UEH Green Campus 2023: Những tiếp cận của Đại học xanh – Green Campus

17 Tháng Tám, 2023

Việc tiếp cận Đại học xanh không chỉ thể hiện thông qua các hoạt động thân thiện với môi trường mà còn tích hợp các nguyên tắc bền vững vào tất cả các khía cạnh của cuộc sống mỗi ngày tại đại học. Không chỉ là mối quan hệ “xanh” giữa con người với cộng đồng mà còn là xanh giữa con người với thiên nhiên và môi trường sống xung quanh. Vậy, tiếp cận này đang được áp dụng tại Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) như thế nào? Hãy cùng Zeen khám phá nhé!

Đại học UEH xanh – Green Campus

Nằm trong khuôn khổ quy định thực hành Đại học xanh UEH, việc tiếp cận Đại học xanh được định hướng và khuyến khích mỗi UEHer thực hành lối sống xanh, thân thiện với môi trường tại các cơ sở của nhà trường bằng những nhóm hành động cụ thể như:

  • Thực hành giảm thiểu việc xả thải;
  • Thực hành phân loại rác thải tại nguồn, tái chế hoặc tái sử dụng các vật liệu thải bỏ trở thành tài nguyên với mục đích sử dụng hữu ích khác;
  • Thực hành tiết kiệm tài nguyên gồm: điện, nước,…;
  • Thực hành tiết kiệm giấy in văn phòng, khuyến khích các hình thức số hóa;
  • Gia tăng tối đa việc vận động thể chất, khuyến khích sử dụng thang bộ trong khuôn viên các cơ sở;
  • Khuyến khích lựa chọn và sử dụng phương tiện giao thông công cộng, xe UEH Shuttle Bus để di chuyển đến các cơ sở của UEH.

Nguyên tắc thực hành 3R tại UEH

Trong quản lý rác thải, các vấn đề tác động môi trường quan trọng không chỉ đề cập đến việc xử lý và tiêu hủy rác thải an toàn mà còn là quản lý hệ thống phát sinh khí nhà kính. Các biện pháp 3R (Reduce – Reduce – Recycle) là những giải pháp hữu hiệu cho việc tạo ra rác thải và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên do sản xuất hàng loạt và tiêu dùng hàng loạt của hệ thống xã hội văn minh hiện nay. Nhận thức được điều đó, dự án UEH Green Campus đã áp dụng mô hình 3R vào việc quản lý rác thải. Trong đó: (1) Giảm thiểu (Reduce): cắt giảm lượng rác mỗi cá nhân tạo ra; (2) Tái sử dụng (Reuse): tìm ra phương án để tái sử dụng rác, không phải vứt bỏ; (3) Tái chế (Recycle): tìm ra phương án mới sử dụng rác để tạo ra những sản phẩm mới phục vụ cho cuộc sống.

Đây cũng là giải pháp về môi trường đang được nhiều quốc gia trên thế giới ứng dụng để bảo vệ và hạn chế sự ô nhiễm của môi trường.

Phân loại Rác thải tại nguồn

Theo thống kế của Worldbank, khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam nhưng trong số này, chỉ 1,28 triệu tấn (33%) được thu gom tái chế (CFR), 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ, dẫn đến mất 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 – 2,9 tỷ USD mỗi năm. Các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tái chế nhựa thấp ở Việt Nam có thể kể đến như giá trị của nhựa hiện nay vẫn chưa được đánh giá cao, hạn chế về chính sách và đầu tư,…và một trong những nguyên nhân chính còn là bất cập trong việc phân loại rác tại nguồn. Chính vì vậy, việc phân loại rác tại nguồn có tầm quan trọng rất lớn trong công tác quản lý rác, góp phần giảm thiểu các nguy cơ phát tán các tác nhân lây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phân loại rác tại nguồn là nhiệm vụ thiết thực mà mỗi công dân chúng ta nên thực hiện để chung tay bảo vệ môi trường.

Trạm thực hành xanh tại UEH (UEH Go Green Station)

Trạm thực hành xanh tại UEH (UEH Go Green Station): là khu vực thực hành phân loại trước khi thải bỏ theo quy định tại từng cơ sở. Có 2 mô hình phân loại rác tại UEH, tùy theo diện tích, đặc thù của cơ sở mà Trạm thực hành xanh sẽ được trang bị:

Mô hình phân loại 7 (gọi tắt: mô hình 7): mô hình yêu cầu thực hành bóc tách, phân loại theo 7 loại rác gồm: (1) chất lỏng, (2) thực phẩm thừa, (3) kim loại, (4) nhựa tái chế, (5) giấy, (6) hộp sữa và (7) rác thải còn lại. Dự kiến trong dài hạn, UEH sẽ áp dụng mô hình này tại tất cả cơ sở.

Mô hình phân loại 3 (gọi tắt: mô hình 3): mô hình phân loại phiên bản giản đơn gồm: (1) thực phẩm thừa, (2) rác thải tái chế, (3) rác thải còn lại. Mô hình được áp dụng tại một số cơ sở, khu vực có quy mô nhỏ.

“Time for go green” – đã đến lúc chúng ta cần thay đổi lối sống của bản thân, chung tay hành động, bảo vệ môi trường!

Tin, ảnh: Phòng Marketing – Truyền thông