Báo Tuổi trẻ phối hợp cùng UEH tổ chức talkshow “Chắp cánh khởi nghiệp xanh”

10 Tháng Một, 2023

Từ ý tưởng đến một sản phẩm, giải pháp khởi nghiệp thành công trên thị trường là một hành trình dài và đầy thách thức, tuy nhiên nếu vượt qua được mọi trở ngại, cơ hội sẽ vô cùng rộng mở. Đó là góc nhìn của nhiều chuyên gia nổi tiếng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đưa ra tại talkshow “Chắp cánh khởi nghiệp xanh” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào sáng 15-11.

Với mục đích tạo sân chơi ý nghĩa và khích lệ tinh thần khởi nghiệp cho các bạn trẻ, các start-up trên cả nước, báo Tuổi Trẻ phối hợp với các đơn vị đồng hành là Công ty Hyundai Thành Công và công ty Xi măng INSEE Việt Nam, tổ chức cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp, mang tên “Chắp cánh khởi nghiệp xanh”. Cuộc thi ra đời với mong muốn nhận được những ý tưởng, câu chuyện khởi nghiệp xanh, bền vững của bạn đọc ở mọi lĩnh vực, góp phần mang đến một xã hội thân thiện với môi trường. Nhằm lan tỏa thông tin cuộc thi, các ý tưởng khởi nghiệp “xanh” đến các bạn trẻ, các bạn sinh viên, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức Talkshow “Chắp cánh khởi nghiệp xanh”.

Tham dự Talkshow, có Ban cố vấn chương trình “Chắp cánh Khởi nghiệp xanh” Tiến sĩ Nguyễn Quý Phương – Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Quốc tế QP Việt Nam, Đại diện Quỹ giải thưởng Quốc tế VinFuture (trực tuyến), Chị Lê Thị Tường Vy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh Niên Khởi nghiệp (BSSC), Chị Nguyễn Lâm Ngọc Bích – Đồng sáng lập Công ty Công nghệ Phenikaa MaaS, Thạc sĩ Vương Khiết, Giám đốc Vườn ươm, Viện đổi mới sáng tạo Đại học Kinh tế TP.HCM – UEH. Về phía đơn vị đồng hành, có Anh Bùi Anh Khoa – Trưởng phòng Truyền thông và Trách nhiệm Xã hội Công ty Xi măng INSEE. Về phía đơn vị tổ chức – báo Tuổi Trẻ, có Nhà báo Võ Hùng Thuật – Giám đốc Trung tâm DV-TT báo Tuổi Trẻ, Nhà báo Cát Khuê – Biên tập viên Tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Cùng các bạn đọc đã gửi bài tham dự cuộc thi Chắp cánh khởi nghiệp xanh và các bạn sinh viên của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh Talkshow

Đến với Talkshow, các bạn tham dự được trò chuyện, giao lưu với ban cố vấn cuộc thi, các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp, lắng nghe các chia sẻ của các mô hình khởi nghiệp thành công ở các lĩnh vực xanh. Đồng thời, Talkshow cũng giúp truyền động lực cho các bạn trẻ, bạn sinh viên, ươm mầm, phát triển ý tưởng khởi nghiệp và nâng cao tư duy kinh doanh.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Quý Phương – tổng giám đốc Công ty tư vấn QP Việt Nam, đại diện nhà sáng lập Giải thưởng quốc tế VinFuture – cho biết hiện nay, các hoạt động, sản xuất “xanh” đã trở thành “nghĩa vụ”, không phải là sự “lựa chọn”. “Khởi nghiệp gắn với kinh tế xanh cũng là tất yếu. Sẽ có rất nhiều thách thức trong khởi nghiệp xanh, nhưng nếu vượt qua được, cơ hội vô cùng rất rộng mở”, chị Phương chia sẻ.

Thạc sĩ Vương Khiết cho biết hiện có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, đặc biệt là khởi nghiệp xanh

Thạc sĩ Vương Khiết – giám đốc Vườn ươm, Viện đổi mới sáng tạo Trường đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) – cho biết môi trường đại học hiện ghi nhận rất nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên. Chẳng hạn tại UEH, Vườn ươm tổ chức nhiều cuộc thi, tập huấn, phổ biến kiến thức cho sinh viên về khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp xanh nói riêng. Mới đây, một cuộc thi cho sinh viên giải quyết một bài toán thực tế để tạo ra được những giải pháp số cho hiện tượng biến đổi khí hậu tại Việt Nam đã thu hút nhiều ý tưởng táo bạo của sinh viên.

Anh Bùi Anh Khoa cho biết Công ty INSEE luôn quan tâm đến sản xuất bền vững

Anh Bùi Anh Khoa – trưởng phòng truyền thông và trách nhiệm xã hội Công ty Xi măng INSEE – cho biết trong suốt nhiều năm qua, công ty rất quan tâm đến sản xuất bền vững và hỗ trợ những hoạt động khởi nghiệp xanh. Ngoài cuộc thi “Chắp cánh khởi nghiệp xanh” đang đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ, công ty triển khai thêm giải thưởng INSEE Prize nhằm tạo nền tảng cho các sinh viên có được kinh nghiệm trong mảng xây dựng bền vững. Trong những năm qua, cuộc thi ghi nhận hàng ngàn ý tưởng. Những người chiến thắng hằng năm được cấp vốn thực hiện dự án mơ ước của họ, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân địa phương ở những vùng khó khăn.

Bạn đọc Nguyễn Tấn Lộc chia sẻ quan điểm tại hội thảo

Bạn đọc Nguyễn Tấn Lộc – dự thi cuộc thi “Chắp cánh khởi nghiệp xanh” với tác phẩm “Tái chế bã cà phê” – cho biết anh là một người rất thường uống cà phê, tuy nhiên khi nhìn thấy các hàng quán vứt bỏ bã cà phê, anh rất tiếc. “Vì sao không có cách tận dụng bã cà phê này?”. Theo anh Lộc, hiện bã cà phê đã được chứng minh có thể sử dụng từ dược phẩm, mỹ phẩm đến thủ công mỹ nghệ. Hiện anh đang bắt đầu có một sản phẩm đầu tiên và đang trong quá trình hoàn thiện. “Các ý tưởng xanh sẽ bắt đầu từ những quan sát và trăn trở của bạn với xung quanh và mong muốn giúp ích môi trường. Các sinh viên trong hội trường ngày hôm nay hãy tự tin với những ý tưởng đang có dù là nhỏ nhất”, anh Lộc nói.

Chị Nguyễn Lâm Ngọc Bích – đồng sáng lập Công ty Công nghệ Phenikaa MaaS

Chị Nguyễn Lâm Ngọc Bích – đồng sáng lập Công ty Công nghệ Phenikaa MaaS – cho biết một trong những ý tưởng khởi nghiệp từ thời sinh viên của nhóm mình đến nay đã trở thành nền tảng với hơn 3 triệu người dùng chính là ứng dụng bản đồ xe buýt BusMap. Khi đó, từ ý tưởng đến thực tiễn còn nhiều khó khăn do chưa có nhiều cơ sở ươm tạo, trong khi quá trình chuyển đổi số còn quá mới mẻ. Tuy nhiên, chị Bích cho rằng niềm tin của mình là mong muốn nhiều người đi xe buýt để bảo vệ môi trường. Rào cản lúc ấy là người đi xe buýt chưa có hệ thống để tra cứu, muốn đi phải cầm bản đồ “mò” đường rất vất vả. Vậy là, ứng dụng BusMap ra đời. Theo chị Ngọc Bích, chữ “xanh” trong “khởi nghiệp xanh” và chữ “số” trong “chuyển đổi số” sẽ luôn gắn liền với nhau. Bởi lẽ khi có công nghệ số sẽ giúp cải tiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, từ đó góp phần “xanh” hóa môi trường.

Bạn đọc Đặng Dương Minh Hoàng và hành trình “đi thật xa để trở về”

Tương tự, bạn đọc Đặng Dương Minh Hoàng – dự thi cuộc thi “Chắp cánh khởi nghiệp xanh” với tác phẩm “Nông trại Thiên Nông” – đã dành nhiều năm bôn ba ở cả Việt Nam và Pháp để học hỏi những công nghệ, kỹ thuật mới trong ngành tự động hóa. Lúc cảm thấy đã đủ kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ, anh trở lại Bình Phước, khởi nghiệp nông nghiệp xanh trên chính mảnh đất quê của gia đình. Ngoài quá trình canh tác theo hướng tuần hoàn, anh áp dụng những hệ thống tra cứu thông tin cho từng cây, giúp cho bà con nông dân có thể quản lý vòng đời của cây bằng phần mềm. “Những công nghệ cơ giới và công nghệ số đã giúp phát triển hơn cho nông nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn và bền vững”, anh Hoàng nói.

Chị Lê Thị Tường Vy chia sẻ tại hội thảo

Chị Lê Thị Tường Vy – phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) – cho biết xu hướng khởi nghiệp xanh hiện đang hòa chung xu hướng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang rất mạnh mẽ tại TP.HCM. Theo nghiên cứu của quốc tế, TP.HCM tiếp tục thăng hạng lên vị trí 111 và đang tiến gần đến top 100 thành phố khởi nghiệp toàn cầu. Vai trò dẫn dắt của TP.HCM đã góp một phần quan trọng giúp Việt Nam tăng 5 bậc lên vị trí 54 so với năm 2021 trong Bảng xếp hạng hệ sinh thái start-up các quốc gia năm 2022. Trong bảng xếp hạng này, Việt Nam hiện xếp thứ 5 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (hạng 7 thế giới), Indonesia (hạng 38), Malaysia (hạng 42) và Thái Lan (hạng 53).

Với giá trị giải thưởng: 1 giải nhất trị giá 30 triệu đồng, 1 giải nhì trị giá 20 triệu đồng, 1 giải ba trị giá 10 triệu đồng, 5 giải khuyến khích trị giá 5 triệu đồng mỗi giải. Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do báo Tuổi Trẻ phối hợp với các đơn vị đồng hành đang tiếp tục tiếp nhận những ý tưởng khởi nghiệp từ các bạn trẻ ở nhiều lĩnh vực. Buổi talkshow đã diễn ra thành công tốt đẹp, khuyến khích các ý tưởng sáng tạo, độc đáo trong việc xây dựng các công trình xanh, mang lại nhiều giá trị, từ đó giúp giải quyết những vấn đề cấp bách, cần thiết của xã hội và tạo ra giá trị thực tiễn cho cộng đồng.

Tin, ảnh: Báo Tuổi trẻ, UEH