[Podcast] Vai Trò Các Trường Đại Học, Viện Nghiên Cứu Trong Chuyển Đổi Số Nền Kinh Tế Hướng Tới Phát Triển Đô Thị Thông Minh Tại Việt Nam (Phần 1)

18 Tháng Hai, 2022

Quá trình thực hiện, các kết quả đạt được và những thách thức trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế tại Việt Nam và vai trò hiện tại của các trường đại học, viện nghiên cứu bên cạnh vai trò của Đảng-Nhà nước và doanh nghiệp đã được tổng hợp và phân tích trong nhiều bài báo. Vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu không chỉ dừng lại ở giáo dục, giảng dạy, chuyển giao hay tạo ra những kiến thức mới, nghiên cứu độc lập mà là hoạt động nghiên cứu tích hợp đa ngành để đề xuất các giải pháp thực tiễn, tư vấn và tham gia trong quá trình ra quyết định cũng như đề xuất, thực hiện các chính sách, các dự án, quy trình thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề đô thị đã mang lại rất nhiều thành công cho công tác chuyển đổi số cũng như phát triển đô thị thông minh của nhiều nước trên thế giới. Nhóm tác giả cũng đề xuất bốn nhóm hoạt động để nâng cao vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu như (1) cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với thực tiễn chuyển đổi số; (2) nghiên cứu và phát triển (R&D); (3) tư vấn và tham gia trong nhóm ra quyết định; (4) kết nối và thúc đẩy sự tham gia của các thế hệ.

Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0

Tận dụng triệt để sức mạnh của CMCN 4.0 để thực hiện chuyển đổi số nền kinh tế quốc gia, hướng đến xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) đang là một xu hướng phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới. Phát triển ĐTTM là việc phát triển thông minh ở tất cả các lĩnh vực như dữ liệu, y tế, kinh tế/ kinh doanh, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, năng lượng, môi trường, giáo dục… (CSIRO, 2019).

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) với việc ứng dụng những công nghệ hiện đại như điện toán đám mây (Cloud Computing), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế số cho các quốc gia trên thế giới (Schwab, 2017). Theo định nghĩa của nhóm cộng tác Kinh tế số Oxford, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa vào công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet”. Tại Việt Nam, CNTT là ngành phát triển nhanh nhất (CSIRO, 2019). Việt Nam xếp vị trí số 1 toàn cầu trong ngành dịch vụ phần mềm thuê ngoài, đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di động trong 6 nước phát triển nhất khu vực ASEAN (TechPort, 2018). Trong xấp xỉ 97 triệu dân Việt Nam (2019), có đến trong đó có 64 triệu người sử dụng Internet, tăng đến 28% so với năm 2017. Trong số 64 triệu người dùng này, số lượng người truy cập bằng thiết bị di động là 61.73 triệu người, chiếm 96% số người sử dụng internet (Adsota, 2019).  Theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin – VECITA (2019), thị trường thương mại điện tử của Việt Nam tăng 35% mỗi năm, nhanh hơn gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Theo báo cáo Nền kinh tế Đông Nam Á (2019), tốc độ tăng trưởng trong chuyển đổi số nền kinh tế ở Việt Nam đang dẫn đầu khu vực và đóng góp 5% GDP quốc gia, cao gấp 4 lần so với giá trị năm 2015 và dự đoán sẽ cao gần 4 lần vào năm 2025. Thành phố đặt ra mục tiêu kinh tế số chiếm 25% GRDP vào năm 2025 và đạt 40% vào năm 2030 (TopDev, 2020).

Xét riêng trong lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số hiện nay được tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học (NCKH). Trong quản lý giáo dục bao gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các Công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu, ..) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong ngành giáo dục đào tạo một cách nhanh chóng, chính xác. Trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá gồm số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường đại học ảo (cyber university). Tuy vậy, chuyển đổi số ngành giáo dục đào tạo hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại cần tiếp tục được khắc phục, hoàn thiện cụ thể như sau: hạ tầng được đầu tư chưa đồng bộ giữa các vùng miền; thiếu hụt tài chính để số hóa, xây dựng học liệu số; chưa có các quy định pháp lý để phát triển nền tảng giáo dục trực tuyến và học liệu số.

Đại học Kinh tế TP.HCM – Một trong những cơ sở giáo dục ứng dụng chuyển đổi số toàn diện hướng đến Đại học thông minh

Có thể thấy sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số nền kinh tế tại Việt Nam đang mang đến khá nhiều lợi ích và đóng góp vào sự phát triển ĐTTM. Bên cạnh đó, giáo dục cũng là một thành tố được tập trung để phát triển “số hoá” và “thông minh hơn”, tuy nhiên việc tập trung và phát triển hiện nay vẫn chỉ là sự phát triển về bên trong của lĩnh vực giáo dục để cập nhật với xu hướng phát triển hiện tại chứ chưa phải là khả năng tích hợp hoặc các hoạt động khác để đóng góp vào sự chuyển đổi số hay phát triển ĐTTM như năng lực hiện có.

Bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới

Vai trò của trường đại học, viện nghiên cứu trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế, phát triển ĐTTM

Để chuẩn bị cho nền kinh tế số từ năm 1998, các trường đại học thuộc khối Thịnh Vượng chung Châu Âu đã giữ vai trò cung cấp nguồn nhân lực am hiểu về công nghệ bằng những công nghệ giáo dục tiên tiến cho khu vực. Bằng phương pháp giảng dạy và đào tạo từ xa, các trường này đã lan tỏa kiến thức đến các tầng lớp ít có cơ hội học tập thường xuyên như người lao động, nội trợ, những người không điều kiện học tập đúng tuổi (Ditchburn, 1998).

Với mục tiêu nghiên cứu về vai trò của trường đại học Bio-Medico (Italy) trong các dự án về ĐTTM, tạp chí Khoa học máy thực hiện khảo sát nghiên cứu trên 20 dự án ĐTTM khác nhau vào năm 2019 và đã kết luận trường đại học đóng vai trò như một trung gian tri thức, nắm giữ tri thức, cung cấp tri thức, và đánh giá tri thức (Vertical News, 2019).

Nghiên cứu về vai trò của trường đại học khi xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới của Markkula và Kune (Markkula & Kune, 2015) đã chỉ ra rằng các trường đại học ngày nay đã thay đổi cách thức hoạt động như một tác nhân tích cực để nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, đóng góp nhiều giá trị cho quá trình phát triển của địa phương, khu vực, quốc gia và lan tỏa và duy trì tri thức trong hệ sinh thái đổi mới. Trên thực tế, hầu hết các trường đại học tại Châu Âu đều nắm giữ vai trò quan trọng trong việc truyền tải tri thức, tài nguyên học thuật, đồng sáng tạo và đổi mới. Cụ thể, Đại học Aalto, Đại học Helsinki, Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật VTT của Phần Lan, Đại học Khoa học Ứng dụng Laurea và Đại học Metropolia của Khoa học Ứng dụng đã tham gia hoạt động tích cực nhằm phát triển Vườn Sáng Tạo Espoo khu vực Helsinki với các vai trò chính gồm: truyền tải kiến thức, nghiên cứu khám phá các kiến thức mới và phát triển các hoạt động cộng đồng có sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội. Các vai trò chính này được thể hiện qua 5 hoạt động cụ thể:

  • Kết nối: Kết nối các thế hệ (học sinh cấp 3, sinh viên đại học, học viên sau đại học, cựu học viên); kết nối con người và các quá trình (kêu gọi, gắn kết con người tích cực tham gia, đóng góp vào các quá trình xã hội); kết nối kiến thức và các quá trình (kết nối kiến thức, học thuyết, học thuật vào các quá trình thực tiễn); kết nối các bên liên quan trong hệ sinh thái lại gần nhau hơn.
  • Kiến thức: Truyền tải các kiến thức cho khu vực, địa phương, gia tăng sự hiểu biết, đặc biệt là nhóm người lớn tuổi.
  • Học tập liên tục: Học từ giáo trình, từ thực tiễn, từ hệ sinh thái, làm cho việc học tập được liên tục trong hệ sinh thái
  • Dự báo và tư vấn ra quyết định: Chủ động dự đoán các vấn đề và đưa ra căn cứ và cách thức để giải quyết vấn đề trước khi xảy ra.
  • Chuẩn bị cho thế hệ tương lai: Giúp người trẻ chuẩn bị cho các cơ hội tương lai thông qua đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực.

Tập đoàn giáo dục hàng đầu Tây Ban Nha CEU (Central European University) gồm 3 trường Đại học lớn gồm: CEU San Pablo (tại Madrid), CEU Cardenal Herrera (Valencia) và Abat Oliba CEU (Barcelona) đã xác định vai trò thúc đẩy đổi mới, nghiên cứu và khởi nghiệp trong quá trình chuyển đối số nền kinh tế quốc gia. CED đã thành lập và phát triển các trung tâm, viện nghiên cứu và đổi mới sáng tạo là một phần của nền kinh tế tri thức và cam kết đi đầu trong hoạt động chuyển đổi số áp dụng trong chính trường Đại học CEU. Trong kỷ nguyên số, CEU xác định công nghệ mới và tự động hóa sẽ tạo ra nhiều vị trí nhân sự mới trong những năm tiếp theo và doanh nghiệp, tổ chức trong khu vực tư nhân sẽ có nhu cầu rất lớn, đây là cơ hội lớn cho các đơn vị đào tạo, đồng hành cùng với doanh nghiệp trong quản trị sự thay đổi, đặc biệt là về mặt nhân lực. Do đó, trong chiến lược hoạt động của tập đoàn và từng trường trong hệ thống, CEU chú trọng việc hợp tác và tìm kiếm cơ hội dựa trên mối quan hệ giữa 3 bên bao gồm: khu vực tư nhân và các cơ quan hành chính nhà nước, các trường đại học. Trong năm 2019, CEU đã triển khai các chương trình song bằng, bằng sau đại học đối với nhóm các ngành học phù hợp với kỷ nguyên số như: truyền thông kỹ thuật số, công nghệ sinh học, kỹ thuật y sinh hoặc bảo vệ dữ liệu.

Từ thực tế và những thành công ở các nước trên thế giới, các trường đại học, viện nghiên cứu đã trở thành một phần không thể thiếu của quá trình chuyển đổi số trong nền kinh tế của địa phương, quốc gia và phát triển đô thị thông minh. Trong đó, những vai trò nổi trội sẽ bao gồm: vai trò tri thức – là trung tâm nuôi dưỡng, lan tỏa truyền tải kiến thức đến cộng đồng, cung cấp nguồn nhân lực số; vai trò nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp; vai trò kết nối các thế hệ, vai trò dự báo và tư vấn cho việc ra quyết định.

Chuyển đổi số tại các trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới

Để đáp ứng được vai trò trong quá trình chuyển đổi số trong nền kinh tế của địa phương, quốc gia và phát triển đô thị thông minh, các trường đại học và viện nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới cũng đã có những thay đổi và phát triển như nhập cuộc mạnh mẽ trong chuyển đổi số nội tại và gia tăng khả năng tích hợp trong giảng dạy – nghiên cứu – thực hiện dự án để chung tay cùng các bên liên quan để giải quyết các vấn đề đô thị hướng tới phát triển bền vững.

Theo nghiên cứu của EduCause (Grajek, 2020) về quá trình chuyển đối số tại trường đại học trên thế giới tính đến năm 2020 cho thấy có 13% trường cao đẳng và đại học đang tham gia vào chuyển đổi kỹ thuật số, 32% đang phát triển chiến lược chuyển đổi số và 38% cơ sở giáo dục đại học khác đang khám phá về chuyển đổi số, chỉ 17% các tổ chức giáo dục không có thời gian vào quá trình này. Điều này cho thấy giáo dục đại học thực sự đang thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số, ở chiều ngược lại, quá trình chuyển đổi số với hàng loạt các thay đổi sâu rộng đối với lực lượng lao động, văn hóa, công nghệ, có khả năng tạo ra các mô hình giáo dục mới, đồng thời chuyển đổi định hướng chiến lược và giá trị phát triển của một tổ chức giáo dục. Việc thấu hiểu vai trò của trường đại học trong quá trình chuyển đổi số của quốc gia có thể giúp các cơ sở đào tạo đại học xây dựng một chiến lược chuyển đổi số toàn diện và tổng thể.

Nghiên cứu quá trình chuyển đổi số tại hệ thống các đại học ở Ukraine trong trong bối cảnh chuyển đổi số của đất nước Ukraine (Kaminsky, Yereshko, & Kyrychenko, 2018) đã cho thấy kiến trúc công nghệ thông tin của một trường đại học hiện đại nên được triển khai dựa trên nền tảng công nghệ đám mây, từ đó cung cấp các dịch vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, gia tăng năng lực kỹ thuật số và điều hướng các hoạt động giáo dục hướng đến người học một cách cá nhân hóa. Công nghệ blockchain để quản lý nội dung trên nền tảng công nghệ đám mây bằng cách tích hợp các mô-đun nội dung đào tạo của các trường đại học Ukraine khác nhau, tạo ra một nền tảng thống nhất, chất lượng, an toàn và minh bạch về chương trình đào tạo. Hệ thống này được các tác giả kỳ vọng sẽ đạt được các lợi ích về trao đổi và cập nhật kiến thức kịp thời cho cộng đồng, làm nền tảng cho nền kinh tế tri thức gồm trao đổi nội dung lẫn nhau, phát triển các nội dung mới, hình thành hệ sinh thái giảng viên, người học, nhà khoa học, trường đại học: Tương tự như các nền tảng chia sẻ, các bên liên quan sẽ cùng nhau chia sẻ tri thức trong khuôn khổ nền tảng chung dựa trên đám mây, tuy nhiên vẫn giữ được bản sắc, thương hiệu và đảm bảo khả năng tài chính.

Từ những năm 2015, tại trường đại học Manchester, Vương Quốc Anh đã thành lập các phòng thí nghiệm sống (living lab) nhằm nhận diện các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và hỗ trợ cho việc ra quyết định của các bên liên quan trong quá trình phát triển đô thị bền vững. Phòng thí nghiệm sống living là nơi kết nối doanh nghiệp, chính quyền, nhà khoa học nhằm nghiên cứu và thử nghiệm các vấn đề trong phát triển bền vững, hỗ trợ cho việc ra quyết định (Evans, Jones, Karvonen, Millard, & Wendler, 2015). Nghiên cứu sau đó của nhóm tác giả tại trường đại Québec à Trois-Rivières (Pháp) (Thang, Manh, & Ayayi, 2018) đã chứng minh phòng Living lab sẽ giúp thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp số (Promoting Digital Entrepreneurship Process Living Lab).

Nhóm tác giả: TS. Trịnh Tú Anh, NCS. Phạm Nguyễn Hoài, NCS. Lê Thị Hạnh An (Viện Đô thị thông minh và Quản lý ISCM – Trường Công nghệ và Thiết kế UEH).

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp giai đoạn năm 2022 “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #29Vai Trò Các Trường Đại Học, Viện Nghiên Cứu Trong Chuyển Đổi Số Nền Kinh Tế Hướng Tới Phát Triển Đô Thị Thông Minh Tại Việt Nam (Phần 2).

Tin, ảnh: Nhóm tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH.

Giọng đọc: ThS. Phạm Nguyễn Hoài – Viện ISCM.

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021