[PODCAST] UEH ZERO WASTE CAMPUS: Thực hành không rác thải – Chúng ta đã thực sự hiểu?

4 Tháng Mười Hai, 2021

“Thực hành Không rác thải” là một lối sống bền vững nhằm bảo tồn tất cả các nguồn tài nguyên bằng cách sản xuất, tiêu thụ, tái sử dụng và thu hồi có trách nhiệm các sản phẩm, bao bì và vật liệu mà không cần đốt và không thải ra đất, nước hoặc không khí đe dọa môi trường hoặc sức khỏe con người. Không rác thải có nghĩa là không có cái gì gọi là Rác vì tất cả đều có thể trở thành tài nguyên nếu chúng ta biết xử lý đúng cách. “Thực hành không rác thải” được khởi xướng, ủng hộ, phát triển và trở thành xu thế hiện đại, bền vững của nhiều cá nhân, tổ chức và cộng đồng trên thế giới. Điều này được coi như là một trong những hoạt động đẩy lùi khủng hoảng rác thải, góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu. Để thực hành không rác thải, mỗi cá nhân, tổ chức có thể thực hiện mô hình 3R gồm: Reduce (Tiết giảm), Reuse (Tái sử dụng), Recycle (Tái chế) trong quản lý rác thải bền vững.

Hiểu biết chung về Rác thải

Rác, hay rác thải hay còn gọi chất thải chính là sản phẩm không mong đợi do hoạt động hằng ngày của con người. Rác thải có thể được chia thành nhiều loại như rác thải rắn, rác thải nhựa, rác thải y tế, rác thải nguy hại, rác thải đặc biệt… Hầu hết các loại rác đều có khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của cộng đồng.

Rác thải sẽ được thải bỏ một cách hợp pháp hoặc phi pháp. Hợp pháp nghĩa là rác thải sẽ được tái chế, sử dụng như nguồn nguyên liệu đầu vào trong sản xuất nông nghiệp và năng lượng, chôn lấp, đốt, hay xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường trước khi thải ra môi trường. Phi pháp nghĩa là rác thải được đổ ra môi trường một cách trực tiếp hoặc xả rác. Dù là hoạt động xả thải hợp pháp, thì nguy cơ ô nhiễm môi trường vẫn rất đáng báo động do những hạn chế trong quản lý và công nghệ.

Rác không phải là bỏ đi, rác có thể xem là tài nguyên nếu được xử lý đúng cách

Có nhiều định nghĩa và cách hiểu khác nhau về “không rác thải”, tuy nhiên các định nghĩa này đều có những điểm tương đồng. Năm 2018, Liên minh không rác quốc tế đã cập nhật định nghĩa “Không rác thải là một lối sống bền vững nhằm bảo tồn tất cả các nguồn tài nguyên bằng cách sản xuất, tiêu thụ, tái sử dụng và thu hồi có trách nhiệm các sản phẩm, bao bì và vật liệu mà không cần đốt và không thải ra đất, nước hoặc không khí đe dọa môi trường hoặc sức khỏe con người.” Một cách đơn giản, “không rác thải” có nghĩa là không có cái gì gọi là Rác vì tất cả đều có thể trở thành tài nguyên nếu chúng ta biết xử lý đúng cách.

“Thực hành không rác thải” hướng mọi người thay đổi lối sống và hành động của bản thân để hình thành nên một vòng tuần hoàn tự nhiên theo hướng bền vững, nơi hầu hết các vật liệu khi bị loại bỏ có thể trở thành tài nguyên cho mục đích sử dụng khác một cách hữu ích cho xã hội. Cụ thể là, thiết kế, quản lý các sản phẩm và quy trình để tránh, hạn chế khối lượng – tính độc hại của rác thải, bảo tồn và phục hồi tất cả các nguồn tài nguyên mà không đốt, chôn hoặc không xả thải phi pháp.

“Đại học Không rác thải” là đại học hướng mọi người thay đổi lối sống và hành động của bản thân để hình thành nên một vòng tuần hoàn tự nhiên theo hướng bền vững, nơi hầu hết các vật liệu khi bị loại bỏ có thể trở thành tài nguyên một cách hữu ích cho xã hội bằng việc áp dụng các hoạt động quản lý, xử lý rác thải đúng cách.

Mô hình 3R – thay đổi để tạo thói quen không rác

Mô hình 3R là một cách đơn giản để nhắc nhở chúng ta cách tạo ra sự thay đổi bền vững. Mô hình giúp chúng ta từng bước hình thành thói quen không rác thải mỗi ngày thông qua việc thực hành 3 bước gồm Reduce –  giảm, Reuse – Tái sử dụng, Recycle – Tái chế. Trong đó, Reduce và Reuse được xem là những hoạt động trọng tâm & nền tảng. Hoạt động Recycle – Tái chế phụ thuộc vào trình độ công nghệ, quản lý và tái chế có thể gây nên các tác động tiêu cực khác (side effects) như ô nhiễm không khí hay cạn kiệt nguồn nước. Việc áp dụng mô hình 3R vào quản lý chất thải bền vững tại UEH có thể tác động tích cực đến môi trường thải bằng cách giảm đáng kể lượng chất thải mà cộng đồng UEH tạo ra.

Tiết giảm – Reduce: Tiết giảm là hành vi, thói quen đầu tiên được khuyến khích trong mô hình 3R. Đây là hành vi khi chúng ta xác định không thể từ chối sử dụng sản phẩm đó thì cần giảm bớt. Chúng ta đang sống trong thời đại tiêu dùng liên tục, nên cần thường xuyên đặt câu hỏi sản phẩm này có nên mua hay không, bước tiết giảm này buộc chúng ta phải suy nghĩ về nhu cầu thực sự của chính mình. Thực hành tiết giảm giúp hướng đến lối sống tối giản. Một số thói quen tiết giảm tiêu biểu có thể thực hành như:

  • Ưu tiên dùng sách báo điện tử thay vì sách báo giấy;
  • Ưu tiên lựa chọn hàng hóa có bao bì thân thiện với môi trường như túi giấy hoặc bao bì tái chế;
  • Luôn luôn cân nhắc kỹ khi mua sắm, chỉ mua khi thực sự cần thiết;
  • Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm như snack, bánh, kẹo, mì ăn liền, trà sữa,… được đóng gói bằng bao bì nhựa dùng một lần;
  • Tự chuẩn bị đồ ăn sáng và đồ ăn trưa để hạn chế mua đồ ăn ngoài được đóng trong bao gói sử dụng một lần.

Tái sử dụng – Reuse: Thể hiện các hành động, hành vi, thói quen sử dụng lại sản phẩm. Bằng cách sáng tạo và tái sử dụng, các sản phẩm, đồ vật có thể được sử dụng lại và chúng sẽ có một vai trò mới, mục đích sử dụng mới nhưng tính năng của vật liệu không thay đổi. Nhờ đó mà, vòng đời của sản phẩm có thể được kéo dài hơn. Việc sử dụng lại sản phẩm là thuộc về sự sáng tạo, bởi mỗi người sẽ có lựa chọn khác nhau về mục đích sử dụng tiếp theo của sản phẩm. Ví dụ, một chiếc áo phông cũ có thể được biến thành một chiếc túi mua sắm. Một số thói quen tái sử dụng tiêu biểu có thể thực hành như:

  • Tái sử dụng ly, chén, bát, tô sành sứ mẻ để trang trí hoặc trồng cây;
  • Tái sử dụng mặt sau các các tờ giấy in một mặt;
  • May túi vải đi chợ từ quần áo hoặc khăn trải bàn cũ. Luôn để một vài chiếc túi vải trong cốp xe;
  • Sử dụng ly, bình nước nhiều lần để hứng nước. Luôn để chúng trong cốp xe hoặc trong cặp khi mua trà sữa, cafe, sinh tố, các loại nước mang đi;
  • Tái sử dụng tối đa các loại hộp, chai, túi đựng cho các sản phẩm vệ sinh cá nhân, chất tẩy rửa bằng cách tái làm đầy (refill) mỗi khi hết;
  • Phân loại Rác tại nguồn triệt để và chuyển đến địa điểm tái chế thích hợp.

Tái chế – Recycle: Là hành động biến chất thải trở thành một sản phẩm mới thông qua quá trình xử lý đúng cách. Những vật liệu có thể tái chế sẽ được thu thập, phân tách thành các nhóm khác nhau như chất thải hữu cơ (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả,…); nhóm chất thải có khả năng tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh,…) và nhóm chất thải còn lại. Đối với rác thải tiêu dùng tại hộ gia đình, người dùng có thể phân loại các chất thải thành các nhóm và tái chế thay vì trở thành chất thải rắn bỏ đi. Trong khi đó rác thải công nghiệp, khi  được tái chế, sử dụng lại thì có thể giúp công ty tiết kiệm chi phí năng lượng và những tác động khai thác lên môi trường. Tuy nhiên có một số vật liệu không thể tái chế bởi trong quá trình tái chế đòi hỏi công nghệ cao. Do đó, người tiêu dùng nên chọn vật liệu thân thiện với môi trường, có thể tái chế nếu họ không thể từ chối sản phẩm đó.

Việc thực hiện mô hình 3R có ý nghĩa không chỉ về môi trường mà còn có ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế và xã hội, là hành động thiết thực để mỗi cá nhân đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn. Để thực hiện thành công mô hình 3R phụ thuộc rất lớn vào ý thức của cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội.

Tìm hiểu thêm kiến thức và thông tin dự án UEH Zero Waste Campus tại Cẩm nang “Tôi công dân UEHer xanh” Website dự án:

 https://zerowaste-campus.ueh.edu.vn/.

Tổng hợp và biên tập: Phòng Marketing – Truyền Thông

Tư vấn chuyên môn: Viện Đô thị thông minh & quản lý

Viện Kinh tế môi trường Đông Nam Á

Giọng đọc: ThS. Phạm Nguyễn Hoài – Viện ISCM