UEH – Đào tạo công dân toàn cầu, từng bước trao quyền chủ động cho người học hành động bền vững

20 Tháng Ba, 2022

45 năm tiên phong và phát triển với những thành tựu đáng tự hào trong đào tạo, nghiên cứu, kết nối cộng đồng, vận hành & quản trị nhà trường, UEH đã và đang đi đúng định hướng phát triển đại học bền vững trên thế giới. Với chiến lược tái cấu trúc trở thành Đại học UEH đa ngành và bền vững vào năm 2030, UEH chính thức định vị trọng tâm vào “Đào tạo công dân toàn cầu – Hành động bền vững” với hai giai đoạn thực hiện nhằm đạt mục tiêu đề ra. Giai đoạn đầu tiên từ 2022 – 2025, tập trung vào “Đào tạo công dân toàn cầu”; và giai đoạn thứ hai từ 2026-2030 tập trung Đào tạo với hình thức “Trao quyền chủ động cho người học hành động bền vững”.

Phát biểu của GS.TS. Nguyễn Đông Phong – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Giáo dục công dân toàn cầu bắt đầu từ xây dựng tầm nhìn toàn cầu

Vai trò của các trường đại học rất quan trọng trong nỗ lực hiện thực hóa 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững toàn cầu (Sustainable Development Goals – SDGs) đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc. Trong đó, Đào tạo công dân toàn cầu – Giáo dục vì sự phát triển bền vững là hai nhiệm vụ cấp thiết của giáo dục đại học ngày nay ở tất cả các nước trên toàn thế giới nhằm đạt mục tiêu Chất lượng giáo dục (cụ thể là SDG4.7) (UNESCO. 2019). Đây cũng là hai chương trình cốt lõi để hỗ trợ các cá nhân, tổ chức ở mọi quốc gia thực hiện hiệu quả các SDGs còn lại.

“Đào tạo công dân toàn cầu” được hiểu là một quá trình đào tạo bài bản, trang bị cho người học các kiến thức chuyên sâu và quan điểm toàn cầu, có đầy đủ các kỹ năng và thái độ sống đúng đắn – làm việc chuyên nghiệp trong lĩnh vực học tập của họ để có thể làm việc hiệu quả sau khi tốt nghiệp ở tất cả mọi nơi trên thế giới với tư duy toàn cầu – hành động địa phương.

Còn “Trao quyền chủ động cho người học hành động bền vững” được hiểu là quá trình đào tạo giúp người học sẵn sàng tham gia và đảm nhận các vai trò chủ động học tập để giải quyết các thách thức không chỉ tại địa phương mình sinh sống mà còn góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu, vì một xã hội hòa bình, an toàn và phát triển bền vững hơn ngay trong quá trình học tập tại trường đại học và sau này (UNESCO. 2019).

“Đào tạo công dân toàn cầu và trao quyền chủ động cho người học hành động bền vững” được cụ thể hoá qua ba mảng và có liên kết rất chặt chẽ với nhau, đó là nhận thức, ý thức xã hội và hành vi (UNESCO. 2015a). Nhận thức được hiểu là việc được trang bị các kiến thức, kỹ năng, tư duy để hiểu rõ vấn đề toàn cầu đến địa phương. Bên cạnh đó, ý thức xã hội lại được hiểu là sự chia sẻ các giá trị, thấu hiểu, đồng cảm, đoàn kết, tôn trọng hòa bình, đa văn hóa. Cuối cùng là Hành vi của người học phải thể hiện ở tính sẵn sàng ứng dụng kiến thức kỹ năng vào thực tế hành động có hiệu quả, trách nhiệm và bền vững.

Nhiều trường đại học trên thế giới (đặc biệt là tại các nước châu Âu) đang triển khai hoạt động đào tạo dựa theo khung đào tạo công dân toàn cầu với bốn trụ cột chính như: (i) Cải thiện chương trình đào tạo kiểu truyền thống để cập nhật kiến thức mới của thế kỷ 21; (ii) Gia tăng kỹ năng, thái độ và hành vi chống lại sự phân biệt, bất công, thấu hiểu môi trường đa văn hóa cho người học; (iii) Giúp người học có tầm nhìn, tư duy phản biện về vấn đề toàn cầu; (iv) Người học phải được trang bị các năng lực lõi như năng lực hành động tự chủ, khả năng huy động kiến thức, truyền cảm hứng cộng đồng (OECD 2016).

Không đi ngoài sự phát triển chung của thế giới, tại UEH, đào tạo cũng chính là trụ cột quan trọng hàng đầu. “Đào tạo công dân toàn cầu – Hành động bền vững” vừa là mục tiêu vừa là phương tiện để hiện thực hóa 4 trụ cột còn lại của chiến lược phát triển Đại học UEH đa ngành và bền vững đến 2030.

UEH đã sẵn sàng bệ phóng để tạo ra những thế hệ công dân toàn cầu – trao quyền chủ động cho người học hành động bền vững

Trên lộ trình thực thi giá trị định vị mới cho người học tại UEH, cũng như chuyển hoá hiệu quả mục tiêu của Đảng ủy, Ban lãnh đạo nhà trường vào toàn bộ quá trình đào tạo tại UEH. UEH cũng thiết lập những lộ trình thực hiện rõ ràng thông qua sự đồng lòng của các giảng viên, cán bộ công nhân viên, người học, các đối tác của UEH và cộng đồng UEHer. Đào tạo của UEH không chỉ là đáp ứng các yêu cầu của xã hội hay đào tạo các lĩnh vực là thế mạnh của nhà trường mà từng bước tiến tới chủ động trao quyền cho người học như chủ động yêu cầu học tập, nghiên cứu, thực hành về tính bền vững thông qua chương trình đào tạo liên ngành – đa ngành, chương trình được thiết kế cá nhân hóa theo nhu cầu người học, gắn với thực tiễn, học tập liên tục và suốt đời để đóng góp vào 17SDGs.

Giai đoạn 1 (2022-2025): Đào tạo công dân toàn cầu, từng bước trao quyền chủ động cho người học hành động vì sự phát triển bền vững. Trong giai đoạn này, UEH sẽ tập trung thực hiện việc này vào ba nhóm chính là chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo và phương thức học tập, cụ thể:

       (1) Chương trình đào tạo 

      – Các chương trình, sản phẩm đào tạo cần điều chỉnh toàn diện với tiêu chí lấy “tín hiệu, nhu cầu của xã hội, cộng đồng”, “chất lượng toàn cầu, tiêu chuẩn quốc tế” làm nền tảng;

– Tăng cường và tiến tới 100% các chương trình, môn học giảng dạy bằng tiếng Anh theo nhu cầu người học, gia tăng người học nước ngoài (ở cả các nước đang phát triển và phát triển) tham gia học tập, tích hợp các môn học mới theo xu hướng phát triển của thế giới vào năm 2025;

– Lồng ghép các nguyên tắc phát triển bền vững nhằm đáp ứng 17SDGs vào các chương trình đào tạo, các môn học hiện có, đặc biệt cần gắn kết với chuẩn đầu ra của chương trình, của môn học đối với cả các chương trình dài hạn và các chương trình ngắn hạn ở các bậc;

– Đề xuất các môn học mới về phát triển bền vững vào chương trình giảng dạy hiện có của tất cả các bậc, hệ để thúc đẩy các sáng kiến mới giải quyết các vấn đề của địa phương và toàn cầu trên quan điểm bền vững;

– Tăng cường các chương trình liên kết quốc tế ngắn hạn và dài hạn giúp người học trở thành những công dân toàn cầu thông qua giao lưu văn hóa và học thuật;

– Tăng cường các chương trình được kiểm định quốc tế và chứng nhận bởi Hiệp hội nghề nghiệp uy tín thế giới, đặc biệt những hiệp hội có định hướng phát triển bền vững;

– Phát triển chương trình đa ngành, liên ngành, song ngành trong UEH và ngoài UEH, đặc biệt là với các chương trình quốc tế tạo điều kiện hình thành năng lực giảng dạy và kiến thức tổng hợp cho sinh viên thuận lợi hơn trong việc hình thành góc nhìn toàn cầu, đa dạng và bao quát

– Bước đầu khuyến khích phát triển, thực hiện các chương trình ngoại khoá từ nhận thức, thái độ, hành vi… về phát triển bền vững của các giảng viên và các học viên tới cộng đồng;

– Tăng cường các buổi hội thảo chuyên đề liên ngành, đa ngành, các vấn đề đa văn hóa, những thách thức tại địa phương ảnh hưởng đến thành phố, khu vực và quốc gia, tác động đến toàn thế giới hoặc ngược lại, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và thu hút người học hành động để thay đổi.

(2)   Phương pháp đào tạo

– Môi trường học tập linh hoạt, mọi lúc mọi nơi, nguồn học liệu rộng mở, công cụ học tập đa dạng;

– Đa dạng hóa phương thức đào tạo lấy người học làm trung tâm, từng bước trao quyền chủ động cho người học thực hành/ứng dụng thực tiễn, nghiên cứu bổ sung tính liên ngành, đa ngành trong nội dung bài giảng, yêu cầu tiểu luận. dự án, đồ án hoặc bài thi…;

– Chú trọng các trải nghiệm thực tế thông qua làm việc nhóm, đi thực địa, đồ án, thực hiện dự án thực tế (Live-Case), dự án/ đồ án giải quyết các vấn đề, nghiên cứu khoa học hoặc theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương và toàn cầu, những hoạt động sinh viên và những dự án cộng đồng;

– Tăng cường ứng dụng công nghệ vào hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, dự án, đồ án, seminar và trao đổi học thuật như e-learning, blended learning, hybrid learning,…

– Giảng viên không ngừng tự/ hoặc học tập nâng cao trình độ, chuyên môn gắn với phát triển bền vững; được tạo cơ hội tham gia giảng dậy ngoại khoá, các hội thảo, dự án, nghiên cứu đáp ứng 17SDGs;

– Gia tăng mời các giảng viên, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia giảng dạy các học phần lý thuyết, thực hành, đồ án, seminar… trên quan điểm toàn cầu và bền vững;

– Cần có sự liên kết của tất cả giảng viên, đảm bảo tính đa diện chủ đề, đa dạng phương pháp, đa dạng nguồn tài nguyên;

– Đào tạo giảng viên phát triển các chương trình, các môn học, đề cương, chuẩn đầu ra phù hợp với các mục tiêu bền vững mà UEH đang hướng đến.

(3)   Phương thức học tập

– Chủ động tìm hiểu về định hướng đào tạo công dân toàn cầu của nhà trường, chủ động đặt mục tiêu và vạch ra kế hoạch học tập phù hợp;

– Rèn luyện khả năng tư duy phản biện, tranh biện, các dạng thuyết trình và trình bày sáng tạo và hiệu quả… trong các buổi học và ngoại khóa;

– Chủ động học tập, tham vấn ý kiến thầy cô, tự nghiên cứu và tăng cường ứng dụng công nghệ vào học tập, nghiên cứu;

– Tham gia nghiên cứu khoa học, dự án/ đồ án thực tế, các cuộc thi thực tế tăng cơ hội ứng dụng kiến thức vào thực tế, kinh nghiệm cọ xát và hình thành năng lực nghiên cứu chuyên sâu ngay từ khi còn trên ghế nhà trường;

– Chủ động tham gia các hoạt động Đoàn/Hội để mở rộng kết nối và hình thành tư duy hệ thống, tư duy phản biện, năng lực hành động chiến lược, năng lực liên kết giữa các cá nhân, huy động nguồn lực cộng đồng, chung sức vì mục tiêu chung, hướng đến thế giới bền vững hơn, sẵn sàng trở thành người dẫn đầu sự thay đổi;

Các đối tượng thụ hưởng và tác động đến đại học bền vững không chỉ gồm có người học, giảng viên, công nhân viên của UEH mà còn bao gồm cả cựu sinh viên, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. UEH cần tiếp tục khuyến khích các cựu sinh viên tham gia các khóa học, hội thảo online góp phần năng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn phục vụ cho công việc. Hoặc phát triển các chiến lược thu hút đối tác liên kết trong đào tạo – nghiên cứu tạo nên cộng đồng UEHer bền vững, cùng nhiều cơ hội nâng cao vị thế, danh tiếng trong ngành hướng đến thực hiện 17SDGs… Ngoài các chương trình đào tạo chính khóa, UEH tiếp tục thực hiện trách nhiệm xã hội như cung cấp các khóa học trực tuyến/trực tiếp rộng rãi và miễn phí cho tất cả các đối tượng trong cộng đồng để góp một phần vào khuyến khích học tập liên tục và suốt đời cho mọi đối tượng.

Giai đoạn 2 (2026-2030): Trao quyền chủ động cho người học hành động bền vững

UEH hiểu rằng Giáo dục để “Trao quyền chủ động cho người học hành động bền vững” không chỉ dừng ở việc đào tạo chính quy, mà cần kết hợp với đào tạo liên tục, suốt đời và đào tạo cho tất cả các thế hệ trong cộng đồng, cung cấp cho người học các cơ hội quan trọng để gắn kết họ với thực tế mỗi ngày, thúc đẩy họ thực hiện các hành động bền vững cần thiết. Điều quan trọng là giảng viên và người học cần có không gian để thử nghiệm những ý tưởng “đột phá” mới, điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các quan điểm phản biện được phát huy giá trị. Bởi những thay đổi cơ bản cần thiết cho một tương lai bền vững bắt đầu từ các cá nhân thông qua sự thay đổi hành vi, thái độ và cách lựa chọn lối sống của họ, trong sự chi phối của các yếu tố môi trường và cộng đồng xung quanh (UNESCO. 2019),

Như vậy “Trao quyền chủ động cho người học hành động bền vững” không chỉ cung cấp cho người học kiến thức về chuyên môn, kỹ năng cần thiết, tự tin phát triển ở mọi môi trường, mọi quốc gia trên thế giới mà còn chủ động trao quyền cho họ đưa ra các ý tưởng sáng tạo và hành động có trách nhiệm trong học tập, công việc và đời sống, chủ động đương đầu thách thức trong tương lai, có năng lực truyền cảm hứng và dẫn dắt cộng đồng xung quanh chung tay thực hành lối sống bền vững.

Chính vì vậy, trong giai đoạn này ngoài việc tiếp tục phát triển tất cả các chương trình, phương pháp đào tạo và học tập đã đề cập ở giai đoạn trước. Tất cả các chương trình và phương pháp đào tạo trong giai đoạn này cần được thiết kế và điều chỉnh thật linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu học tập, tìm hiểu và giải quyết các vấn đề, thách thức trong xã hội một cách sáng tạo và hiệu quả hướng tới đáp ứng 17SDGs của từng nhóm hoặc từng học viên.

Không dừng lại ở đó, UEH sẽ chủ động trao quyền cho học viên hỗ trợ cộng đồng địa phương để đáp ứng được 17SDGs thông qua khám phá, truyền tải, nghiên cứu đánh giá mọi vấn đề của địa phương và toàn cầu trên mọi giác độ. UEH tổ chức “Ngày bền vững” hoặc trao quyền cho học viên tổ chức và điều phối các buổi gặp mặt người dân địa phương, có sự tham gia của các tổ chức sáng kiến trong thành phố để giải quyết các thách thức bền vững của doanh nghiệp, của các cơ quan quản lý nhà nước hay của cộng đồng.

Chúng ta luôn hiểu rằng Đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn phát triển sẽ quyết định tương lai của UEH. Với cam kết và mục tiêu đúng đắn đã được thiết lập, tập thể UEHer, người học cùng đồng lòng quyết tâm thực thi mục tiêu “Đào tạo công dân toàn cầu – Hành động bền vững” để xây dựng nền tảng vững chắc, hoàn thành Chiến lược tái cấu trúc Đại học UEH Đa ngành – Bền vững có danh tiếng học thuật trong khu vực Châu Á và thế giới./.

Tin, ảnh: Ban Đề án Bền vững

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Movement, T. G. O. (2019). What is a sustainable university? Retrieved from https://www.greenofficemovement.org/sustainable-university/

OECD. 2016. Global Competency for an Inclusive World.

UN (2015). Goal 4: Ensure inclusive and quality education for all and promote lifelong learning.    

UN (2017). Higher Education Institutions – key drivers of the Sustainable Development Goals.

UNESCO (2015a). Global Citizenship Education: Topics and Learning Objectives.

UNESCO (2019). Framework for the implementation of Education for Sustainable Development (ESD) beyond 2019.

UNESCO (2015b). Education for Peace: Planning for Curriculum Reform. Guidelines for Integrating and Education for Peace Curriculum into Education Sector Plans and Policie