[Podcast] Cải Cách Luật Đất Đai Để Thúc Đẩy Phát Triển Kinh Tế

2 Tháng Mười Hai, 2021

Luật Đất đai luôn là một vấn đề được thảo luận sôi nổi trên nghị trường Quốc hội ở Việt Nam. Bộ luật này có tác động sâu sắc tới đời sống của người dân, hoạt động của các doanh nghiệp, và phát triển kinh tế của toàn đất nước. Rộng lớn hơn, quyền sở hữu đất đai luôn là một thể chế nền tảng trong suốt lịch sử phát triển của xã hội loài người. Vì vậy, mối quan hệ giữa quyền sở hữu đất đai và các hoạt động kinh tế luôn là một chủ đề thu hút các nhà nghiên cứu kinh tế nói riêng, và khoa học xã hội nói chung.

Mối tương quan giữa quyền tư hữu đất đai và phát triển kinh tế của các quốc gia

Douglass North, Nobel Kinh tế năm 1993, từ những năm 1970 đã phát triển giả thuyết cho rằng quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai chính là cội nguồn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và theo đó là sự giàu có của các quốc gia phương Tây. Theo ông, quyền tư hữu đất đai thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư vốn vào làm ăn kinh doanh bởi vì họ chắc chắn rằng quyền lợi đối với thành quả đầu tư trên mảnh đất của họ sẽ được luật pháp bảo vệ. Ngoài ra, quyền tư hữu đất đai cũng tạo điều kiện cho người sở hữu cầm cố đất đai để vay vốn đầu tư. Một tác động quan trọng khác là quyền tư hữu đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho đất đai được dễ dàng mua bán trên thị trường, và thông qua đó thúc đẩy sự phân bổ đất đai tới những nhà đầu tư có khả năng tạo ra suất sinh lời cao trên đất đai.

Đúng như phân tích của Douglass North, rất nhiều nghiên cứu đã khảo sát ý kiến của các nhà đầu tư về mức độ bảo vệ quyền tư hữu đất đai, và phát hiện ra một mối tương quan giữa mức độ bảo vệ quyền tư hữu đất đai và phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Rất nhiều các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, theo đó đã thử nghiệm rất nhiều cải cách thể chế về quyền tư hữu đất đai nhằm mục đích khai thông nguồn lực cho phát triển kinh tế. Một câu hỏi quan trọng đặt ra là các quốc gia cụ thể phải thiết lập quyền tư hữu đất đai như thế nào để có thể thúc đẩy các hoạt động kinh tế? Một nghiên cứu mới của TS. Hồ Hoàng Anh ở Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (CELG), Đại học UEH đã sử dụng bối cảnh Luật Đất đai năm 1993 của Việt Nam để đóng góp một câu trả lời thực nghiệm cho câu hỏi này.

Quyền sở tư hữu đất đai – nguồn cội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất

Ứng dụng trường hợp của Việt Nam: Đo lường mức độ phát triển kinh tế ở cấp xã trong mối tương quan với dữ liệu dữ liệu về cường độ ánh sáng ban đêm

Năm 1993, Việt Nam ban hành một bộ luật đất đai quan trọng thiết lập chứng nhận quyền sử dụng đất đai và cho phép người sở hữu mua bán, cho thuê, cầm cố, và chuyển giao chứng nhận quyền sử dụng đất đai. Theo đó, chứng nhận quyền sử dụng đất đai đối với đất trồng cây hàng năm có thời hạn là 20 năm, và đất trồng cây lâu năm và đất lâm nghiệp có thời hạn là 50 năm. Sau thời hạn này, người sở hữu chứng nhận quyền sử dụng đất đai có thể xin gia hạn. Quan trọng hơn hết, chính quyền cấp xã không còn được phép tùy ý thu hồi và phân bổ quyền sử dụng đất đai như trước. Luật Đất đai năm 1993 của Việt Nam là một trong những cuộc cải cách thể chế về quyền sở hữu đất đai lớn nhất ở các nước đang phát triển. Đến năm 2000, có khoảng 11 triệu chứng nhận quyền sử dụng đất đai đã được cấp cho các hộ gia đình ở nông thôn trên khắp cả nước.

Một thử thách lớn khi đánh giá tác động của Luật Đất đai năm 1993 là làm sao để đo lường được mức độ phát triển kinh tế ở cấp xã khi dữ liệu về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở cấp xã gần như là không tồn tại. Để giải quyết vấn đề này, bài nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu về cường độ ánh sáng ban đêm, được cung cấp bởi ảnh chụp vệ tinh của Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Hoa Kỳ (NOAA), để đo lường mức độ phát triển kinh tế ở cấp xã. Bởi vì hoạt động tiêu dùng và sản xuất vào ban đêm cần phải có ánh sáng, những nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế phát triển gần đây đã cho thấy rằng cường độ ánh sáng ban đêm tương quan rất mạnh với GDP của các quốc gia và các vùng kinh tế trong mỗi quốc gia, cũng như nhiều chỉ số khác về phát triển kinh tế.

Sử dụng một mẫu dữ liệu ngẫu nhiên bao gồm hơn 2000 xã ở khu vực nông thôn (trên tổng số hơn 8000 xã) vào năm 2004, bài nghiên cứu phát hiện ra rằng tỷ lệ đất nông nghiệp có chứng nhận quyền sử dụng đất đai có mối quan hệ đồng biến với cường độ ánh sáng. Cụ thể, khi diện tích đất nông nghiệp có chứng nhận quyền sử dụng đất đai tăng thêm 1%, thì cường độ ánh sáng ban đêm tăng thêm khoảng 0,6%. Tuy nhiên, kết quả này dao động khá mạnh khi các phương pháp kinh tế lượng được sử dụng để kiểm tra các vấn đề gây nhiễu trong dữ liệu.

Chứng nhận quyền sử dụng đất đai có tác động tích cực lên cường độ ánh sáng, nhưng mức độ không quá lớn (Nguồn ảnh sưu tập)

Có hai nguyên nhân tiềm năng giải thích cho mức tác động không quá lớn của Luật Đất đai năm 1993 đối với phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn. Thứ nhất, Luật Đất đai năm 1993 chỉ cấp quyền sử dụng đất đai trong một thời gian cố định, và về mặt pháp lý đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và có thể bị thu hồi với mức đền bù dưới giá thị trường. Do đó, người sử dụng đất không có động cơ để đầu tư hết mức tiềm năng vào mảnh đất. Thứ hai, trong các giao dịch về đất đai, người sử dụng đất phải trải qua nhiều thủ tục hành chính phức tạp và chịu nhiều thuế phí. Điều này khiến cho chi phí về thời gian và tiền bạc trong các giao dịch về đất đai ở Việt Nam nhìn chung cao hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Những nghiên cứu trước đây cũng đã cho thấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai trong nông nghiệp có tác động tích cực nhưng không quá lớn đến mức đầu tư của các hộ nông dân. Thêm vào đó, hoạt động mua bán đất đai trên thị trường vẫn còn ở mức thấp, làm chậm quá trình phân bổ đất đai tiến đến mức năng suất tiềm năng.

Những chính sách được đề xuất từ nghiên cứu

Những bằng chứng thực nghiệm trong bài nghiên cứu đặt ra hai đề xuất chính sách quan trọng cho cải cách thể chế về quyền sở hữu đất đai ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Thứ nhất, Việt Nam nên tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh hơn nữa quyền sở hữu đối với đất đai để khai thác tối đa tiềm lực đầu tư của khu vực tư nhân. Thứ hai, cần phải có những cải cách mạnh mẽ để giảm thiểu các thủ tục hành chính và các khoản thuế phí liên quan đến các giao dịch đất đai để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao dịch đất đai, đẩy nhanh tiến trình phân bổ đất đai tiến đến mức năng suất tiềm năng.

Bài nghiên cứu có tiêu đề “Land tenure and economic development: Evidence from Vietnam” được đăng trên tạp chí World Development, số tháng 4 năm 2021, thuộc nhà xuất bản Elsevier. World Development là một trong những tạp chí khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về phát triển, thuộc phân khúc Q1 (SSCI) của Web of Science, với chỉ số tác động (impact factor) ở năm 2020 là 5,278. Xem toàn bộ bài nghiên cứu và các phân tích của tác giả TS. Hồ Hoàng Anh – Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH tại đây.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH, trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #18 “Big Data Cho Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững: Kinh Nghiệm Quốc Tế”.

Tin, ảnh: TS. Hồ Hoàng Anh, Phòng Marketing – Truyền thông.

Giọng đọc: ThS. Phạm Nguyễn Hoài – Viện ISCM.

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021