[Podcast] Những Tiếp Cận Mới Nhất Dành Cho Các Đại Học Bền Vững
12 Tháng Bảy, 2024
Hội nghị phát triển bền vững toàn cầu năm 2024 do Times Higher Education tổ chức vừa diễn ra trong tháng 6 tại Thái Lan. Sự kiện quy tụ các chuyên gia, tổ chức hàng đầu quan tâm và chia sẻ những góc nhìn mới đáng học hỏi trên hành trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hiệp quốc (SDGs).
5 cuộc khủng hoảng về bền vững trong thời đại của chúng ta
Mở đầu hội nghị, các vấn đề khẩn cấp toàn cầu tiếp tục được đặt ra, cùng lời kêu gọi cấp thiết về một cộng đồng cùng hành động.
Theo đó, chúng ta đã và đang phải đối mặt với 5 “cuộc khủng hoảng về bền vững của thời đại” trong mối quan hệ cân bằng giữa sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo tồn môi trường gồm: (1) lương thực, đất đai, nước và đại dương bền vững; (2) quá trình khử cacbon trong tiêu thụ năng lượng và ngành công nghiệp bền vững; (3) sự phát triển của các thành phố và cộng đồng bền vững; (4) giáo dục, giới tính và bất bình đẳng; (5) sức khỏe, hạnh phúc và nhân khẩu học.
Trước tình hình đó, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về vai trò của mỗi cá nhân, tổ chức, quốc gia, châu lục trong quá trình cùng hành động để đảm bảo một tương lai bền vững.
“Quá trình nhận thức các cuộc khủng hoảng về phát triển bền vững và nỗ lực giải quyết bằng cách gắn kết chiến lược của quốc gia, tổ chức theo 17 SDGs cần tư duy lạc quan và sự kiên nhẫn của những nhà lãnh đạo. Đây không phải là một hành trình đi vào ngõ cụt của sự phát triển” – Bà Supamas Isarabhakdi – Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới của Thái Lan nhấn mạnh trong Phiên khai mạc hội nghị với chủ đề “Hợp nhất giáo dục đại học, chính phủ, ngành công nghiệp và xã hội vì một tương lai bền vững”.
Tiếp cận mới của các đại học trong sự phát triển bền vững toàn cầu
Các chuyên gia nhận định: các cơ sở giáo dục đại học có 2 vai trò quan trọng để hỗ trợ sự bền vững toàn cầu. Một là, trung gian dẫn dắt các cuộc đối thoại dân chủ, công bằng và có văn hóa với các bên liên quan. Hai là, giáo dục tri thức bền vững, truyền cảm hứng, kiến tạo cộng đồng cùng chung ý chí, hướng đến thay đổi tư duy, hành động của những thế hệ sẽ làm chủ tương lai.
Để thực thi được 2 vai trò nói trên, nhiều cuộc thảo luận đã diễn ra, đóng góp, đúc kết sâu sắc cho các cơ sở giáo dục đại học và các bên liên quan trong quá trình chung tay giải quyết 5 cuộc khủng hoảng bền vững của thời đại.
* 5 yếu tố quan trọng trong mô hình đại học bền vững
Mô hình phát triển bền vững cho phép các đại học thấu hiểu và chuyển đổi 17 SDGs thành hành động, nhấn mạnh 5 yếu tố quan trọng: (1) môi trường học thuật khuyến khích đổi mới sáng tạo, (2) đồng kiến tạo kiến thức (co-production), (3) thực hành bền vững ngay chính tại khuôn viên, (4) trao quyền cho thế hệ trẻ và (5) quan hệ đối tác vì sự tiến bộ. Các yếu tố này góp phần định hướng phát triển Đào tạo, Nghiên cứu, Gắn kết cộng đồng, Vận hành các khuôn viên đại học và Quản trị.
* Đổi mới đào tạo, nghiên cứu dựa trên “đồng kiến tạo”
Trong mô hình này, “tri thức bền vững” trở thành điểm nối kết các bên liên quan song phương và đa phương thông qua cơ chế đồng kiến tạo (co-production/ co-creation) mà nhà trường đóng vai trò trung gian. Đó có thể là giữa nhà trường và người học, nhà trường và nhà nghiên cứu, nhà nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp, nhà trường và chính quyền địa phương.
Đầu ra của quá trình này là các lớp học về kiến thức phát triển bền vững nói chung hay từng lĩnh vực cụ thể như: biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, bình đẳng giới, sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, các chương trình nghị sự về “kỹ năng xanh” dành cho sinh viên, thế hệ trẻ, lần đầu tiên, được đặt ra dành cho nhà trường, doanh nghiệp tại hội nghị. Đó là những kỹ năng nghề nghiệp được rèn luyện gắn liền với sự hiểu biết về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, bình đẳng giới, sức khỏe cộng đồng nói trên.
* Trách nhiệm thúc đẩy học tập suốt đời (lifelong learning) để xây dựng lực lượng lao động bền vững không chỉ thuộc về nhà trường
Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, các tổ chức phải liên tục “tái thiết kế” mục đích, nội dung và cách thức cung cấp hoạt động giáo dục, huấn luyện, với đích đến là một lực lượng lao động bền vững.
Theo các chuyên gia, trách nhiệm thúc đẩy học tập suốt đời (lifelong learning) không chỉ thuộc về nhà trường mà còn ở doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Đối với nhà trường, các chương trình giảng dạy cần được phát triển để trang bị cho người học những kỹ năng và kiến thức toàn diện để lãnh đạo và ủng hộ sự phát triển bền vững. Đối với người sử dụng lao động, các hoạt động phát triển chuyên môn và xây dựng năng lực đội ngũ cần được đầu tư để thúc đẩy và phát triển các kỹ năng liên quan đến bền vững, bình đẳng giới và hòa nhập xã hội. Theo đó, tổ chức doanh nghiệp cần chuyển đổi góc nhìn “đầu tư vào đội ngũ” như một tài sản và khả năng học tập suốt đời là một yếu tố bền vững để kiến tạo giá trị cho tổ chức.
* Công nghệ, trí tuệ nhân tạo thúc đẩy các giải pháp phát triển bền vững
Để giải quyết các thách thức toàn cầu, cần có các giải pháp mang tính cách mạng, các chuyên gia đã nhấn mạnh vai trò của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong quá trình này. GS. Xi Chen – Chủ tịch, Trưởng khoa Nghiên cứu liên ngành tại Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông trong phiên chia sẻ đặc biệt về “Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu: Phát thải tiêu cực và sự phát triển các hệ thống năng lượng tiên tiến dựa trên AI” đã chia sẻ về một số tiến bộ đột phá gần đây trong thiết kế hệ thống và vật liệu do AI điều khiển có thể thúc đẩy đáng kể hiệu suất chuyển đổi năng lượng trong nỗ lực nhằm khép kín hơn nữa vòng lặp carbon thông qua việc thu giữ trực tiếp carbon dioxide trong không khí và chuyển đổi thành CO2 sử dụng.
Ở góc độ quản trị đại học, chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ tiên tiến tiếp tục được nhấn mạnh là nội lực quan trọng để các đại học định vị, thúc đẩy sự phát triển bền vững trên quy mô rộng.
Bên cạnh những quan điểm mới mẻ nói trên, hội nghị còn đề cập đến những giải pháp khả thi để giải quyết các khủng hoảng về bền vững, đặt vấn đề đối với các nhà quản lý đô thị trong quá trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển toàn cầu. Đơn vị tổ chức Times Higher Education – THE cũng có nhiều phiên chia sẻ về cách thức quản trị đại học bền vững nhằm gia tăng vị trí trên bảng xếp hạng THE Impact; quy trình, cơ chế và phương án thống kê, khai báo dữ liệu phục vụ bảng xếp hạng này.
Có thể thấy, các tiếp cận mới về phát triển bền vững từ Hội nghị phát triển bền vững toàn cầu năm 2024 không chỉ cung cấp những chia sẻ hữu ích mà còn gợi mở một tiếp cận đổi mới, toàn diện đối với Chiến lược UEH Đa ngành & Bền vững. Học hỏi và triển khai những tiếp cận này sẽ góp phần thúc đẩy một UEH tiên phong, không chỉ trong lĩnh vực học thuật mà còn trong việc dẫn dắt bền vững và thực thi trách nhiệm xã hội, trước hết tại Việt Nam.
Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem bản tin UEH Research Insights #117 tiếp theo.
Tin, ảnh: Ban đề án đại học bền vững, Phòng Marketing – Truyền thông
Nguồn thông tin: https://www.timeshighered-events.com/gsd-congress-2024/agenda
Hình ảnh thuộc Album hình ảnh của hội nghị: https://www.flickr.com/photos/timeshighered/albums/72177720317853087/