UEH kết hợp cùng Liên minh không rác Việt Nam khởi động dự án Trường học Không rác (Zero Waste Campus)

16 Tháng Sáu, 2021

Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) phối hợp cùng Liên minh Không rác Việt Nam (Vietnam Zero Waste Alliance (VZWA)) triển khai Dự án Zero Waste Campus. Mục tiêu chính của dự án là xây dựng mô hình Trường học Không rác, áp dụng giải pháp Không rác trong quản lý rác thải trường học, ưu tiên việc Từ chối – Giảm thiểu – Tái sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, sản phẩm không cần thiết, hoặc không thể ủ phân hữu cơ, chương trình triển khai giai đoạn đầu từ tháng 4 đến hết tháng 10/2021 tại Cơ sở UEH – Nguyễn Văn Linh.

Khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu

Việt Nam và phần lớn các nước trên thế giới đang đối mặt với khủng hoảng rác thải. Thay vì giải quyết gốc rễ của vấn đề, các giải pháp xử lý chưa phù hợp (chôn lấp, đốt rác) đang góp phần làm ô nhiễm môi trường cũng như gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, các biện pháp xử lý này còn tồn tại khá phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, lượng chất thải nhựa gia tăng đến mức báo động, đặt ra áp lực lớn cho môi trường và xã hội. Theo số liệu thống kê, trong 8,3 tỉ tấn nhựa từng được sản xuất, chỉ có 9% nhựa được tái chế. Cứ mỗi phút lại có 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ và hàng năm có 5,000 tỷ túi nilon được sản xuất. Đáng chú ý, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa ra đại dương.

Năm 2020, nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa nói riêng và rác thải nói chung tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, các thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; tiếp tục đẩy mạnh và sớm triển khai Kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Mô hình Trường học không rác

Với quan niệm “chỉ tái chế thôi là chưa đủ”, đồng thời tái chế nhựa cũng đang gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người và môi trường, Liên minh Không rác Việt Nam (Vietnam Zero Waste Alliance (VZWA))* cho rằng “Thực hành không rác” là giải pháp mang tính bền vững nhất và tạo ra nền kinh tế tuần hoàn cho xã hội. Trong đó, Trường học đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người trẻ về việc bảo vệ môi trường. Đây là tiền đề cho ý tưởng thực hiện dự án UEH – Zero Waste Campus. Dự án nằm trong chiến lược xây dựng mô hình Không rác tại các cộng đồng, thí điểm tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh – Cơ sở Nguyễn Văn Linh với sự hợp tác, tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật từ Liên minh Không rác Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể của dự án là ít nhất 70% trên tổng số người được khảo sát sau dự án hiểu thế nào là Không rác; lượng rác thải nói chung đi đến bãi chôn lấp giảm khoảng 40%; lượng rác khó phân hủy (bao gồm nhựa sử dụng một lần, sản phẩm không cần thiết, không thể ủ phân hữu cơ) giảm khoảng 30%; rác hữu cơ được xử lý để trở thành phân vi sinh, rác tái chế được thu gom đưa đến cơ sở tái chế; giảm sử dụng các sản phẩm nhựa không cần thiết, sử dụng một lần hoặc không thể làm phân hữu cơ (compost).

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu hành động, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) và Liên minh Không rác Việt Nam đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU). Nội dung ký kết giữa hai bên hướng đến việc cùng thiết kế, tư vấn, lập kế hoạch dự án UEH – Zero Waste Campus, bao gồm việc xây dựng các biện pháp quản lý, giảm thiểu rác thải trong trường cùng các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức về vấn đề rác thải, áp dụng lối sống Không rác và biến rác thải thành tài nguyên.

TS. Bùi Quang Hùng – Phó Hiệu trưởng UEH chia sẻ: “Hướng đến mô hình “Green University”, Đại học Kinh tế TP.HCM đang tích cực hợp tác cùng Liên minh Không rác Việt Nam trong các hoạt động quản lý, giảm thiểu, biến rác thải thành tài nguyên; truyền thông và triển khai lộ trình xây dựng mô hình Trường học Không rác. Dự án kỳ vọng toàn thể viên chức, sinh viên và các bên liên quan tại Trường nâng cao được nhận thức về các vấn đề rác thải, hiểu và thực hành lối sống “Không rác”.

Theo đó, Liên minh không rác Việt Nam bước đầu đã khảo sát nhận thức sinh viên, đánh giá hiện trạng rác thải tại Cơ sở UEH – Nguyễn Văn Linh, và sẽ tiếp tục phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động cụ thể theo lộ trình của dự án.

Liên minh không rác Việt Nam tập huấn cho các tình nguyện viên quy trình kiểm toán rác

Các tình nguyện viên tập kết rác và tiến hành phân loại rác thải tại nguồn

Các tình nguyên viên đếm, cân, đo và ghi chép để xác định lượng, loại và nhãn hiệu của chất thải tại nguồn

Bà Bà Quách Thị Xuân, Điều phối viên Liên minh Không rác Việt Nam cho biết: “Dự án Zero Waste Campus đã đánh dấu bước ngoặt mới trong mối quan hệ hợp tác giữa UEH và Liên minh Không rác Việt Nam. Đây là chương trình “dài hơi”, có  ý nghĩa đặc biệt, nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực”.

Dự án giúp hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ sức khỏe cho sinh viên, viên chức trước tác hại của rác thải nhựa, đồng thời góp phần xây dựng Cơ sở UEH – Nguyễn Văn Linh theo hướng “Green Universty” – Trường học xanh, thân thiện với môi trường.

Vietnam Zero Waste Alliance (VZWA)* được thành lập từ tháng 10/2017, là một mạng lưới bao gồm các tổ chức và cá nhân, những người có cùng mối quan tâm trong việc áp dụng “thực hành không rác” (zero waste practices) để quản lý tốt hơn chất thải rắn (CTR), giảm RTN, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và BVMT. Đây là một cách tiếp cận toàn diện và tối ưu trong quản lý CTR , được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới do Liên minh không rác Quốc tế (International zero waste Alliance) thực hiện.

Cơ quan báo chí đưa tin:

  1. Báo Giáo dục thời đại: Khởi động dự án trường học không rác tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM
  2. Trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM: Trường Đại học Kinh tế TPHCM khởi động dự án trường học không rác
  3. Đài phát thanh VOH: Khởi động Dự án Trường học không rác

Tin, ảnh: Phòng Marketing – Truyền thông.