Vào ngày 8 tháng 5 năm 2025, tại Diễn đàn Đa bên lần thứ 10 về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (STI Forum) của Liên Hợp Quốc, các đại diện từ các trung tâm toàn cầu về SDG 11 đã tham gia phiên thảo luận với chủ đề “Tăng cường khả năng phục hồi đô thị – Tạo dựng Cộng đồng an toàn, vững mạnh hơn”. Phiên thảo luận này tập trung vào các chủ đề quan trọng, bao gồm ứng phó thảm họa, thích ứng với biến đổi khí hậu, hòa nhập xã hội và phát triển bền vững đô thị.
Img 7019Diễn đàn STI” là viết tắt của “Diễn đàn Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo vì các Mục tiêu Phát triển Bền vững” (Multi-stakeholder Forum on Science, Technology and Innovation for the Sustainable Development Goals). Đây là một diễn đàn toàn cầu được tổ chức hàng năm bởi Liên Hợp Quốc để thảo luận về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) trong Chương trình Nghị sự 2030.Side Events General

Diễn đàn Đa bên lần thứ 10 về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới

Source: Website UN

Đây là sự kiện đầu tiên UEH tham gia với vai trò Vice-Chair toàn cầu của SDG 11 – “Thành phố và Cộng đồng Bền vững”. Sự kiện có sự tham gia của các đại diện từ các trường đại học là thành viên của Hub SDG 11: Chủ tịch Đại học De Montfort (DMU), Vương quốc Anh; Phó Chủ tịch phụ trách Giảng dạy và Giáo dục: Đại học Cologne, Đức; Phó Chủ tịch phụ trách Nghiên cứu: Đại học Vale do Rio dos Sinos – Unisinos, Brazil; Phó Chủ tịch phụ trách Kết nối và Hợp tác: Đại học Kinh Tế Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Mở đầu phiên thảo luận, TS. Mark Charlton – đại diện từ DMU giới thiệu mục tiêu của chuỗi sự kiện, khẳng định tầm quan trọng của việc kết nối giữa các trung tâm học thuật toàn cầu trong thúc đẩy các giải pháp đô thị bền vững thông qua khoa học, công nghệ và giáo dục.

Đại diện từ Đại học Cologne (Đức), bao gồm hai diễn giả GS. Frauke Kraas và GS. Kirk W. Junker, đã trình bày cách thức trường tiếp cận SDG 11 thông qua mô hình nghiên cứu liên ngành. Tập trung vào việc ứng dụng công nghệ và dữ liệu lớn để phát triển các giải pháp quy hoạch đô thị bền vững, công bằng xã hội, và sử dụng dữ liệu đô thị để đưa ra các khuyến nghị chính sách. Một số dự án đáng chú ý của trường bao gồm phân tích dữ liệu đô thị để phát triển thành phố thông minh, triển khai mô hình học tập dựa trên cộng đồng cho sinh viên, và hợp tác với chính quyền địa phương để nâng cao chất lượng sống tại các đô thị đông dân.

Screenshot 2025 05 12 152804

Từ Đại học Unisinos (Brazil), hai diễn giả GS. Graziela Hoerbe Andrighetti và GS. Izabele Colusso đã chia sẻ dự án tiêu biểu mang tên “Unisinos Research and Commitment to Outreach: Climate Change, Disaster, Social and Academic Contribution to Regional Reconstruction”. Dự án này tập trung vào việc hỗ trợ các cộng đồng ven đô thông qua phát triển các “hubs cộng đồng”, nơi người dân và nhà nghiên cứu cùng nhau thiết kế các giải pháp cho nhà ở, môi trường và thích ứng với thiên tai. Unisinos nhấn mạnh rằng phát triển bền vững cần được thực hiện theo phương pháp từ dưới lên (bottom-up), với sự tham gia chủ động của cộng đồng địa phương.

Screenshot 2025 05 08 211954

Từ Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh (UEH), Đại diện Ban đề án Đại học bền vững,  PGS.TS. Trịnh Tú Anh đã trình bày các sáng kiến, dự án của UEH, đặc biệt nhấn mạnh yếu tố co-creation, đồng sáng tạo trong giáo dục: tích hợp công nghệ, quy hoạch và quản trị vào các chương trình đào tạo, khuyến khích sinh viên tham gia vào quá trình học tập và tạo ra những giải pháp mới; đồng sáng tạo trong nghiên cứu cùng thực hiện các dự án Living Lab thực nghiệm tại TP.HCM với sự tham gia của sinh viên, cộng đồng, và các dự án kết hợp cơ quan địa phương; đồng sáng tạo trong cộng đồng nhấn mạnh các hoạt động bao gồm nhiều bên liên quan cùng chia sẻ, trao đổi các kinh nghiệm trong hành trình phát triển bền vững.

Img 7005

Cuối cùng, TS. Amal Abuzeinab từ Đại học De Montfort (DMU), đơn vị chủ trì toàn cầu mạng lưới SDG 11, đã tổng kết phiên thảo luận bằng cách chia sẻ các dự án nghiên cứu đang triển khai tại thành phố Leicester, Anh. Các hoạt động nổi bật bao gồm thiết kế không gian công cộng bao trùm, phát triển hệ thống giao thông bền vững và chương trình “Universities as Living Labs”, biến các trường đại học thành mô hình thử nghiệm các giải pháp đô thị. TS. Abuzeinab cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục liên ngành trong việc hình thành các công dân có trách nhiệm trong bối cảnh biến đổi đô thị.

Screenshot 2025 05 08 214450

Với mục tiêu kết nối cộng đồng, chia sẻ tri thức, hành động vì sự phát triển bền vững, UEH cùng toàn thể các đại diện tham gia phiên thảo luận đều đồng tình rằng, để đạt được mục tiêu xây dựng các thành phố xanh, công bằng và bền vững, cần phải thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học và cộng đồng, đồng thời giải quyết những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, đô thị hóa nhanh chóng và khủng hoảng xã hội.

*Về chiến lược phát triển bền vững của UEH:

Chiến lược phát triển bền vững của UEH được triển khai toàn diện trên 5 trụ cột. Cụ thể:

Đào tạo: UEH duy trì việc học tập suốt đời và nền tảng huấn luyện Glocal thông qua các môn học, khóa học ngắn hạn và dài hạn cho các đối tượng khác nhau để đóng góp cho SDG 4 – Đảm bảo chất lượng giáo dục. Trang bị cho người học khả năng đưa ra những quyết định sáng suốt, cân bằng và toàn diện. Đồng thời, Nhà trường cũng chú trọng cung cấp những kiến thức nền tảng vững chắc về phát triển bền vững như một môn học bắt buộc của tất cả ngành học, giúp người học không chỉ hiểu mà còn có thể tạo nên thay đổi tích cực cho môi trường, xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững. Trong những năm qua, nhà trường đã mở mới 13 chương trình đào tạo đa ngành đáp ứng xu thế hiện đại và nhu cầu nhân lực cho thế hệ tương lai như: Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Truyền thông số và thiết kế đa phương tiện, Kế toán tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế, Công nghệ tài chính (Fintech), Công nghệ Marketing (Martech), Kinh doanh số (Digital business), Kỹ sư Robot và Trí tuệ nhân tạo (Robot & AI), Kỹ sư Công nghệ Logistic và chuỗi cung ứng (Logtech), An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, ArtTech, Điều khiển thông minh và tự động hóa. Gần 100 hoạt động giáo dục ngoại khóa, cuộc thi, tọa đàm, sự kiện có chủ đề liên quan đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, công nghệ xanh, kinh tế xanh, đại học xanh, kinh tế tuần hoàn, đô thị bền vững,… đã diễn ra.

Nghiên cứu: UEH đã có hơn 500 bài nghiên cứu của giảng viên, viên chức và hàng trăm bài nghiên cứu của sinh viên liên quan đến chủ đề lối sống xanh, kinh tế tuần hoàn,… đóng góp cho các SDG 7 – Năng lượng sạch với giá thành hợp lý, SDG 12 – Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm, SDG 13 – Hành động về khí hậu, SDG 14 – Tài nguyên và môi trường biển. 

Quản trị: Thực hiện nguyên tắc nhất quán “Dân chủ – Công khai – Công bằng”, mọi thành viên tại UEH đều bình đẳng, được bảo đảm quyền lợi, được tham gia thường xuyên vào việc ra quyết định, thực hiện các chính sách, hoạt động, chương trình. Bên cạnh đó, UEH tích hợp các hoạt động bền vững vào hoạt động quản trị trường học và xây dựng văn hóa xanh như một hoạt động thường ngày góp phần cho SDG 12 – Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm, SDG 15 – Tài nguyên và môi trường trên đất liền, SDG 16 – Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ. 

Vận hành: Trong quá trình vận hành khuôn viên xanh với dự án UEH Green Campus, đến nay 5 tấn rác thải chôn lấp đã được giảm thiểu nhờ vào việc áp dụng mô hình phân loại rác tại nguồn một các triệt để, góp phần gia tăng vòng đời rác thải và tiêu dùng có trách nhiệm theo SDG 12, 15. 

Kết nối cộng đồng: UEH không ngừng kết nối với các tổ chức, cộng đồng quan tâm đến lĩnh vực bền vững để cùng nhau chia sẻ, thảo luận nhằm giải quyết các thách thức về môi trường, trong đó phải kể đến diễn đàn Quốc tế Bền vững (IFS) đóng góp nhiều cho SDG 17 – Hợp tác để hiện thực hóa các mục tiêu.

Để duy trì và phát triển chiến lược đại học bền vững gắn với quốc tế hóa, hàng năm, UEH tiến hành tích hợp 17 SDGs vào mọi hành động của nhà trường. Theo đó, các tiêu chí của một Đại học bền vững từ 3 bảng xếp hạng liên quan gồm QS Sustainability, THE Impact, và UI Green Metrics được nhà trường tổng hợp, phân công tích hợp vào mục tiêu năm của từng đơn vị (OKRs). 

Xem thêm toàn bộ hành động của UEH để hiện thực hóa 17 SDGs tại website.

Tin, ảnh: Ban Đề án Đại học Bền vững