[Podcast] UEH Zero Waste Campus: BỘ PHIM TÀI LIỆU “THE STORY OF PLASTIC” 

21 Tháng Mười Một, 2021

The Story of Plastic là một bộ phim tài liệu công chiếu lần đầu tiên tại Liên Hoan Phim California, Hoa Kỳ, thắng giải thưởng phim truyền hình Emmy và được phát triển bởi tổ chức Dự án Story of Stuff, nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức phi chính phủ, chuyên gia về kinh tế tuần hoàn, môi trường,…Ngày 24/10/2021, được sự cho phép của Đoàn làm phim và nhà tài trợ Break From Free Plastic, UEH đã phối hợp với Liên minh Không rác Việt Nam tổ chức buổi công chiếu bộ phim tài liệu The Story of Plastic, trong khuôn khổ giai đoạn 1 dự án UEH Zero Waste Campus (UEHZW) với thông điệp “Rethink & Be Green”. Bộ phim theo vòng đời của nhựa và được quay tại các địa điểm ở Hoa Kỳ, Philippines, Indonesia, Trung Quốc và Ấn Độ,…  Nội dung bộ phim được nhóm dự án UEHZW ghi chép lại nhằm lan tỏa nhiều hơn nhận thức và giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhựa toàn cầu đến cộng đồng UEHer.

Phơi bày thực trạng nhức nhối của rác thải nhựa hiện nay trên toàn cầu cùng với các vấn đến liên quan phía sau ô nhiễm nhựa cũng như sai lầm trong việc tái chế nhựa, không giống với các bộ phim tài liệu khác, The Story of Plastic trình bày các dữ kiện theo dòng thời gian dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa hiện nay và các hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch, xử lý nhựa. Bộ phim đề cập đến các trường hợp điển hình tại các bang của nước Mỹ như California, Houston, Texas… ngoài ra còn có Ấn Độ, Phillipin. The Story of Plastic là một bộ phim tài liệu giúp thay đổi quan niệm về những vấn đề môi trường cấp bách mà chúng ta đang phải đối mặt.

Xem thêm trailer bộ phim tại đây 

Vật liệu nhựa hay Rác thải nhựa?

Chúng ta thường chú ý đến nhựa khi chúng đã trở thành những thứ rác thải ra và gây ô  nhiễm cho môi trường. Nhưng không nhiều người đề cập đến câu chuyện nhựa đã bắt đầu như thế nào khi đi qua các giai đoạn khai thác, vận chuyển, sản xuất, phân phối, tiêu thụ, tiêu hủy.

Trang trại bò sữa ở quận Ghazipur, Block D, Ấn Độ nằm ngay cạnh bãi rác tiếp nhận chất thải từ gần một nửa dân số Delhi. Một nghiên cứu cho thấy, những người sinh sống và làm việc ở đây có tuổi thọ trung bình thấp hơn 15 đến 20 năm vì chịu ảnh hưởng từ bãi rác.

Theo thống kê, hơn một nửa tổng số nhựa đang tồn tại được sản xuất chỉ trong vòng 15 năm qua gần đây. Rác thải nhựa được cho rằng có thể tái chế nhưng thực tế hầu hết nhựa rất khó tái chế. Trong tất cả số lượng rác được thải ra có 32% lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường nước, đất; 40% được chôn lấp; 14% được vận chuyển đến các nhà máy để thiêu hủy; 14% còn lại được tái chế nhưng chỉ có 2% được tái chế hiệu quả thành một sản phẩm có mục đích sử dụng khác.

Hiện nay, nhựa đang được phân thành 83 loại. Tuy rằng nhựa rất hại cho môi trường nhưng không phủ nhận rằng nhựa có thể được sử dụng cho những sản phẩm công nghệ cao. Nhựa làm cho việc sản xuất, chế tạo, đóng gói, thành phẩm trở nên khả thi, tiện lợi hơn. Những sản phẩm tân tiến và thiết bị y tế cứu sống con người như các chi giả, các dụng cụ y tế, mũ bảo hiểm… đều có sự góp mặt của vật liệu nhựa.

Câu hỏi về Vật liệu nhựa hay Rác thải nhựa vẫn tiếp tục được đặt ra và đòi hỏi nhiều sự đánh đổi.

Làm thế nào để chúng ta thoát khỏi nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch? Câu hỏi nan giải mà các quốc gia đang phải đối mặt để tìm ra câu trả lời.  

Nhựa không chỉ gây ô nhiễm trong đại dương hay trên mặt đất. Nó còn gây ô nhiễm ngay ở nơi khai thác, sản xuất. Cụ thể là tại điểm khai thác và sản xuất nhựa tại Hoa Kỳ như Hạt Karnes, Bang Texas, những người dân xung quanh đã phải thay đổi cuộc sống rất nhiều, một số lớn cư dân phải phụ thuộc vào thuốc để sống qua ngày do chứng đau đầu kinh khủng, ảnh hưởng từ nơi khai thác, sản xuất.

Trong 10 năm gần đây từ 2010 đến 2020, Hoa Kỳ đã gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô, bắt đầu một cuộc chạy đua trong việc bán dầu, khí, và nguyên liệu nhựa toàn cầu. Mỹ đã xây dựng một hành lang hóa dầu hoàn toàn mới tại vùng thung lũng thượng lưu sông Ohio để vận chuyển chất lỏng khí tự nhiên đến một khu phức hợp công nghiệp. Thành phố Houston, Bang Texas là nơi có khu tổ hợp hóa dầu lớn nhất cả nước, tại đây, người ta có thể hình dung được nhựa như thế nào thông qua các giác quan như: nhìn thấy các khối vật chất nhựa, ngửi được mùi, cảm giác khi chạm vào. Trong hơn 86.000 hóa chất được công nhận ở Mỹ, chỉ có 187 chất hiện được quy định bởi Cục Bảo vệ Môi trường (EPA).

Các nhà máy lọc dầu và sản xuất nhựa ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống người dân xung quanh, những đứa trẻ lớn lên trong sự ô nhiễm nhựa, ô nhiễm không khí khiến họ mắc những bệnh như ung thư, bệnh bạch cầu, các bệnh về phổi… Ngày càng có nhiều nhà máy được thành lập song song với đó lượng nhựa cũng được sinh ra nhiều thêm. Một câu hỏi được đặt ra “Làm thế nào để chúng ta thoát khỏi nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch?” Đây là một câu hỏi nan giải mà các quốc gia đang phải đối mặt để tìm ra câu trả lời.

Thuyền trưởng của tàu nghiên cứu hải dương học, Ông Alguita chia sẻ: “Tôi chỉ có thể dùng từ đảo rác Bắc Thái Bình Dương, không có lúc nào ở trên boong tàu mà tôi không thấy một mẫu nhựa trôi ngang qua cứ mỗi năm phút”. Năm Quốc gia Đông Nam Á đang đổ rác ra đại dương nhiều nhất thế giới. Người ta dự báo rằng, tới năm 2050, sẽ có nhiều rác nhựa hơn cá ở trong các đại dương.

Hạt vi nhựa micro & nano plastic được tìm thấy trong thực phẩm, không khí và nước ngày càng phổ biến trên thế giới. Những báo cáo gần đây đã tìm thấy phần tử nhựa trong 83% mẫu nước sinh hoạt lấy tại vòi và trong 93% chai nước bằng nhựa ở trên thế giới.

Thực hành Không rác thải – Giải pháp đẩy lùi cuộc khủng hoảng nhựa

Manila, Philippines có những giải pháp đã được chứng minh tính hiệu quả, họ có các cộng đồng thí điểm hướng tới không rác thải (Zero Waste). Chỉ có một giải pháp cho việc quản lý rác, đó là thực hành không rác thải, đây thực sự là một phần của giải pháp, đảm bảo yếu tố kinh tế và môi trường. Tại San Fernando, đã có 78% tỉ lệ chuyển đổi rác tuy nhiên vẫn còn 22% mà họ chưa thể quản lý, mà không ai có thể quản lý. Chương trình Zero Waste sẽ giúp chúng ta xác định những sản phẩm nào nằm ngoài khả năng quản lý của cộng đồng.

Nếu chúng ta nghĩ rằng việc ngăn chặn rác sẽ triệt để sau khi tái chế được thực hiện, tuy nhiên tái chế không phải là tất cả, chúng ta cần giảm và tái sử dụng để giải quyết vấn đề rác thải nhựa (Áp dụng mô hình 3R Reduce – Reuse – Recycle). Để giải quyết vấn đề cơ bản việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải có một chính sách, đó là cách duy nhất bạn có thể thực hiện một cuộc chuyển đổi quy mô lớn để loại bỏ nhựa dùng một lần. Từ đó, Luật cắt giảm Túi nhựa ở California đã được thông qua, Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn Lệnh cấm nhựa dùng một lần để giảm thiểu nhựa sử dụng một lần. Bên cạnh đó, là những chương trình thu gom chai nhựa cũng rất thành công.

Cuộc khủng hoảng nhựa không bắt đầu khi nhựa đi vào đại dương, nó bắt đầu từ khi dầu và khí rời khỏi đầu giếng khoan và tiếp tục là vấn đề trong mỗi bước của quá trình này. Nếu chúng ta muốn chấm dứt nhựa, nếu chúng ta thực sự muốn đối mặt với cuộc khủng hoảng nhựa hãy đấu tranh để chấm dứt việc gián tiếp/ trực tiếp ủng hộ cho nhiên liệu hóa thạch. Khi đó các công ty đa ngành lớn sẽ phải điều chỉnh theo nhu cầu thị trường. Và khi đó thì cuộc khủng hoảng nhựa sẽ kết thúc.

Xem toàn bộ phim “The Story of Plastic” tại đây.

Tìm hiểu thêm kiến thức và thông tin dự án UEH Zero Waste Campus tại: Cẩm nang “Tôi công dân UEHer xanh” và Website dự án: https://zerowaste-campus.ueh.edu.vn/

Biên tập: Nhóm dự án UEHZW, Liên minh không rác thải.

Giọng đọc: ThS. Phạm Nguyễn Hoài – Viện ISCM.