm: “Tâm lý cộng đồng và phát triển bền vững tâm lý cộng đồng ở đồng bằng sông Cửu Long” của TS. Đinh Phước Tường – Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long; tham luận “Giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long” của ThS. Lê Tuấn Mãnh – Giảng viên khoa Tài chính – Ngân hàng, Phân hiệu Vĩnh Long; tham luận “Chuỗi sản xuất lúa ở khu vực Mekong và sự thiệt thòi của nông dân: Sự can thiệp hiện tượng học” của TS. Đỗ Kiên Trung – Giảng viên Khoa Lý luận chính trị.

Quang cảnh phiên song song số 2

Phiên số 3 với nội dung “Giải pháp cho du lịch bền vững”, các tham luận đã được trình bày gồm: “Phát triển du lịch bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long với các sản phẩm đặc trưng của địa phương” của cô Đặng Thị Bảo Ngọc – Giảng viên khoa Kế toán, Phân hiệu Vĩnh Long; tham luận “Phát triển du lịch bền vững với chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long” của ThS. Phan Thị Thúy Kiều – Giảng viên khoa Công nghệ thông tin, Phân hiệu Vĩnh Long.

Quang cảnh hội thảo tại phiên song song số 3

SM2022 với chủ đề “Sustainable Development in rural areas” đã chính thức khép lại. Sự thành công của hội thảo là bước khởi đầu tốt đẹp cho những chủ đề hấp dẫn và thiết thực tiếp theo của SM. Ban Tổ chức hội thảo chân thành cảm ơn Quý cơ quan Trung ương, lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, các trường Cao đẳng, Đại học, các nhà khoa học trong vùng ĐBSCL đã dành thời gian quý báu đến tham dự và đóng góp cho hội thảo. UEH mong muốn tiếp tục được đồng hành cùng Quý đại biểu trong những chủ đề sắp tới, với mục tiêu vì một ĐBSCL phát triển, thịnh vượng và bền vững.

Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:

Tin, ảnh: Phòng Đào tạo, Phòng TS-TT Phân hiệu Vĩnh Long