[Podcast] Sự Trợ Giúp Của ICTs Đối Với Việc Phục Hồi Kết Nối Ngành Hàng Không – Phần 1: Nhìn Lại Ảnh hưởng Của Đại Dịch Toàn Cầu

29 Tháng Chín, 2022

Nhìn lại giai đoạn đại dịch Covid-19 với những ảnh hưởng trên toàn cầu có thể thấy ngành hàng không là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng khá nặng nề. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, các quy định hạn chế tiếp xúc đã thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Information and Communication Technologies – ICTs) được áp dụng rộng rãi trong việc tự động hóa cũng như trao đổi, phân tích dữ liệu kinh doanh hàng không. Ở phần 1 bài viết, tác giả đã phân tích tầm quan trọng của ngành hàng không dân dụng đối với nền kinh tế, cũng như những tác động của đại dịch Covid-19 lên lĩnh vực này.

Tầm quan trọng của ngành hàng không dân dụng 

Việc sử dụng phương thức vận chuyển đường hàng không trong ngành lữ hành, du lịch hiện đang là phương thức vận chuyển ngày càng phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Một trong những lý do đó là mang lại sự thuận tiện, thời gian di chuyển nhanh chóng, an toàn, ít mệt mỏi hơn so với những phương tiện di chuyển khác. Ngoài ra, xét về chi phí trên mỗi Kilomet (km) hoặc dặm Anh (mile), phương thức này là rẻ nhất. Thật vậy, chi phí di chuyển bằng đường hàng không của hành khách ngày càng rẻ qua các năm, chuyến bay thẳng không điểm dừng giúp tiết kiệm thời gian và tăng sự lựa chọn cho hành khách. Theo số liệu thống kê của IATA trong Annual Review 2019, các hãng hàng không giúp kết nối thường xuyên khoảng 22,000 cặp thành phố trong năm 2018, tăng hơn 1,300 cặp thành phố so với năm 2017. Từ đó cho thấy lợi ích thiết thực và sự tiện lợi mà ngành hàng không đem lại trong việc kết nối các điểm đến phục vụ không những cho cả mục đích kinh doanh thương mại mà còn là dịch vụ du lịch giải trí và trao đổi văn hoá khắp các điểm đến trên thế giới.

Có thể thấy, tỷ lệ an toàn bay ngày càng được đảm bảo bởi các hãng và với sự giúp sức không nhỏ của việc ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin.Theo NATII Report, sau vụ mất tích của máy bay MH370, ICAO quyết định ứng dụng tiêu chuẩn mới cho các nhà điều hành bay phải cung cấp vị trí của máy bay mỗi 15 phút từ 11/2018 thông qua Sáng kiến theo dõi quy trình bay thông thường của ICAO (ICAO’s Normal Aircraft Tracking Implementation Initiative – NATII), và nó được trông đợi rằng hệ thống mới và công nghệ tiên tiến sẽ giúp tăng khả năng giám sát chuyến bay toàn cầu, đảm bảo an toàn cho các hành khách.

Ngành hàng không ứng dụng mạnh ICTs trong các dịch vụ khách hàng

Cũng như các ngành dịch vụ và du lịch khác, ngành hàng không là một trong những ngành ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản trị hiệu quả doanh thu và quản trị quan hệ khách hàng, đảm bảo an toàn an ninh cho ngành sớm nhất. Xu thế hiện nay, các hãng hàng không đều thực hiện phân phối trực tuyến thông qua các trang website chính thức của hãng, hoặc các website phân phối trung gian như: Gotogate, Cheapflights, Airtickets, hoặc các ứng dụng trên điện thoại như Skyscanner, Traveloka mà không thông qua các kênh đại lý truyền thống.

Để theo kịp xu thế, các hãng hàng không ngày càng ứng dụng mạnh ICTs (Information and Communication Technologies) trong các dịch vụ khách hàng cũng như quản lý hiệu quả nội bộ công ty, giúp các hãng hàng không giảm thiểu các chi phí quản lý cũng như thuê mướn nhân công. Ngoài việc khách hàng hiện nay có thể đặt vé và thanh toán qua mạng, hành khách còn có thể yêu cầu các dịch vụ đặc biệt, suất ăn, hành lý đặc biệt thông qua website hoặc email, ứng dụng được thiết lập trên điện thoại thông minh mà không phải trực tiếp đến quầy vé hoặc văn phòng đại diện hoặc làm thủ tục trực tuyến (online check-in) và đổi vé hoặc hoàn vé, điều mà trước đây chỉ có thể được thực hiện bởi các nhân viên thao tác trên GDS. Qua đó cho thấy sức ảnh hưởng của việc ứng dụng ICTs lên dịch vụ khách hàng cũng như quản lý hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành hàng không hiện nay cũng mang lại sự hữu ích trong việc đảm bảo an ninh an toàn bay thông qua quản lý dữ liệu hành khách, hành lý đi cùng trên mỗi chuyến bay thông qua hệ thống dữ liệu được lưu trữ tại trung tâm điều khiển. 

Để tạo thuận tiện hơn nữa cho khách du lịch, IATA đã ra mắt One ID vào năm 2018, một sáng kiến nhằm mục đích xử lý thông suốt và an toàn cho hành khách từ cửa sân bay đến cửa chuyến bay. One ID giới thiệu một nền tảng quản lý danh tính mang tính phối hợp bao gồm tất cả các quy trình và các bên liên quan trong hành trình của khách. Danh tính của hành khách được xác thực sớm bằng công nghệ nhận dạng sinh trắc học kỹ thuật số đáng tin cậy và dữ liệu xác thực sau đó được cung cấp cho các bên liên quan trên cơ sở được phép biết (IATA, Annual Review 2019). One ID loại bỏ thủ tục trong đó hành khách phải xuất trình các mã thông báo du lịch nhiều lần, từ đó giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực.

Tác động của đại dịch toàn cầu lên ngành vận chuyển hàng không

Năm 2020 – 2021, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và càn quét, ngành hàng không phải đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử kể từ khi chiến tranh thế giới thứ 2. Trong sự phát triển không ngừng của kinh tế và mối quan hệ giao thương, phát triển du lịch giữa các nước, đại dịch Covid-19 làm thay đổi toàn bộ nhận thức của những “cánh chim không mỏi” và những sân bay không bao giờ ngủ trên toàn cầu. Chưa bao giờ các sân bay vắng lặng không một bóng người như trong các đợt bùng phát kể từ khi dịch bệnh xuất hiện cuối năm 2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc và bùng phát mạnh mẽ toàn cầu năm tháng 03/2020. Trước đây, mặc dù đôi lần ngành hàng không chịu tác động lớn trong đợt tấn công khủng bố 11/09/2001 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007-2008 nhưng chưa có sự kiện nào có thể làm doanh thu RPKs (revenue passenger kilometers) toàn cầu giảm ở mức 66% như năm 2020 (IATA, 2020). 

Hình 1. Doanh thu toàn thế giới tính theo RPKs – Revenue passenger kilometers qua các năm 1950-2020. Nguồn: IATA (2020).

Hình 2. Sự suy giảm của hoạt động vật chuyển hàng không khắp thế giới trong các khủng hoảng sức khoẻ. Nguồn: IATA, “IATA Economics’ Chart of the Week,” Report, 2020.

Các tác động của đại dịch lên ngành hàng không bởi lệnh giới nghiệm, hạn chế đi lại và tiếp xúc gần của các nước trên thế giới được thể hiện qua các nghiên cứu và số liệu được tổng hợp như sau:

  • Về lĩnh vực giá cổ phiếu, trong nghiên cứu của S. Maneenop & S. Kotcharin (2020) thuộc khảo sát của 52 hãng hàng không ở Châu Á, Châu Âu, Châu Úc và Bắc Mỹ, đối với Nam Mỹ thì Chi Lê được chọn làm đại diện và Châu Phi là Nam Phi, mặc dù tại 2 quốc gia này chỉ có một hãng hàng không duy nhất, so với tiêu chí lựa chọn ở các châu lục khác là phải có ít nhất 4 hãng hàng không cho mỗi nước; tổng số mẫu đại diện này tương đương hơn 50% hãng hàng không trên thế giới kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và giải trí (103 là con số được liệt kê theo mã vận chuyển hàng không SIC 4512 tháng 04/2020). Đối với công bố ca nhiễm đầu tiên bên ngoài Trung Quốc vào 13/01/2020, nó bị đánh giá thấp và không ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu các hãng. Đến sự kiện dịch bùng phát ở Ý (21/02/2021), lợi nhuận bất thường tích luỹ (cumulative abnormal returns) giảm 7.84 % trong 5 ngày liên tiếp sau đó và được xem là phản ứng mạnh đầu tiên đối với đại dịch này. Cho đến sự kiện cựu Tổng thống Donald Trump công bố lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách từ 26 nước Châu Âu (11/03/2020), lợi nhuận bất thường tích luỹ âm đến 24.42% trong vòng 5 ngày và chênh lệch rất nhiều so với giá trị nội tại của cổ phiếu. 
  • Giảm doanh thu trong lĩnh vực vận chuyển hành khách quốc tế nhiều hơn so với vận chuyển hàng hoá nội địa và quốc tế. Các quốc gia áp dụng biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn việc xâm nhập của virus từ bên ngoài. RPK bắt đầu tuột dốc vào tháng 2, rơi tự do vào tháng 3 và tháng 4 ước tính giảm 98% so với cùng kỳ năm trước. Cho đến tháng 9/2020, RPKs toàn cầu duy trì ở mức 89% so với cùng kì năm 2019 (IATA, 2020). Doanh thu vận chuyển hàng hoá có giảm nhưng rất ít bởi vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu và chịu trách nhiệm vận chuyển thiết bị y tế và dược phẩm cho các nước.
  • Hơn nửa trong số 87.7 triệu việc làm trong ngành hàng không bị đe doạ mất việc trong năm 2020.
  • Gánh nặng cho chính phủ vì các khoản tài trợ cho các hãng hàng không như hỗ trợ trả lương, bảo lãnh nợ vay, hỗ trợ thuế và các khoản hỗ trợ cho vay trực tiếp. Tổng con số năm 2020 lên đến 173 tỷ USD (IATA, 2020).
  • Với hệ thống lọc không khí trên máy bay lưu chuyển mỗi 20-30 lần/giờ thì 99.9% vi khuẩn được tiêu diệt, nghiên cứu của Freedman & Wilder-Smith trong tạp chí The Journal of Travel Medicine chỉ ra rằng, rủi ro bị nhiễm bệnh trên máy bay là thấp với điều kiện hành khách trang bị khẩu trang và nước sát khuẩn nghiêm ngặt. Mặc dù vậy, 83% hành khách đều lựa chọn không thực hiện chuyến bay nếu tình trạng cách ly đang được áp dụng.

Xem toàn bộ bài nghiên cứu Sự Trợ Giúp Của ICTs Đối Với Việc Phục Hồi Kết Nối Ngành Hàng Không tại đây. Tác giả: Nguyễn Thị Thu Thuỷ – Khoa Du lịch, Trường Kinh doanh UEH. 

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #61 tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Giọng đọc: Ngọc Quí

 

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021